Thật đau lòng thay khi bạn trải qua một số giai đoạn phát triển của làng game thế giới từ thủa còn “thiên hạ thái bình” cho đến thời buổi nhiễu nhương như ngày hôm nay. Điều gì đã khiến một EA đáng nể của ngày xưa trở thành con quỷ hút máu lọc lừa tráo trở như vụ Star Wars Battlefront II vừa qua và mới đây nữa là Bungie với Destiny 2?
Các nhà phát hành lớn như Bungie của Destiny 2 cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng không phải ai cũng bẩn tính vô liêm sỉ như EA.
Nếu xét dọc theo lịch sử phát triển của việc kinh doanh game, bạn sẽ thấy ngay đó chỉ là 2 chữ “kim tiền”!
Thời nghèo khó mà vui
Trước khi những khái niệm “tân thời” như DLC, Loot box, Microtransaction xuất hiện, làng game đã có những ngày thái bình với cuộc sống đơn giản mà vui vẻ. Mỗi hãng game đầu tư trí tuệ, đam mê và sáng tạo của mình làm một sản phẩm và bán đứt với một giá nhất định cho người chơi. Game thủ sẽ không phải trả thêm xu nào cho phần game mình mua đó.
Bản mở rộng Lord of Destruction của Diablo 2 bao gồm Act V, 2 nhân vật mới đước bán trong 1 gói
Nếu một game được yêu thích cao, nhà sản xuất sẽ lên kế hoạch làm “cơm thêm”, tùy quy mô nó có thể là một bản mở rộng bán riêng hoặc thậm chí là phần kế tiếp. Và cũng như trước, chỉ cần bỏ tiền mua cái “rẹt” mang về chơi không cần bận tâm trả thêm xu nào cho cái phần mình mua nữa.
Tất cả mọi thứ đều gom vào một gói lớn
Thời đó game hay khá ít do làng game chưa quá rộng, người chơi tiếc từng phút chơi game và họ làm mọi cách để từng phút trong game là xứng đáng. Đơn giản bởi vì sẽ chờ khá lâu để có một game hay khác ra mắt và cũng bởi vì túi tiền của game thủ cũng chỉ đủ mua vài ba game mỗi năm.
Thời đại download sinh ra DLC
Trước đây, làng game mua bán game hoàn toàn bằng retail box (hộp đĩa và các phụ kiện đóng trong 1 gói bán ngoài cửa hàng) do internet chưa phát triển. Vào thời bùng nổ internet, khái niệm mua game phiên bản digital download ra đời.
Có một thời game hoàn toàn được bán lẻ theo hộp ngoài cửa hàng như đồ chơi
Người chơi lúc này có thể trả tiền mua game và download bản cài qua mạng thay vì mua gói retail đĩa cài. Chi phí được tối ưu do không tốn tiền in đĩa, dập hộp và vận chuyển sản phẩm đi bán ở các cửa hàng. Các hãng game lần lượt định hướng người dùng vào việc tải game hơn là mua hộp, trừ những bản sưu tập (collector edition) kèm những quà tặng đặc biệt vẫn cần phải bán lẻ bằng retail box.
Ngày nay Collector Box vẫn phải bán theo dạng retail vì những món quà đi kèm
Internet phát triển rộng và trong khoảng 5 năm sau đó gần như digital download đã thay thế retail box ở phiên bản game cơ bản (bản cài game không kèm quà tặng sưu tập). Người dùng cũng hào hứng đón nhận vì đỡ tốn công đi ra cửa hàng mua và khỏi lo nguy cơ “ra mua thì hết hàng”. Những game thủ ở vùng xa xôi đi lại khó khăn cũng có thể nhờ internet để đỡ phải đi xa.
Direct2Drive là một trong những dịch vụ tải game xuất hiện sớm nhất
Từ khởi đầu này, ý tưởng về DLC đã phát triển khi nhà sản xuất nảy ra ý làm các bản mở rộng quy mô nhỏ và số lượng nhiều dàn ra bán từng phần với giá rẻ. Doanh thu cộng dồn lại sẽ tăng hơn so với bán 1 cục mở rộng to đùng với giá chuẩn như trước.
Nói vui. Nếu Diablo II mà được tạo ra ở thời đại DLC có thể bản mở rộng Lord of Destruction sẽ được chia ra đến 4 phần bao gồm cốt truyện mở rộng Act V (DLC cốt truyện), nhân vật Assassin (DLC nhân vật mới), gói mở rộng item và mercenary Barbarian (DLC tính năng), nhân vật Druid (DLC nhân vật mới).
Ảnh hài hước chế nhạo việc lạm dụng DLC của nhà sản xuất game
Và nói ngược lại, nếu Diablo 3 mà sản xuất ở thời đại chưa có DLC thì có lẽ bên cạnh đĩa Diablo 3 gốc, bạn sẽ có một đĩa duy nhất bản mở rộng Reaper of Souls bao gồm Act cuối, 2 nhân vật Crusader và Necromancer như bản Lord of Destruction của Diablo II.
Game Online và Cash shop
Internet phát triển kích thích một thể loại game mới khai sinh, đó là game online nhiều người chơi (Massively Multiplayer Online – MMO). Đi kèm với thể loại game này là những hình thức trả phí sơ khai như mua theo đầu game như game offline hoặc mua thuê bao theo tháng như thuê bao internet hay điện thoại cố định.
Cash shop bán bằng Ncoin trong Lineage II
Dần dần khái niệm cash shop (phần sơ khai của microtransaction) được các NPH đưa vào như một hình thức “thu thêm”, nhưng đối với các game trả phí cash shop được tính toán rất thận trọng để không làm game thủ nổi giận vì họ đã trả tiền để chơi game. Tuy vậy, thời đại của cash shop phải chờ đến giai đoạn sau mới thực sự bùng nổ.
Free to Play và sự bùng nổ làm giàu bằng microtransaction
Cho đến lúc này có lẽ bạn đã biết rõ bộ mặt thật của chế độ Free to Play, nhưng lúc bình minh của cơ chế này, người chơi rất háo hức và gần như tập trung vào những game theo thể loại này để được miễn phí. Các game thu phí hầu hết đều lụi tàn nhanh chóng và bị thay thế bởi free to play.
Có một thời người người free to play, nhà nhà free to play khiến game thu phí hết đường sống
Kèm theo đó là cash shop phát triển mạnh mẽ để bù lại phần chi phí cho NPH, game pay-to-play (trả tiền để chơi) bị thay thế bởi pay-to-win núp bóng free to play. Phương pháp bòn tiền kinh điển của thể loại miễn phí giờ chơi là thông qua cash shop. Nó bán những món thiết yếu nhỏ nhặt với giá rẻ nhưng nhu cầu sử dụng số lượng lớn hoặc bán những món cực phẩm với giá đắt dành cho người giàu.
Cung cấp game miễn phí, nhưng báo cáo cuối năm thu tiền tấn
(số liệu dựa trên doanh thu cash shop nên có các game thu phí WoW, Star Wars)
Khỏi phải nói, doanh thu các NPH game bắt đầu “vọt tung nóc nhà” các hãng game giàu lên nhanh chóng và tiếp tục nghĩ ra nhiều hình thức thu phí đậm khác dựa trên tâm lý “con bạc khát nước” của người chơi.
Game offline học hỏi và sự ra đời của “hút máu tân thời”
Microtransaction vốn được áp dụng cho game online và được chấp nhận như một sự bù đắp cho NPH khi áp dụng free to play. Tuy nhiên các nhà sản xuất game offline bắt đầu chú ý đến kho tiền mà hình thức bán hàng này mang lại. Họ, với lòng tham của mình, đã bước qua lằn ranh mà trước đây các game online thu phí không dám bước: thu tiền 2 lần.
Cash shop trong Dead Space 3
Ví dụ đau đớn nhất chính là Dead Space 3. Khi người chơi bỏ 60 USD ra mua game xong khi vào chơi lại có nguy cơ bị thu tiền lần thứ 2 với những vật phẩm bán trong cửa hàng tiền thật trong game. Tất nhiên, ai cũng ngầm hiểu để bán được hàng EA sẽ cố tình làm cho game khó hơn, chỉnh tỷ lệ rớt của item xuống thấp để tạo nhu cầu cho người chơi bỏ tiền ra mua trong shop.
Lẳng lặng dừng làm thêm Dead Space sau đó đóng cửa luôn studio phát triển Visceral
Một điều đáng trách nữa là khi EA làm hỏng Dead Space 3 vì lòng tham của mình và họ thất bại khi bị phản đối. Họ đổ lỗi cho series Dead Space là “không tạo được doanh thu” và giết hẳn nó khi không lên kế hoạch cho phần tiếp theo nữa, kiểu như “không có lời, méo làm nữa!”. Giống như một kiểu tống tiền, nếu game thủ không cống nạp đủ tiền để thỏa lòng tham của EA thì họ sẵn sàng giết dòng game đó. Kể từ đây, sự bất an bắt đầu hình thành trong lòng game thủ khi họ nhận ra rằng các NPH đang quá tham lam và họ có thể trở thành nạn nhân bị hút máu bất kỳ lúc nào.
Quay tướng là một hình thức Loot box đơn giản của các game mobile
Trong khi đó, các game online cũng bắt đầu chuyển dịch sang game mobile và những hình thức “bạo thu” khác dần ra đời. Loot Box là một trong số đó với hình thức sơ khai nhất là vòng quay may mắn và “mở tướng”. Sau một thời gian Loot Box chuẩn hóa thành các hộp may mắn đủ thể loại như quay quả cầu trong Đột Kích hay hộp quà sự kiện trong các game online phổ thông.
Chính xác là sau khi Star Wars Battlefront 2 ra mắt, EA đã bị game thủ cả thế giới phản đối điên cuồng vì quá tham lam và vô liêm sỉ.
Tất cả đều có cùng một cơ chế là game thủ khi mở sẽ được tỷ lệ ra một số món đồ ngẫu nhiên nào đó. Giá trị giải thưởng sẽ tùy vào tỷ lệ rớt sắp xếp theo bậc thang với món rẻ tiền dễ ra nhất và món càng đắt tiền thì càng hiếm ra.
Nền thanh toán trực tuyến đổ dầu vào lửa
Sẽ thật thiếu sót nếu không tính đến hệ thống thanh toán ngân hàng hiện đại trong việc kích thích móc túi game thủ. Nếu trước đây game thủ phải mua retail box bằng tiền mặt thì với hệ thống thanh toán hiện đại qua ngân hàng những năm đầu thế kỷ 21 mọi việc đơn giản hơn nhiều. Từ quẹt thẻ mua retail box cho đến mua hàng trực tuyến bằng thẻ tín dụng.
"Quẹt thẻ" và trả tiền trực tuyến trở thành phương pháp thanh toán chính khi mua game
Hệ thống thanh toán nhanh chính là nền tảng quan trọng của microtransaction, việc mua những món lắt nhắt 1 - 9 USD chỉ bằng một click và trừ thẳng vào tài khoản là thứ tiện dụng nhất trên đời. Tuy nhiên từ đó cũng mở ra một cái bẫy "cảm giác". Khi bạn click chuột mua hàng bạn sẽ mất đi cảm giác "bị mất tiền", cái cảm giác mà bạn thấy rất rõ mỗi khi móc ví lấy tiền mặt đưa cho người bán hàng.
Khi rút ví trả tiền mặt bạn sẽ dễ nhận thức được mức độ mua sắm của mình hơn là click chuột
Với thanh toán trực tuyến bạn có thể mua ào ào mà không ý thức được rằng mình đang tiêu bao nhiêu và số tiền của mình đang vơi nhanh thế nào. Tất cả cái bẫy này chỉ làm lợi cho đơn vị thanh toán (thu phí dịch vụ) và đơn vị bán (nhà sản xuất game).
Kết quả cuối cùng
Sau khi trải qua tất cả hành trình đó, bạn có thể vẽ lại bức tranh hiện trạng của làng game hiện đại. Bạn mua game chỉ được một cục cơ bản của game với khoảng 80% nội dung, 20% còn lại sẽ là quà tặng pre-order, DLC sớm ra mắt ngay ngày ra mắt game hay sau đó vài tuần. Đôi khi những nội dung quan trọng như true ending, nhân vật phụ được cắt ra thành DLC giá cao phát hành sau.
Vì áp lực kim tiền, một game bị cắt nát "bấy nhầy" ra để tận thu thêm
Sau khi vào game bạn lại bị “làm khó” với tỷ lệ sức mạnh trong game bị chỉnh sửa và lời chào mời mua các item bằng tiền thật hoặc loot box để có những món “cơm thêm” hào nhoáng. Bạn sẽ không chú ý rằng mình đang phải trả tiền lần thứ 2, thứ 3 cho một món lẽ ra phải được cung cấp đầy đủ khi bạn bỏ tiền mua game lần đầu tiên.
Từ bao giờ những hãng game tâm huyết lại trở thành quỷ hút máu nhẫn tâm như thế này ?
Áp lực bán được nhiều sản phẩm khiến nhà sản xuất chi thêm tiền cho truyền thông và quảng cáo cũng như làm nhiều trailer vừa tốn thêm chi phí vừa “spoil” nội dung game ra ngoài. Bạn chẳng còn cảm giác hồi hộp khi trải nghiệm game nữa vì hầu hết đều được “show” ra trong hàng đống thứ như trailer, nhật ký nhà phát triển, stream demo… Tất cả chi phí đều đổ lên đầu người mua, nói cách khác bạn vừa bị spoil vừa phải trả tiền cho những trò đó qua giá bán game.
Game đã không trọn vẹn lại còn bị spoil sớm
Nếu so với bức tranh đơn giản được nêu ở đầu bài viết, rõ ràng bạn thấy mọi thứ chẳng còn được như xưa. Người ta vẽ ra hàng đống thứ chỉ để dụ bạn trả thêm nhiều tiền hơn nữa sau khi bạn đã trả tiền mua game.
Vì đâu nên nỗi?
Nếu nói đó đơn thuần là lòng tham tiền của NPH thì cũng hơi oan ức. Việc các hãng game dùng mọi thủ đoạn để “bào tiền” game thủ có thể quy về 2 lý do lớn như sau:
Kinh phí làm game ngày càng đắt đỏ
Chi phí làm game ngày càng cao. Nếu như trước đây kinh phí để làm một game như Diablo 2 chỉ tốn khoảng 9 triệu USD thì theo một bài viết của Wall Street Journal hé lộ, chi phí làm Diablo 3 rơi vào khoảng 100 triệu USD, các game khác như World of Warcraft hay StarCraft 2 cũng tương đương. Các hạng mục làm game hiện đại như dựng phim CG, motion capture, dựng hiệu ứng 3D, mua Engine đều ngốn những khoản tiền đắt đỏ. Chính vì thế để hoàn vốn họ phải tìm cách bán thật nhiều game hoặc moi tiền triệt để từ người chơi trung thành.
Các hãng game phải đạt mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước
Áp lực cổ đông. Các hãng game, nhất là hãng game lớn thường nằm trong những tập đoàn đầu tư khổng lồ, với số tiền rót vốn đầu tư đều phải gánh một phần lợi nhuận cam kết trả về cho các nhà đầu tư. Việc một công ty có lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước là chuyện thường và đến một lúc nào đó để bảo đảm không thất bại về mục tiêu tăng trưởng hàng năm họ phải dùng đến những chiến thuật tiêu cực.
Thời thế nó thế, chả cãi được
Rốt cục thì thời đại càng phát triển bạn với tư cách game thủ càng trở thành một nguồn bào tiền cho các nhà sản xuất. Quá khứ êm ấm và giản đơn khi chỉ cần bỏ tiền 1 lần để hưởng game trọn vẹn đã quá xa vời. Khi mà đồng tiền ngày càng trở thành mục tiêu chính thì đam mê và trải nghiệm phải chịu hy sinh. Thay vì làm một game “hay” người ta làm một game “bán được nhiều tiền”, âu cũng là một kiểu nô lệ đồng tiền trong làng game thời hiện đại vậy.