Phụ Lục
Chỉ một tháng sau ngày phát hành, Apex Legends của Respawn Entertainment đã đạt đến cột mốc 50 triệu game thủ. Thông tin này được chia sẻ trên Twitter chính thức của trò chơi, ngay trong thời điểm mà game thủ khắp thế giới đang phàn nàn về vấn nạn hack trong game. Cuộc chiến chống hack trong Apex Legends đã được Respawn khởi đầu từ lâu, khi khoảng 2 tuần trước đây, nhà phát triển này công bố mình đã “đá đít” 16.000 kẻ gian – một phần rất nhỏ so với số lượng hơn 25 triệu game thủ của trò chơi vào thời điểm đó.
Và điều này nhắc lại với Mọt một sự thật đáng buồn. Hack trong Apex Legends hay trong bất kỳ một tựa game nào khác cũng chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Apex Legends không phải là tựa game bắn súng đầu tiên, và càng không phải tựa game cuối cùng đang chứng kiến một làn sóng những kẻ xấu muốn dùng các phần mềm gian lận để giành lợi thế cho mình. Đột Kích có hack. PUBG có hack. Fortnite có hack. Apex Legends có hack. Không một ngoại lệ. Từ hack map, hack xuyên tường, aim hack, speed hack, hack bất tử… nếu một điều gì đó có thể đem lại cho kẻ gian lợi thế so với người chơi bình thường, bạn có thể tin chắc rằng nó tồn tại đâu đó trong thế giới online.
Các nhà phát triển chắc chắn không muốn những phần mềm gian lận tồn tại trong tựa game của mình, bởi đó là thứ sẽ góp phần gia tốc sự suy tàn của một trò chơi. Càng nhiều hack, game thủ chân chính – những người bỏ tiền nuôi game – sẽ càng chán nản, và một ngày nào đó họ sẽ ra đi. Nhưng mặc cho mọi nỗ lực của các nhà phát triển và phát hành game bắn súng, họ chẳng bao giờ có thể là kẻ đi trước trong cuộc đua với các phần mềm gian lận, bởi họ luôn phải bị động phòng thủ. Từ nhà phát hành lớn sở hữu studio riêng ở nước ngoài đến công ty nhỏ của Việt Nam mua game từ Trung Quốc, từ game indie đến AAA kinh phí hàng chục triệu USD, không một tựa game nào có thể tránh khỏi hack, và các nhà phát triển chỉ có thể cố gắng hạn chế tối đa thiệt hại mà những kẻ gian tạo ra cho trò chơi và các game thủ chân chính của mình.
Chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng hack là một điều không tốt đẹp, nhưng lại quá đỗi bình thường trong làng game, bởi ở Việt Nam có streamer nọ hack trên sóng và được tung hô, còn ở nước ngoài ngay cả game thủ chuyên nghiệp cũng hack trong giải đấu. Phần nào đó trong Mọt đã cảm thấy "chai" trước thực trạng này, và phần còn lại phẫn nộ nhưng bất lực và chỉ biết nhờ cậy vào những công cụ report trong game.
Với một tựa game như Apex Legends (và tất cả những game bắn súng khác), hack đem lại cho kẻ gian ưu thế tuyệt đối về độ chính xác và khả năng phản xạ. Trong khi người chơi bình thường có thể cần một, hai giây để bắn hạ đối thủ bởi họ phải nhìn thấy mục tiêu, xử lý thông tin, rê chuột và ấn phím, một phần mềm gian lận có thể thực hiện tất cả những công đoạn này chỉ trong một phần rất nhỏ của giây tùy thuộc vào tick rate của server, một khoảng cách mà những game thủ bình thường không thể vượt qua được. Vậy nên khi game thủ bình thường sẵn sàng chịu rủi ro mất tài khoản vì vài loot box, game thủ chuyên nghiệp cũng tìm đến hack khi có những phần thưởng hàng chục ngàn USD lơ lửng trước mặt mình.
Video nghi ngờ K0nfig, một game thủ CSGO chuyên nghiệp sử dụng hack.
Rất nhiều giải đấu FPS cho những tựa game như Counter-Strike, Sudden Attack (từng được phát hành tại Việt Nam với tên gọi Biệt Đội Thần Tốc), PUBG,… đều từng vướng phải tệ nạn này. Ngoài Forsaken đã được nhắc đến bên trên, Mọt còn có thể nhớ ngay đến K0nfig (Team Dignitas) hay Flusha (Fnatic) bị nghi dùng hack trong CSGO, hay trường hợp một game thủ nọ bị nghi ngờ tích hợp hack vào driver chuột khiến sau đó các nhà tổ chức luôn kiểm tra driver chuột của game thủ. Tại vòng loại Mỹ của IEM Oakland, một game thủ có nick Miccoy đã có biểu hiện rất đáng ngờ như bạn có thể thấy trong video bên dưới:
Video quay lại từ observer cho thấy sự đáng ngờ của Miccoy
Sự tồn tại của hack xói mòn lòng tin của tất cả mọi người, đến mức cả “thánh” Shroud cũng từng bị nghi ngờ là dùng hack trong một buổi stream. Hay một trường hợp khác là Geguri, một nữ game thủ chuyên nghiệp đã bị nghi ngờ là hack trong một trận đấu thuộc khuôn khổ Overwatch Nexus Cup. Mặc cho Blizzard đã đứng ra đảm bảo rằng không có gì cho thấy cô gian lận, những lời chỉ trích cay độc từ game thủ Overwatch đã khiến Geguri phải đến đài truyền hình Inven (Hàn Quốc) để thể hiện khả năng của bản thân. Những tưởng thế là xong, nhưng không - rất nhiều người vẫn dành cho cô những lời lẽ không hay thậm chí sau khi cô đã chứng minh mình trên sóng trực tiếp.
Không phải một giải đấu eSports nào cũng có thể tổ chức “offline”, nơi công tác chống gian lận có thể được làm rốt ráo và kỹ lưỡng nên rất khó để có thể chứng minh liệu một game thủ chuyên nghiệp dùng hack hay không trong những giải đấu như thế này. Và không phải ai cũng có thể đáp trả những thông tin tiêu cực về mình như Geguri từng làm – cô mạnh mẽ đối mặt với những lời chỉ trích và thành công trong việc chứng minh bản thân, nhưng vẫn có những kẻ “bịt tai trộm chuông” không ngừng mắng nhiếc. Ngay cả khi một game thủ thực sự có tài năng và không dùng hack, áp lực từ những lời chỉ trích của các fan cũng có thể khiến họ suy sụp và mất phong độ trong những trận thi đấu của mình, càng tạo cơ hội cho miệng đời gièm pha và chỉ trích, phá hỏng sự nghiệp của họ và để lại tiếng xấu lâu dài cho tương lai.
Vì vậy, việc chống hack là công việc của các nhà phát triển, đảm bảo công bằng cho eSports là việc của các nhà tổ chức giải đấu, nhưng những game thủ bình thường như Mọt và các bạn cũng có vai trò không thể bỏ qua. Khi bạn và tôi khởi đầu một trận đấu mới trong bất kỳ một tựa game mang tính đối kháng nào, dù là MOBA hay Battle Royale, bắn súng hay chiến thuật, hãy đảm bảo rằng bản thân sẽ chơi công bằng, chơi đẹp bởi đó là cách tốt nhất để trò chơi mà chúng ta yêu thích được tồn tại lâu dài. Đừng “lấy hack trị hack” - hãy dành một chút lòng tin cho nhà phát triển, những con người đã bỏ ra hàng ngàn giờ để cố gắng giữ cân bằng cho trò chơi. Có thể họ làm sai hoặc chưa hoàn hảo, nhưng Mọt tin họ luôn muốn giữ trò chơi của mình nguyên vẹn sức hấp dẫn cho tất cả chúng ta.