Phụ Lục
Là thành viên mới nhất của “đại gia đình” Battle Royale, Apex Legends của Respawn được đánh giá rất cao nhờ nhiều yếu tố khác nhau. Trò chơi có tất cả những gì mà một game Battle Royale thường có: hạ xuống từ bầu trời, nhặt nhạnh trang bị, “vòng bo” không ngừng thu hẹp, và sự căng thẳng, hào hứng của thể loại Battle Royale. Nó còn có những ưu điểm mà các tựa game đàn anh không có, hoặc chưa làm được: tốc độ khung hình mượt mà, hệ thống ping đỉnh cao, lối chơi đơn giản nhưng lôi cuốn, và đồ họa “đụng nóc” nhờ bàn tay của Respawn cùng engine Frostbite. Chưa hết, Apex Legends cũng có những điều đang khiến cộng đồng bị giằng xé như free to play, loot box, mô hình “game dịch vụ”… Vậy thì khi tất cả những điều này hợp lại cùng nhau trong Apex Legends, trò chơi này sẽ được đánh giá hay, dở đến mức nào?
Hẳn bạn đã biết thừa về nội dung của game từ những bài viết trước của Mọt: đây là một trò chơi lấy bối cảnh Titanfall, nhưng không có Pilot lẫn Titan mà chỉ có những nhân vật (Legend) đến từ nhiều nơi trong vũ trụ. Họ có thể là một cựu binh IMC (Bangalore), chú robot tìm người tạo ra mình (Pathfinder), một nhà khoa học (Caustic), cô nàng tâm thần (Wraith), một anh chàng gay lọ (Gibralta) hay tiểu thư nhà giàu (Lifeline)… Tất cả họ tham gia vào “Apex Games,” một trò chơi sinh tồn nơi 60 game thủ chia làm 20 đội 3 người tranh nhau danh vọng và tiền bạc bằng cách trở thành kẻ chiến thắng.
Cho đến thời điểm này, phạm vi thi đấu của Apex Games vẫn còn khá chật hẹp. Đội ngũ tổ chức trò chơi sinh tử này chỉ mới làm ra được một sàn đấu duy nhất là King’s Canyon, nhưng có lẽ những sàn đấu mới sẽ được họ xây dựng trong tương lai. Dù vậy, King’s Canyon vẫn là một trải nghiệm rất mới mẻ và lý thú bởi nhờ vào bối cảnh viễn tưởng của Titanfall, Respawn có thể tự do tạo ra những cảnh quan mà bạn chỉ có thể tìm thấy trong trí tưởng tượng. Nó có những sân bay vũ trụ lớn, những đường hầm bên trong các tảng núi đá đỏ khổng lồ, các dòng thác đổ ập từ trên cao, căn cứ quân sự phức tạp, bộ xương của một sinh vật khổng lồ những khu dân cư nằm giữa những loài cây kỳ lạ. Tất cả những bối cảnh này tạo ra một thứ gì đó thi vị cho những pha giao chiến trong game, khiến Mọt tui cảm thấy mình thật sự đang mạo hiểm sinh mệnh trên một hành tinh xa lạ.
Như đã nói ở trên, Mọt đánh giá lối chơi của Apex Legends là tập hợp của rất nhiều điều quen thuộc trong ngành công nghiệp game hiện đại. Respawn giữ lại tất cả những gì đã được chứng minh là hiệu quả trong thể loại Battle Royale, từ vòng bo không ngừng thu hẹp, tính năng nhặt nhạnh vũ khí, trang bị và giáp trụ để nhân vật ngày càng mạnh, và những tính năng “lạy ông tôi ở bụi này” để buộc game thủ phải giao tranh như thả tiếp tế từ trên cao. Nếu chỉ có thế, Apex Legends sẽ chỉ là một tựa game Battle Royale cổ điển, và chưa chắc đã có được thành công như hiện tại – 25 triệu người chơi chỉ sau một tuần.
Bí quyết thành công của Apex Legends khá phức tạp. Đầu tiên và quan trọng nhất là sự khác biệt mà Respawn tạo ra cho game bằng các nhân vật dạng “hero” với bộ kỹ năng riêng biệt, và buộc game thủ phải chơi trong đội hình 3 người nhằm tạo ra sự đa dạng về tình huống trong game. Dù mỗi nhân vật chỉ có ba kỹ năng, sự kết hợp giữa ba nhân vật, 9 kỹ năng, trang bị và địa hình tạo ra những tình huống thiên biến vạn hóa gần như không bao giờ trùng lặp.
Yếu tố thứ hai khiến trò chơi thành công có lẽ chính là hệ thống ping của nó. Một hệ thống ping (mặc định là chuột giữa) cực kỳ hoàn thiện, tinh tế và rõ ràng đem lại cho game thủ khả năng giao tiếp và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, chuẩn xác mà không cần đến lời nói – vốn thường được xem là cách giao tiếp chuẩn mực trong một tựa game online. Khi chơi thử Apex Legends, bạn sẽ phải đồng ý với Mọt rằng hệ thống ping này tốt hơn rất nhiều so với những lời chỉ dẫn mịt mờ kiểu “sau cái cây”, “tầng 2 cái nhà trắng” hay “trong đường hầm.” Chỉ cần một cú click chuột và một chuyển động nhẹ của cổ tay, bạn sẽ chỉ chính xác vị trí của kẻ địch cho đồng đội, cho họ biết có đồ khủng đang chờ, hoặc nói “nô tì không làm được” khi nghe những yêu cầu phi lý của lũ bạn ngờ nghệch.
Và thứ ba, đó chính là nền tảng FPS vững chắc mà Respawn có được kể từ Call of Duty: Modern Warfare ngày nào, được mài giũa trong Titanfall và Titanfall 2 rồi tỏa sáng với Apex Legends. Dù các loại súng đạn trong game không thực sự viễn tưởng (trừ ngoại hình) và một số khẩu bị đánh giá là có chỉ số hơi “bèo” như Mozambique, vũ khí trong game vẫn đem lại cho người chơi sự sướng tay, đã mắt cần thiết trong một tựa game bắn súng. Dù bạn bắn ra những viên kẹo chì của khẩu súng lục Wingman, loạt burst từ Flatline hay những phát đạn khủng bố của khẩu Kraber, cảm giác bắn của các loại vũ khí trong Apex Legends đều rất “nặng tay” và đầy uy lực, nhưng rất khó diễn tả được bằng lời.
Cuối cùng, hệ thống vật phẩm trong game chẳng khác gì so với các tựa Battle Royale khác. Những loại trang bị quen thuộc như giáp, nón, súng, lựu đạn, máu, khiên… được chia làm nhiều cấp (phân biệt bằng màu sắc) nằm rải rác khắp nơi trên bản đồ, trong các thùng tiếp tế, vương vãi trên sàn nhà và rơi ra từ xác địch. Game thủ sẽ không ngừng tìm thấy những vật phẩm tốt hơn thứ mình đang có, để rồi đến cuối trận, các pha giao tranh sẽ diễn ra giữa những người sống sót diện toàn đồ vàng từ đầu đến chân, và người giỏi nhất sẽ chiến thắng.
Với nền tảng là một tựa game hero shooter, sự tồn tại của đồng đội là cực kỳ quan trọng trong Apex Legends. Vì vậy, Respawn đã bỏ công chỉnh sửa một trong những yếu tố truyền thống của thể loại Battle Royale: “chết là hết.” Trong Apex Legends, chết chưa chắc là hết bởi sau khi bị bắn gục, nhân vật vẫn để lại một Banner mà đồng đội có 90 giây để thu thập, và sau đó mang đến với Beacon gần nhất để hồi sinh. Nếu đồng đội thất bại trong việc thu thập Banner, nhân vật đó sẽ bị loại khỏi trận đấu vĩnh viễn.
Để cân bằng với phần thưởng là sự hồi sinh của đồng đội, việc hồi sinh một thành viên luôn đi kèm với rủi ro cực cao mà những người còn sống sót phải gánh chịu. Họ cần thời gian để nhặt banner, và sau đó tìm đến với Beacon – thứ sẽ báo hiệu sự hiện diện của một đội ngũ không đủ quân số cho tất cả các đối thủ xung quanh. Về cuối trận khi tất cả mọi người đều ngập trong các trang bị cấp cao (tím, vàng), sự khác biệt giữa một đội 3 người với một đội 2 người là cực lớn, nên bản thân việc thành công hồi sinh đồng đội đã là một phần thưởng lớn xứng đáng.
Các nhân vật mà bạn đem vào trận đấu cũng là một yếu tố tạo ra sự hấp dẫn và khác biệt cho lối chơi. Bởi các kỹ năng của họ thiên về phụ trợ và hiệu ứng, sự lựa chọn nhân vật không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng tiêu diệt đối thủ - đó là lĩnh vực của các loại vũ khí mà bạn nhặt được ngay trên bản đồ. Những kỹ năng này đủ quan trọng để ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, chẳng hạn các loại giáp xịn mà Lifeline gọi xuống bằng chiêu cuối của mình có thể cứu mạng đồng đội, hay cánh cửa không gian của Wraith sẽ giúp cả đội thoát hiểm… nhưng nhìn chung game thủ không nhất thiết phải có một đội hình đủ Support – DPS – Scout để có cơ hội chiến thắng, dù tất nhiên một đội hình hợp lý sẽ giúp thành công đến dễ dàng hơn.
Apex Legends còn có hàng loạt những tính năng nhỏ nhưng thể hiện mức độ chăm chút mà Respawn dành cho trò chơi mới nhất của mình. Game thủ không cần phải lo lắng việc lỡ tay nhặt những vật phẩm cấp thấp hơn, những game thủ không được sở hữu khả năng nghe – nói hoàn thiện có thể dùng tính năng chuyển ngữ có mặt ngay trong game, và nhiều điều nhỏ nhặt khác mà bạn sẽ nhận thấy trên giao diện hay trong bộ kỹ năng của các nhân vật.
Nhược điểm của Apex Legends chủ yếu nằm trong phương thức kiếm tiền của nó. Mọt không nói về loot box (game gọi là Apex Pack), bởi Respawn rất hào phóng khi ngoài việc bán Apex Pack giá 1 USD, họ còn cho game thủ một Apex Pack mỗi lần lên cấp – tối đa 45 pack. Các Apex Pack chứa ít nhất một món Rare, không nhận item trùng lặp, và tối thiểu 1 món Legendary mỗi 30 rương. Tuy nhiên cũng như bất kỳ một loại loot box nào khác, Apex Pack chứa đầy những thứ rác rưởi như các câu thoại hay Profile Tracker, một “vật phẩm” cho bạn khoe chỉ số của nhân vật!
Vấn đề nằm ở chỗ quá trình mở khóa những vật phẩm mà game thủ muốn lại khá lằng nhằng, một điều dễ hiểu bởi đây là chiêu được Respawn dùng để khuyến khích game thủ móc bóp. Kinh tế trong game dựa trên 3 loại tiền tệ khác nhau là Scrap, Apex Coin (tiền cash), và Legend Token. Trong số này, Apex Coin là vạn năng, Scrap rơi ra từ Apex Pack dùng để mua skin, còn Legend Token là phần thưởng khi lên cấp có thể dùng để mở khóa nhân vật. Để mở khóa đúng skin mình muốn, bạn cần phải kiếm được đủ số Scrap từ trong các pack, một tiến trình mất rất nhiều thời gian và chắc chắn phụ thuộc rất nhiều vào vận may cũng như tỉ lệ % mà Respawn đặt ra cho các vật phẩm trong Apex Pack của mình.
Nếu cảm thấy việc mở khóa vật phẩm mình thích quá chậm, game thủ có thể chọn cách chi tiền mặt vào Apex Coin để mua các vật phẩm khá đắt đỏ trong cash shop của game. Một skin Legendary có giá khoảng 18 USD, một nhân vật khoảng 7,5 USD, banner Valentine giá 11 USD, … Và Respawn cũng cực kỳ thông minh khi đặt ra những mức giá này, bởi họ chỉ bán tiền cash Apex Coin ở các mốc 10, 20, 40… USD. Game thủ sẽ luôn còn dư một ít tiền cash sau khi đã có được thứ mình muốn, nhưng lại không đủ để mua một thứ gì khác.
Kết quả của những tính năng thu phí trên là một mạng lưới lằng nhằng, phức tạp của loot box, tiền cash, tiền ảo, những cơ chế tưởng thưởng khá phiền hà. Trong số những tựa game mà Mọt tui đang cày, có lẽ hệ thống microtransaction của Apex Legends chỉ đơn giản hơn mỗi World of Warships, một tựa game mà các fan thường chế nhạo là “mỗi bản patch có hai loại tiền mới” và những patch notes dài hàng km giải thích cách kiếm tiền và sử dụng chúng trong game.
Với tất cả những gì đã nói, Mọt đánh giá Apex Legends là một tựa game Battle Royale đỉnh, với đồ họa đẹp, gameplay hấp dẫn, và quan trọng nhất là free. Nếu không phải là một game thủ rủng rỉnh tiền bạc, có thể bạn sẽ phải chảy nước dãi thèm thuồng các vật phẩm trong cash shop của game, nhưng chúng chẳng ảnh hưởng gì đến lối chơi – ngay cả các nhân vật cần mở khóa cũng chỉ đem lại cho bạn cách chơi mới, chứ họ chẳng hề “OP” hơn các nhân vật miễn phí. Trừ khi cực kỳ dị ứng với EA và không thích loot box hay microtransaction, bạn nên cho trò chơi này một cơ hội – biết đâu nó sẽ là tựa game ngàn giờ kế tiếp của bạn thì sao?
Cấu hình tối thiểu để chơi game: