Phụ Lục
Trong những ngày gần đây, game thủ thế giới đang xôn xao với thông tin Apex Legends, tựa game Battle Royale của Respawn Entertainment quyết định dùng biện pháp mạnh với kẻ gian lận. Không chỉ bị khóa tài khoản vĩnh viễn, những kẻ dùng các loại phần mềm hack, cheat trong Apex Legends còn phải đối mặt với vấn đề mới: Hardware ID ban, hay “ban phần cứng” - cấm một máy tính đăng nhập vào game dựa trên phần cứng của cỗ máy đó.
Với biện pháp của Respawn, tất cả các tài khoản có liên quan đến máy tính có phần cứng bị ban cũng sẽ bị xóa sổ trong vòng 30 phút. Ban phần cứng là một giải pháp gây tranh cãi, và rất ít tựa game dám sử dụng. Nó gần như cấm tiệt kẻ gian sử dụng máy tính cũ để đăng nhập vào trò chơi, và chúng sẽ cần đến một PC mới để trở lại với game (và có lẽ sẽ tiếp tục hack). Nhân dịp này, Mọt cũng muốn nói thêm đôi chút về chuyện ngăn chặn kẻ gian trong game bằng các giải pháp cấm cản từ khóa acc đến ban phần cứng.
Việc apex legends ban phần cứng dựa trên một kỹ thuật không có gì mới mẻ: các linh kiện trong máy tính như CPU, GPU, bo mạch chủ, RAM… và cả hệ điều hành Windows đều có những con số nhận diện (ID) được nhà sản xuất gán sẵn. Đó chính là nhận diện phần cứng (HWID), và giờ được Respawn sử dụng để ngăn chặn kẻ gian đăng nhập lại vào game với tài khoản mới trên cùng máy tính sau khi tài khoản cũ đã bị khóa. Mọt không rõ Respawn ban phần cứng dựa trên ID của linh kiện nào, nhưng thông thường nhà phát triển sẽ dựa trên bo mạch chủ vì đây là linh kiện nền tảng của cả bộ máy.
Vì vậy, dĩ nhiên là giải pháp ban phần cứng này cũng không phải 100% triệt để, bởi những kẻ dư tiền, thiếu đạo đức hoàn toàn có thể bán PC cũ và mua một dàn máy mới, tạo tài khoản mới để tiếp tục hack. Cũng có một số trường hợp hiếm hoi các nhà sản xuất không đưa HWID vào linh kiện của mình. Ngoài ra, còn có một số phương pháp “phù phép” thay đổi HWID để qua mặt giải pháp ban phần cứng của Respawn. Tuy nhiên đây là một tiến trình phức tạp, rối rắm và nếu kẻ gian muốn thử sử dụng các phần mềm “đổi HWID miễn phí” trôi nổi trên mạng, khả năng rất cao là chúng sẽ lãnh đủ hàng tá virus vào bộ PC của mình.
Nhược điểm của cách ban phần cứng theo HWID này là những án oan sai. Tại Việt Nam, dù các tiệm net thường được cài các phần mềm bảo mật, không cho phép khách “táy máy” với phần mềm, nhưng nếu chẳng may máy bị kẻ xấu dùng để chơi cheat, cỗ máy đó có thể bị Respawn ban phần cứng và vĩnh viễn không thể đăng nhập vào Apex Legends được nữa. Tầm… chục lần như thế này là các chủ tiệm net sẽ phải khóc ròng. Hoặc trường hợp nhiều người cùng chơi trên một máy, ông em trẻ trâu hack khiến máy bị ban phần cứng thì ông anh cũng sẽ lãnh đủ!
Ngoài ra, cũng không thể không kể đến tình trạng “trên có chính sách, dưới có đối sách” – kẻ gian có thể tạo ra phần mềm chuyên đổi HWID và bán cho những kẻ chơi cheat trong Apex Legends. Có thể giá của nó sẽ rất cao, nhưng một khi đã máu ăn gian thì còn lo gì mấy chục đô lẻ?
Đây là một giải pháp rất thường được nhắc đến, bởi nó tỏ ra mạnh tay hơn ban acc và nhẹ tay hơn ban phần cứng. Phong trào “IP Lock China” mà game thủ thế giới có thể thấy trên PUBG, Atlas, Fortnite hay bất kỳ tựa game online nào khác dựa trên chính việc ban IP này.
Tuy nhiên cũng như ban tài khoản, ban IP chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa” bởi bất kỳ ai biết chút đỉnh về mạng đều chẳng xem nó… ra kí lô nào. Ban IP đơn thuần chỉ là chặn kết nối từ địa chỉ IP của máy tính, và 5 giây Google sẽ chỉ cho bạn cách vượt qua việc ban IP. Game thủ Việt Nam và thế giới đã biết đến những giải pháp này từ lâu để “vượt rào” chơi game nước ngoài, chẳng hạn Mọt tui chơi lậu Vindictus server Mẽo từ 7 năm trước.
Làm thế nào để tránh việc bị ban IP trong một tựa game online? Không phải Mọt vẽ đường cho hươu chạy, vì cách vượt rào IP quá mức đơn giản. Tại Việt Nam, bạn chỉ việc reset router mạng để nhận một IP mới. Game thủ ở những nước dùng IP tĩnh không tự đổi IP bằng cách này được, nhưng họ có thể gọi đến nhà mạng yêu cầu đổi IP. Những phần mềm mạng riêng ảo (VPN) hay proxy miễn phí đầy trên internet cũng có thể giúp game thủ ngụy trang địa chỉ IP thật bất kỳ lúc nào chỉ bằng một vài bước đơn giản.
Cũng như ban phần cứng, ban IP cũng có thể ảnh hưởng đến người vô tội, chẳng hạn IP của tiệm net, ký túc xá hay gia đình… nhưng do có thể dễ dàng vượt qua bằng những giải pháp trên, chẳng mấy nhà phát triển dùng biện pháp này để chặn kẻ gian đăng nhập.
Trò này “xưa như trái đất” và chỉ có khả năng uy hiếp những game thủ nghèo như Mọt, và hoàn toàn vô dụng với những ai chơi cheat “xịn” thu phí tháng. Mà nó cũng vô dụng với một tựa game miễn phí như Apex Legends - đến thu phí 30$ như PUBG còn bị hack banh xác nữa là miễn phí. Game thủ chúng ta đã biết rõ về ưu khuyết của giải pháp này, nên Mọt tui sẽ không phí lời làm chi.
Như Mọt từng nói trong một bài viết trước đây, đã chơi game online thì đành phải chấp nhận sống chung với hack. Biện pháp mạnh mà Respawn áp dụng với Apex Legends chắc chắn sẽ khiến rất nhiều kẻ gian chùn tay hoặc không thể trở lại với game sau khi cỗ PC của chúng bị cấm cửa, nhưng không nhiều thì ít, những kẻ gian lận sẽ vẫn tồn tại và tìm đường trở lại với game.