Ngày 24/10/2024, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV (2024-2029) đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức định kỳ nhằm tổng kết các hoạt động và thành tích mà ngành đạt được trong 04 năm vừa qua cũng như xác định phương hướng phát triển của ngành trong nhiệm kỳ tới.
Hiện tại, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) hoạt động ở 03 mảng chính, gồm thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí. Các mảng thể thao này đều đang được thực hiện ổn định, tổ chức được nhiều giải phong trào cũng như gặt hái nhiều thành công tại các đấu trường lớn, điển hình là SEA Games 31 (năm 2022), SEA Games 32 (năm 2023), ASIAD 19 (năm 2023) và Thế vận hội của tương lai - Games of the Future (năm 2024).
Đại hội cũng đánh giá cao sự tích cực của VIRESA trong công tác phát triển phong trào tập luyện, đào tạo, thi đấu thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời đã mạnh dạn, tích cực và chủ động tiên phong trong triển khai mô hình thể thao thể chất số, một mô hình thi đấu thể thao thế hệ mới rất tiềm năng và phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển đúng hướng theo chuyên nghiệp, quy tụ các nguồn lực trong xã hội nhằm xây dựng, phát triển phong trào thể thao điện tử giải trí rộng khắp cả nước và nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên Việt Nam tại đấu trường quốc tế, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, Đại hội lần này cũng thống nhất một số mục tiêu và định hướng cho nhiệm kỳ tới như:
Củng cố và nâng cao vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý thể thao điện tử và thể thao giải trí tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút nhiều hơn nguồn lực tham gia, tạo thành sức mạnh tổng thể, hiện thực hoá các tiềm năng lớn và khả thi tại Việt Nam, tiên phong và đi đầu trong các phong trào thể thao thế hệ mới trên thế giới.
Nâng cao thành tích ở cấp độ quốc gia, qua đó khẳng định vị thế của nền Thể thao điện tử và Thể thao giải trí Việt Nam với khu vực cũng như thế giới. Phát triển thể thao điện tử, thể thao thể chất số, vũ đạo thể thao giải trí rộng khắp trên toàn quốc, trong đó có hoạt động tại các trường học dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, hướng tới mục tiêu đưa thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí vào các sự kiện lớn qui mô toàn quốc.
Quy hoạch, đào tạo, phát triển đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên; hình thành hệ thống thi đấu phong trào cũng như chuyên nghiệp, từ đó phát hiện và bổ sung lực lượng VĐV cho các đội tuyển quốc gia.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí thế giới, châu lục và hợp tác song phương với các nước phát triển mạnh. Tiên phong, chủ động đăng cai để Việt Nam trở thành Trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế về thể thao điện tử của khu vực châu Á và thế giới.
Đại hội đã bầu ra 41 ủy viên Ban Chấp hành trong đó có 13 ủy viên Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra gồm 03 Uỷ viên. Ông Đỗ Việt Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV (2024-2029). Ban Chấp hành cũng đã kiện toàn Ban Thường vụ, bầu các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV cũng đã thống nhất mời Ông Nguyễn Xuân Cường làm Chủ tịch danh dự của Hội.