Vừa ra mắt vài ngày trước đây, Lost Sphear là tựa game nhập vai mới nhất của ông lớn Square Enix, được kỳ vọng như một game JRPG xuất sắc sau thành công của I Am Setsuna. Lost Sphear đem tới cho người chơi một thế giới fantasy cổ điển, một cốt truyện tuyến tính không có khái niệm thế giới mở… thật khó để nói Lost Sphear có thể thành công hay không, nhưng đây vẫn là một cái tên đáng chú ý cho những fan nhập vai truyền thống.
Cốt truyện của Lost Sphear có thể tóm gọn bằng 2 từ đó là “kinh điển”, nó có toàn bộ tất cả những gì trong công thức thành công của một RPG cổ điển cách đây hơn… một thập kỷ trước như: nhân vật chính xuất thân tầm thường nhưng mang trong mình một bí mật ghê gớm, đồng đội đi cùng là đám bạn thời thơ ấu, nhiệm vụ giải cứu thế giới, nói chuyện nhiều kinh dị và âm nhạc tuyệt hay.
Về cơ bản thì có thể coi Lost Sphear là một phần tiếp nối của I Am Setsuna, lấy bối cảnh cùng thế giới nhưng khác tuyến nhân vật, đội ngũ phát triển cũ là Tokyo RPG Factory cùng nhạc sĩ Tomoki Miyoshi tiếp tục đảm nhận game này. Vì những lý do này mà Lost Sphear mang phong cách của I Am Setsuna rất nhiều, điều này khiến game nhận đủ các thể loại lời khen chê trái chiều.
Không biết có phải Square Enix cố tình muốn đem trở lại “chất” RPG truyền thống sau rất nhiều thứ hổ lốn họ làm gần đây hay không, mà từ cốt truyện tới lối chơi của Lost Sphear đều đậm chất “ký ức tuổi thơ”. Nếu như là một người hâm mộ dòng JRPG cổ điển từ thời Lunar Story, Chrono Trigger, Secret of Mana hay Final Fantasy VII tới X… thì bạn sẽ nhận thấy điểm quen thuộc trong Lost Sphear.
Không có thế giới mở, không có các nhiệm vụ phụ lằng nhằng, không có một cốt truyện tự do lựa chọn, nhân vật chính là một thằng trẩu tuổi teen đi cùng đám bạn cũng ngu si không kém và cuối cùng là những đoạn hội thoại dài lê thê khủng khiếp… những thứ tưởng chừng đã tuyệt chủng từ lâu. Lối chơi của game là sự kết hợp giữa Chrono Trigger và Final Fantasy VIII, với sự xuất hiện của thanh ATB và cách đánh nửa theo lượt nửa thời gian thực.
Nếu bạn là người yêu thích các trận đánh hoành tráng, những màn "phóng" chiêu cuối ngập mặt thì sẽ phải thất vọng vì trong Lost Sphear hoàn toàn không có những thứ đó. Thậm chí nếu xét một cách khó tính thì hình ảnh của game chỉ ngang ngửa các sản phẩm cách đây phải 4 - 5 năm, một điều nữa là Lost Sphear không có phần lồng tiếng nhân vật trong khi hội thoại, cho nên nó khá khô và rất kén chọn người chơi.
Nhắc tới độ hoài cổ của Lost Sphear mà không nói tới âm nhạc thì thật sự là thiếu sót, sau thành công rực rỡ với các bản Soundtrack đỉnh cao trong I Am Setsuna, Tomoki Miyoshi tiếp tục đem phong cách đậm chất fantasy của ông đến với Lost Sphear. Khi nghe những bản nhạc nền trong Lost Sphear, người viết loáng thoáng cảm thấy cảm giác “phiêu” giống như thời hoàng kim của Nobuo Uematsu với những bản nhạc huyền thoại trong Final Fantasy. Chúng nhẹ nhàng như một mùi hương thoang thoảng thổi trong gió, đôi khi tạo cho người nghe cảm giác buồn da diết, tựa như ký ức một thời xa xăm đã thất lạc lâu lắm rồi.
“Hoài cổ” có lẽ là từ đúng nhất để miêu tả Lost Sphear, nó gần như sẽ chỉ phục vụ được một tầng lớp game thủ rất nhỏ đam mê JPRG, mà còn phải là các JRPG cổ xưa nhất nữa cơ. Bối cảnh trong Lost Sphear cực kỳ chậm rãi, thậm chí chậm tới mức buồn ngủ vì số lượng câu thoại rất nhiều của nó, hầu hết thời gian người chơi chủ yếu là thưởng thức cốt truyện cùng âm nhạc của game nhiều hơn là đánh nhau.
Một điểm đặc biệt là tông màu của Lost Sphear thuần sắc trắng, nó tượng trưng cho sự khởi đầu và sự thất lạc của thế giới trong game. Mỗi khi có một thứ gì đó mất đi, mọi thứ xung quanh nó sẽ bị bao phủ bởi một màn sương mù màu trắng bạc lấp lánh, cộng thêm các bản nhạc da diết làm mọi thứ cứ trầm buồn như vậy suốt cả game. Thực sự rất khó để nói Lost Sphear là một game hay, nhưng có một điều chắc chắn là nó rất hợp cho những game thủ yêu thích sự cổ điển hoặc muốn tìm lại những bản nhạc tuyệt vời trong thời hoàng kim của JRPG.