Đối với một game hiện đại, thì việc Assassin’s Creed Odyssey có hệ thống mua đồ trong game bằng tiền thật (microtransactions) chả có gì lạ lẫm nữa. Trong tựa game này người chơi có thể dùng tiền để mua Helix với tỉ giá là 5 USD cho 500 Helix, hoặc theo gói với 50 USD cho 7400 Helix.
Helix có thể dùng để mua các loại hòm đồ khác nhau, từ trang phục, vũ khí, đồ làm đẹp, quân lính dưới quyền, cấp độ và ti tỉ thứ khác. Chúng gần như tăng tiến độ mọi mặt cho ai dư tiền nhưng thiếu thời gian, mặc dù Assassin’s Creed Odyssey là game offline.
Tất nhiên nếu chỉ có lootbox thì Assassin’s Creed Odyssey chưa có gì đáng nói, ở đây Ubisoft đã tìm cách “tiến hóa” tiền tệ của mình thông qua một thứ gọi là Olympian Gifts. Đây là một dạng hòm xiểng gần giống như Heka Chests của Origins, nó có chứa các loại nguyên liệu, trang bị và đồ đạc ngẫu nhiên dưới dạng sổ xố gần giống lootbox cho người chơi. Nhưng thay vì có thể dùng vàng để mua, thì Olympian Gifts lại được đổi từ Orichalcum Ore – thứ chỉ có thể lấy được thông qua các nhiệm vụ theo ngày và tuần, cũng như đào rải rác trên bản đồ.
Orichalcum Ore là loại tiền tệ mới mà Ubisoft phát minh ra trong Assassin’s Creed Odyssey, nó bắt người chơi phải liên tục mở game lên để cày cuốc và kéo dài thời gian chơi của họ ra. Một Olympian Gifts có giá từ 20 tới 100 Orichalcum Ore, trong khi đó chỉ có tổng số khoảng 600 Orichalcum Ore trong toàn bộ game, cộng thêm 10 từ việc hoàn thành nhiệm vụ ngày và 40 cho nhiệm vụ tuần.
Điểm quái gở của Orichalcum Ore là nó hoàn toàn không thể dùng tiền mặt để mua, Ubisoft muốn bắt buộc các game thủ của mình phải có mặt trong Assassin’s Creed Odyssey để mài ra Orichalcum Ore nếu muốn có Olympian Gifts. Đây là cách mà bọn họ phản ứng lại việc cộng đồng luôn nói lootbox là trò bào tiền, giờ thì hết rồi nhé – game thủ các bợn cũng có một loại “lootbox” riêng cho mình, tất nhiên miễn là đủ siêng năng.
Vậy Olympian Gifts có khác biệt gì so với các lootbox mua bằng tiền thật trong Assassin’s Creed Odyssey, đầu tiên thì cơ chế ngẫu nhiên vẫn được áp dụng ở đây, tức là người chơi không thể biết được mình sẽ mở ra rác hoặc ra vàng. Tuy vậy, các lootbox mua bằng tiền thật có tỉ lệ rớt đồ xịn lũy tiến theo số lượng mà người chơi mua chúng, Ubisoft không cung cấp số liệu cụ thể, nhưng họ có “gợi ý” rằng khi người chơi mua càng nhiều lootbox, thì số phần trăm ra đồ xịn ở các hộp sau sẽ tăng lên theo dạng cộng dồn - ờ thật là một cách moi tiền khá là trắng trợn đấy.
Điểm khác biệt chính của Olympian Gifts là tuy cũng ngẫu nhiên, nhưng tất cả món đồ mà người chơi đã mở ra sẽ không bao giờ lặp lại, đồng nghĩa bạn sẽ không bị trường hợp có 2 món vũ khí legendary giống nhau nữa. Cộng đồng Assassin’s Creed Odyssey đã làm một nghiên cứu về vấn đề này, họ nhận ra là với mỗi 100 Orichalcum Ore bỏ ra để mua Olympian Gifts, thì số lượng trang bị nhận được sẽ chắc chắn có lời hơn việc đánh bạc bằng lootbox “xịn”, cho thấy Ubisoft ít nhất còn có một chút lương tâm khi không hạ tỉ lệ đồ cày xuống để bắt buộc người chơi phải bỏ tiền (như một số nhà phát hành âm binh khác như EA chả hạn).
Tất nhiên chúng ta vẫn phải tính tới việc Orichalcum Ore cày cuốc rất mệt, chưa kể nếu so sánh với Heka Chests trong Origins, thì thực ra Ubisoft đã tăng độ khó lấy Ore trong Assassin’s Creed Odyssey lên gấp đôi (giảm số Ore có mặt trong game và tăng giá tiền lên). Tính đi tính lại thì người chơi phải bỏ công sức nhiều hơn, một kiểu thay vì moi tiền thì thôi ta moi thời gian vậy.
Và để bù cho việc sẽ có một số người chơi không mua lootbox mà chuyển sang cày Orichalcum Ore, Ubisoft đã nghĩ ra một trò mới để tìm cách vắt cho bằng kiệt đám keo bẩn này. Cụ thể Assassin’s Creed Odyssey sẽ không cung cấp cho người chơi mini map miễn phí như bình thường, thay vào đó game bắt người chơi phải mua chúng với giá 3 USD mỗi loại bao gồm: First Civilization Steles, Ancient Tablets, Legendary Chests và đương nhiên là Orichalcum Ore.
Cái cơ chế thối thum thủm như kít này đã xuất hiện trong Origins rồi (với giá 2 USD), giải thích về việc tăng tới 50% giá thành thì Ubisoft nói như sau:
- Từng mảnh mini map trong Assassin’s Creed Odyssey chứa thông tin về các địa điểm, phần thưởng và phần thưởng giá trị hơn nhiều so với Origins.
Trò chế ra Orichalcum Ore là cơ chế tiền tệ mới để đánh lừa thị giác với lootbox, sau đó bán chúng kèm theo mini map và giải thích theo kiểu những thứ này có giá trị cực kỳ... có lẽ là đỉnh cao của độ mất dạy của một nhà phát triển. Nên nhớ mini map là thứ miễn phí tự cổ chí kim rồi, Ubisoft thực sự phải uống Milo mỗi ngày 15 ly thì họa may mới nở não đủ to để thu tiền từ chúng.
Về cơ bản thì Assassin’s Creed Odyssey là một game nhận được đủ các loại ý kiến khen chê khác biệt, cho nên người viết sẽ không ý kiến gì lối chơi của nó. Chỉ riêng cái màn đẻ ra một loại tiền tệ mới, xong tuyên bố chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho game thủ khi không cho phép ai dùng tiền thật mua chúng, nhưng sau đó âm thầm tăng thời gian lẫn phí tổn lên thì quả là phát kiến vĩ đại của loài người. Thật không oan ức khi cộng đồng luôn gọi Ubisoft là Ubisuck, nó chẳng bao giờ sai cả.