Với việc God of War trở thành tựa game hay nhất 2018 trong lễ trao giải The Game Award, nguyên một cộng đồng fan của Red Dead Redemption 2 đã vô cùng hụt hẫng khi trước đó họ đinh ninh rằng kiểu nào con cưng của họ sẽ chiếm hết tất cả mọi giải thưởng chính.
Việc tranh cãi xem đâu mới là tựa game xứng đáng được GOTY năm nay thực ra khá vô nghĩa khi kết quả đã định rồi, nhưng nếu bỏ qua các vấn đề khác biệt cơ bản giữa lối chơi của God of War và Red Dead Redemption 2 thì có một thứ vô cùng quan trọng có lẽ đã quyết định tới kết quả - đó là chiều sâu cũng như sự đa dạng trong cốt truyện.
Một bất ngờ thực sự đã xảy ra tại lễ trao giải The Game Awards 2018, God of War mới là game hay nhất năm chứ không phải Red Dead Redemption 2.
Khi xét tới tiêu chí đánh giá 2 tựa game có lối chơi khác nhau hoàn toàn là God of War (hành động) và Red Dead Redemption 2 (phiêu lưu), thì cốt truyện có lẽ là thứ tương đồng nhất, bất kể là thể loại nào thì chiều sâu cũng như diễn biến cốt truyện luôn có thể đem lên bàn cân để đánh giá được. Sau khi God of War đoạt giải GOTY 2018, ngoài bất ngờ ra thì cũng có một số người đã phân tích vì sao lại có kết quả và rất nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Red Dead Redemption 2 không cạnh tranh được vì không có cốt truyện sâu như God of War.
Ở đây chúng ta phải hiểu cả God of War lẫn Red Dead Redemption 2 đều có cốt truyện rất hay, thậm chí Red Dead Redemption 2 còn đạt được giải dẫn truyện hay nhất. Nhưng nếu xét toàn cảnh và chi li về chiều sâu lẫn độ đa dạng thì God War lại nhỉnh hơn vì nhiều lý do, trong đó rõ ràng nhất là kết thúc của chúng.
Cả God of War lẫn Red Dead Redemption 2 đều là phần tiếp theo của seri, điểm khác biệt cốt lõi là nếu God of War chính xác kể về một cuộc hành trình mới hoàn toàn của Kratos, thì Red Dead Redemption 2 lại lội ngược về quá khứ khi nói về thời hoàng kim của băng Van der Linde và nhân vật chính Arthur Morgan. Đây là thứ làm 2 tựa game này tách biệt về cốt truyện, cũng như có thể là lý do lớn khiến cho Thần chiến tranh vượt mặt đối thủ trong cuộc đua cho danh hiệu GOTY 2018.
Sự khác biệt này dẫn đến một vấn đề khác là cách người chơi tiếp cận game, nếu như God of War là một câu chuyện mới 100% và không ai có thể đoán được cái kết ra sao, thì Red Dead Redemption 2 lại thiếu mất tính chất bất ngờ, vì kiểu gì mọi người cũng đều biết cuối cùng băng Van der Linde cũng sẽ tan rã cũng như cái kết của hơn phân nửa nhân vật chính trong game (từ phần một). Tất nhiên ở đây chúng ta không bàn tới vấn đề game nào hay hơn, mà chỉ nói về sự khác biệt cơ bản mà thôi.
Chúng ta không thể biết thực sự đây có phải tiêu chí đánh giá cho GOTY hay không, nhưng nếu đặt dưới góc nhìn của người chơi thì một tựa game có kết thúc khó đoán sẽ luôn hấp dẫn hơn nhiều, Red Dead Redemption 2 dù sao vẫn là phần tiền truyện của seri, nó hẳn nhiên không thể nào bằng God of War về độ bất ngờ được.
Hơn nữa vì Red Dead Redemption 2 là phần tiền truyện, cộng thêm số phận các nhân vật đều rõ ràng hết sau khi chơi nên sẽ rất khó có cái để bàn luận hay suy đoán vì… mọi người hầu hết đều toi sạch cả rồi. Trong đó God of War thì khác, cái kết của nó có lẽ là thứ gây nổ não nhất cho game thủ khi đến cuối cùng “my bois” của Kratos lại có tên là… Loki, còn nhân vật dự kiến xuất hiện ở phần tiếp theo đến 99% là Thor. Với phần hậu kỳ hoành tráng như vậy, rõ ràng game thủ sẽ thích thú God of War hơn nếu họ là người thích các kết thúc khó đoán.
Một vấn đề nữa là vấn đề đầu tư cốt truyện cũng như độ khó khi xây dựng thế giới trong game, về mặt này thì God of War cũng lại có phần nhỉnh hơn Red Dead Redemption 2. Ở đây “độ rộng lớn” phải được hiểu là mức độ đầu tư cho cốt truyện, chứ không phải tổng thể toàn bộ tất cả những gì mà game đưa tới cho người chơi.
Red Dead Redemption 2 thực tế là xây dựng trên một nền tảng đã có sẵn, nên các vấn đề như bối cảnh lịch sử, nhân vật, các mốc thời gian cũng như kết thúc của nó đều lấy cùng phong cách với phần một. Về cơ bản Red Dead Redemption 2 vẫn tiếp tục kể câu chuyện của những tên cao bồi vô pháp luật, rong ruổi khắp miền Tây với lý tưởng của mình, do đó nó không cần phải nghĩ ra thứ gì đó vượt khỏi hàng rào an toàn vì vốn dĩ mọi thứ đều đã ở sẵn trong kịch bản rồi. Hơn nữa kể cả Rockstar có muốn làm thứ gì đó đột phá với cốt truyện thì cũng là điều không thể, vì các nhân vật như Dutch hay John đều đã có số phận riêng của họ.
Cốt truyện Red Dead Redemption 2 là một cuộc hành trình dài, đơn độc và đau buồn của nhân vật chính Arthur Morgan, một anh hùng của thời đại cũ.
God of War thì khác, từ khi Sony công bố chuyển địa điểm của tựa game này từ Hi Lạp sang Bắc Âu, với một tuyến thần thoại hoàn toàn mới thì mọi thứ đã trở thành một cuộc đặt cược rất lớn. Ngay ở thời điểm đó thì rất nhiều người đã lo lắng seri này sẽ thoái trào, đặc biệt là khi thấy tạo hình mới của Kratos không còn hung dữ như trước. Điều này ảnh hưởng tới toàn bộ cốt truyện về sau của God of War, khi nó đổi từ “phá hủy” thành “bảo vệ”.
Nếu so sánh cùng một khối lượng công việc, thì Red Dead Redemption 2 giống như xây thêm tầng lầu cho một ngôi nhà đã có nền móng vững chắc, còn God of War là đập sạch tất cả để làm lại từ đầu – khỏi cần nói cũng biết cái nào vất vả hơn. Bằng chứng rõ ràng nhất là phong cách cao bồi vẫn hiện hữu trong Red Dead Redemption 2, khi điệu bộ, cử chỉ và lời nói của các nhân vật không có nhiều thay đổi.
Trong khi đó God of War lại khác, bây giờ giả dụ nếu che tên game đi và chơi, thì bảo đảm cả fan cứng nhất của seri này cũng chưa chắc đã có thể biết được thằng cha lực lưỡng dắt con trai chạy vòng vòng đó là Kratos. Một điểm nữa là để xây dựng lại thế giới thần thoại Bắc Âu đúng chất, đội ngũ phát triển God of War đã làm rất nhiều thứ thí dụ như nghiên cứu ngôn ngữ để biến nó thành một phần quan trọng trong game. Toàn bộ những ký tự cổ ngữ trong game đều có nghĩa và có thể đọc và dịch ra được nếu bạn có học về nó, chúng làm nên một thế giới mới cho God of War để tách biệt hẳn với những gì trong quá khứ.
Sony đã có sự mạo hiểm rất lớn khi xoay chiều toàn bộ seri, bọn họ đặt cược vào một thay đổi đáng kinh ngạc nhất để đánh đổi lấy thành công, có lẽ đây mới là lý do chính mà God of War đánh bại Red Dead Redemption 2 – sự đột phá. Ngành công nghiệp game rất cần các ý tưởng mới và thay đổi mạo hiểm như vậy, không phải cái nào cũng sẽ thành công nhưng cơ bản mục tiêu cứ phải là thế cái đã.
Tất nhiên bản thân Red Dead Redemption 2 vẫn là một siêu phẩm vô cùng hay, việc nó không đạt được danh hiệu GOTY ở bất kỳ năm nào sẽ luôn gây ra tranh cãi không có hồi kết. Trong bài viết này thì Mọt Game chỉ muốn đưa ra một góc nhìn khác về chiến thắng của God of War mà thôi, vì đôi lúc mọi thứ không giống như những gì chúng ta tưởng tượng.