Sự ra đời, phát triển và lụi tàn của Gizmondo có lẽ đủ tài liệu để viết thành một bộ hình sự, khi nó hội đủ các loại yếu tố từ hài hước (ý tưởng điên khùng), kịch tính (chủ sở hữu là tội phạm quốc tế) đến hành động (tai nạn xe cộ dẫn đến giám đốc vào tù).
Khởi đầu với tham vọng trở thành đối trọng của Sony và Nintendo, để rồi kết cục của Gizmondo chỉ đóng gói trong vỏn vẹn 25.000 bản được bán ra, trở thành hệ máy chơi game thảm hại nhất lịch sử.
Chiếc máy Gizmondo
Đầu tiên nãy nói về sự ra đời của Gizmondo trước đi, đó là vào những năm 2000 ở Thụy Điển, có một doanh nhân là Carl Freer đã lập ra một công ty nhỏ với tên gọi Eagle Eye Scandinavian chuyên làm ra các thiết bị GPS di động. Cho tới năm 2002, Carl Freer có dịp gặp gỡ làm ăn với một người đồng hương đang làm việc ỡ Mỹ có tên là Stefan Eriksson, thành quả của lần hợp tác này là sự ra đời của Tiger Telematics – một công ty mới được thành lập nên dựa trên cổ phần cũ của Eagle Eye Scandinavian, với Carl Freer làm giám đốc tài chính.
Ý định ban đầu của Tiger Telematics là sử dụng công nghệ GPS của Eagle Eye Scandinavian để tạo ra một thiết bị định vị cho trẻ em, để giúp các bậc cha mẹ có thể biết được con mình đang ở đâu và làm gì bất kỳ lúc nào. Nhưng việc để bọn nhóc suốt ngày cầm theo một cục GPS có vẻ không khả thi, do đó Tiger Telematics quyết định chuyển hướng sang làm máy chơi game cầm tay có tích hợp GPS. Họ gọi thứ này là Gametrac, với mục tiêu không những là tóm đầu bọn trẻ con, mà còn để cạnh tranh cùng Nintendo hay Sony nữa.
Mặc dù vẫn có chế độ mua đồ bằng tiền thật trong Assassin’s Creed Odyssey, nhưng Ubisoft có vẻ đã làm nó thối khắm hơn các tựa game khác rất nhiều.
Mọi việc khởi đầu khá tốt đẹp khi chiếc máy Gametrac được quảng cáo rầm rộ, với tài nguyên lên tới 100 game sẵn sàng ra mắt. Chỉ có một khúc mắc nhỏ về Gametrac khi nó đã được đăng ký bản quyền trước đó, vì thế nên Tiger Telematics quyết định lấy một cái tên mới và cuối cùng chúng ta có sự ra đời của Gizmondo.
Carl Freer – cha đẻ của Gizmondo
Gizmondo chính thức ra mắt vào ngày 19/3/2005, với ngoại hình bằng nhựa cứng cùng màn hình viền bo cong rất đẹp mắt. Tiger Telematics còn đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo của mình khi mở hẳn một cửa hàng phân phối tại Anh, mời các nghệ sĩ nổi tiếng như Busta Rhymes, Pharrell Williams, Dannii Minogue... tham gia trong các buổi ra mắt giới thiệu sản phẩm. Thậm chí Stefan Eriksson (lúc này nằm trong ban quản trị của Tiger Telematics) còn tham gia vào cuộc đua 24 Hours of Le Mans với danh nghĩa công ty, khi cầm lái chiếc siêu xe Ferrari 360 Modena GTC rất hoành tráng.
Mặc dù vậy, doanh số của Gizmondo thất bại ngay từ khi mới xuất hiện, nó chỉ bán được đúng 1000 máy trong ngày ra mắt. Thậm chí sau đó khi tiến đánh thị trường Mỹ thì mọi thứ còn thảm hại hơn, khi Gizmondo chẳng được mấy ai biết tới và chỉ có thể bán ở các kios nhỏ.
Lý do cho thất bại này thì có nhiều, nhưng chủ yếu là vì giá thành khi Gizmondo lên tới gần 400 USD, đắt gần gấp đôi Nintendo DS vào thời điểm những năm 2005. Một điều nữa là số lượng game của hệ máy này quá ít, khi nó sở hữu chưa tới 14 tựa game, thậm chí là tính năng GPS cũng chẳng bao giờ xuất hiện.
Ngày ra mắt Gizmondo tại Anh
Không lâu sau khi ra mắt, vận đen ngay lập tức ập tới với Gizmondo, chủ yếu là các bên thứ ba kiện công ty chủ quản Tiger Telematics về việc quịt tiền quảng cáo, không trả tiền marketing đúng hạn, cố tình lờ đi các hợp đồng tài trợ... Chỉ riêng tiền bồi thường cho cái đống kể trên đã ngốn của công ty hơn 50 triệu USD, cộng thêm doanh số bán hàng thảm hại trên thị trường, đến tháng 1 năm 2006 - Tiger Telematics tuyên bố phá sản, khi phung phí tới 382 triệu USD chỉ trong chưa tới 3 năm rưỡi tồn tại.
Hai tuần sau khi Gizmondo bị khai tử, một trong những người đứng đầu công ty là Stefan Eriksson đã chuồn sang Mỹ. Ông ta bị tóm cổ khi gây ra vụ tai nạn kinh hoàng khi tông chiếc siêu xe Ferrari Enzo của mình vào gốc cây trên xa lộ California, trong trạng thái phê thuốc và say xỉn.
Điều đáng nói ở đây là bộ sưu tập xe của Stefan Eriksson gồm 2 chiếc Ferrari Enzo + Mercedes Benz SLR McLaren (giá thị trường lúc đó là 3,5 triệu USD), là do hắn dùng danh nghĩa Gizmondo để vay ngân hàng Anh. Khi Gizmondo phá sản, Stefan Eriksson đã bằng cách nào đó chuyển số xe này vào Mỹ mà không bị phát hiện, sau đó ung dung sử dụng chúng khi phía ngân hàng còn đang điên đầu thu hồi nợ từ Gizmondo.
Chiếc Ferrari Enzo của Stefan Eriksson sau vụ tai nạn
Chính vụ tai nạn của Stefan Eriksson đã làm các điều tra viên tò mò, sau đó họ khui ra được hóa ra Stefan Eriksson là một trong cách thành viên trong băng nhóm Mafia Thụy Điển, tên này từng là một đầu nậu phân phối thuốc phiện vào những năm 80, cộng thêm các tội danh khác như lừa đảo, bắt cóc tống tiền và làm giả hợp đồng phi pháp. Trước khi gặp Carl Freer và tạo ra Tiger Telematics, Stefan Eriksson đã từng có 6 năm phải ngồi tù vì những tội lỗi của mình.
Trong thời gian làm trong hội đồng quản trị Tiger Telematics, siêu lừa Stefan Eriksson đã tìm cách phân phối tiền đầu tư của công ty dưới nhiều cái tên khác nhau, sau đó từ từ rút chúng về các tài khoản riêng của mình. Vào thời điểm mà Gizmondo bị khai tử, các điều tra viên đã thống kê vẫn còn tới 200 triệu USD không rõ nguồn gốc bị giấu khỏi công ty – khỏi nói cũng biết đó là thành quả của Stefan Eriksson.
Về số phận của Gizmondo thì hệ máy này bán được tổng cộng chưa tới 25.000 bản, trở thành chiếc máy chơi game tệ nhất trong lịch sử. Về sau thì Carl Freer còn chày cối thông báo sẽ tiếp tục làm ra phiên bản thứ 2 của Gizmondo với giá thành 99 USD, vụ này kết thúc còn thảm hại hơn, khi mà cộng sự của Carl Freer là Mikael Ljungman bị kết tội lừa đảo và bị tống vào tù chỉ vài tháng sau khi họp báo. Gizmondo 2 vì thế không bao giờ xuất hiện, còn những người cũ cũng mạnh ai nấy chạy mất tăm.
Siêu lừa Stefan Eriksson (và cả cái xe nữa)
Sau cùng thì Stefan Eriksson bị chính phủ Mỹ kết án vì tội lái xe quá tốc độ và buôn lậu, khép lại cuộc đời của Gizmondo – hệ máy chơi game thảm hại nhất lịch sử, thứ sai lầm ngay từ khi bắt đầu để rồi kết thúc bằng thảm kịch với án tử cho chính mình.