Giải đấu Dota 2 hàng đầu thế giới The International năm nay đã chứng kiến một sự kiện đáng kinh ngạc mà trước nay chưa từng có: Trí thông minh nhân tạo với tên gọi Open AI đã đánh bại con người trong tựa game do con người lập ra và thống trị từ trước đến nay.
Đối đầu với người chơi Dota 2 xuất sắc nhất thế giới - Dendi, Open AI đã chơi một trận kinh điển trên cơ hoàn toàn mà không hề có bất cứ sai sót nào. Ván đầu tiên, nó đánh bại Dendi sau gần 4 phút thi đấu, sang ván thứ 2, Dendi đã buộc phải đầu hàng khi cảm thấy không thể đương cự được, và anh từ chối đánh ván thứ 3 bởi biết rằng mình không thể thắng được.
Trận đấu của Dendi và Open AI
Sự kiện này một lần nữa làm chấn động thế giới bởi sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) trong việc đánh bại con người ở các trò chơi chiến thuật. Trước đó, trí thông minh nhân tạo AlphaGo của Google đã đánh bại Ke Jie và Lee Sedol, những kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới.
Thực tế, việc con người đối đầu với Máy (Bot) trong game vốn đã diễn ra từ lâu. Trước đến nay, tất cả các tựa game đều thiết lập để con người đối đầu với Máy. Chẳng hạn như trong các game MMO, người chơi hạ sát hàng triệu, hàng tỉ con quái (Mob) hoặc trùm (Boss) mỗi ngày. Những con này đều có một cơ chế tự hoạt động riêng, đối đầu với con người theo cách mà chúng được thiết lập, tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn là sự gục ngã của Máy trước con người.
Những con quái vật trong game sở hữu trí thông minh dạng sơ đẳng
Hay cụ thể hơn các game Esports như Dota 2 hay Liên Minh Huyền Thoại cũng có chế độ đánh với máy, trong đó các con Máy biết tính toán farm lính, mua đồ, lao lên tấn công hoặc lùi về khi hết máu. Chúng còn có khả năng né kỹ năng ở một mức độ nào đó.
Vậy tại sao người ta phải ngạc nhiên khi Open AI xuất hiện và đánh bại Dendi, tuyển thủ Dota 2 hàng đầu thế giới? Đơn giản là bởi vì Open AI siêu đẳng hơn rất nhiều so với những con Máy từng xuất hiện trong game từ trước đến nay. Nó, cũng như AlphaGo, có một khả năng mà các Máy khác không thể có, đó là khả năng tự học hỏi.
Open AI đã tự đánh với chính nó hàng nghìn trận trước khi đánh với các tuyển thủ chuyên nghiệp như Arteezy hay Dendi. Bằng cách đó, nó tự nghiệm ra những cách chơi mới để bổ sung vào những thứ nó đã được lập trình. AlphaGo cũng vậy, nó tự chơi và học hỏi về các nước đi trong cờ vây (cờ vây được cho là có số biến nhiều hơn cả số tinh tú trong vũ trụ mà con người nhìn thấy), bằng cách đó, mở rộng vốn kiến thức của chính nó. Thông qua việc học hỏi, các Máy đã lần lượt vượt qua con người trong khả năng tính toán chiến thuật.
Trí thông minh nhân tạo đã tự đánh với chính mình để tự học tập
Quay trở lại với những con Máy bình thường trong game mà chúng ta thường đối đầu. Nhiều người vẫn đồn đại về những con Trùm cực mạnh trong các game MMO đủ sức làm nản lòng người chơi, chẳng hạn như Lich King trong World of Warcraft, hay Pandemonium Warden trong Final Fantasy XI. Tuy nhiên thực tế những con Máy này có trí thông minh rất sơ đẳng, chúng được lập trình để tung kỹ năng, lao vào người chơi tấn công, và gần như chỉ có thế. Để tăng độ khó cho các con Máy, nhà sản xuất chỉ có thể thiết lập cho chúng trâu hơn, nhiều máu hơn, sức mạnh cao hơn, nhiều hình dạng hơn (như con Pandemonium Warden trong Final Fantasy XI có đến hơn 20 hình dạng khác nhau) nhằm tăng thử thách cho người chơi.
Dù có chỉ số mạnh đến đâu, những con Boss trong game cũng chỉ có các hành động giới hạn
Đó chính là lý do Open AI được đánh giá cao hơn về độ thông minh so với những con Máy khác trong game. Nó chỉ là một con Máy có sức mạnh ngang với nhân vật của người chơi, nhưng nhờ khả năng tự học hỏi, nó có thể đánh bại người chơi xuất sắc nhất với khả năng tính toán của mình.