Có thể dễ dàng nhận ra rằng các bài review của các trang tin trên thế giới cũng như đánh giá của cộng đồng game thủ đang có phần dễ dãi hơn trước. Hầu hết các review hiện giờ chủ yếu là những lời khen sáo rỗng, tâng bốc lên tận mây xanh chứ rất ít khi đề cập tới những hạn chế đang tồn tại ngay trước mắt.
Tuy nhiên, sự dễ dãi này đang khiến cộng đồng game thủ mờ mắt trước những hào nhoáng của trò chơi mà lại quên đi những sự khó chịu ở ngay trong chính trải nghiệm gameplay. Và khi sự dễ dãi này còn tiếp diễn và có xu hướng tăng, ngành công nghiệp game sẽ thực sự gặp vấn đề.
Những sự khó chịu đang dễ dàng “được” chấp nhận
Câu chuyện này có lẽ tôi sẽ lấy ví dụ gần nhất và dễ thấy nhất là Red Dead Redemption 2 của Rockstar vừa mới ra mắt.
Red Dead Redemption 2 thực sự là một siêu phẩm, ai ai cũng phải công nhận điều này. Rockstar cũng đang thể hiện mình là một ông vua trong thể loại thế giới mở khi họ thai nghén mất 8 năm trời nghiên cứu, phát triển kể từ sau Red Dead Redemption phần đầu tiên.
Thế giới mở họ tạo ra rất có hồn, từng khu vực trong RDR2 đều mang màu sắc riêng biệt. Các NPC không chỉ là những con bot do máy điều khiển chỉ biết giao nhiệm vụ, mà họ còn có cho mình những câu chuyện hay quá khứ đau buồn, bị ảnh hưởng bởi những chế độ của nước Mỹ trong thế kỷ thứ 19.
Tuy nhiên, chính sự choáng ngợp đó đã khiến cho game thủ quên đi phần nào những khó chịu của gameplay. Thậm chí những điều đó còn có sự tụt hậu so với một vài bom tấn khác. Chế độ ngắm bắn, cover quá gây ức chế hay bị tụt FPS khi combat, khả năng di chuyển của nhân vật vô cùng “ngu xuẩn” trong chiến đấu, hay rõ nét hơn hết là mạch truyện làng nhàng thư thả của một game thế giới mở... Tất cả những sự hạn chế đó hầu như không được đề cập tới, kể cả các trang tin game uy tín trên thế giới cũng sẵn sàng bỏ qua để cho điểm hoàn hảo tuyệt đối. Có chăng chỉ một số ít người nhận ra những điểm khó chịu đó mà thôi.
Giải thưởng danh giá cho tựa game hay nhất năm 2018 sẽ thuộc về ai, trong số 2 cái tên God of War và Red Dead Redemption 2 thì đâu mới là kẻ xứng đáng nhất.
Có lẽ các trang tin game trên thế giới đã phần nào làm ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của game thủ. Họ chỉ có vài ngày để trải nghiệm game và cho ra một bài đánh giá. Bạn đừng nghĩ trang tin lớn là sẽ đánh giá công tâm. Chính những website càng lớn, lại càng bị áp lực bởi nhiều hướng. Mà một trong số đó chính là các fan cuồng của Rockstar hay Red Dead Redemption.
Do những áp lực như vậy, họ sẵn sàng bỏ qua hàng loạt những sự thụt lùi nghiêm trọng mà đáng lẽ họ phải là người phát hiện và chỉ ra đầu tiên. Từ những bài đánh giá và điểm số trên trời như vậy, cộng đồng game thủ đã mặc định nhận định rằng đây là một trò chơi quá hoàn hảo, không có điểm trừ. Bất cứ ai lên tiếng chê trách sẽ bị ném đá và dìm không thương tiếc.
Từ bao giờ mà những lỗi ảnh hưởng nặng tới trải nghiệm trò chơi lại dễ dàng bị bỏ qua, sợ sệt phải đưa ra ánh sáng để game thủ phải ngậm ngùi chơi với sự dối trá tới từ các hãng game vậy?
Chê để tốt hơn, không phải để dìm
Tôi biết, đã là fan của một tựa game hay một dòng game nào đó, không ai lại muốn thấy chúng bị chê lên chê xuống cả. Tuy nhiên, việc chỉ ra những sai sót có trong trò chơi là điều cần thiết để các hãng phát triển lấy đó làm mốc, cải thiện trong các phiên bản tiếp theo.
Hãy nhìn vào Ubisoft, vào thời điểm năm 2014 và 2015, đây là hãng bị game thủ gọi hồn nhiều nhất. Assassin's Creed Unity liên tục bị các diễn đàn, trang tin game đưa lên thớt mổ xẻ với lời chê bai, trách móc, thậm chí là tức giận vì sự khó chịu của đồ hoạ, cách làm hời hợt trong việc xây dựng cốt truyện.
Tưởng rằng khi đó Ubisoft và thương hiệu Assassin's Creed khó có thể vực dậy được thì các năm tiếp theo Ubisoft đã cho thấy một bộ mặt dần được cải thiện hơn. Năm 2015 là AC Syndicate, năm 2017 là AC Origins, để rồi tất cả làm bàn đạp cho năm 2018, AC Odyssey lọt vào danh sách đề cử Game of the Year một cách hoàn toàn xứng đáng.
Nếu như game thủ hay các trang tin game không “gọi hồn” mổ xẻ, không chê bai trách móc, thì liệu Ubisoft có thay đổi như hôm nay hay không. Nhìn xa hơn, các hãng game sẽ không thể hay không biết cách để thay đổi nếu như không có những lời chê bai mang tính góp ý, xây dựng.
Không hề có tựa game hoàn hảo tuyệt đối
Trên đời này không hề có sự hoàn hảo tuyệt đối. Ngay cả các game xứng đáng với điểm 10/10 cũng vẫn có những lỗi gây khó chịu trong khi chơi. Tuy nhiên, để đánh giá một trò chơi phải dựa trên rất nhiều yếu tố, và chúng sẽ bù trừ cho nhau xuyên suốt quá trình phát triển.
Ví dụ như một trò chơi muốn đem lại một trải nghiệm đậm chất điện ảnh cho người chơi buộc phải cắt giảm vài tình tiết ở gameplay, tập trung nhiều hơn vào Quick-Time-Event (QTE); hay một game thế giới mở phải tăng độ tương tác với các NPC hay tăng các hoạt động bên lề lên và chấp nhận với một mạch game chậm rãi. Các game bắn súng buộc phải tuyến tính nếu muốn đem lại một cảm giác cao trào, nhịp game nhanh và liên tục.
Mất 8 năm để phát triển, Red Dead Redemption 2 đã xây dựng một thế giới mở có linh hồn, các NPC đem lại cảm giác họ là những con người đang sống chứ không hẳn chỉ là robot. Chính vì vậy, đại đa số người chơi đều dễ dàng bỏ qua cho những khó chịu về mặt gameplay, combat để nhập tâm hoàn toàn vào cái thế giới miền viễn Tây hoang dã “hoàn hảo” đó.
Nhưng như tôi đã nói, không có tựa game nào hoàn hảo tuyệt đối. Việc của các game thủ là nhìn ra những sai sót, khiếm khuyết để nhà phát triển tạo ra được các sản phẩm hấp dẫn hơn.
Dù là một game thế giới mở nhưng vẫn có yếu tố bắn súng, chúng ta hoàn toàn có thể so sánh nó với các game cũng có yếu tố tương tự dù không phải là thế giới mở hoàn toàn. So sánh chính là việc cần thiết để chỉ ra những khiếm khuyết. Càng chơi nhiều, nhận thức của game thủ sẽ càng tăng, chỉ cần có gì đó khác lạ thôi cũng sẽ dễ dàng nhận ra ngay lập tức.
Nếu bạn là người không thích chơi quá nhiều thể loại khác nhau, chỉ muốn tập trung vào một thể loại nhất định, điều đó cũng không sao hết và cảm nhận của mỗi người là khác nhau. Vậy nên bạn mới cần phải đọc, xem hàng loạt những bài review của các bên khác nhau mới có thể biết được đâu là thứ mà trò chơi đó chưa làm tốt. Mỗi bài review đều ít nhiều mang màu sắc cá nhân của người viết vì thế nó nói về khía cạnh thích - không thích của bản thân tác giả, dù muốn dù không nó cũng ảnh hưởng một chút theo kiểu một chiều.
Việc đánh giá mỗi trò chơi không thể nào đi theo một khuôn mẫu nhất định vì các game offline mục đích là để tạo ra sự khác biệt. Và sự khác biệt đó gây khó chịu hay không lại phải dựa vào trải nghiệm của chính những người chơi.
Tạm kết
Nếu chê bai thông thường thì đó chỉ là hành động của các anh hùng bàn phím, thậm chí những người đó còn chưa chắc đã tự tay chơi được một phút nào của game. Các fan dù có cuồng tới mức nào đi chăng nữa cũng cần công nhận những hạn chế của một trò chơi.
Nếu như cộng đồng khắt khe hơn, nghiêm túc chỉ ra được những khiếm khuyết cần phải cải thiện, tôi tin rằng các hãng phát triển sẽ lắng nghe và chỉnh sửa trong bản update hay các sản phẩm về sau.
Suy cho cùng, chê bai với mục đích để tốt hơn và cái tốt hơn đó người được hưởng lại chính là game thủ chứ không phải ai khác.