Phụ Lục
Thực ra thì game quản lý nghĩa trang Graveyard Keeper đã xuất hiện từ năm 2017 qua hệ thống phiên bản thử nghiệm alpha. Tuy nhiên nó không đi theo Early Access của Steam mà tự tạo dựng riêng theo kiểu Minecraft trước đây với cái giá khá “chát” đến 24 USD. Phải mãi cho đến khi game chính thức ra mắt trên Steam cộng với trợ giá đã khiến giá game giảm còn 188.000đ thì Mọt tui mới lò mò rước về chơi.
Có thể nói ngay từ khi xem trailer là Graveyard Keeper có phong cách khá giống Stardew Valley cả về hình thức lẫn các đoạn gameplay được hé lộ. Tuy nhiên điều gì khiến game quản lý nghĩa trang này có chất riêng và hấp dẫn? Hãy cùng khám phá dần qua bài viết sau nhé.
“Một game mô phỏng không chính xác thời kỳ trung cổ” – Chính team sản xuất thần kinh chạm mạch của Graveyard Keeper đã đăng công khai như thế trong phần giới thiệu game. Và họ khùng chứ không có nói láo.
Nhân vật chính, là bạn đó, là một nhân viên văn phòng bình thường. Một ngày sau khi làm việc mệt mỏi, anh trên đường về nhà và do mải gọi điện cho vợ khi qua đường anh bị xe tông chết. Tỉnh lại giữa cõi hư vô mịt mù, một thực thể trùm kín mặt mũi có thể là ninja lead vừa tông chết anh ta đã giao cho anh một nhiệm vụ: tiếp nhận một… cái nghĩa trang.
Trước khi kịp hiểu điều gì xảy ra thì anh nhân ra mình đang ở giữa một căn nhà bình dân nhưng kiến trúc cổ. Nhân vật chính đã bị đưa trở về một thế giới có bối cảnh tương tự thời trung cổ và từ đây anh bắt đầu hành trình tìm đường về nhà.
Giúp đỡ anh sẽ là những người sống trong thế giới mới này cùng những thông tin lấp lửng về một cánh cổng xuyên không có khả năng mang anh trở về với gia đình. Tuy nhiên trước khi đạt được mục đích anh vẫn phải sống giữa thế giới mới này và làm công việc được giao: Graveyard Keeper (quản lý nghĩa trang, hay còn gọi là lão giữ mộ).
Nếu Stardew Valley có nét tương đồng lớn với Graveyard Keeper thì sự khác nhau cơ bản trong gameplay của 2 game là game quản lý nghĩa trang này có định hướng thiên về phiêu lưu và crafting nhiều hơn là trồng trọt chăn nuôi. Đúng như cái tên của nó, công việc chính của bạn là quản lý cái nghĩa trang hoang vu đổ nát rồi dần biến nó thành một nơi thật đẹp và rộng lớn.
Là một người chuyên chôn cất người khác, bạn sẽ có hàng loạt kỹ năng liên quan đến nhà đòn như phẫu thuật pháp y xác chết, đào huyệt, trang trí nghĩa trang, khắc bia một, chế tạo các vật trang trí giúp tăng giá trị của nghĩa trang mình quản lý.
Tất nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều hoạt động khác như câu cá, làm nông, nấu rượu, đi hầm ngục, rèn đúc, thu thập tài nguyên, xây dựng và cả… viết văn chương. Nói chung sống ở thời này bạn phải đa tài mới đủ ăn, còn ôm khu khư cái nghĩa trang thì chỉ có… ăn xác chết.
Tất nhiên nhiệm vụ cuối cùng của bạn là tìm đường về nhà nên cần phải làm quen và giúp đỡ rất nhiều NPC trong thế giới mới này cũng như dần khám phá thế giới mình đang ở. Mỗi NPC sẽ có những yêu cầu khác nhau cần bạn giúp đỡ. Có đủ thể loại người bạn cần phải giao du từ một cô ca sĩ xinh đẹp hotgirl đến một cái đầu lâu biết nói mắc chứng nghiện rượu.
Tất cả những gì bạn cần biết là mọi thứ trong Graveyard Keeper đều liên quan tới tech. Bạn sẽ không có level bù lại kinh nghiệm sẽ chia làm 3 loại: Đỏ - có được qua chế luyện hoặc xây dựng, xanh lá – có được qua trồng trọt và hái lượm, xanh dương – có qua các hoạt động nghiên cứu và liên quan đến nghĩa trang. Các điểm này sẽ dùng để “mua” các tech (có thể xem là kỹ năng) giúp bạn làm được nhiều thứ cao cấp hơn. Cứ cày các điểm kinh nghiệm rồi mua dần bạn sẽ trở thành một ông quản trang đa năng.
Nếu bạn chơi Stardew Valley thấy nó là một game nhẹ nhàng nghiêm túc thì sang Graveyard Keeper bạn sẽ thấy nó khá là sốc bựa với những diễn biến khó đỡ. Ngay cả việc thiết kế các nhân vật cũng ngầm ám chỉ sâu xa như một ông nhà thiên văn cứ khăn khăn “trái đất hình tròn” khiến thiên hạ cười nhạo cho rằng lão này thông thái quá hóa điên rồi. Hay đó là một ông lão tên ăn mày tên Dig sống trong một cái chum to với tôn chỉ “sống thoải mái là được”. Nếu bạn còn thắc mắc thì đó là ám chỉ nhà thiên văn Gallileo và nhà triết học Hy Lạp theo trường phái “bố éo quan tâm” Diogenes.
Tất nhiên bạn sẽ còn bắt gặp nhiều tình huống cười té ghế khác như ông quan tòa dị giáo than phiền trò thiêu sống phù thủy của ông ta ngày càng bị dân chúng chán xem vì tẻ nhạt, hắn đang tìm cách cải tiến cách làm để thu hút khán giả trở lại. Nếu nói hết ra thì sẽ thành spoiler, những thứ còn lại bạn nên từ từ khám phá, nhưng chắc chắn bạn sẽ té ghế khi bất chợt bắt gặp “may the force be with you”.
Không những bựa, các tay phát triển Graveyard Keeper còn mắc bệnh “nhây”. Game được thiết kế để chơi chậm một cách cố tình. Một tuần trong Graveyard Keeper chia làm 6 ngày luân phiên theo thời gian ngày đêm. Tuy nhiên game không buộc bạn đi ngủ như Stardew mà bạn có thể ngủ và thức bất kỳ lúc nào, ngủ chỉ có tác dụng hồi stamina và HP là chính, một mặt nào đó nó thích hợp cho công việc quản lý nghĩa trang. Thử tưởng tượng đêm sương mù có một gã vác cái xác ra nghĩa trang thanh vắng hì hục đào huyệt…
Quay lại chuyện nhây, các NPC thường sẽ xuất hiện trong 1 ngày nhất định trong tuần, vì vậy khi hoàn thành nhiệm vụ bạn lại phải chờ đến tuần tới để gặp mà trả. Ngặt nghèo hơn là game cố ý thiết kế sao cho bạn gặp NPC, nhận nhiệm vụ nhưng rất khó để hoàn thành và quay lại trong ngày, thường khi xong thì đã tối và NPC đã rời chỗ đứng để về ngủ. Lại phải chờ qua tuần. Đặc biệt là cái ông thiên văn, đứng tận ngọn hải đăng bên kia bản đồ nên muốn gặp phải cơm nắm muối vừng đi từ tờ mờ sáng đế gần trưa mới tới nơi.
Các nhiệm vụ cũng được thiết kế đòi hỏi những thứ mà người chơi cần phải có một số tech nhất định mới có thể đạt được. Có những item ở đầu game đã ra nhiệm vụ nhưng mãi đến 50 ngày sau bạn mới phát triển đủ kỹ năng để sản xuất được chúng. Nhìn chung những người thích rush nhiệm vụ cho nhanh sẽ không thích điều này, bù lại chơi chậm, thưởng thức game từng chút một thì sẽ thoải mái hơn, đôi khi Mọt tui bị trễ hẹn mấy tuần liền quên trả quest.
Tuy khá hay nhưng Graveyard Keeper vẫn mắc một số hạt sạn nhỏ, ví dụ như thỉnh thoảng game bị tụt khung hình trong chốc lát. Nếu bình thường thì không sao nhưng ngay lúc bạn câu cá và canh giật câu thì rất bực mình. Cũng may chức năng câu cá không quá khó như Stardew nên có hụt canh mốc cũng không vuột mất cá. Một vấn đề khác của đồ họa là game được thiết kế vừa vặn cho màn hình HD 1080, Mọt tui lén sếp chơi trên laptop lúc làm việc thì hình ảnh bị vỡ và giao diện bị thu lại chồng chéo lên nhau. Phần độ phân giải trong tùy chỉnh cũng bị để mặc định thành… 400x240.
Bản đồ cũng là một điểm đáng phàn nàn khi nó quá rộng và còn nhiều khu vực được mở thêm về cuối game nhưng không có cách gì để teleport nhanh. Để chạy đến nơi cần đến có thể mất nửa ngày hoặc 1 ngày. Quán rượu có bán đá teleport nhưng xem ra không được tiện dụng và giá cũng khá đắt. Phần nhiệm vụ cũng rối rắm vì nó không có bảng nhiệm vụ cụ thể mà nhiệm vụ xếp theo mỗi NPC, muốn xem lại phải bật bảng NPC lên và dò từng người.
Một điều khá khó chịu là game không có nhiều gợi ý, có thể đội ngũ thiết kế muốn bạn tự tìm tòi thêm trên wiki của game hay đi hỏi nhau tăng tính cộng đồng. Có những thứ mà bạn phải đi tìm rất lâu hoặc google mới ra. Ví dụ Mọt tui mở tech xây nhà lấy mật ong rồi nhưng lại chả biết xây ở đâu vì tất cả các bảng điều khiển xây nhà trong Graveyard Keeper đều không xuất hiện công thức xây nhà này.
Nhìn chung Graveyard Keeper là một game đáng để thử, nhất là khi bạn thích một cuộc sống mô phỏng kiểu Stardew Valley nhưng lại không quá mặn mà với làm nông. Game sử dụng đồ họa 2D nhưng thiết kế rất sống động, nhạc nền du dương và nhiều hiệu ứng thời tiết độc đáo không kém trò chơi nông trại Stardew là mấy.
Game đang được bán trên Steam với giá 188.000đ, rẻ hơn so với cái giá chơi bản alpha đầy bug trước đây.
Link mua game: https://store.steampowered.com/app/599140/Graveyard_Keeper/
Cấu hình tối thiểu: