Phụ Lục
Vài tháng trước đây, cộng đồng thế giới đã bị shock khi nghe tin một anh chàng game thủ Nhật tên Daigo đã đổ 70.000 USD (khoảng 1,6 tỉ đồng) vào vật phẩm và nhân vật trong Fate/Grand Order. Đó là một con số khổng lồ, và chắc chắn là nhiều hơn hẳn so với những gì tác giả sẽ bỏ ra cho sở thích cá nhân trong suốt cuộc đời. Nhưng Daigo không phải là trường hợp duy nhất trong một thế giới mà mô hình kinh doanh bằng loot box (hay còn gọi là gacha) đang ngày càng phổ biến, và mọi tựa game từ mobile đến PC, từ online đến offline đều đang theo đuổi.
Daigo, game thủ Fate/Grand Order nổi như cồn nhờ chi 70.000 USD vào game
Nhưng Fate/Grand Order không giống như Star Wars: Battlefront II bị chửi “tắt bếp” vì những gacha P2W trắng trợn, cũng không có tỉ lệ rơi vật phẩm ở mức trên trời của PUBG (mà bạn có thể xem thử tại đây). Gacha của nó không bán những lời hứa Pay to Win, hay bằng sức hút của những vật phẩm siêu hiếm (dù quả thực game thủ mua gacha của FGO vì những vật phẩm siêu hiếm), mà nó sống nhờ vào việc bán sự đam mê cho các fan của mình.
Game thủ không cần những nhân vật hiếm nhất để chiến thắng trong Fate/Grand Order. Medea 3* hoàn toàn có thể làm được điều mà Altria Lancer 4* hay Tamamo no Mae 5* làm được, với một cái giá rẻ hơn nhiều. Nhưng đó không phải là mục tiêu của game thủ. Họ muốn được chiến đấu bên cạnh Altria và Jeanne d’Arc, “cưa cẩm” những nhân vật quen thuộc trong series Fate để tăng Bond, chứ không phải những kẻ “mài mông” trên ghế dự bị mà game trao tặng hoàn toàn miễn phí.
“Tôi phải có Altria Lancer!”
Kể từ phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 2004, Fate đã trở thành một hiện tượng văn hóa, chứ không chỉ với fan của manga hay game. 14 năm là quá đủ để tạo ra một thế hệ game thủ đam mê Arturia (bây giờ là Altria) Pendragon, thanh kiếm “Thệ Ước Thắng Lợi” Excalibur, rành sáu câu về những cuộc chiến tranh Chén Thánh và vanh vách về số phận của những nhân vật tham gia vào đó. Gacha của game được xây dựng để dành cho những game thủ sẵn sàng bỏ ra 20 USD cho mỗi lần quay, và quay hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mặc cho tỉ lệ trúng thưởng chỉ 1%.
Game thủ không quan tâm. Họ nghĩ rằng những gì mình bỏ ra là xứng đáng.
Ishtar
Và Fate/Grand Order kiếm tiền từ đó. Nó “vắt sữa” những game thủ này với tỉ lệ 1% cho những servant 5*, và 3% cho servant 4*. Gacha của game có tỉ lệ chiến thắng cực thấp, mức giá “chát đắng” và sự keo kiệt bất ngờ so với những trò chơi khác, nhưng chúng không thể ngăn trò chơi chiếm hữu những vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng ở Nhật. Fan không quan tâm. Họ có tiền, và họ muốn có Saber. Tỉ lệ đã được ghi sẵn. 1%.
Mua?
Mua.
Mua!
Nhà phát triển không hề ngại ngần khi… móc mỉa những game thủ “cơm cha áo mẹ” của mình. Type-Moon nhờ họa sĩ Riyo vẽ ra Riyo Gudako, một nhân vật nữ đại diện cho game thủ và cơn cuồng gacha của họ. Cô nàng này là một con nghiện gacha, và là nhân vật chính trong series “Understanding with Manga” dành cho game thủ Fate/Grand Order.
Ngay trong khung tranh đầu tiên, Gudako đã bị gọi là “dumb noob”!
Trong cả series truyện này, Gudako là một nhân vật xấu xa. Gudako đe dọa NPC, quấy rầy các servant, , rồi quay ngoắt 180 độ khi chẳng buồn chăm sóc họ mà chỉ chăm chăm luyện cấp, lấy bonus đăng nhập hàng ngày, chờ lượt gacha kế tiếp. Sẽ không có gì lạ nếu đây là một manga độc lập, nhưng không, Gudako là hình tượng đại diện cho người chơi – là bạn đấy!
Và game thủ của Fate/Grand Order phát cuồng vì Gudako. Fate chưa từng lo ngại chuyện “phá vỡ bức tường thứ 4” để chế nhạo chính mình lẫn các fan của series, và vì thế nên Riyo Gudako trở thành một hiện tượng. Understanding with Manga! được in thành sách, rồi sau đó là hai tập More! và Yet More!, không còn là một bộ truyện để hướng dẫn game thủ Fate/Grand Order, mà là một bộ truyện tranh chế nhạo game thủ và cơn cuồng gacha của họ. Gudako nhanh chóng có được nendoroid riêng của mình, để các fan Fate/Grand Order có thể mua về nhà và cho đứng cùng bộ sưu tập figure của các servant.
Vì đâu Gudako lại được yêu thích? Có lẽ là bởi game thủ nhìn thấy mình trong hình tượng nhân vật này. Cô nàng phát cuồng khi được quay gacha mới, tuyệt vọng khi tỉ lệ % không theo ý muốn của mình, và luôn muốn có thêm nhiều cô gái anime hơn trong tay. Có một điểm khác biệt nho nhỏ mà cả họa sĩ lẫn các fan đều cố ý bỏ qua: Gudako có thể giàu như Scrooge McDuck, còn những game thủ “người trần mắt thịt” thì ví rỗng,
Gudako có lẽ cũng giàu như thế này.
Hãy trở lại với các fan. Khi được hỏi về trò chơi, Daigo nói rằng Fate/Grand Order là một trò chơi ma mãnh khi không P2W, mà đánh vào tình yêu mà các fan dành cho nhân vật. Lấy tình yêu đó, trộn thêm một ít gia vị % của gacha và sự tàn nhẫn của thể loại game thẻ bài vào trò chơi, và Fate/Grand Order đã có công thức kiếm tiền riêng của mình.
Bạn cần trúng một thẻ bài 5 lần để cường hóa lên mức tối đa.
Không phải game thủ nào cũng là Daigo, với một núi tiền rảnh rỗi kiếm được từ việc chơi cổ phiếu. Rất đông game thủ đã cảm thấy cực kỳ cay đắng sau khi servant Jeanne D’Arc Alter được ra mắt. Rất đông fan của trò chơi đã bị đánh lừa bởi dòng chữ “tăng tỉ lệ rơi từ gacha” và bỏ ra hàng trăm USD với hi vọng nhận được nhân vật này. Chỉ có điều họ không biết rằng lời hứa “tăng tỉ lệ rơi” thực ra chỉ là Jeanne sẽ xuất hiện thường xuyên hơn so với những nhân vật 5* khác, và khả năng bạn được một nhân vật 5* vẫn chỉ là 1%!
Không phải ngẫu nhiên mà gacha thường được game thủ gọi là “gacha hell”. Mọi gacha đều được thiết kế để đại đa số game thủ thua cuộc, bởi các hãng phát hành game không phải là nhà từ thiện. Game thủ chúng ta biết rõ khả năng chiến thắng này, nhưng vì nghiện, vì đam mê hay vì… dư tiền, chúng ta vẫn lao đầu vào gacha.
Kizuna Ai cũng mê gacha.
Phải chăng đây là lỗi của bản thân người chơi? Đúng vậy, nhưng cả nhà phát triển cũng có lỗi khi họ cố ý khai thác nhược điểm của game thủ. Các công ty game luôn sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi giá, nhưng chỉ có Fate/Grand Order có thể chế nhạo khách hàng và khiến họ thích thú để tạm quên nỗi đau “viêm màng túi” của mình. Gudako giúp trò chơi ngăn chặn mọi tranh cãi về chuyện liệu nghiện gacha có tốt hay không. Nó nói toạc ra “giống Gudako” là xấu, để bạn cười xòa bỏ qua rồi chờ đến lần quay gacha kế tiếp của mình.
Ít ra thì Fate/Grand Order rất thẳng thắn. Mọt game thích điều đó.