Là bom tấn chiến thuật có lẽ thuộc dạng lớn nhất trong năm 2019, Total War: Three Kingdoms đã không phụ sự kỳ vọng của người hâm mộ khi đưa ra một lối chơi mới, bối cảnh rộng lớn hơn và nhất là thay đổi hoàn toàn phong cách của dòng game Total War. Với việc lấy sát sườn tác phẩm huyền thoại Tam Quốc Diễn Nghĩa, Total War: Three Kingdoms đã nhận được vô số đánh giá tích cực từ người chơi.
Với việc giữ nguyên phong cách của Tam Quốc Chí cộng thêm lối chơi quen thuộc của seri, Total War: Three Kingdoms có nội dung khổng lồ quá sức tưởng tượng.
Total War: Three Kingdoms lấy bối cảnh vào thời điểm suy vong của nhà Hán, khi các thế lực lãnh chúa địa phương nổi lên tranh giành thiên hạ. Nếu bạn là người đã từng say mê các tác phẩm Tam Quốc thì chắc chắn sẽ không thất vọng với Total War: Three Kingdoms, vì toàn bộ những nhân vật lịch sử đều có mặt đầy đủ không thiếu một ai. Game bắt đầu đưa chúng ta vào thời điểm mà Đổng Trác bắt đầu chiếm quyền Hoàng Đế hiệu lệnh chư hầu, tùy theo xuất phát điểm của người chơi mà từ đây bánh xe lịch sử bắt đầu xoay theo một hướng khác, hệt như cái cách một bộ tiểu thuyết huyền thoại ra đời.
Đổng Trác, Lữ Bố, Viên Thiệu, Lưu Bị, Quan Vũ, Tào Tháo... là một phần rất nhỏ trong số hàng trăm nhân vật sẽ xuất hiện trong Total War: Three Kingdoms, tựa game này gần như đã quy tập toàn bộ những tướng lãnh và mưu sĩ nổi tiếng thời đó, bảo đảm không thiếu một ai cho người chơi lựa chọn. Total War: Three Kingdoms bám rất sát theo tiến trình lịch sử, bạn sẽ chọn lựa một trong các lãnh chúa lớn và bắt đầu bình định thiên hạ, các sự kiện quan trọng sẽ từ từ xuất hiện theo thời gian, đem tới cho người chơi cảm nhận rõ rệt nhất về Tam Quốc.
Với việc lấy bối cảnh thời Tam Quốc, dĩ nhiên Total War: Three Kingdoms không thể thiếu những vị tướng huyền thoại. Điều này đã dẫn đến một thay đổi quan trọng trong lối chơi, bạn có thể lựa chọn cách đánh kiểu truyền thống hoặc Romance, khác biệt lớn nhất nằm ở sức mạnh của tướng, nếu như kiểu truyền thống thì tướng vẫn theo dạng hỗ trợ sĩ khí hoặc cùng lắm là 1 đơn vị rất mạnh, thì Romance họ đúng nghĩa là các chiến thần bất tử. Những thể loại như Quan Vũ, Triệu Vân hay Hạ Hầu Đôn khi chọn Romance có thể một mình cân 2-3 đội lính thường như giết gà, cá biệt Lữ Bố còn đủ sức 1 mình làm gỏi cả nửa đội hình đối phương nếu điều kiện cho phép.
Một điểm mới nữa là giờ đây lính sẽ phải có tướng đi kèm, thay vì chỉ cần một chỉ huy hoặc đi lẻ như các bản trước, thì trong Total War: Three Kingdoms bạn bắt buộc phải mua tướng trước rồi mới được tuyển lính. Mỗi một vị tướng sẽ có thể chỉ huy tối đa là 6 đội lính (mặc định), sau đó gộp lại cùng nhau để cho ra một quân đoàn hoàn chỉnh. Do lính đi theo tướng nên mỗi một kiểu tướng lại có thể mua những loại lính đặc biệt, điều này khiến việc kiếm các tướng mạnh vô cùng quan trọng, vì gần như đó sẽ là xương sống cho quân đội của bạn.
Các vị tướng trong Total War: Three Kingdoms sẽ có 5 chỉ số cơ bản, trải dài từ sức mạnh chiến đấu, khả năng làm kinh tế, quản lý dân cư hay lãnh đạo. Từ 5 chỉ số này tương ứng chúng ta sẽ có loại tướng khác nhau, trong game thì bọn họ được chia làm Ngũ Hành. Sự khác biệt là vô cùng lớn, thí dụ như Champion chuyên dùng để đấu tay đôi, Sentinel lãnh trách nhiệm phòng thủ hay Strategist để bố trí đội hình. Mỗi một lớp tướng như vậy lại chuyên chỉ huy một loại lính khác nhau, nó thiên về yếu tố nhập vai khá nhiều cũng như làm cho người chơi có động lực để xây dựng đội hình trong mơ của mình.
Phẩm chất của tướng phụ thuộc vào việc họ có phải nhân vật lịch sử quan trọng hay không, tất nhiên không cần nói thì ai cũng biết Tào Tháo hẳn sẽ mạnh hơn một NPC ất ơ nào đó. Vì số lượng tướng xịn là rất ít, nên game phải tạo ra rất nhiều NPC vô danh để cân bằng số lượng, những người này cũng có các chỉ số như trên, nhưng yếu hơn rất nhiều.
Đấu tướng cũng là một điểm mới của Total War: Three Kingdoms, giờ đây bạn có thể cho tướng của mình chạy thẳng lên tuyến đầu và thách đấu với chỉ huy kẻ địch y như trong phim. Trừ Strategist ra thì cả 4 class còn lại đều có thể đấu, nhưng chuyên gia cho màn này là Champion (tất nhiên trừ Lữ Bố ra nhé, thằng cha này thuộc dạng hack game rồi). Khi lời thách đấu được chấp thuận, quân lính 2 bên sẽ tự động dạt ra để chủ tướng của mình lao vào nhau, cho đến khi một bên bị giết hoặc bỏ chạy.
Đấu tướng gần như là một trò cá cược liều ăn nhiều, vì bên thua sẽ lập tức bị giảm sĩ khí cực lớn, tới mức đã thua phân nửa ngay từ khi trận chiến còn chưa bắt đầu. Hơn nữa kẻ thua cuộc phần lớn sẽ bị giết chết ngay sau đó nên tổn thất lại càng lớn, tất nhiên bạn có thể chọn bỏ chạy để giữ mạng cho vị tướng yêu dấu của mình nhưng làm thế thì sĩ khí giảm còn sâu hơn nữa.
Các cảnh đấu tay đôi này được game diễn tả lại vô cùng đẹp mắt, đúng nghĩa theo kiểu phim ảnh võ thuật Trung Hoa với những màn quay kiếm, múa kích và phản đòn vô cùng ảo diệu. Hai vị tướng sẽ đánh nhau từ lưng ngựa cho tới khi chạm đất, bảo đảm đem tới cho người xem những trận đánh đã mắt nhất.
Hệ thống xây dựng gần như vẫn được giữ nguyên, chỉ có thay đổi quan trọng là giờ đây mỗi lãnh địa sẽ chỉ có một thành chủ duy nhất, nối xung quanh nó là các điểm sản xuất tài nguyên như vựa lúa, cảng cá hay hầm mỏ. Thành chủ là nơi sản xuất tiền bạc, dân và cấp lính chủ yếu nhưng muốn có đất để xây công trình thì phải cần tới các vệ tinh xung quanh.
Điều phiền phức xảy ra khi thành chủ và các vệ tinh nằm rải rác rất xa nhau, dẫn đến việc chúng có thể bị chiếm lẻ tẻ và phải cần nhiều quân lính hơn để canh giữ. Một vấn đề khác nữa là đôi khi bạn đã chiếm được hết các vệ tinh rồi, nhưng cái thành chủ lại đang nằm ở một chỗ rất khó xơi là trong lãnh địa của lãnh chúa trung lập nào đó, đồng nghĩa ta phải khai chiến mới có được nó.
Điều này khiến cho chính trị và kinh tế trong Total War: Three Kingdoms cực kỳ phức tạp, không phải cứ xách quân lên mà giã là xong, vì cái hệ thống thành và vệ tinh tréo ngoe này sẽ làm bạn tha hồ mà khổ sở. Game cũng bổ sung thêm một thứ gọi là cây sinh mệnh quốc gia, nó gồm nhiều điểm bonus ẩn dưới dạng các bông hoa trên cây, khi bạn mở một ô thì các ô nối liền cũng sẽ xuất hiện. Chúng hỗ trợ đủ thứ từ tiền bạc, nguyên liệu cho tới tốc độ sản xuất kinh tế... cứ mỗi 5 lượt ta lại được tăng một lần, nên game này dài cứ gọi là đừng hỏi.
Chính trị trong Total War: Three Kingdoms cực kỳ phức tạp, đầu tiên do lấy bối cảnh Tam Quốc nên các nhân vật chính xuất thân vô cùng khác nhau. Bạn đầu tiên phải kiếm được tước hiệu cho bọn họ thông qua việc nâng cao danh tiếng bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, có tước hiệu rồi thì mới tự mình phong quan tấn tước cho thuộc hạ dưới quyền, từ đó danh chính ngôn thuận nắm lấy thiên hạ. Cái này game làm y hệt như trong truyện, tức là quân lính mạnh tới mấy mà mang cái danh xấu như Đổng Trác là kiểu gì cũng bị cả lũ xung quanh chúng nó lấy cớ hộ giá Hoàng đế để hội đồng tới chết.
Ngoài ra do có tiết mục thu phục tướng, nên hôn nhân cũng là thứ rất quan trọng, bạn phải kiếm người để mà tống đám con cháu cùng thuộc hạ của mình đi. Điều này ngoài việc để kết minh thì nó còn kiếm được một số tiền kha khá, thông qua các hiệp ước lẫn cưới gả loạn xạ, một lãnh chúa sẽ từng bước nâng cao thế lực của mình cho các mưu đồ tiếp theo.
Tướng hay Hero là đơn vị quan trọng nhất trong Total War: Three Kingdoms, có sức mạnh rất lớn đủ để một mình quyết định thắng bại của một trận chiến.
Đồ họa của Total War: Three Kingdoms tuyệt đẹp đặc biệt là ở phần ngoại cảnh, các hiệu ứng vật lý được cải thiện hơn với việc giờ đây khi bắn tên lửa vào rừng, bạn có thể đốt cháy cả khu vực đó để làm thịt gà nướng cả đám kẻ địch đang núp bên trong. Các đợt xung phong của kị binh đặc biệt có lực, đặc biệt khi được một tướng xịn dẫn đầu thì vó ngựa đi qua chỗ nào đồng nghĩa chỗ đó đám lính bộ sẽ bị hất văng lên trời như sung rụng.
Âm thanh trong game cũng không có gì để chê, nó mang đậm phong cách Trung Hoa cổ với những giai điệu nhạc truyền thống du dương lả lướt khi bạn đang ở ngoài bản đồ, hay trống trận dồn dập lúc chiến đấu. Tuy vậy cá nhân người viết không thích thú lắm với mấy giọng lồng tiếng, vì nghe nó cảm giác hơi kì cục.
Cấu hình Total War: Three Kingdoms khá ảo diệu, một chiếc PC tầm thường với card RTX 650 vẫn có thể chiến game bình thường, nhưng để tối đa mọi thứ thì kể cả 1080TI vẫn là chưa ăn thua. Được cái là game tối ưu khá tốt, tính tới giờ thì chưa thấy ai kêu ca về vụ lỗi hay glitch gì quá nghiêm trọng cả.
Total War: Three Kingdoms thực sự là bom tấn trong tháng 5 này, cũng như nhiều khả năng sẽ là tựa game chiến thuật hay nhất 2019 nếu không có gì bất ngờ. Nó là món quà vô giá cho các game thủ yêu thích đề tài Tam Quốc, vậy nên đừng ngần ngại gì mà hãy thử làm Lưu Bị hay Tào Tháo ngay đi nhé.
Bạn có thể mua bản PC qua Steam tại đây: https://store.steampowered.com/app/779340/Total_War_THREE_KINGDOMS/
Cấu hình tối thiểu: