Phụ Lục
Microtransaction hay giao dịch tiền thật trong game hiện nay có lẽ đã không còn quá xa lạ với các game thủ. Đây là một trong những tính năng có thể nói là bị ghét và bị chửi nhiều nhất mỗi khi nhà sản xuất đưa nó vào trong một tựa game.
Rất nhiều trò chơi đã gây thất vọng toàn tập cho người hâm mộ vì có tính năng này. Game thủ cho rằng mình đã phải bỏ ra khoảng 30 tới 60 USD để sở hữu một game, cớ sao lại phải bỏ thêm tiền để có thêm trải nghiệm. Cũng có ý kiến cho rằng Microtransaction gây mất cân bằng cho tổng thể trò chơi, khiến nó nghiêng về bất cứ những ai dư dả về ngân sách chứ không phải nhờ kỹ năng. Vậy cái sự lợi và hại của hình thức giao dịch tiền thật này đến đâu?
Tôi vẫn xin phép được nhắc lại khái niệm này một chút. Microtransaction hay còn gọi là "Giao dịch tiền thật số lượng nhỏ" là một tính năng được các nhà làm game đưa vào để game thủ có thể mua các vật phẩm có trong trò chơi đó. Mỗi một trò chơi sẽ có một đơn vị tiền ảo riêng và người chơi sẽ phải nạp tiền thật vào thông qua thẻ ngân hàng để quy đổi sang tiền ảo mới có thể sử dụng được, hoặc cũng có những game nước ngoài cho mua hàng bằng giao dịch tiền thật trực tiếp
Số tiền ảo này sẽ dùng để mua item, skill hay những tính năng bổ trợ cho nhân vật của người chơi. Chủ yếu ở đây là việc mua đồ để nhân vật tăng level nhanh hơn so với việc cày game truyền thống sẽ tốn thời gian hơn. Giá trị những giao dịch này thường có giá dưới 10 USD, ví dụ như game thủ mua loot box có giá 5 USD hay mua một bộ skin, vũ khí, unlock màn chơi,… Chỉ cần nó dưới 10 USD và có trong game đó thì được gọi là Microtransaction.
Đây là kiểu giao dịch tiền thật dễ chấp nhận nhất. Người chơi bỏ tiền ra chỉ để mua các item thay đổi hiệu ứng skill, ngoại hình đẹp cho vũ khí hay trang trí cho nhân vật và vũ khí của mình trong game. Nói dễ hiểu thì đây như một cách trả tiền để làm đẹp trong trò chơi. Ai chơi các game MOBA như LMHT chắc không lạ gì loại mua hàng này.
Có những trò chơi cho phép game thủ thuê vật phẩm để sử dụng, có thể trong 30 ngày hoặc ngắn hơn là chỉ 1 tuần đến 3 ngày. Và tới thời hạn người chơi phải nạp thêm để mua tiếp số ngày sử dụng mong muốn nữa. Tính năng này vừa có hại lại vừa có lợi. Cái lợi là bạn có thể không sử dụng nữa và chuyển qua cái khác nếu chán, còn cái hại thì số tiền bạn thuê trong thời gian dài có thể sẽ trội hơn hẳn so với việc mua đứt nó ngay từ đầu. Mua súng có thời hạn trong Đột Kích là một ví dụ của loại hình này.
Nếu bạn không có thời gian để cày cuộc một trò chơi thì việc bỏ tiền ra mua điểm kinh nghiệm, mua kim cương hoặc bất cứ item gì giúp cho việc hoàn thành game nhanh hơn cũng là một gợi ý. Đây cũng là cách rất nhiều trò chơi hiện nay áp dụng. Ví dụ đơn giản nhất là bạn mua thể lực trong các game cày cuốc tính bằng thể lực hay bỏ tiền ra để hủy bỏ thời gian đếm ngược cần có để xây xong một công trình trong một game SLG.
Bạn có thể thấy loại Microtransaction này ở những trò chơi đối kháng mà có nhiều nhân vật. Có thể trò chơi sẽ yêu cầu bạn hoàn thành các quest mới unlock được nhân vật, hoặc có một cách đơn giản hơn là game thủ chi thật nhiều tiền để sở hữu toàn bộ nhân vật mà không phải tốn công hoàn thành quest nào.
Đây mới là dạng Microtransaction bị lên án nhiều nhất. Trò chơi sử dụng loại này sẽ yêu cầu game thủ phải bỏ tiền ra mới được trải nghiệm tiếp một phần nội dung của cốt truyện đã bị ẩn đi. Đây là cách làm gây ức chế nhất của nhà làm game khi họ cắt xén câu chuyện ra làm thành nhiều phần khác nhau và mỗi phần bán với giá riêng và ép buộc các fan phải giai dịch bằng tiền thật đổ thêm tiền vào để thỏa mãn đam mê của mình với tựa game mà họ khao khát. Ví dụ nổi tiếng nhất của trò bẩn bựa này là Asura's Wrath khi Capcom vất cho người chơi 1 ending thường còn "true ending" thì bán thêm dưới dạng DLC.
Mục đích của Microtransaction được sinh ra là để tăng lợi nhuận cho các nhà làm game. Dù là game free to play hay trả phí thì đều có thể được các nhà sản xuất áp dụng. Bằng việc đưa vào một số item hấp dẫn, có khả năng tăng các chỉ số sức mạnh của người chơi lên, hãng sản xuất đã kích thích người chơi của mình nạp thêm càng nhiều tiền càng tốt. Nếu cứ để cho các game thủ bỏ thời gian ra cày liên tục thì số tiền lợi nhuận sẽ chẳng tăng lên là bao.
Các game online thường dễ áp dụng Microtransaction hơn vì tính ganh đua giữa những người chơi rất lớn, hơn nữa các trò chơi online đều là miễn phí nên hãng phát hành phải nghĩ ra rất nhiều thứ để có được doanh thu. Chỉ cần một vài lần người chơi cảm thấy mình thua thiệt hơn so với đối thủ là tự khắc họ sẽ nạp tiền ngay để nâng cấp item. Số tiền mỗi lần nạp có thể không nhiều, nhưng nhiều lần như vậy sẽ thành con số khổng lồ. Ví dụ "hết hồn" nhất của vụ này là một ông fan của game Fate/Grand Order đã nạp đến 70.000 USD vào game chỉ để săn một dàn tướng xịn.
Nhưng tại đây sẽ nảy sinh ra một vấn đề, đó là mất cân bằng giữa những người chơi với nhau. Người chơi không nạp tiền hoặc nạp ít tiền sẽ không bao giờ có thể thắng được người nạp nhiều tiền. Kể cả khi cả 2 có cùng đi lên bằng kỹ năng nhưng chỉ cần có sự chênh lệch về số tiền thôi là đẳng cấp 2 bên cũng sẽ chênh lệch theo.
Tiếp theo là nếu game thủ cứ nạp tiền mãi mà không thể thắng nổi người chơi khác thì chắc chắn họ sẽ nhanh chán và bỏ game mà thôi. Vậy nên một vài tựa game như Overwatch đã làm khác đi, chỉ cho phép người chơi mua hoặc mở ngẫu nhiên những vật phẩm có chỉ có giá trị làm đẹp, không ảnh hưởng tới tổng thể tính cân bằng trong game. Nhưng mấu chốt hút tiền ở chỗ là các vật phẩm đó quá đẹp, nó sẽ kích thích tính ganh đua là muốn có được skin đó cho bằng bạn bằng bè.
Còn game offline, với cốt truyện riêng rẽ, người chơi có thể trải nghiệm một mình mà không cần ganh đua, việc đưa vào chức năng giao dịch tiền thật sẽ hơi khác một chút. Các hãng chỉ có cách đưa những nội dung riêng nhưng có liên quan tới cốt truyện chính, hoặc tạo ra những màn chơi có độ khó cao để kích thích game thủ nạp tiền mua item nâng cấp.
Loot Box là một trong những hình thức Microtransaction phổ biến nhất trong ngành công nghiệp game. Đây cũng là hình thức thu hút người chơi nhất khi bạn sử dụng giao dịch tiền thật để mua hàng nhưng lại không biết món đồ mình mở ra là gì, vì nó hoàn toàn ngẫu nhiên. Có thể đó là một món đồ có giá trị hoặc không. Điểm gây nghiện của hình thức này là giá của Loot Box rất rẻ nhưng lại có cơ hội mở được món đồ giá trị lớn hơn.
Với nhiều game thủ thì đây là cơ hội để có thể sở hữu món đồ lớn nhưng chỉ phải bỏ ra số tiền rất nhỏ. Còn có người thì lại cho rằng đây không khác gì là một hình thức đánh bạc trá hình. Thực tế thì nhiều quốc gia trên thế giới đã xếp Loot Box vào dạng cờ bạc và bắt đầu có những lệnh cấm vận nhất định.
Đó là nói riêng về Loot Box. Còn về phía các hình thức Microtransaction nói chung thì tranh cãi cũng nổ ra rất nhiều. Như tôi đã nói ở trên thì các trò chơi free-to-play bắt buộc phải đưa vào Microtransaction mới có thể thu được lợi nhuận, và các game miễn phí này có thể thu được tiền lâu dài hơn so với hình thức truyền thống.
Nhưng có người lại phản đối hình thức này vì nó lớn mạnh hơn sẽ giết chết sự sáng tạo của các nhà phát triển, khiến ngành công nghiệp game dần dần biến thành một ngành công nghiệp cờ bạc trá hình. Khi đó các trò chơi sẽ không còn ưu tiên kỹ năng, cốt truyện hay rất nhiều yếu tố truyền thống khác nữa mà chỉ có tiền và tiền mà thôi. Và game thủ, họ không còn trả tiền để hưởng trọn vẹn sản phẩm được nữa, ở đây họ trả tiền lần đầu sau đó tiếp tục bị bòn tiền dài dài cho cái mà lẽ ra họ chỉ trả lần đầu là có thể hưởng hết.
Microtransaction có lẽ sẽ không bao giờ bị loại bỏ ra khỏi ngành công nghiệp game vì nó đang là một trong những cách kiếm tiền hiệu quả nhất. Tuy nhiên việc game thủ phản ứng mạnh mẽ với hình thức này cũng có lý do. Vì nó đang làm mất đi tính cân bằng của game, ảnh hưởng nặng nề tới trải nghiệm của game thủ. Nó khiến cho trò chơi đó không còn tính sáng tạo mà chỉ chăm chăm tới việc các hãng cố gắng tận thu.
Nhưng nhìn lại thì vẫn có những hãng đang có những hướng đi đúng đắn về Microtransaction. Dù vẫn là kinh doanh nhưng không ảnh hưởng tới sức mạnh và tổng thể trận đấu giữa những người chơi với nhau. Kiếm tiền và sáng tạo là 2 yếu tố cần thiết trong ngành công nghiệp game, nhưng bắt buộc phải song hành cùng nhau. Kiếm tiền là cần thiết để duy trì cũng như là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của hãng vì những sáng tạo khiến cộng đồng game thủ phải tán dương và kính trọng.