Phụ Lục
Trong hai năm qua, Ubisoft đã thay đổi "công thức" làm Assassin’s Creed của mình một cách mạnh mẽ nhằm tránh sự trùng lặp, và Assassin’s Creed Odyssey là sản phẩm mới nhất của họ. Nếu là một fan gạo cội của series, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy chúng đã chuyển dần từ tuyến tính, với một nhân vật chính cố định sang thế giới mở, nhiều kết thúc, nhiều nhân vật chính khác nhau. Dù tốt dù xấu, điều này vẫn đem lại cho game thủ chúng ta những tựa game rất khác biệt và mới mẻ. Liệu sự khác biệt và mới mẻ đó có giúp Assassin’s Creed Odyssey xứng đáng trở thành kẻ kế thừa của dòng game này?
Một điều quan trọng mà Mọt nhận thấy trong quá trình trải nghiệm Assassin’s Creed Odyssey là Ubisoft đã cố gắng xóa nhòa bối cảnh tương lai của trò chơi. Đội ngũ phát triển gần như hoàn toàn lờ tịt những chi tiết về nhân vật Layla Hassan trong vài tiếng đầu tiên, ngoài việc để cô nàng xuất hiện một lần ở đầu game để giới thiệu bối cảnh. Điều này giúp những game thủ chưa từng chơi qua phiên bản Origins hay các tựa Assassin’s Creed trước cũng có thể dễ dàng làm quen với series mà không cần phải vướng mắc về những gì đã xảy ra trong các phiên bản trước đây, trong khi những người muốn tìm kiếm đáp án cho mối liên quan giữa Layla với các nhân vật chính sẽ phải chờ khá lâu để có được câu trả lời.
Đánh giá Assassin's Creed Odyssey có lối chơi gần như được xây dựng hoàn toàn dựa trên Origins, và phát triển kể từ đó. Khi Origins làm lại cơ chế chiến đấu của cả series theo hướng RPG chặt chém, bổ sung thêm những yếu tố RPG truyền thống như lên cấp, chế đồ… Ubisoft lại nâng cấp các tính năng này thêm nữa, biến Odyssey thành một tựa RPG thế giới mở truyền thống thay vì một tựa game về các sát thủ như tiêu đề của series. Mà thật ra hai nhân vật chính Alexios hoặc Kassandra, cháu của hoàng đế Sparta Leonidas cũng không phải là các sát thủ. Với bối cảnh gần 400 năm trước Origins, khi hội sát thủ còn chưa ra đời, Alexios và Kassandra là những lính đánh thuê thiện chiến vùng vẫy trên mọi nẻo đường của Athen, sẵn sàng làm việc cho ai trả giá cao nhất.
Với những thay đổi trong lối chơi, phần chiến đấu trong Assassin’s Creed Odyssey đặt nặng yếu tố “cày cuốc” hơn hẳn so với các phiên bản trước. Những kẻ địch hơn cấp dễ dàng chịu hàng chục đòn của nhân vật chính trong khi có thể dứt điểm bạn chỉ bằng vài nhát trúng đích. Thật may mắn là hệ thống trang bị, kỹ năng trong game đủ phong phú và thú vị để khiến game thủ luôn háo hức tìm kiếm những vật phẩm mới, tích cóp kinh nghiệm để nâng cấp những kỹ năng mới nhằm nâng cao độ nguy hiểm của mình.
Hệ thống chiến đấu của Assassin’s Creed Odyssey giống hệt Origins, nhưng được mài giũa hoàn thiện hơn nhiều. Hành động bí mật vẫn là một phần rất quan trọng trong lối chơi, và nhờ sự giúp sức của chú chim Ikaros, game thủ có thể lẻn vào các cứ điểm được canh gác chặt chẽ hay các dinh thự hoành tráng chẳng khác gì các phiên bản đầu tiên của series. Tuy nhiên nếu chú ý đến hành vi của kẻ địch, bạn sẽ nhận thấy rằng chúng có vẻ khá… đần độn, thường xuyên bị kẹt vào các vật thể trong môi trường hay hoảng loạn chạy lung tung dù chưa hề phát hiện ra Kassandra.
Như Mọt tui đã nhắc đến trong những bài viết trước đây, Assassin’s Creed Odyssey có bản đồ thế giới mở lớn nhất trong số các phiên bản Assassin’s Creed đã được phát hành. Đây là một thế giới rất rộng lớn, đầy khác biệt và khiến game thủ muốn khám phá nhờ nền đồ họa đẹp mắt cùng màu sắc tươi sáng. Nó chứa đầy các nhiệm vụ phụ, nhiều bí ẩn thú vị chẳng khác gì Kyrat huyền bí hay Hope County hoang dã của series Far Cry. Đâu đó trong thế giới này, bạn cũng sẽ tìm thấy những sinh vật huyền bí đóng vai trò những con trùm đem lại những thử thách đòi hỏi cả trí óc lẫn kỹ năng để có thể vượt qua.
Đặc biệt, nếu là người kiên nhẫn thích việc lang thang trên các hòn đảo, trong những thành phố hay lênh đênh ngoài biển khơi, game thủ có thể bật chế độ Exploration để tắt mọi biểu tượng chỉ đường và thay thế bằng những chỉ dẫn mơ hồ hơn. Điều này khiến người chơi phải tự tìm kiếm địa điểm mà nhiệm vụ của mình chỉ đến, tạo ra sự chân thực – bạn đang sống trong một thế giới cách thời điểm phát minh ra GPS tận 2.400 năm. Một số kẻ địch có vẻ như được trang bị GPS, nhưng chúng ta sẽ nói về điều đó sau ít phút nữa.
Tất cả những điều trên giúp kéo dài thời lượng của Assassin’s Creed Odyssey và đem lại cho chúng ta những hoạt động thú vị, thay vì chỉ là một vùng đất rộng lớn nhưng rỗng tuếch. Trong số các hoạt động đó, Cult of Kosmos có lẽ là thứ mà tất cả game thủ đều muốn hoàn thành bởi chúng là kẻ đã phá vỡ gia đình bạn trước đây. Tuy nhiên, việc có quá nhiều nhiệm vụ phụ cũng có nhược điểm là làm loãng phần cốt truyện của game.
Một điểm đáng phàn nàn khác của game là Ubisoft đặt quá ít điểm dịch chuyển trên bản đồ. Điều này cũng khiến game thủ dễ dàng bị đánh lạc hướng khi đang đến địa điểm nhận nhiệm vụ và lao vào những cuộc “đuổi hình bắt bóng” với đủ thứ hoạt động bên lề của game. Việc trò chơi bị cố ý thiết kế rời rạc, chừa lại những khoảng trống để buộc game thủ phải cày cấp (và chi thêm tiền mua Booster Pack tăng kinh nghiệm) cũng càng khiến cốt truyện trở nên lỏng lẻo, khó thưởng thức trọn vẹn.
Bạn đã thấy rằng Assassin’s Creed Odyssey có rất nhiều điểm chung với người tiền nhiệm Black Flag hay Origins – một điều không có gì lạ bởi bản thân đội ngũ phát triển đã thừa nhận rằng họ học hỏi từ các đồng nghiệp của mình. Nhưng trò chơi còn có nhiều điểm chung với một số tựa game RPG hấp dẫn khác trong thời gian gần đây, chẳng hạn Shadow of Mordor.
Cụ thể, Ubisoft học hỏi Nemesis trong Shadow of Mordor để tạo nên Mercenary, một danh sách gồm 39 tên lính đánh thuê có tên tuổi trong game. Do bạn chắc chắn sẽ làm mất lòng một trong hai thế lực (Athens, Sparta) trong game, cái đầu của nhân vật chính sẽ bị treo thưởng và những tên lính đánh thuê này muốn có khoản tiền đó. Dù khá giống với Phylakes trong Origins, Mercenary sâu sắc hơn khi thái độ của các lính đánh thuê này liên tục thay đổi sau mỗi lần chạm trán với bạn. Chúng là những đối thủ rất khó nhằn, thường được trang bị GPS cùng phép teleport để tìm được bạn một cách cực kỳ chuẩn xác, và đôi khi có vẻ như bất tử trong những trận chiến lớn (gọi là Conquest) nhằm giành quyền kiểm soát các thành bang.
Trong khi đó, yếu tố “yêu đương” được mượn từ Mass Effect tỏ ra hoàn toàn lạc lõng trong Assassin’s Creed Odyssey. Bạn có thể làm “chuyện người lớn” mà không cần quan tâm đến giới tính trong game, tuy nhiên những cảnh đó không đạt được đến tầm nghệ thuật của Mass Effect, và các NPC mà nhân vật chính yêu cũng chẳng có bất kỳ điều gì khiến bản thân game thủ cảm thấy gắn bó với họ. Nếu bạn muốn tìm những nhân vật đáng nhớ chẳng kém gì Liara T’soni hay Tali’Zorah của Mass Effect và gắn bó với họ trong cả cuộc hành trình, bạn sẽ chỉ tìm thấy sự thất vọng nặng nề trong game.
Không giống với các phiên bản trước đây, Assassin’s Creed Odyssey đem lại cho game thủ khả năng lèo lái câu chuyện bằng những lựa chọn của mình. Đại đa số các lựa chọn này đều chỉ xuất hiện trong các nhiệm vụ phụ, nhưng một số nhiệm vụ chính cũng cho phép game thủ đưa ra quyết định theo ý thích của mình. Hậu quả của những lựa chọn đó có thể chỉ xuất hiện rất lâu về sau, khi mọi thứ đã quá trễ và lúc bạn không ngờ đến nhất, từ đó dẫn bạn đến với một trong số… 9 kết thúc khác nhau của trò chơi.
Trong cuộc hành trình của mình, bạn cũng sẽ gặp đủ “tam giáo cửu lưu” từ thường dân, triết gia, giáo sĩ, binh lính, trộm cướp, lính đánh thuê đến các nhà lãnh đạo. Nhờ vào hệ thống hội thoại phân nhánh rất chi tiết, Kassandra (hoặc Alexios nếu bạn chọn nhân vật nam) có thể kết bạn hay tạo thêm kẻ thù cho bản thân, biện luận tay đôi với Socrates và kề vai sát cánh với những nhân vật vĩ đại nhất của Hi Lạp cổ đại.
Một loại lựa chọn khác mà bạn sẽ thực hiện trong game là… chọn phe. Dù nhân vật chính có dòng dõi Sparta, cô ta (anh ta) vẫn là một lính đánh thuê, nên thực sự không có một phe phái cố định nào cả. Khi người Sparta và Athen bước vào các trận chiến tranh giành lãnh thổ, bạn có thể chọn góp sức cho một trong hai phe, còn khi một bên giành quyền kiểm soát một khu vực, game thủ hoàn toàn có thể “quậy” để tạo sự hỗn loạn và giúp đỡ phe đối lập nâng tầm ảnh hưởng, dẫn đến những trận chiến Conquest đã được Mọt nhắc đến bên trên.
Odyssey là một tựa Assassin’s Creed hoàn toàn khác biệt so với những gì Ubisoft đã thực hiện trước đây, nhưng đó lại là một điều tốt. “Công thức” cũ đã được sử dụng gần 10 năm, và đã đến lúc phải thay đổi. Dù các fan của lối chơi cũ có thể sẽ rất thất vọng khi không còn được theo dấu những sát thủ áo choàng trắng nhưng Assassin’s Creed Odyssey vẫn đem lại cho họ một hành trình mới đầy những sự kiện hấp dẫn, dù cũng không thiếu những điểm trừ. Đây là một tựa game hoành tráng nơi bạn có thể tự do biến mình thành chiến binh Sparta, giương buồm ra khơi, yêu đương và săn lùng những kẻ cựu thù trong một thế giới rộng lớn và sinh động. Với thời lượng chơi dài cùng rất nhiều nội dung được Ubisoft lên kế hoạch cho tương lai, Odyssey thực sự xứng đáng là kẻ mở đường cho một thế hệ game Assassin's Creed kế tiếp.