Vậy là bom tấn chiến thuật được mong chờ nhất thời gian qua - Total War: Three Kingdoms cuối cùng cũng đã ra mắt, với việc chuyển địa điểm sang Trung Quốc và lấy đề tài Tam Quốc Chí, dòng game Total War đã có một bước tiến vô cùng táo bạo nhưng cũng đầy tiềm năng. Hãy cũng Mọt Game điểm qua những điểm đáng chú ý của game, để xem nó đã tái tạo thế giới Tam Quốc thế nào nhé.
Điểm khác biệt của Total War: Three Kingdoms so với các tựa game cùng seri từ ngay phần chiến dịch, nếu như trước đây bạn sẽ chọn theo nước hoặc bộ lạc thì nay là theo nhân vật. Các danh tướng nổi tiếng đều tề tựu đông đủ thí dụ như: Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, Viên Thiệu, Công Tôn Toản... mỗi người bọn họ sẽ sở hữu 2 tới 3 vị tướng đi cùng theo như lịch sử (Lưu Bị có Quan Công - Trương Phi, Tào Tháo là 2 anh em Hạ Hầu). Thay đổi này chủ yếu để chiều lòng các fan Tam Quốc Chí, bạn sẽ được trực tiếp điều khiển nhân vật mà mình yêu thích, từ đó tự tạo ra lãnh thổ riêng chứ không bó hẹp theo từng nước như trước.
Game có 2 chế độ để lựa chọn đó là cổ điển hoặc Tam Quốc Chí, cổ điển thì dễ hiểu rồi vì game sẽ y hệt như các đàn anh đi trước, chú trọng về chiến thuật cũng như cách quản lý của người chơi. Còn Tam Quốc Chí thì lại bám sát theo tiểu thuyết, từ các sự kiện, nhân vật cho tới việc hai bên đụng độ trên chiến trường.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 chế độ này đó chính là các tướng quân, nếu như cổ điển thì tướng quân chỉ đóng vai trò là một người hỗ trợ thì Tam Quốc Chí đúng nghĩa họ là các con quái vật bất tử, một chiến thần như Lữ Bố hay Quan Công đủ sức nghiền nát 2 tới 3 đội lính ra cám mà vẫn toàn vẹn đi ra như bình thường.
Tất nhiên điểm hay nhất của Tam Quốc Chí là những trận đấu tướng chắc chắn không thể thiếu, giờ đây bạn thực sự có thể cảm nhận được tính chất 2 tướng đấu nhau quyết định thắng bại của cả đội quân là như thế nào. Bất kỳ vị tướng nào cũng có thể đưa ra lời thách đấu, nếu như đối phương đồng ý thì cả hai sẽ cùng cưỡi ngựa tới trước quân lính và làm một trận tay đôi, hai bên sẽ không được cử thêm ai tham dự vào cho tới khi có một người chiến thắng.
Đấu tướng là một ván cược rất nguy hiểm, bên thua trận sĩ khí sẽ bị giảm một cách nặng nề, tới mức gần như chắc chắn sẽ thua trận mà không thể cứu vãn được. Hơn nữa một trận chiến tay đôi như vậy chỉ kết thúc khi một trong hai kẻ tham gia bị giết chết, đồng nghĩa là bên thua cuộc không những bị bất lợi mà còn mất luôn cả một tướng tài nữa. Bởi thế nên game có lựa chọn đồng ý thách đấu hoặc không, vì nếu như bạn mà xui xẻo thua trận thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được.
Những trận đấu tướng ngoài lý do chuyên môn ra, thì nó cũng là nơi để người chơi được thưởng thức những pha múa võ cực đỉnh. Nói cho dễ hiểu thì trong phim như thế nào là ở ngoài game y chang như vậy, bạn sẽ thấy Quan Công cầm Thanh Long Yểm Nguyệt Đao chém xuống còn hơn cả Kratos, hay Lữ Bố móc Phương Thiên Họa Kích chọc thẳng qua đầu kẻ địch... nó đẹp một cách hư cấu đúng với tinh thần võ hiệp Trung Quốc, không có gì chê được cả.
Một điểm quan trọng nữa là giờ đây binh lính được tuyển mộ theo tướng chứ không tự do như trước, bạn phải có tướng thì từ đó mới được quyền mua lính. Điều này đồng nghĩa với việc một đội quân càng lớn thì số lượng tướng sở hữu cũng phải nhiều tương ứng, đây là thứ thể hiện rõ nhất chất Tam Quốc của Total War: Three Kingdoms – đó là anh hùng tề tựu dưới chân minh chủ, hơn nữa cảm giác được sở hữu những Lữ Bố, Trương Phi, Triệu Vân... trong tay mình thật sự rất "đã" đúng không nào.
Tướng giờ đây đóng vai trò cực kỳ quan trọng như vậy, bọn họ đầu tiên là các unit siêu cấp bá đạo trên chiến trường, với máu cả tấn cùng sát thương khủng hoảng. Mỗi một vị tướng sẽ có những kỹ năng kích hoạt riêng, thí dụ như tăng cường sĩ khí, cho kị binh khả năng xung phong mạnh hơn hoặc khủng khiếp hơn nữa là một đòn đánh lan gấp 20 lần sát thương bình thường. Hơn nữa mỗi vị tướng lại có 5 chỉ số khác nhau, có khả năng đeo đồ và thêm trợ thủ để tăng sức mạnh, điều này khiến Total War: Three Kingdoms khá giống một game nhập vai.
Ngoài các tướng chiến ra thì Total War: Three Kingdoms còn có những nhân vật tuyến sau gọi là mưu sĩ, những mưu sĩ sở hữu chỉ số tấn công vô cùng tầm thường nhưng lại có khả năng quản lý thành phố, tăng cường kinh tế và rất nhiều thứ hay ho khác. Mưu sĩ quan trọng không thua gì tướng chiến, vì họ chính là nguồn làm ra tiền chủ yếu cho bạn, không có tiền thì có là chiến thần cũng vô dụng mà thôi.
Cách thức chiến đấu của Total War: Three Kingdoms cũng gần giống như các tựa game Total War khác, cải tiến mới nhất vẫn là thêm sự có mặt của tướng (thực ra cái này bản Warhammer cũng có rồi). Điểm quan trọng là giờ do lính đi theo tướng chứ không đổi được cho nhau, nên bạn phải thực sự ngắm xem mình nên luyện tướng nào và đầu tư ra sao, điều này biến game trở nên khá có xu hướng cày cuốc tập trung.
Hệ thống gia tộc, chính trị và nhiệm vụ vẫn tiếp tục xuất hiện. Tất nhiên điểm chính yếu là nó vẫn xoay quanh các sự kiện trong Tam Quốc Chí, chắc chắn người chơi sẽ rất khoái cái trò đi tới một điểm nổi tiếng nào đó, đập tan tành nhân vật mà mình không ưa để cải biên lịch sử. Hiện tại do Mọt Game chưa chơi được quá sâu, nhưng có cảm giác là Total War: Three Kingdoms khá phức tạp, vì nó chia ra làm rất nhiều thứ như việc kết minh, theo tuần tự cốt truyện và cả những mối liên hệ chính trị.
Những ai yêu thích Tam Quốc chắc chắn sẽ thích Total War: Three Kingdoms, vì nó tập trung theo sát sườn phiên bản gốc, thí dụ như đến một thời điểm nào đó sẽ xảy ra sự kiện y như trong truyện, từ đó mở ra các lựa chọn khác nhau tùy thuộc người chơi. Đây là yếu tố rất hay của game, vì không những nó vừa giúp mọi thứ trở nên quen thuộc nhưng vẫn đủ yếu tố bất ngờ cho những ai chưa từng đọc qua Tam Quốc Chí.
Tuy chỉ mới ra mắt, nhưng hiện tại Total War: Three Kingdoms đang nhận được vô số bình luận tích cực, cả về lối chơi lẫn phong cách mới lạ. Mọt Game sẽ tiếp tục có những bài viết đánh giá sâu hơn về bom tấn này, các bạn hãy chú ý đón xem nhé.