Factorio không phải là một tựa game mới lạ. Tựa game được phát triển bởi Wube Software này đã nằm trong giai đoạn Early Access trên Steam trong khoảng bốn năm trời, và không ngừng được cập nhật, nâng cấp, chỉnh sửa để đem lại cho game thủ những trải nghiệm ngày một mượt mà và thú vị hơn. Giờ đây, phiên bản 1.0 của game đã chính thức ra mắt vào ngày 14/8 vừa qua, nên Mọt tui sẽ thực hiện một bài đánh giá Factorio để nói về tình trạng hiện tại của nó.
Trong Factorio, bạn là một anh chàng hết sức tháo vát. Dù chiếc phi thuyền của mình đã rơi xuống và vỡ tan thành sắt vụn trên một hành tinh lạ, anh ta vẫn có thể lắp ráp bất kỳ thứ gì bằng đôi tay của mình, từ một bảng vi mạch tí hon đến những nhà máy to lớn, từ súng đạn để tự vệ đến cả một đoàn tàu hỏa chở hàng. Tất cả những gì bạn cần để nhân vật chính của chúng ta thực hiện những kỳ tích này chỉ là các loại nguyên liệu thô nằm rải rác ở khắp nơi trên bề mặt của hành tinh. Với tài năng thiên phú này, mục tiêu của anh chàng là lắp ráp ra cả một quả tên lửa để bay lên trời, có thể là trở về với quê hương mà cũng có thể là để… rơi xuống một hành tinh khác.
Nghe thật giống một tựa game sinh tồn, đúng không? Nhưng nếu chỉ có vậy thì Factorio sẽ không trở thành kẻ mở đường của một trong những thể loại game gây nghiện nhất hiện tại – tạm gọi là “mô phỏng nhà máy.” Sức hấp dẫn của Factorio nằm ở chỗ gameplay của trò chơi không xoay quanh đôi bàn tay của nhân vật chính, mà tập trung vào những gì anh ta tạo ra và việc tự động hóa tất cả mọi thứ. Tại sao phải hì hục cuốc đá khi bạn có thể ráp máy khoan, tại sao phải tự chế vi mạch khi nhà máy có thể sản xuất chúng hàng loạt, tại sao phải khuân vác nguyên vật liệu từ lò nung sang nhà máy nếu như băng chuyền có thể vận chuyển chúng không ngừng?
Thật vậy, dù nhân vật chính của chúng ta có thể lắp ráp bất kỳ thứ gì trong game – Mọt xin nhấn mạnh là bất kỳ thứ gì, số lượng vật phẩm khổng lồ để phục vụ cho mục tiêu sau cùng là phóng tên lửa khiến việc sản xuất chúng một cách thủ công là hoàn toàn bất khả thi. Hơn thế nữa, những vật phẩm trong Factorio càng ngày càng phức tạp hơn, cái sau đòi hỏi nhiều nguyên liệu và tiến trình hơn cái trước đó. Vì vậy, việc xây dựng những hệ thống khổng lồ để tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất là phương thức duy nhất mà game thủ có thể hoàn thành trò chơi.
Để các nhà máy trong Factorio hoạt động một cách trơn tru, game thủ luôn phải thỏa mãn hai nhu cầu của chúng: đầu vào cho các nguyên liệu và đầu ra cho thành phẩm. Nghe thì rất đơn giản, nhưng như Mọt tui đã nói ở trên, khi một vật phẩm đòi hỏi hàng loạt nguyên liệu và nhiều quá trình gia công khác nhau, việc tìm kiếm phương thức tối ưu để các nhà máy đạt hiệu suất cao nhất luôn luôn là một bài toán hóc búa. Cần bao nhiêu máy khoan để cung cấp đủ sắt và than cho một lò nung, bao nhiêu lò nung để đủ thép tấm cho một nhà máy tạo bánh răng, bao nhiêu nhà máy tạo bánh răng để đáp ứng được nhu cầu không ngừng tăng lên khi game thủ phải xây dựng những nhà máy mới, những trụ phòng thủ mới, những băng chuyền mới,…
Nhưng có nguyên liệu thôi chưa đủ, bạn còn phải nghĩ đến việc làm thế nào để đem nguyên liệu đó đến nhà máy. Ban đầu khi toàn bộ dây chuyền sản xuất còn gói gọn trong một khu vực nhỏ và chỉ có vài loại tài nguyên được tạo ra, phương thức… còng lưng khuân vác kinh điển là đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy, nhưng biện pháp này sẽ bị đào thải chỉ sau khoảng 10 phút đầu tiên, khi game thủ đã có khả năng chế tạo băng chuyền và lắp ráp chúng thành những con đường chuyển hàng hoàn toàn tự động.
Cũng như trong cơ thể người, băng chuyền là các “mạch máu” của Factorio. Chúng vận tải các loại nguyên vật liệu đến với các nhà máy như thể dòng máu chuyển chất dinh dưỡng nuôi cơ thể con người. Bởi các vật phẩm mà bạn sản xuất ngày càng phức tạp, bạn sẽ cần rất nhiều dây chuyền sản xuất ra những thành phần phục vụ cho việc lắp ráp những vật phẩm này. Điều đó đòi hỏi một hệ thống băng chuyền hoành tráng giăng ngang dọc, kết nối toàn bộ các nhà máy với nhau. Bạn cũng sẽ cần những đường dây điện cung cấp năng lượng cho các nhà máy của mình bởi nếu không có điện, chúng sẽ cần đến than nhưng đây là một loại tài nguyên hữu hạn.
Mức độ phức tạp của trò chơi chưa dừng lại ở đó. Rồi sẽ đến lúc bạn nhận ra mình không chỉ cần nguyên liệu “khô” có thể vận tải trên băng chuyền, mà còn cần cả những loại nguyên liệu lỏng như nước, xăng dầu và axít. Chúng buộc game thủ phải cố gắng chen một loại hình vận tải mới là đường ống vào trong các dây chuyền sản xuất của mình, suy tính đến việc tạo ra những kết nối mới giữa các khu vực sản xuất với nhau. Sau đó, khi các loại tài nguyên thô xung quanh khô kiệt, game thủ sẽ lại phải mở rộng khu vực hoạt động, khai thác những loại tài nguyên mới ở những nơi xa xôi hơn và nảy ra nhu cầu về đường sắt. Những khu vực này lại cần được bảo đảm an ninh, và thế là những hệ thống phòng thủ mới ra đời.
Và cứ thế, dây chuyền sản xuất của game thủ ngày một phình to, được tạo thành từ vô số nhà xưởng và những cánh tay máy, với những đường ray, băng chuyền và ống dẫn giăng ngang dọc phủ kín một diện tích khổng lồ. Việc quản lý chúng là một câu đố hóc búa nhưng cũng là cả một môn nghệ thuật đem lại sức hấp dẫn cho Factorio. Mức độ phức tạp của trò chơi không ngừng tăng lên, nhưng may mắn là chúng không choáng ngợp – game thủ luôn biết được mình cần gì và phải làm gì, và sự khác biệt giữa “pro” với “gà” chỉ là việc họ hoàn thành nhiệm vụ đó nhanh hay chậm mà thôi.
Mảng chiến đấu không phải được tạo ra để phục vụ nhu cầu “bùm chéo” của game thủ Factorio, mà cũng chỉ là một phương thức khác để bổ sung chiều sâu cho gameplay. Game thủ luôn có thể cầm súng lên mà nã vào những con bọ xấu xí liên tục tấn công các nhà máy của mình nhưng như bạn có thể nhận ra, những dây chuyền sản xuất mà bạn tạo dựng trong Factorio chiếm một diện tích khổng lồ. Nếu tự bảo vệ mọi thứ, có khi bạn chạy… gãy chân, mòn phím cũng không kịp cứu những gì mình xây dựng, chưa kể đến rủi ro khi nhân vật hết đạn và bị côn trùng cắn chết, khiến bạn phải load lại trò chơi.
Vì vậy, trò chơi cho phép chúng ta sản xuất ra một vài loại phương tiện chiến tranh như trụ súng phòng thủ, drone, các đoàn tàu bọc thép được vũ trang bằng đại pháo và cả... vũ khí hạt nhân. Những món vũ khí này tạo ra thêm một nguồn tiêu hao nguyên vật liệu nữa và cũng là một thử thách về quản lý: game thủ sẽ phải xây dựng những hệ thống vận tải mới nhằm giữ cho chúng có đủ đạn dược và nhiên liệu để hoạt động. Lại là một thử thách nữa cho khả năng tính toán và bày bố của game thủ trong Factorio!
Cuối cùng thì với sự ra đời của phiên bản 1.0, Mọt tui cũng đã có dịp thực hiện bài đánh giá Factorio cho bạn đọc. Đây là một tựa game có thể trông khá nhàm chán ban đầu và hơi choáng ngợp nếu bạn xem video trên YouTube, nhưng chỉ khi thực sự bắt tay vào thưởng thức trò chơi, game thủ mới cảm nhận được sự thú vị của nó. Mỗi dây chuyền sản xuất nhỏ được hoàn thành đem lại cho Mọt tui một chút tự hào, và khi thành công kết nối chúng lại với nhau để tạo thành một hệ thống không ngừng đổ ra những dòng sản phẩm cuồn cuộn đủ sức phủ kín cả bề mặt hành tinh, sự hào hứng đó trở nên hết sức mãnh liệt. Với sức hút to lớn như thế này, không có gì lạ khi hơn 68.000 game thủ dành cho Factorio đánh giá “nên mua” trên Steam.
Và dĩ nhiên Mọt tui cũng sẽ đánh giá Factorio là một tựa game rất đáng mua. Trò chơi đã không ngừng được cập nhật và nâng cấp trong bốn năm qua, điều được thể hiện rõ nhất qua đoạn trailer mà nhà phát triển đã ba lần nâng cấp. Game thậm chí còn có một bản demo miễn phí mà game thủ có thể tải về để xem có phù hợp với ý thích hay không trước khi bấm nút “Add to Cart.” Nó cho thấy rõ sự chăm chút mà Wube dành cho đứa con tinh thần của mình, và 250.000 đồng là một mức giá quá mềm để đổi lấy hàng trăm, hàng ngàn giờ giải trí mà Factorio sẽ tạo ra.
https://store.steampowered.com/app/427520/Factorio/
Ưu điểm:
Nhược điểm: