Elliot Quest là tựa game nhập vai đi cảnh, mang nhiều cảm hứng từ Zelda II: The Adventure of Link như đồ họa 8 bit và lối thiết kế game từ thập niên 80. Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất có lẽ là game không hề làm "hoa hậu thân thiện" của người chơi.
Cốt truyện bí ẩn, gây tò mò
Elliot Quest là một câu chuyện bí ẩn về nhân vật Elliot. Phải trải nghiệm nhiều giờ đồng hồ, người chơi mới có thể ghép lại đủ những thông tin cơ bản về nội dung. Nhân vật Elliot trong game bị dính lời nguyền của quỷ Satar. Nếu không tìm cách xóa bỏ lời nguyền này, nhân vật sẽ dần biến thành quỷ. Song song đó, vợ của Elliot cũng đột nhiên mất tích một cách khó hiểu. Hai chuyện này liệu có liên quan tới nhau? Câu trả lời đang chờ các Mọt Game khám phá.
Thiết kế game "siêu lầy"
Nhà phát triển của Elliot Quest có vẻ rất thích những điều bí ẩn. Mới đầu game đã "chào đón" người chơi bằng phần tùy chọn điều khiển A, B, C và D. Đáng nói, trò chơi chẳng giải thích các lựa chọn này khác nhau về các nút bấm như thế nào. Nói đơn giản, là bạn sẽ chọn kiểu điều khiển cho tay cầm một cách ngẫu nhiên, rồi cứ thế mà mò cho đến khi nào tìm được thiết lập ưng ý. Tào lao hết sức!
Một vấn đề khiến tôi bực mình không kém là việc nhân vật chính Elliot thỉnh thoảng hay lẩm bẩm những câu bí ẩn "hiểu được chết liền". Ban đầu còn cảm giác tò mò, nhưng về sau thấy nhân vật nói miết giống đứa điên thích lảm nhảm hơn, thật sự rất khó chịu.
Thực tế, Elliot Quest có nhiều cơ chế được xây dựng khiến tôi lấy làm khó hiểu. Chẳng hạn điểm kinh nghiệm. Ban đầu tôi không để ý, đến khi thấy thông báo thăng cấp mới biết. Ai đời thay vì để bảng điểm kinh nghiệm bên ngoài giao diện game cho người chơi dễ theo dõi, nhà phát triển lại giấu tận bên trong bảng kỹ năng. Trong khi đó, thanh Chain vô dụng lại được đưa ra ngoài. Mà cái thanh này chỉ có công năng khi đầy và chớp sáng thì bọn quái rơi đồ nhiều hơn. Có duyên chi lạ!
Gameplay không những phức tạp mà còn rất khó
Ở khía cạnh game nhập vai đi cảnh, gameplay cơ bản của Elliot Quest khá đơn giản. Ban đầu, nhân vật của người chơi chỉ có thể chạy, nhảy và bắn tên. Tuy bạn có thể bắn tên vô hạn nhưng tầm bắn khá hạn chế là một bất lợi lớn, nhất là trong các trận đánh boss ở đầu trò chơi. Việc đánh boss và "dọn dẹp" màn chơi sẽ mở rộng kỹ năng nhân vật hoàn thiện hơn. Tôi khá thích trò chơi ở điểm này, vì ban đầu nhân vật khá cùi, gần như vô dụng. Nhưng càng lên cấp, Elliot càng mạnh hơn, nhanh hơn và điều khiển cũng dễ dàng hơn.
Mỗi lần thăng cấp, Elliot Quest thưởng cho người chơi một điểm để nâng cấp kỹ năng. Bạn có thể chọn tăng vào STR (strength) giúp tên bắn xa hơn, WIS (wisdom) tăng mana, AGI (agility) tăng tần suất bắn, VIT (vitality) tăng máu và cuối cùng là ACC (accuracy) tăng sát thương trí mạng. Nhưng có thưởng có phạt. Mỗi lần Elliot chết là mất cả XP lẫn tiền vàng. Đáng nói, "bảo toàn mạng sống" trong trò chơi là chuyện không tưởng, bạn sẽ chết nhiều không đếm xuể. Độ khó game tương đối cao. Checkpoint tuy nhiều nhưng khá tùy hứng, lúc gần nhau nhưng có khi lại rất xa nhau. Trong khi đó, tiền vàng cũng khá cần thiết để mua đồ từ shop. Đúng là game độc ác!
Bản đồ cũng là một vấn đề đáng nói khác trong Elliot Quest. Ở khía cạnh nào đó, thế giới trong game khá mở, khuyến khích người chơi tự do khám phá. Tuy nhiên, trừ khi bạn có đủ kỹ năng cần thiết, bằng không các màn chơi hoặc những phần nào đó của màn chơi sẽ không thể tiếp cận được. Đáng nói nhất là các màn chơi không có bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện trên bản đồ. Bạn phải tìm kiếm đến khi thấy dấu ? xuất hiện thì tự biết đấy là màn chơi. Bản đồ bên trong màn chơi cũng là một vấn đề khác gây nản lòng chiến sĩ. Người chơi phải tìm tấm bản đồ trong từng màn chơi để biết những cảnh nào chưa từng đến. Nhưng ngoài thông tin đó, nó cũng không hiển thị bất kỳ chi tiết hữu ích nào khác, chẳng hạn như trong đó có gì hay chúng kết nối nhau ra sao.
Tương tự Zelda II, các màn chơi trong Elliot Quest cũng hay giấu những chiếc chìa khóa nhỏ để mở cửa sang cảnh khác, hoặc chìa khóa lớn để vào đánh boss. Trò chơi còn có nhiều vật phẩm khác như khiên, bom, nến, cánh v.v... cho những công dụng khác nhau, khá lằng nhằng. Đã vậy, Elliot Quest còn có thêm năm loại phép thuật, cũng với những mục đích tương tự các vật phẩm nói trên, khá đuối. Nhưng bực mình nhất, vẫn là trò chơi không buồn giải thích cách sử dụng những vật phẩm hay phép thuật nói trên. Người chơi phải tự mò tự thử. Mà thôi, tôi có "kể tội" thêm cũng được ích gì, trò chơi còn chẳng buồn nói cho bạn biết nút bấm nào để sử dụng vật phẩm và phép thuật nữa mà!
Kết
Là một game mang đậm nét retro, Elliot Quest thực sự đã làm khá tốt để thể hiện điều này. Trò chơi tận dụng khá nhiều màu sắc cho cảnh nền và hiệu ứng parallax scrolling để tạo chiều sâu cho đồ họa 2D. Phần nhạc do Michael Chait sáng tác khá tốt, nhưng dường như bị ảnh hưởng khá nặng từ Zelda II. Tuy nhiên, lối thiết kế mang đậm dấu ấn những năm 80 rõ ràng không phù hợp với phần lớn người chơi. Dù vậy, trò chơi vẫn có giá trị chơi lại tương đối khi xây dựng ba kết thúc khác nhau, tùy thuộc vào lựa chọn của bạn. Cá nhân tôi cho rằng, thay vì theo đuổi nghiêm túc vào kiểu thiết kế game như đánh đố người chơi của thập niên 80, nhà phát triển lẽ ra nên tập trung vào việc tạo nên trải nghiệm tốt nhất cho người chơi hơn.
Elliot Quest hiện có trên PlayStation 4, Xbox One, Windows, Mac OS, Linux, Wii U và 3DS.