Những tựa game nổi tiếng bậc nhất mà chúng ta biết, đều là game tình cảm. Dù là tình yêu đôi lứa sến sủa như các cặp đôi trong Final Fantasy, hay sự mất mát tình cảm lớn lao của Kratos trong God of War, thì đều làm nên những trải nghiệm để đời cho người chơi.
Cứ thử nghĩ xem, nếu Uncharted mà thiếu đi cuộc tình (bao gồm cả những cuộc đánh ghen và cãi lộn) giữa Nathan Drake và Elena Fisher, thì có phải đáng chán lắm chăng? Đó là con chưa kể tới những cuộc tình thùy mị trong The Wicher hay giữa Snake và Quiet trong Metal Gear Solid V (mặc dù nó không bộc lộ rõ lắm). Một tựa game đỉnh cao không phải do đồ họa hay lối chơi, những thứ này chỉ là gia vị làm nên một game 8 điểm mà thôi. Một game được coi là siêu phẩm 10 điểm khi nó có thể khai thác hết các khía cạnh của cuộc sống, như hạnh phúc, ước mơ, hoài bão, chiến tranh... và tất nhiên là cả "tình yêu" rồi?
Có phải không nào? Lấy ví dụ Final Fantasy X dù có lối chơi hay và đồ họa đẹp vào những năm 2005, nhưng những yếu tố đó không thể so được với các siêu phẩm AAA hào nhoáng, "trẩu tre" năm 2017. Vì lý do gì mà Final Fantasy X vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ dù cho hơn thập kỷ đã trôi qua? Đó chính là vì cuộc tình mùi mẫn giữa Yuna và Tidus đã để lại chấn động quá mãnh liệt trong lòng người chơi. Khi trải nghiệm câu truyện đẫm nước mắt của Final Fantasy X, dù bạn chưa bị thất tình ngoài đời thật bao giờ, nhưng bạn vẫn có thể thử nếm trải cảm giác của một lần thất tình nó... đắng lòng ra sao!
Tại sao game tình cảm lại khan hàng như vậy? Mà tại sao hầu hết game tình cảm lại là siêu phẩm? Thử nhìn qua HuniePop, một tựa game "kim cương" đơn giản đến lạ kỳ. Nhưng nhờ vận dụng yếu tố tình cảm tốt, mà HuniePop đạt doanh thu khủng và 10 điểm đánh giá trên Steam.
Rõ ràng, game tình cảm là một mảnh đất đầy màu mỡ, một số quốc gia như Nhật Bản nhiều năm nay vẫn chuyên tâm vào khai thác thể loại này, là do văn hóa của họ dễ dàng tiếp nhận những sản phẩm như vậy. Chính phủ Nhật Bản vì lo ngại vấn đề thiếu hụt trẻ em của quốc gia, nên nghĩ rằng việc kích thích chuyện yêu đương cho giới trẻ là cần thiết. Trong khi ở những quốc gia khác, game về tình yêu đôi lứa nhiều khi sẽ gặp phải các rào cản về pháp lý. Chưa kể, việc chúng có được đón nhận khi phát hành ở nước ngoài hay không, vẫn là một dấu hỏi lớn. Nhiều game Visual Novel (tiểu thuyết trực quan) về đề tài tán gái - tán trai của Nhật đã từng tìm đường vươn tới thế giới nhưng thất bại thảm hại. Mà HuniePop chỉ là một cá thể thành công hy hữu trong hàng ngàn những thất bại đó.
Thật vậy, game thủ Châu Âu, Châu Mỹ, đối tượng chủ yếu mà những game này nhắm tới - thì đều đã quá quen với các game 3D bắn giết chân thực nhịp độ cao. Sự thật là ngoài Nhật Bản, nơi quy tụ những Otaku cày game suốt ngày không có bạn gái ra, ngay cả tại các nước Châu Á khác như Việt Nam Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng không có nhiều người sẵn sàng bỏ khối lượng thời gian lớn ra cày những game như vậy. Game tình cảm Visual Novel thường có giao diện và nhân vật đơn điệu kiểu 2D, lối chơi chẳng yêu cầu nhanh tay nhanh mắt mà lắm lúc còn gây buồn ngủ, câu truyện mùi mẫn trong game thì lại không mấy ai cảm thông. Hơn nữa, giới trẻ ngày nay đầu óc thường không được lãng mạng cho lắm, thói quen sống vội yêu vội thúc đẩy họ phải tìm người yêu gấp tìm bạn đời mau, mà chẳng quan tâm đến việc tìm hiểu xem cách yêu ra sao, vượt qua các thử thách trong tình yêu thế nào...
Chính trị và xã hội là các đề tài tề tựu trong mọi cuộc nói chuyện, vì chúng là những đề tài bình dân, dễ nói dễ bàn mà ai cũng biết. Cao cấp hơn một chút, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm sống lại khó nói hơn, vì nếu người nói không đủ hiểu biết, cuộc nói chuyện sẽ trở nên nhạt nhẽo. Còn nếu người nghe mà cũng không hiểu biết luôn, thì cả đám sẽ vùi đầu mà ngủ trong cuộc nói chuyện. Nhưng khó nói nhất, vẫn là các đề tài gây ngượng ngịu, mà một trong số đó chính là chuyện tình cảm.
Nếu hầu như ai cũng sợ "sến" thì các tác giả làm game cũng như vậy. Trong thế giới game, không phải hãng phát triển nào cũng dám khai thác chuyện tình cảm trực diện như Final Fantasy với những cảnh ôm hôn và lời "sao trăng" ngọt ngào. Các tác phẩm kinh điển về tình yêu thì thường tả giảm tả tránh, đi đường vòng đường vèo rồi mới đến đích như bộ phim Kimi no Nawa (Your Name) mới gây ra hiện tượng gần đây chẳng hạn.
Phải là những tác giả cực kỳ phóng khoáng, cực kỳ can đảm, thì mới có thể đề bạt một kịch bản đầy "nước mắt nước mũi" với những câu thoại kiểu: "Chúng mình sẽ bên nhau mãi mãi nhé", "Có phải ba em đã trộm các vì sao... à mà thôi"... cho cả công ty đọc. Và họ còn phải may mắn hơn nữa khi người kiểm duyệt, các vị chủ tịch tập đoàn của công ty là những người không ngại "sến sủa" để biến kịch bản đó thành một game. Bạn viết ra một bài văn hay sáng tác ra một ca khúc, chẳng may có ai đọc hay nghe được, bạn đã ngượng chín mặt. Thì phải cần sự can đảm tới cỡ nào mới dám phô bày điểm yếu đuối trong tâm hồn, hay các bi kịch về chuyện tình cảm của bản thân mình cho cả thế giới biết?
Như đã đề cập bên trên, sự thiếu lãng mạng và thiếu can đảm đang làm các bạn trẻ có cái nhìn méo lệch về nhiều sự việc. Xem phim tình cảm rồi sẻ chia nỗi buồn với nhân vật, thậm chí khóc, không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Mà việc không ngại chia sẻ và thể hiện điểm yếu của mình cho người khác biết mới chính là mạnh mẽ! Cứ mỗi lần game thủ ngoảnh mặt quay lưng với các game tình cảm vì nghĩ rằng "mấy thằng thua cuộc mới chơi cái thể loại này", thì bạn lại mất đi cơ hội trải nghiệm những cảm giác mới, học tập những kiến thức mới về tình yêu. Và quan trọng nhất là, không cho các nhà làm game có cơ hội làm tiếp các game khác về đề tài này.
Lâu dần, vì không ai muốn làm, cũng chẳng mấy ai chơi nên các hãng mới nghĩ ra cách biến yếu tố tình yêu trở thành một phần phụ trợ cho game nhập vai, hành động, mô phỏng và đạt được những thành công vô cùng rực rỡ. Ví dụ như Final Fantasy hay Shin Megami Tensei: Persona là những dòng game nhập vai vĩ đại nhất. The Witcher 3 là game thế giới mở, hành động phiêu lưu đại diện cho năm 2016. Harvest Moon là game nông trại huyền thoại một thời... Bạn thấy chứ? Thực ra ai cũng thích tìm hiểu và tò mò về chuyện tình cảm mà thôi, game nào mà có yếu tố lãng mạng trong đó thì đều bán chạy như tôm tươi. Nhưng bảo người ta thừa nhận điều đó bằng cách chạy ra cửa tiệm, mua một đĩa game hay một bộ phim tình cảm để thưởng thức, thì không phải ai cũng có đủ can đảm!
Từ đó có thể thấy, các bạn trẻ đang cố gắng thể hiện sự "nam tính", sự "mạnh mẽ" bằng việc tập Gym, chơi game, xem phim bạo lực... mà không biết được rằng chúng hầu như chẳng có tác dụng gì trong mắt người khác giới. Về bản chất, nếu bạn thích mà không dám thừa nhận là bạn thích, đó mới chính là một tinh thần yếu đuối. Mà một người có tinh thần yếu đuối thì lại không hấp dẫn. Có lẽ cũng vì lý do này mà, hầu hết game thủ thường là dân... FA! Nhưng một khi bạn chịu sử dụng hình thức này để rèn luyện kỹ năng "cua gái" của mình, thì tỷ lệ "tạch" sẽ giảm đi rõ rệt.
Vậy lối đi nào là khả thi cho dòng game tình cảm đang dần sa sút? Liệu có một ngày game về tình yêu sẽ phổ biến như phim ảnh truyền hình chứ? Mời các bạn đón đợi bài viết kì sau của Motgame về các cách khai thác để các sản phẩm loại này tự mình "phát dương quang đại", mà không cần kí sinh vào những dòng game AAA lớn. Còn bây giờ, bài viết hôm nay xin được dừng lại ở đây, bạn đọc đừng quên cho Motgame biết ý kiến và cảm nhận riêng của mình nhé!