Phụ Lục
Gameboy Advance (GBA) là hệ máy chơi game cầm tay vĩ đại nhất, nó đã tạo nên tuổi thơ của biết bao nhiêu game thủ. Là mảnh đất game màu mỡ với nhiều huyền thoại như Final Fantasy, Pokémon, Mario, Fire Emblem...
Thế nhưng bên cạnh những dòng game vẫn còn "tỏa sáng" tới tận năm 2017 này, có những tượng đài GBA bị lãng quên. Chúng là những tựa game vì một lý do nào đó mà không ra thêm phiên bản trên hệ máy khác, hoặc những phiên bản sau này không còn xuất sắc như đàn anh đi trước. Motgame sẽ cùng bạn điểm qua chúng.
Được sáng tạo bởi một nhóm các nhà làm game "ít tiếng" Nhật Bản, nhưng sự yêu quý của người hâm mộ đã giúp Mother 3 được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh không chính thức. Mặc dù ở Việt Nam có rất ít người biết tới tựa game này, nhưng đã biết đến nó thì chắc hẳn bạn là một fan "cứng cựa" của Nintendo, cũng như GBA. Bởi lẽ, Mother 3 là một trong số ít những tựa game được ghi nhận là có khả năng làm cho người chơi đổ lệ, qua câu truyện cảm động về tình cảm gia đình.
Một ngày nọ, trong ngôi nhà của một đôi vợ chồng và hai người con trai ở giữa rừng sâu. Người mẹ bị sát hại bởi một sinh vật quái lạ. Cậu con trai út Claus quyết định bỏ nhà đi trả thù cho mẹ, tìm giết con quái vật đó. Thấy con trai và vợ bỏ mình mà đi, người cha tên Flint mỗi ngày đều lên rừng tìm kiếm con mình rồi trở về trong vô vọng. Flint cũng muốn bỏ đi biệt xứ, nhưng ông ấy phải ở lại để chăm lo cho người con còn lại tên Lucas. Lucas lúc này vì bi kịch của người mẹ, sự bỏ đi của anh trai mà lớn lên trong cô độc, tự kỷ.
Không chỉ xuất sắc trong cốt truyện đầy bi kịch mà lại "ngọt ngạo tình yêu của mẹ", cùng những tình tiết đảo lộn cốt truyện (plot twist) 360 độ rất khó lường. Mother 3 còn sở hữu một lối chơi nhập vai theo lượt không thua kém bất cứ một RPG nào khác trên GBA như Pokemon, Final Fantasy hay Golden Sun... Dù Mother 3 chưa bao giờ có phiên bản quốc tế kể từ năm 2006 đến nay, nhưng game đã được fan dịch lại thành tiếng anh để bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm. Mother 3 là phiên bản cuối cùng của dòng game, kết thúc hành trình đầy màu nhiệm của nó trên hệ máy GBA.
Năm 2016 là sự trỗi dậy của tựa game nông trại Stardew Valley. Thực ra game này lấy trọn cảm ứng từ Harvest Moon - dòng game cho tới nay vẫn ra phiên bản mới, nhưng vì thay đổi nhà sản xuất mà đã không còn giữ được chất lượng tuyệt hảo như năm xưa. Phiên bản Harvest Moon trên GBA chính là phần game tuyệt vời nhất, mang tên Harvest Moon: Friends of Mineral town (nhân vật nam) hoặc Harvest Moon: More friends of Mineral town (nhân vật nữ).
Nói là game nông trại, nhưng game Harvest Moon trên GBA không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, hái lượm, kiếm tiền mà thôi. Thực sự nó là một game giả lập hoàn hảo về cuộc sống của người nông dân, có lồng ghép vào những yếu tố siêu nhiên, những tình tiết hấp dẫn để người chơi cảm nhận được cuộc sống làm nông này còn hạnh phúc hơn bất cứ nghề nghiệp nào.
Bạn sẽ phải học cách phân bố chi ly quỹ thời gian sinh hoạt ít ỏi của một người nông dân, hàng ngày ngủ dậy lúc 6 giờ, vội vàng làm nông, thu hoạch, chăm gia súc, hái hoa, chặt củi... rồi mang sản vật của mình đi bán, đi tặng cho dân làng, hoặc thậm chí là... đi tán gái. Chiều về lại đi đào khoáng, câu cá tới mệt nhoài, mệt nhoài thì đi tắm nước nóng xả hơi vào buổi tối. Và mỗi ngày cữ lặp đi lặp lại như thế, cho đến khi... bạn có tiền.
Có tiền rồi bạn có thể thuê... 7 chú lùn (nghĩa đen) đến làm công trong nông trại diệu kỳ của mình. Bạn cũng có thể khảm vàng, kim cương, "kim loại bị nguyền rủa" vào nông cụ để tăng năng suất trồng trọt. Khi làm nông đã không còn là vấn đề khó khăn, người chơi sẽ được trải nghiệm một cuộc sống tuyệt vời của một "đại gia" với những việc như cưới vợ, đẻ con, đua ngựa, chọi gà, nấu ăn, "masterchef", triệu hồi thần linh, cưới cả thần linh, mua nhà, xây chuồng...
Gần như mọi khả năng, mọi hoạt động bạn có thể làm được trong cuộc đời người nông dân, đều được nhà phát triển nghĩ tới và lồng ghép vào Harvest Moon trên GBA, khiến nó trở thành một sản phẩm game nông trại không thể thay thế được trong lòng người hâm mộ. Dù cho bao nhiêu năm qua đi và bao nhiêu tựa game đi sau đã cố truyền tải lại trải nghiệm này, nhưng không thể!
Do "ăn theo" bộ truyện nổi tiếng cùng tên, nên Dragon Ball là một dòng game lớn với đa số phiên bản. Tuy nhiên, những bản game Dragon Ball ngày xưa thường được thiết kế theo dạng đi cảnh 2D hoặc đối kháng 2D, điều mà các bản Dragon Ball đi theo phong cách chiến đấu 3D ngày nay không thể có được nữa. Nổi bật trong số đó là Dragon Ball: Advanced Adventure, một trong những bản game cổ điển lưu lại nhiều ký ức cho game thủ nhất.
Dragon Ball: Advanced Adventure là một tổ hợp giữa dòng game đi cảnh 2D với chất lượng màn chơi được thiết kế vô cùng thông minh, thú vị và nhiều bí mật không thua gì Megaman, kết hợp với dạng game đối kháng song đấu. Điều này khiến cho Dragon Ball: Advanced Adventure có khả năng cuốn hút mãnh liệt và giá trị chơi lại lâu dài. Một số fan còn cho rằng đây là phiên bản hay nhất của dòng game Dragon Ball.
Vừa rồi là những game GBA có chất lượng tuyệt hảo, nhưng từ lâu đã không còn nhiều người chơi. Nếu bạn còn biết những tượng đài GBA bị lãng quên nào khác thì hãy chia sẻ cho Motgame biết nhé!