Phụ Lục
Chúng ta biết thừa rằng tất cả các thế giới mà game và phim ảnh tạo ra đều là giả dối và hư ảo, nhưng khai thác chính sự giả dối và hư ảo đó thì có lẽ We Happy Few là tựa game đầu tiên. Đây là câu chuyện về những gì mà con người sẵn sàng làm để quên đi quá khứ, xây dựng lớp vỏ bảo vệ mình khỏi những ký ức đau buồn và những biện pháp quyết liệt mà họ sử dụng để bảo vệ vỏ bọc mong manh đó.
Những năm 1960 trong một thế giới song song, ở một ngôi làng tuyệt vời có tên Wellington Wells, có ba nhân vật sinh sống. Đó là anh chàng “cạo giấy” Arthur Hasting, cô Sally Boyle giỏi Hóa, và Ollie Starkey, một chàng râu xồm to con biết cách dùng nắm đấm của mình. Cả ba sống một cuộc đời hạnh phúc cùng các hàng xóm đáng mến, nơi tất cả mọi người đều cười vui, đội bóng yêu thích của họ luôn giành chiến thắng, những bữa tiệc đầy kẹo ngọt được tổ chức thường xuyên, và mọi người mặc những bộ quần áo tươm tất đẹp đẽ 24/7.
Chỉ có một số vấn đề nhỏ với cuộc sống ở Wellington Wells: đội bóng mà cư dân yêu thích không tồn tại, “kẹo” rơi ra từ xác chuột, còn những nụ cười là lớp mặt nạ trắng bệch mà mọi người tự trát lên mặt mình. Sự lạc quan của họ được nuôi dưỡng nhờ Joy (niềm vui), một loại thuốc gây ảo giác mà người ta sẽ dần dần đề kháng với nó. Tất cả những ai đề kháng Joy bị gọi là Downer (kẻ u sầu) và sẽ bị tóm cổ ngay lập tức để hành hạ, đánh đập và có thể bị giết. Nghe như một hội hút cần fake vô phương cứu chữa ấy nhỉ.
Tại sao? Đó là bởi nhiều năm trước đây, người Đức là kẻ chiến thắng Thế chiến 2, và họ cai trị Anh trong một thời gian ngắn. Không rõ điều gì đã xảy ra, nhưng chắc chắn nó đủ tệ hại để không ít cư dân muốn nhấn chìm những ngày đen tối đó trong niềm vui giả tạo của mình.
Cả ba nhân vật của game có những lý do khác nhau để trốn khỏi cuộc sống đầy niềm vui của mình hiện tại và khám phá thế giới u ám bên ngoài. Bạn sẽ là người cùng họ khám phá những lý do đó, và giúp họ đạt được mục tiêu mình muốn khi rời khỏi Wellington Wells.
Ba nhân vật chính của game có những lối chơi khác nhau, nhưng có một điểm chung xuyên suốt cuộc chơi là yếu tố “hòa nhập.” Game thủ luôn phải biết được môi trường xung quanh mình ra sao, những người sống ở đó là ai và hòa cùng đám đông. Bạn phải tránh để nhân vật của mình trở nên nổi bật – điều có thể tốt trong đời thực, nhưng là ý tưởng tệ hại trong We Happy Few. Khi ở trong những đường phố hào nhoáng đầy “niềm vui” và các cư dân Wellies, bạn sẽ phải ăn mặc bảnh bao và cư xử như thể mình là một trong số những kẻ đang chạy trốn sự thật xung quanh. Ngược lại, nếu bạn giữ nguyên hình dạng đó và lang thang trên những con đường đầy rác rưởi bên ngoài, Mọt tin rằng sẽ có những kẻ ngứa mắt muốn dạy cho bạn một bài học ngay tức khắc.
Trong quá trình khám phá cốt truyện của game – phải nói rằng đây là một cốt truyện xuất sắc – những gì game thủ làm nhiều nhất sẽ là đọc, nhặt nhạnh và chế tạo. Để phù hợp với hình tượng nhân vật đã được tạo ra, trong số ba nhân vật chính của game chỉ có Ollie Starkey thực sự có thể chiến đấu. Cả Arthur lẫn Sally đều không phải là những người hùng, mà họ chỉ muốn sinh tồn giữa một thế giới điên loạn. Đây không phải là nơi bạn mặc giáp trụ đầy mình, súng ống trong tay và sẵn sàng cứu thế giới. Khi không điều khiển Ollie, bạn sẽ phải né tránh giao tranh bằng nhiều cách: Arthur có thể… bỏ chạy, trong khi Sally có khả năng ẩn náu tuyệt vời.
Nhờ vào 2 năm Early Access trên Steam, We Happy Few đã thu nhận được nhiều ý tưởng hấp dẫn. Lối chơi của We Happy Few có rất nhiều điểm tương đồng với Fallout, nơi mà những hoạt động không-chiến-đấu chiếm phần lớn thời lượng của game. Nó cũng có chút gì của BioShock, DayZ và một vài tựa game lấy bối cảnh hậu tận thế khác. Các nhân vật đều có những bảng kỹ năng, bạn cũng phải chăm lo cho sự sinh tồn của họ (thực phẩm, nước uống), thể lực có giới hạn, và bạn có một safehouse (căn cứ) để trở về.
Tuy nhiên, có lẽ do quá tham vọng và trộn lẫn nhiều thể loại game với nhau, phần lối chơi của We Happy Few khiến Mọt có cảm giác chưa thật sự “chín” và còn có rất nhiều điều cần phải được cải thiện. Thức ăn và nước uống khá khó tìm, hoặc bạn chỉ tìm được đồ thiu – hoàn toàn hợp lý, đây không phải là một thiên đường. Phải chăng điều này sẽ tạo cho bạn động lực để lùng sục và sinh tồn? Không, bởi đói khát thật ra chẳng ảnh hưởng gì mấy đến lối chơi: chúng khiến nhân vật yếu đi, nhưng như đã nói ở trên, chẳng mấy khi bạn cần chiến đấu.
Thật ra ngay cả khi cần đánh nhau, động tác của các nhân vật cũng tỏ ra yếu ớt, vụng về và không hề có lực. Mảng lén lút thú vị hơn nhiều, bởi bạn phải khéo léo kết hợp giữa khả năng hòa lẫn vào đám đông với góc nhìn ngôi thứ nhất đầy hạn chế, tạo ra sự hồi hộp khi bạn luôn lo lắng chẳng biết được mình “diễn” có đạt hay không, và liệu những người vừa đi qua có nghi ngờ lớp vỏ bọc mà nhân vật của bạn đang sử dụng.
Hệ thống nhiệm vụ của game là một điểm yếu khác của trò chơi. Chúng hơi trùng lặp, và rất nhiều nhiệm vụ chỉ có một cách thực hiện duy nhất, đòi hỏi game thủ phải tìm kiếm hoặc tạo ra đúng một thứ gì đó, trong khi những tựa game khác đều cố gắng tạo ra nhiều cách hoàn thành nhiệm vụ khác nhau. Trong We Happy Few, Sally có thể lén lút vượt qua mọi kẻ thù nhưng nếu đích đến là một cánh cửa bị khóa, bạn sẽ phải cùng cô nàng trở lại sục sạo từng ngóc ngách xung quanh để tìm nguyên liệu chế lock pick và chấp nhận rủi ro bị phát hiện, khiến "xôi hỏng bỏng không".
Để tránh những tình huống như thế này, bạn nên lật từng bồn cầu, sục sạo từng ngăn tủ trong game và chất tất cả những gì mình có trong két ở nhà (game cho phép bạn dùng vật liệu trong két ngay lập tức). Nếu bạn không thích việc nhặt nhạnh các vật phẩm và thích những cảnh hành động đầy máu lửa, Mọt nghĩ rằng bạn sẽ không hợp với We Happy Few.
Đừng để những gì Mọt vừa chê We Happy Few khiến bạn hiểu lầm. Về mặt lối chơi, đây chỉ là một tựa game trên trung bình không có gì đặc biệt, nhưng cốt truyện của We Happy Few đủ sức hấp dẫn để kéo Mọt đi đến cuối con đường.
Trong một thế giới đầy những tựa game sinh tồn, bắn súng lấy bối cảnh hậu tận thế, We Happy Few tạo nên sự khác biệt bằng bối cảnh của mình. Thay vì là một bãi chiến trường, một vùng đất chết hoang vu hay Trung Cổ nhàm chán, thế giới của We Happy Few là sự kết hợp giữa sự lạc quan về công nghệ của tương lai trong trí tưởng tượng của người xưa với viễn cảnh đen tối nơi Đức Quốc xã là kẻ chiến thắng.
Để thưởng thức trò chơi một cách trọn vẹn, bạn sẽ phải bỏ khá nhiều thời gian để đọc các thông tin nhằm tìm hiểu về thế giới xung quanh, về những người sinh sống trong đó và cả nội tâm nhân vật mình điều khiển. Bạn sẽ thực sự cảm nhận được sự bế tắc của các nhân vật nhờ vào sự xuất sắc của kịch bản và thế giới dù khó tin nhưng lại rất chân thực của game.
Nếu đang tìm một tựa game mang nặng tính hành động, We Happy Few không phải là điều bạn cần. Ngược lại, nếu bạn muốn có một chuyến hành trình đầy cảm xúc và khiến mình phải suy nghĩ, nó chắc chắn đáp ứng được nhu cầu đó. Tuy nhiên giá của trò chơi rất chát (1.059.000 đồng) trên Steam.
Cấu hình tối thiểu để chơi game: