Trong số vài chục tựa Battle Royale mà Mọt đã thấy sau thành công rực rỡ của PUBG và Fortnite, chỉ có một số ít tỏ ra nổi bật. Có game hứa hẹn sẽ đem lại những cuộc đấu tranh của 1.000 người chơi (Maverick), có studio hứa hẹn sẽ tạo ra những trận thủy chiến hấp dẫn (Maelstrom), lại có nhiều studio chọn cách thu gọn chiến trường lại còn một nhóm người nhỏ ( Darwin Project)…
Trong số những hướng đi lạ mà Mọt nhắc đến bên trên, có một tựa game rất đáng nhắc đến chọn cách thu gọn chiến trường - Dying Light: Bad Blood. Là spin off của tựa game sinh tồn zombie cùng tên, Dying Light: Bad Blood đem lại cho game thủ một lối chơi rất khác lạ, đủ để khiến bạn muốn chơi nó bên cạnh PUBG hay Fortnite thay vì giành ngôi vị số một trong lòng game thủ với hai tựa game này.
Nhìn từ bên ngoài, Dying Light: Bad Blood (để phân biệt với bản gốc Dying Light) cũng giống với các game Battle Royale khác lẫn phiên bản Dying Light gốc: một chiếc trực thăng thả bạn xuống một hòn đảo cùng với 11 người chơi khác. Họ sẽ phải đấu tranh với nhau để trở thành người sống sót sau cùng và rời khỏi hòn đảo này.
Nhưng nếu chịu khó nhìn kỹ hơn (hoặc xem video bên trên), bạn sẽ thấy rằng hòn đảo đó còn có đầy rẫy zombie, và nhiệm vụ của bạn cũng không chỉ là sống sót. Nhiệm vụ của tất cả người chơi là thu thập mẫu vật từ “Hive”, những đống thịt ghê tởm vương vãi khắp nơi trên đảo. Các Hive này được canh gác bởi lũ zombie – các Hive càng mạnh, những zombie canh giữ nó càng khủng, càng khiến game thủ phải dè chừng.
Hive là một điểm nhấn sáng tạo của Dying Light: Bad Blood. Những mẫu vật mà bạn thu thập được từ Hive không chỉ là nhiệm vụ, nó còn là phần thưởng: chúng hồi đầy máu, đem lại kinh nghiệm để nhân vật lên cấp, đồng thời cũng là “vé” rời khỏi hòn đảo này bởi chiếc trực thăng chỉ xuất hiện khi ai đó đã thu thập được số mẫu vật cần thiết. Tuy nhiên người thu thập đủ chưa chắc đã là người được phép rời đi, bởi bất kỳ ai cũng có thể cướp các mẫu vật từ xác đối thủ một cách dễ dàng. Chỉ có một người được sống sót lên máy bay, theo đúng “truyền thống” của thể loại Battle Royale.
Thêm vào đó, cơ chế Hive cũng giúp Techland không cần phải đưa ra một cơ chế thu gom game thủ lại với nhau tương tự như các vòng bo trong PUBG. Game thủ sẽ tự động gặp nhau khi tìm đến các Hive, và tạo ra những trận đấu hào hứng giữa 2 hay 3 người chơi nhằm giành quyền thu thập mẫu vật. Ngay cả khi chỉ được xem trên video, nó cũng khiến Mọt tôi cảm thấy sự hào hứng khi nhân vật mình theo dõi chiến thắng, và thu thập chiến lợi phẩm từ kẻ địch.
Thật ra thì nếu đã từng chơi Dying Light, bạn sẽ biết phần chiến đấu trong Dying Light: Bad Blood có cảm giác như thế nào. Sự linh hoạt của đôi tay và khả năng lợi dụng địa hình trong các pha chạy nhảy, leo trèo đúng kiểu parkour sẽ giúp bạn có lợi thế rất lớn so với đối thủ, dù là để bỏ trốn hay rượt đuổi mục tiêu. Ngoài ra, khu vực bao quanh chiếc trực thăng đóng vai trò như “bo cuối” khi nó thu hút tất cả những người còn sống sót đến đó trong một pha giáp lá cà sau cùng.
Bạn có biết tại sao Mọt lại nói là giáp lá cà không? Vì Techland muốn tựa game của mình là một “Brutal Royale,” nên gần như mọi tình huống chiến đấu đều được thực hiện bằng tay chân hoặc vũ khí lạnh. Bad Blood vẫn có súng nhưng đạn dược cực hiếm hoi, và đôi khi game thủ sẽ ăn vài mũi tên vào đầu gối, nhưng trong 99,99% thời gian họ sẽ vờn nhau ở tầm gần. Bạn không cần phải lo ai đó sẽ headshot mình bằng một khẩu AWP từ một địa điểm cách xa 6km trong game. Nói theo ngôn ngữ phim ảnh thì những pha giao đấu trong Bad Blood là “up close and personal,” hoàn toàn khác biệt so với đại đa số Battle Royale hiện tại.
À, mà cũng sẽ chẳng có ai camp đối thủ của mình trong một xó nào đó. Lối chơi của game buộc tất cả mọi người phải chủ động tìm kiếm Hive nếu không muốn nhân vật của mình bị áp chế về cấp bậc, trang bị, sức bền, sát thương so với kẻ địch. Quả thật bạn có thể nhặt một vài món vũ khí và ẩn nấp cho đến khi trực thăng xuất hiện, sau đó mai phục người sống sót sau cùng, nhưng khi nhân vật của bạn cấp 1 còn đối thủ ở cấp 5, cơ hội chiến thắng trong một trận đấu tay đôi là hết sức xa vời. Nó xóa đi một thứ vốn gây tranh cãi trong cộng đồng Battle Royale và đặc biệt là PUBG về lối chơi "không chiến đấu", tức là gom vũ khí xong nấp chờ thiên hạ giết nhau xong nhảy ra ăn quả cuối.
Với tất cả những sự khác biệt về lối chơi, số lượng người tham gia, thể lệ cuộc sinh tồn đã được nhắc đến bên trên, một trận đấu trong Dying Light: Bad Blood cũng có thời lượng rất ngắn, chỉ khoảng 10 – 15 phút. Bù lại, nhịp độ cuồng loạn và lối chơi khuyến khích sự “hổ báo” của game khiến khoảng thời gian đó có cảm giác vừa đủ, không quá dài không quá ngắn, đồng thời số lượng game thủ ít ỏi khiến gần như tất cả mọi người đều có đủ thời gian để thưởng thức trận đấu.
Mọt cho rằng đây là một tựa game Battle Royale rất đáng để bạn trông chờ, đặc biệt là khi khoảng thời gian chờ đợi sẽ rất ngắn: Dying Light Bad Blood sẽ bước vào giai đoạn Early Access trên Steam vào tháng 9 tới đây.