Phụ Lục
Có khá nhiều cách để mô tả Iron Harvest, nhưng Mọt game tin rằng cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để nói về trò chơi này là “sự kết hợp của Titanfall với Company of Heroes.” Thật vậy, trò chơi đem lại cho game thủ những trận chiến tranh lấy bối cảnh những năm 20 của thế kỷ trước, nhưng với một thay đổi bất ngờ: những “thùng thiếc” tiền thân của các loại xe tăng hiện đại không tồn tại, mà thay vào đó là những con robot khổng lồ, với những thứ vũ khí hủy diệt chẳng kém gì súng đạn của thế kỷ 21.
Nội dung của trò chơi được xây dựng dựa trên 1920+, một bộ tranh của họa sĩ người Ba Lan Jakub Rozalski hòa trộn hình ảnh các robot khổng lồ đầy xa lạ trên khung cảnh làng quê quen thuộc. Những bức tranh này ban đầu chỉ được thực hiện để kỷ niệm các sự kiện đặc biệt nào đó trong lịch sử, chẳng hạn sự anh dũng của các chiến sĩ Ba Lan khi quân Đức xâm lược vào tháng 9/1969, hay tưởng nhớ các lính tình nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập của Ba Lan trong ba năm 1919 – 1921. Nhưng phong cách độc đáo của Jakub nhanh chóng khiến các bức tranh của anh trở nên nổi tiếng, và King Art – một studio được thành lập vào năm 2000 với một số tựa game phiêu lưu trên trình duyệt, mobile và cả webgame tìm đến với Jakub để biến 1920+ thành một tựa RTS trên PC.
Khởi đầu từ một trò đùa vớ vẩn trên mạng, Geneshift đã phát triển thành một hiện tượng khi có số người chơi tăng… 9 ngàn lần chỉ sau một đêm.
Đội ngũ phát triển cho biết rằng để tạo ra tựa game này, họ đã lấy ý kiến của hơn 15.000 game thủ RTS trong một cuộc thăm dò lớn để biết được game thủ muốn gì trong một tựa game RTS hiện đại. “Mục tiêu của chúng tôi là làm ra một tựa RTS mà các fan mong muốn,” studio này cho biết. Trong Iron Harvest, game thủ sẽ được dẫn dắt các anh hùng, binh lính và máy móc vào chiến trường, sử dụng cơ chế công sự và hủy diệt chiến trường để giành lấy chiến thắng.
Trong bối cảnh của trò chơi, Thế chiến 1 vừa kết thúc. Tàn tích của chiến tranh hiển hiện khắp nơi, từ dây thép gai, mảnh bom đạn vương vãi trên các vùng đồng quê đến xác robot cháy đen trong thành phố. Việc thu hoạch kim loại từ chúng được người dân gọi là “Iron Harvest.”
Nội dung của trò chơi xoay quanh ba quốc gia Polania, Saxony (Đức) và Rusviet. Polania là một nước nông nghiệp nghèo nàn nằm kẹt giữa Saxony ở phía Tây và Rusviet ở phía Đông, và là “nhân vật chính” của trò chơi. Trong phần chơi chiến dịch, game thủ sẽ theo chân những người lính chiến đấu vì mục tiêu giành lại tự do cho Polania. Trong khi đó, Saxony vừa đầu hàng sau chiến tranh đang nóng lòng rửa nhục, còn Rusviet là một con quái thú khổng lồ nhưng đang mệt mỏi sau chiến tranh.
Đây là một thế giới hơi khác biệt so với Trái đất của chúng ta, khi họ đi theo một cây công nghệ hoàn toàn khác. Con người đang bị choáng ngợp bởi tiềm năng của công nghệ và máy móc, nên họ phát minh ra những cỗ máy biết đi khổng lồ. Chúng tham dự vào chiến tranh và sau khi hòa bình trở lại, chúng trở thành một phần của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên nền hòa bình đó không thể lâu dài, bởi có những kẻ mong muốn phá hủy trật tự cũ để chiếm lấy quyền thống trị châu Âu và cả thế giới xung quanh. Từ đây, cốt truyện của trò chơi sẽ được bắt đầu, và người viết nên câu chuyện đó là bạn.
Vậy thì lối chơi của Iron Harvest sẽ ra sao? Nó cực giống với Company of Heroes, tựa RTS của Relic được ra mắt vào năm 2006. Iron Harvest là một tựa game có đủ các bước xây nhà – mua quân cơ bản, cho phép bạn xây các loại lô cốt, tháp canh để bảo vệ căn cứ của mình. Việc khai thác tài nguyên lại được đơn giản hóa tối đa: bạn chỉ cần chiếm các điểm trên bản đồ để nhận được hai loại tài nguyên là Steel (thép) và Oil (xăng dầu) để phát triển quân đội. Các đơn vị quân này khá đa dạng, bao gồm khoảng hơn 40 loại quân từ các đơn vị lính bộ thông thường – rẻ, nhanh nhẹn và linh hoạt, cho đến những cỗ máy khổng lồ sừng sững đầy đe dọa, được trang bị hỏa lực mạnh mẽ nhưng cồng kềnh và chậm chạp hơn.
Cũng như bất kỳ một tựa RTS nào khác, Iron Harvest cố gắng cân bằng tất cả các loại quân này. Mỗi loại quân đều có một vai trò riêng, bởi dù một trận chiến có thể được quyết định bởi số lượng vũ khí hạng nặng mà hai bên dàn ra trên chiến trường, việc chiếm các điểm tài nguyên để tạo ra những món vũ khí đó chỉ có thể được thực hiện bởi lính bộ. Các binh sĩ này chỉ là người trần mắt thịt và vì thế cần được bảo vệ bởi các đơn vị máy móc dai sức và bền bỉ hơn, hoặc ẩn náu sau các bức tường và chiến hào. Bù lại, họ có thể được trang bị và vận hành rất nhiều loại vũ khí khác nhau như đại bác, súng máy hạng nặng hay pháo cối… và vì thế có thể thích nghi với mọi tình huống trên chiến trường. Các loại vũ khí này đều chỉ có thể bắn trong một khu vực hình quạt – lại một điểm tương đồng nữa với Company of Heroes – nên game thủ cần khả năng micro tốt để liên tục giữ kẻ địch trong tầm bắn của mình.
Trong khi đó, các đơn vị máy móc sẽ là nhân vật chính của trò chơi. Game có khoảng 30 loại đơn vị thuộc nhóm này, từ các bộ giáp cơ khí (exoskeleton) tương đối đơn giản cho đến những robot biết đi (Mech), với rất nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Chúng đóng vai trò của những cỗ xe tăng trong thế giới của game: là kẻ đi đầu trong các cuộc xung phong, gieo rắc chết chóc và kinh hoàng, nhưng cũng là mục tiêu hàng đầu của các loại vũ khí hạng nặng bên phía đối thủ. Một số Mech đóng vai trò pháo đài di động, được trang bị nhiều nòng pháo và bọc thép cực dày, trong khi số khác nhanh nhẹn và sử dụng vũ khí cận chiến để tiếp cận và “tháo dỡ” Mech của đối phương. Cũng như các binh sĩ bình thường, các đơn vị này đòi hỏi khả năng micro của người chơi, và bạn cũng cần phải bảo vệ chúng chống lại những lính bộ binh linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện của đối thủ.
Ngoài ra, mỗi phe trong Iron Harvest còn có ba Hero (anh hùng) với những năng lực đặc biệt có ảnh hưởng mạnh lên chiến trường. Họ không phải là “siêu anh hùng” tay không tháo robot như trong phim Marvel, mà chỉ đem lại cho bạn thêm nhiều lựa chọn mới về chiến thuật để có thể đánh bại kẻ địch.
Tuy nhiên có hai vấn đề khiến Mọt hơi lo ngại về sự thành công của trò chơi. Một là sự vắng bóng của “Fog of War” khiến bản đồ luôn luôn được mở sẵn trước mắt game thủ. Điều này khiến việc do thám kẻ địch hoàn toàn bị bỏ qua, và làm giảm tính chiến thuật của game khá nhiều bởi bạn gần như không thể “giương đông kích tây” hay thực hiện những pha đánh lén âm hiểm. Có lẽ nhà phát triển muốn cho game thủ tập trung vào việc micro điều khiển các đơn vị quân trên chiến trường hơn và bận tâm đến chiến thuật vĩ mô, bởi bản đồ của game cũng khá nhỏ.
Yếu tố thứ hai khiến tác giả không yên tâm về Iron Harvest là chuyện trò chơi dự kiến sẽ phát hành trên cả console. Hẳn game thủ yêu thích RTS đều biết rằng thể loại này rất khó để được chuyển thể lên console bởi nhu cầu về số lượng nút bấm và sức mạnh xử lý. Những nỗ lực chuyển thể RTS lên console mà Mọt từng biết đến đều khiến tính chiến thuật của trò chơi trở nên nông cạn và làm nó thất bại, chẳng hạn Supreme Commander 2 hay Dawn of War 3. Dĩ nhiên cũng có một vài tựa game làm tốt phần điều khiển trên console như Halo Wars 2, nhưng tựa game này vốn được thiết kế cho Xbox và không thực sự được game thủ PC hoan nghênh vì lối chơi đơn điệu của nó.
Về mặt đồ họa, trò chơi sử dụng engine Unity, và tập trung vào việc cho phép game thủ phá hủy mọi thứ trên chiến trường. Mọt cảm thấy khá ấn tượng với những gì trò chơi đã thể hiện, bao gồm phần hình ảnh lẫn các hiệu ứng cháy nổ, phá hủy hiện có trong game. Chúng tỏ ra cực kỳ chân thực và sẽ khiến chiến trường hoàn toàn thay đổi sau khi khói súng lắng xuống. Các ngôi nhà sẽ trở thành những đống gạch vụn, xác robot bốc khói đen đặc trong khi mặt đất gồ ghề đầy những hố bom.
Hiệu ứng âm thanh cũng là một điểm cộng của trò chơi. Tiếng kêu gọi của binh lính, tiếng các loại máy móc, tiếng bước chân của Mech, những tràng đạn súng máy vang rền đủ để game thủ cảm thấy mình đang ở giữa chiến trường.
Để tránh rơi vào “development hell” khi các mục tiêu ngày càng tham vọng hơn liên tục được thêm vào trò chơi theo sự thành công của việc gây quỹ Kickstarter, King Art cho biết họ sẽ phát hành game chỉ bao gồm tất cả những tính năng dự kiến ban đầu, gồm phần chơi chiến dịch, các bản đồ Challenge, chế độ Skirmish (chơi đơn), Multiplayer, Co-op, xếp hạng và mùa giải.
Sau khi game ra mắt, họ sẽ bổ sung thêm một DLC miễn phí cho phần chơi chiến dịch để game thủ tiếp tục thưởng thức trò chơi. Ngoài ra, studio cũng có kế hoạch cập nhật game thường xuyên, nhưng chưa tiết lộ những bản cập nhật đó sẽ là gì – có lẽ là các chỉnh sửa cân bằng game hoặc bổ sung nội dung mới nếu trò chơi thành công ngoài mong đợi.
Iron Harvest hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm Alpha 2 tập trung vào các tính năng multiplayer. King Art dự kiến sẽ thử nghiệm Beta vào quý 2/2019 và sau đó phát hành trò chơi cho PC (qua Steam), PS4 và Xbox One trong quý 4/2019. Nếu muốn chơi thử game, bạn có thể đặt trước bản Deluxe của trò chơi (giá 55 USD) trên trang chủ của game để được tham gia vào các đợt thử nghiệm Alpha và Beta.