Phụ Lục
Thông thường trong một tựa game FPS, chuột trái và chuột phải là hai nút bấm quan trọng nhất trong game – một để nhìn mục tiêu rõ hơn, và một để gửi những phát đạn đến mục tiêu đó. Thỉnh thoảng game thủ sẽ thêm nút V hay F cho cận chiến, bấm R để nạp đạn, hay T để gõ vài câu chat. Có vẻ như tất cả mọi người quên đi chuột giữa (MMB), cái nút nằm “lửng lơ con cá vàng” giữa hai ngôi sao sáng nhất của trò chơi.
Gameplay của Apex Legends.
Nhưng đó là trong những FPS khác, còn trong Apex Legends, chuột giữa bỗng thấy mình trở thành tâm điểm của sự chú ý. Đó là bởi trong tựa game hero shooter + battle royale này, nhà phát triển Respawn đã tạo ra một hệ thống ping cực kỳ chi tiết, hữu ích và dễ sử dụng, khiến việc chia sẻ thông tin và thực hiện những pha phối hợp đồng đội chưa bao giờ dễ dàng và thú vị đến thế.
Hệ thống ping từ chuột giữa của Apex Legends có thể làm được gì? Khi ấn giữ nút chuột này, bạn sẽ nhìn thấy một menu tròn chứa đến 8 tùy chọn khác nhau, tùy vào thứ bạn ngắm đến:
Ngay cả khi có mic trong một trận duo hay squad của PUBG, game thủ vẫn cần phải phụ thuộc vào những chỉ dẫn trời ơi đất hỡi kiểu “kia kìa, đó đó, sau cái cây”… Trong khi đó, hệ thống ping của Apex Legends cho game thủ truyền tải thông tin mình muốn một cách cực kỳ chính xác, nhanh gọn mà không cần đến mic. Dĩ nhiên bạn cũng có thể “khóa mõm” những kẻ dùng hệ thống ping này để quấy rối trong menu Squad của game.
Game thủ còn có thể tùy biến menu ping chuột giữa này theo ý thích của mình. Ở thiết lập mặc định, bạn chỉ cần bấm chuột giữa hai lần để đánh dấu một kẻ địch, nhưng với những game thủ dùng chuột có thêm các nút phụ ở ngón cái, bạn có thể cài đặt lại một trong các nút chuột này (hoặc bàn phím) để đánh dấu kẻ địch. Những tín hiệu ping khác cũng có thể được thay đổi theo phương thức tương tự. Trong những tựa game battle royale nơi địa hình và các tòa nhà cứ lặp đi lặp lại còn sự sống còn được tính bằng giây, các nhà phát triển khác cần phải học hỏi hệ thống ping của Apex Legends.
Là một game thủ FPS, Mọt tui nghĩ rằng đây là hệ thống ping chi tiết nhất từng xuất hiện trong một tựa game bắn súng, điều mà chưa một trò chơi nào khác có được. Các tựa FPS khác thường chỉ có thể ping để đánh dấu bản đồ, còn lại game thủ cần phải dựa vào khả năng ngôn ngữ của mình (và cả của người nghe) để chia sẻ thông tin. Ngay cả những game đặt nặng sự phối hợp đồng đội như Rainbow Six Siege, CSGO, LMHT hay Dota 2 cũng chưa làm được một hệ thống ping chi tiết như thế này.
Ngoài việc cực kỳ hữu dụng cho phối hợp đồng đội, hệ thống ping này còn góp phần giảm bớt những hành vi xấu trong game. Bạn có biết rằng Riot không đưa hệ thống chat voice vào LMHT trong nhiều năm qua mặc cho game thủ kêu ca vì họ không muốn game thủ mạt sát nhau trực tiếp bằng giọng nói? Với hệ thống ping chuột giữa của mình, Apex Legends vừa giải quyết được chuyện chửi bới trong chat voice, vừa giữ game thủ trong cùng đội có thể phối hợp với nhau mà không cần đến mic.
Và nó còn rất được lòng các nữ game thủ. Không ít bạn nữ không muốn bật chat voice vì họ chỉ muốn thưởng thức trò chơi, không muốn bị “cưa cẩm” trong game hoặc bị kỳ thị kiểu “chơi dở ẹc, đúng là con gái.” Với các cô gái hiếm hoi thích chơi FPS, hệ thống ping chuột giữa của Apex Legends đem lại cho họ sự riêng tư cần thiết trong khi vẫn đóng góp tích cực vào cuộc chơi của cả ba người. Trái ngược hẳn với Apex Legends là Anthem và Fallout 76, những tựa game thậm chí còn không có bảng chat bằng chữ mà buộc game thủ phải chat voice, khiến chúng chịu nhiều chỉ trích từ phía cộng đồng gamer.
Mà thật ra còn có nhiều lý do khác khiến bạn không thể nói trong game. Có thể bạn không giỏi tiếng Anh, hoặc trong team có một tay Ả Rập. Có thể vợ bạn khó tính, em bé đang ngủ trưa, hay xung quanh rất ồn ào. Có thể bạn lười cắm mic, hoặc bạn đang cày game trong giờ làm / giờ học và sếp / cô giáo đang ở gần bên. Cũng có thể game thủ chơi cùng bạn là một người bị tật nguyền ở khả năng nghe nói, và bạn không muốn để họ cảm thấy bị bỏ rơi trong cuộc đấu. Với tất cả những trường hợp này, hệ thống ping này là một phép màu cho game thủ.
Chưa hết đâu, ẩn sâu trong menu Setting của trò chơi là hai tùy chọn “cực độc” khác. Trong mục Audio, Apex Legends có "Play Incoming Text Chat as Speech" cho phép bạn chuyển text thành giọng nói của các trợ lý ảo, trong đó có Siri. Khi Mọt gõ “gg,” những người đồng đội bật tùy chọn này sẽ nghe “Motgame says: gee-gee” phát ra từ loa hoặc tai nghe của họ. Tùy chọn thứ hai hoàn toàn ngược lại: nó chuyển giọng nói của đồng đội thành text hiện trên màn hình. Dĩ nhiên tính năng này chưa hoàn hảo, nhưng nó giúp ích rất nhiều cho những game thủ có trình độ tiếng Anh đủ để đọc sub chứ chưa thể nghe, nói mượt mà trong game.
Nói tóm lại, hệ thống ping chuột giữa của Apex Legends là một tính năng cực kỳ hữu dụng, có thể “cộng điểm” cho trò chơi trong mắt tất cả mọi người. Hi vọng rằng những tựa game có tính năng online khác sẽ nhanh chóng học hỏi để biến nó thành một tiêu chuẩn mới trong những tựa game của tương lai.