Phụ Lục
Vào thời mà Mọt tui mới biết đến máy tính, việc chơi game trên trình duyệt (webgame) là bất khả thi nếu bạn không cài đặt Flash. Vì vậy, việc giữ một file cài Flash sẵn trong USB hoặc burn ra đĩa CD (cùng nhiều phần mềm cần thiết khác) để sử dụng sau mỗi lần cài lại Windows là chuyện rất bình thường. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, chúng ta bỗng nhận ra rằng việc cài đặt Flash không còn cần thiết nữa trong khi biểu tượng chữ f nghiêng nghiêng biến mất khỏi các trang web mình thường ghé qua. Flash đang chết dần và được thay thế bởi HTML5, nhưng vì đâu lại xảy ra hiện tượng đó?
Flash, nền tảng đa phương tiện (multimedia) mà chúng ta quen thuộc ngày nay vốn được gọi là SmartSketch, sản phẩm của một công ty nhỏ gọi là FutureWave Software. Công ty này tạo ra SmartSketch với hi vọng thách thức sự thống trị của kỹ thuật dựng hình Shockwave do Macromedia phát triển, nhưng sau khi bị từ chối bởi Adobe vào năm 1995, họ buộc phải bán lại nền tảng của mình cho chính đối thủ mà họ định vượt qua vào tháng 11/1996. Macromedia đổi tên nền tảng này thành Flash 1.0 với hai thành phần: một trình chỉnh sửa chuyển động có tên Macromedia Flash, và một trình phát Flash có tên Macromedia Flash Player. Điều hài hước là sau đó, Macromedia lại bị Adobe mua lại để biến Macromedia Flash thành Adobe Flash kể từ năm 2005 cho đến nay.
Với khả năng cho phép người dùng trải nghiệm những nội dung tương tác trên trang web (điều mà HTML ban đầu không làm được), Flash nhanh chóng trở thành một trong những phần mềm được cài đặt nhiều nhất trên toàn cầu, phục vụ cho rất nhiều mục đích từ âm nhạc, phim ảnh, banner quảng cáo cho đến game. Nhưng bên dưới sự huy hoàng, Flash có quá nhiều vấn đề tồn đọng không thể được khắc phục – Steve Jobs từng viết một bài blog chỉ ra những vấn đề này vào năm 2010 để giải thích lý do tại sao Apple ngừng hỗ trợ Flash trên các thiết bị của mình. Điều này biến Apple thành một trong những công ty đầu tiên loại bỏ Flash, kéo theo hàng loạt cái tên lớn khác noi theo.
Dù vậy, gần một thập kỷ đã trôi qua và Flash vẫn đang trong quá trình “giãy chết” bởi công ty mẹ Adobe nói rằng nó sẽ chỉ hoàn toàn ngừng hoạt động vào cuối năm 2020. Theo các số liệu thu thập được từ người dùng trình duyệt Chrome, hồi năm 2014 có đến 80% các trang web sử dụng Flash, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn… 8% vào năm 2018. YouTube cũng bỏ Flash khỏi vị trí là chương trình phát video mặc định vào năm 2015, khiến người dùng không còn phải bận tâm đến những vấn đề an ninh cố hữu mà nền tảng này mắc phải.
Dù Adobe là công ty sở hữu Flash, họ cũng là một trong những kẻ sốt sắng nhất trong việc… khai tử nền tảng này. Hai năm trước đây, Adobe đã nói rằng Flash cần phải… chết để đáp ứng được nhu cầu của người dùng, bởi ba lý do khác nhau:
Trong khi đó, HTML5 khắc phục được cả ba nhược điểm trên và hơn thế nữa. Người dùng không cần phải cài đặt hay cập nhật bất kỳ một phần mềm mới nào, bởi các công cụ cần thiết sử dụng và phát triển với HTML5 đều có sẵn trong các trình duyệt, và bất kỳ thiết bị nào hỗ trợ HTML5 đều có thể chạy một tựa game được phát triển trên nó, dù đó là điện thoại hay PC. HTML5 an toàn hơn Flash vì nhiều lý do khác nhau. Các ứng dụng được viết trên HTML5 cũng nhẹ nhàng hơn và có thể sử dụng card đồ họa để tạo ra những hình ảnh 3D phức tạp. Nhờ đó, các nhà phát triển có thể tạo ra những tựa game hấp dẫn và đẹp mắt có thể chạy ngay trên trình duyệt (webgame), điều bất khả thi trên Flash.
Những tựa game HTML5 mà game thủ Việt quen thuộc nhất có lẽ là các… webgame từ Trung Quốc, những trò chơi mà bạn có thể chơi ngay lập tức mà chẳng cần phải tải về. Trong khi đó, game thủ thế giới biết đến game HTML5 qua những tựa game “io” như agar.io hay krunker.io, những trò chơi không thể nào trở thành hiện thực trên nền Flash. Nhưng dù là phương đông hay phương tây, tất cả những tựa game này có lẽ đều có một “tổ tiên” chung: Browser Quest, một tựa game online trên trình duyệt do Mozilla phát triển.
Browser Quest được Mozilla phát triển và phát hành vào năm 2012 để chứng minh sức mạnh của HTML5. Vào thời điểm này, những tiêu chuẩn chính thức của HTML5 còn chưa được định hình, nhưng những gì mà Browser Quest thể hiện đã cho các nhà phát triển và game thủ thấy được tiềm năng của HTML5 cùng kỹ thuật mới websocket vừa ra đời một năm trước đó. Trò chơi có thể phục vụ hàng ngàn game thủ cùng lúc, cho phép họ giao tiếp qua bảng chat, chơi multiplayer cùng nhau, có khả năng hiển thị bản đồ ở một góc màn hình, thay đổi kích thước cửa sổ theo độ phân giải của thiết bị - toàn những điều mà Flash không thể làm được trước đó.
Nói một cách đơn giản, websocket là một phương thức giúp chuyển lượng lớn dữ liệu giữa các máy tính với tốc độ cao một cách dễ dàng, khiến việc chơi game multiplayer thuận tiện hơn hẳn. Trước khi websocket ra đời, các nhà phát triển game phải sử dụng những phương pháp rườm rà và chậm chạp hơn để game thủ có thể giao tiếp và chơi game cùng nhau trong thời gian thực.
Sau khi Mozilla thể hiện tính khả thi của việc làm game multiplayer trên HTML5 và Websocket, các nhà phát triển game đua nhau chuyển sang sử dụng nền tảng mới HTML5, bất kể game của họ là multiplayer hay singleplayer. Vào thời điểm hiện tại, mục Instant Games của Facebook có lẽ là nơi tập trung nhiều game HTML5 nhất.
Trong tương lai gần khi Flash đã chính thức “qua đời,” những tựa webgame xây dựng trên nền tảng HTML5 (còn gọi là game H5) chắc chắn sẽ vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển. Nền tảng mới này có một thư viện khổng lồ những engine, framework giúp công việc của nhà phát triển trở nên dễ dàng và đơn giản hơn, đồng thời cũng đơn giản hóa các công đoạn mà game thủ phải làm trước khi trải nghiệm trò chơi. Dĩ nhiên việc làm game trên HTML5 cũng có một vài khuyết điểm như chưa hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần WebGL; cần được tối ưu hóa cho các thiết bị di động, từ lượng dữ liệu đến cấu hình cần thiết và độ phân giải màn hình, những công đoạn rất rườm rà do có quá nhiều mẫu thiết bị di động trên thị trường, nhưng nhìn chung, HTML5 là tương lai của webgame.