Phụ Lục
Dòng game Saints Row của nhà phát triển Volition đã ra mắt từ tận năm 2006 và đạt được những thành công nhất định, nhưng hai phiên bản đầu tiên của trò chơi đều bị che phủ dưới cái bóng của GTA. Dù cả hai tựa game đầu đều được đánh giá là có những ý tưởng rất sáng tạo như khả năng chơi multiplayer online, điện thoại in-game, định vị GPS dẫn đường cho game thủ, khả năng tùy biến nhân vật,… và bán được hàng triệu bản. Phải đến phiên bản thứ ba mang tên Saints Row: The Third, Volition mới đào trúng mỏ vàng của thể loại game này khi đẩy sự dị hợm trong gameplay và cốt truyện lên đến mức tối đa, đem về cho nhà phát hành THQ khoản doanh thu lớn hơn cả hai phiên bản đầu cộng lại.
Chín năm sau khi Saints Row: The Third ra mắt và 7 năm sau Saints Row 4 không thật thành công, Saints Row: The Third Remastered ra đời, đem lại cho những game thủ đã từng chơi qua phiên bản gốc lẫn những ai chỉ mới nghe tên chứ chưa được biết mùi trò chơi cơ hội trải nghiệm nó. Trong bài viết này, Mọt tui sẽ đem lại cho các bạn đánh giá của bản thân mình về Saints Row: The Third Remastered, phiên bản nâng cấp của tựa game từng suýt nữa cứu vớt THQ.
Để nói lên sự khác biệt và nét độc đáo của Saints Row: The Third Remastered, Mọt nghĩ có lẽ không gì tốt hơn việc so sánh nhiệm vụ đầu tiên của nó với GTA V. Cả hai đều là những nhiệm vụ cướp ngân hàng, nhưng trong khi các tay bất lương chính hiệu của Rockstar đeo khăn trùm đầu bằng len khoét lỗ cho mắt mũi thì những siêu-sao-tội-phạm của Saints Row lại đội mặt nạ... một người trong băng. Trong khi Michael, Trevor và Brad phải nhốt các nhân viên ngân hàng vào phòng vì sợ họ báo động rồi bị cảnh sát đuổi theo nã đạn xối xả, các nhân vật chính bất thường của Saints Row có thời gian đủng đỉnh ký tên cho fan hâm mộ và được các viên cảnh sát khuyên hàng vì... con họ muốn gặp các thần tượng Saints Row.
Càng so sánh, bạn sẽ càng nhận thấy sự khác biệt về phong cách giữa Saints Row: The Third Remastered với GTA V hay bất kỳ một tựa game thế giới mở đề tài tội phạm nào khác. Trong khi Michael, Trevor và Brad Snider đựng tiền trong ba lô rồi trốn chạy bằng một cỗ xe cà khổ đúng với vai trò “phàm phu tục tử” của mình, các siêu sao của băng đảng Saints Row trực tiếp điều một chiếc trực thăng đến khuân cả két sắt của ngân hàng, và sau đó tham gia vào một pha đọ súng có thể khiến Rambo phải xấu hổ, khi đạn được tính bằng thùng và thiệt hại chắc phải hàng tỉ đô la.
Kết cục của những nhiệm vụ cướp ngân hàng này cũng cho thấy sự khác biệt giữa hai trò chơi. Trong khi GTA V mở đường cho những lừa lọc, tréo ngoe sau này bằng cách để bộ ba Michael, Trevor và Brad mỗi người chịu một số phận trong bão tuyết, bộ tứ Saints Row tiếp tục cùng nhau trải nghiệm những gì xảy ra sau đó đúng kiểu “nghĩa khí giang hồ” với những phi vụ thách thức cả logic lẫn trí tưởng tượng. Ở đây, Mọt có thể so sánh Saints Row: The Third Remastered với Just Cause, dù Rico của Just Cause là người hùng thử thách quy tắc vật lý còn băng Saints Row là những tội phạm được thần tượng hóa mà thôi.
Khi chơi Saints Row: The Third Remastered, bạn đừng trông đợi những nút thắt cốt truyện kịch tính như GTA V hay Mafia. Điểm nhấn chính của trò chơi nằm ở sự hài hước và quái dị mà nhà phát triển Volition đã bơm đầy vào mọi ngóc ngách, từ hệ thống tùy biến nhân vật đến các loại vũ khí, từ những kẻ địch mà bạn đối mặt đến các nhiệm vụ có chúng xuất hiện. Mọt tin rằng khi chơi Saints Row: The Third Remastered, game thủ sẽ phải thốt lên “cần lời giải thích” khi nhìn thấy những gì xảy ra trong trò chơi.
Lấy ví dụ hệ thống tạo nhân vật của game. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cướp ngân hàng đầu game dưới lớp mặt nạ và bị bắt giam, bạn sẽ có cơ hội để tạo nhân vật của mình với khá nhiều tùy chọn từ thân hình đến khuôn mặt. Bạn có thể để nhân vật của mình mang hình tượng một chiến binh dày dạn, một quý bà hoặc quý ông dáng chuẩn model, nhưng cũng có thể hóa thân thành một thằng hề béo phệ trong rạp xiếc, nâng chỉ số “sức hấp dẫn giới tính” của cô ta / anh ta lên đụng nóc 100 để có bộ ngực bóng bowling hoặc làm chiếc sịp phình to như thể đang nhét một quả cà.
Sau đó, bạn sẽ được giới thiệu với các loại vũ khí của game. Ngoài những món súng ống bình thường kiểu súng lục, tiểu liên, shotgun, bắn tỉa,… bạn sẽ có cơ hội dùng một “cây hàng” to, dài, tím rịm để đánh nhau, gọi cá mập sống dưới ống cống lên cắn người hoặc dùng một con bạch tuộc khống chế đầu óc của đối thủ. Họ còn có một kho vũ khí ấn tượng đủ để gây ra một cuộc chiến tranh và chiến thắng: trong khi các nhân vật chính của GTA V không bao giờ được chạm tay vào những món vũ khí siêu hiện đại (không tính mod và phần chơi online), các tay chơi của băng Saints Row có hàng sư đoàn xe tăng, máy bay, tên lửa, drone trong kho vũ khí của mình.
Trong tình huống bình thường, một tựa game được đánh giá là “bình mới rượu cũ” thường là một tựa game dở, nhưng bởi Saints Row: The Third Remastered là một tựa game được làm lại, đây không phải là một lời chê bai. Chất lượng của món rượu cũ như thế nào thì còn tùy thuộc vào sở thích của từng người, nhưng với Mọt tui – một fan của các bộ phim hài “tỉnh” kiểu Leslie Niesel nơi mà những tình tiết dị hợm được tung ra với gương mặt nghiêm túc của các diễn viên – thì sự lố lăng trong nhiệm vụ, cốt truyện lẫn gameplay của Saints Row: The Third là một điểm cộng, và chúng được giữ nguyên trong phiên bản làm lại này.
Thật vậy, Saints Row: The Third Remastered có rất nhiều điểm chung với các bộ phim hài của Leslie Nielsen, khi các nhân vật đâm đầu vào những tình huống quái đản, điên rồ với khuôn mặt hết sức nghiêm túc. Nhân vật chính của chúng ta sẽ nói về chuyện bắn vỡ kính một chiếc máy bay giữa trời, lao xuyên từ buồng lái vào khoang hành khách, bắn gục tên trùm của một tổ chức tội phạm, cứu đồng bọn rồi thoát ra ở đuôi máy bay một cách tỉnh rụi như thể đang nói mình sẽ đi từ phòng riêng xuống bếp mở tủ lạnh lấy lon Coca. Và anh ta / cô ta thực sự làm điều đó cũng dễ dàng như bạn đi lấy một lon Coca!
Ngoài những tình tiết kiểu “over the top” như trên, Saints Row: The Third Remastered còn có rất nhiều nhiệm vụ quái dị tương tự và thậm chí còn hơn thế nữa. Sự đa dạng của các loại nhiệm vụ, kẻ địch và nâng cấp trong game cũng là một điểm cộng lớn, khiến bạn không thể ngừng chơi cho đến lúc nhận ra nhân vật của mình đã “god-like” đủ sức càn qua súng ống và bom đạn như chẳng có gì. Tóm lại, nếu bạn thuộc type game thủ thích các nhiệm vụ kỳ dị của Trevor hay màn nhảy dù (nhưng không có dù) giữa trời của Michael khi đang “high” trong GTA V, Mọt xin khẳng định rằng bạn sẽ tìm thấy không ít nhiệm vụ vui nhộn hoặc lạ lùng tương tự trong Saints Row: The Third Remastered.
Việc nhà phát triển Sperasoft Studio giữ lại “rượu cũ” trong Saints Row: The Third Remastered cũng đồng nghĩa với việc tính năng giành địa bàn khá thú vị của game vẫn tồn tại. Game thủ vẫn có thể gọi các nhân vật quan trọng khác trong băng (cũng như bất kỳ tay gangster nào gặp được trên đường) để giúp đỡ mình quét dọn các băng đảng khác, giành lấy quyền bảo kê khu vực và từ đó tăng thu nhập cho tổ chức. Tính năng này đem lại nguồn tiền cần thiết để game thủ nâng cấp súng đạn vũ khí, độ xe cộ máy bay, mua sắm quần áo thời trang và cả đi… phẫu thuật thẩm mỹ để sửa sắc đẹp, và cũng không đòi hỏi quá nhiều cày cuốc nên rất được yêu thích trong game.
Gameplay “rượu cũ” đó giờ đây lại được cất trong một chiếc bình mới đẹp mắt hơn rất nhiều. So với Mafia 2 Definitive Edition cũng mang danh “remaster,” Sperasoft Studio đã thực hiện công việc của mình một cách toàn diện, đem lại cho game thủ những hiệu ứng hình ảnh – ánh sáng mới, các mô hình xe cộ, nhân vật, vũ khí được làm lại để có độ chi tiết cao hơn. Sân chơi của bạn là thành phố Steelport nay cũng được cập nhật với những công trình và vật phẩm chi tiết hơn nhằm khai thác sức mạnh mà những cỗ PC của game thủ đang có để đem lại các khung hình ấn tượng hơn hẳn.
Có thể nói rằng Saints Row: The Third Remastered là một phiên bản remaster mà những nhà phát triển khác nên học tập: giữ nguyên cái hồn của trò chơi, trao cho nó một lớp áo mới đẹp mắt hơn, bổ sung thêm một vài món đồ chơi mới để những game thủ đã từng trải qua phiên bản gốc có thêm điều để khám phá, và thế là đủ.
Dù Saints Row: The Third Remastered chạy rất mượt mà trên cả hai cỗ PC mà Mọt sử dụng (card đồ họa GTX 1050 và RTX 2070), game cũng có một số vấn đề hình ảnh khá khó chịu. Các hiệu ứng ánh sáng của game có thể gây bực mình cho game thủ bởi sau khi chỉnh tới chỉnh lui nhiều lần, Mọt vẫn không thể tìm kiếm được một điểm cân bằng và các bề mặt màu sáng của game cực kỳ chói lòa vào ban ngày nhưng đen đặc vào ban đêm. Các phương tiện lưu thông trên đường đôi khi vô hình và chỉ xuất hiện khi đã tông vào bạn, vật thể có thể lọt xuyên qua địa hình, trong khi các hiệu ứng vật lý của game thỉnh thoảng bị “chạm mạch” và hoạt động cứ như thể bạn đang chơi Just Cause.
Nói chung, các bug tồn tại trong Saints Row: The Third Remastered không quá nghiêm trọng và cũng không phá hủy cuộc chơi, nhưng có ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm của game thủ. Hi vọng rằng trong thời gian tới, Sperasoft Studio sẽ đưa ra các bản patch khắc phục các vấn đề trên để hành trình chinh phục thành phố Steelport của game thủ được thuận lợi hơn.
Thời lượng của Saints Row: The Third Remastered không quá dài – bạn có thể hoàn thành nó chỉ trong 3-4 ngày chơi ngay cả khi dành kha khá thời gian thực hiện các thử thách mà game đặt ra. Như Mọt đã từng nhắc đến, cốt truyện của trò chơi không có những nút thắt hay các biến chuyển bất ngờ và vì vậy không có gì đáng nhớ, nhưng gameplay vui nhộn và những nhiệm vụ lạ lùng, dị hợm mà nó mang lại chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong lòng game thủ. Dù bạn đã từng trải qua tất cả các bản Saints Row hay chỉ mới nghe đến nó lần đầu qua lần tái xuất này, Saints Row: The Third Remastered vẫn là một tựa game rất đáng chơi.
Ưu điểm:
Nhược điểm:
Game hiện có bản PC, PS4 và Xbox One. Trên PC, game độc quyền trên Epic Games Store.