Phụ Lục
Như chúng ta đã biết, Grab và Taxi truyền thống đã bước qua vụ kiện bằng thỏa thuận đóng cửa dàn xếp riêng. Tuy nhiên tranh cãi về việc chênh lệch giữa công nghệ cao hỗ trợ so với cách làm truyền thống liệu có bị xem là “ăn gian” hay không thì vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ. Từ đó, áp dụng sang làng game chúng ta có thể thấy một sự rắc rối tương tự trong việc xác định công nghệ hỗ trợ chơi game có bị xem là gian lận hay không.
Hiện nay, tùy mức độ chênh lệch mà cộng đồng phán xử là có gian lận hay không, tuy nhiên không có một chuẩn mực nào để xác định công nghệ như thế nào gọi là gian lận. Hôm nay các bạn hãy cùng Mọt tui xác định lại ranh giới này nhé!
Cốt lõi của công nghệ hỗ trợ chơi game nằm ở các thiết bị được thiết kế mạnh mẽ giúp ích cho việc chơi game, hay thường được gọi là gear chơi game. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp một game thủ lách cách bàn phím cơ hay sột soạt con chuột Razer to uỳnh ngầu lòi khi chơi game. Nhưng bạn chẳng bao giờ chỉ mặt hắn ta mà hô “cái đồ gian lận” cả đúng không?
Mặc dù bàn phím, chuột chơi game được thiết kế với công nghệ cao giúp game thủ vượt trội hơn người chơi dùng hàng “default” nhờ vào hàng loạt công nghệ sâu giúp tăng hiệu quả chơi. Có thể kể ra như độ nhạy chuột cao và tùy chỉnh tự do giúp bạn “bắn tỉa” cực kỳ hiệu quả, bàn phím cơ bền và nhạy lại có anti-ghosting giúp tăng hiệu quả điều khiển hơn bàn phím phổ thông. Nếu không bạn bỏ tiền triệu ra mua gear chơi game làm gì khi nó chẳng hơn gì bàn phím nhựa “chăm hai chăm gử”?
Câu trả lời của bạn khi có ai đó phàn nàn về đối thủ dùng gear xịn chơi tốt hơn luôn là: “Bán đầy ra, lấy tiền mà mua một cái xài đi chứ!” hay “Xài hàng lởm thì ráng chịu chứ kêu ca gì?”
Tuy nhiên nếu áp dụng công nghệ cao hơn nữa, vấn đề sẽ ngược lại hoàn toàn. Ví dụ như chiếc điện thoại ROG Phone vừa được ra mắt bởi Asus có một thiết bị giúp cắm thêm bàn phím, chuột và xuất ra màn hình lớn. Nhờ nó người chơi có thể trải nghiệm các game bắn súng như PUBG Mobile như chơi trên PC, tuy nhiên họ sẽ không bị xếp vào nhóm chơi giả lập vì vẫn chạy ứng dụng trên điện thoại thật. Họ sẽ tha hồ giết những con gà đang chơi trực tiếp trên điện thoại nhờ ưu thế bắn bằng bàn phím – chuột và màn hình lớn dễ soi chi tiết hơn.
Đến đây chắc hẳn phần lớn các bạn sẽ cho rằng thiết bị này là gian lập và tạo nên sự bất công cho những người chơi trên điện thoại chẳng may bị ghép cặp với người dùng thiết bị trên. Sự chênh lệch lợi thế do công nghệ lúc này quá cao, bạn sẽ có cảm giác là gian lận bằng công nghệ. Tuy nhiên hãy thử nghĩ xem, món thiết bị trên cũng bán rộng rãi, bạn cũng hoàn toàn có thể mua nếu có tiền. Về mặt cơ bản nó chẳng khác gì việc bàn phím chơi game chiếm lợi thế với bàn phím thường. Vậy việc thiết bị của ROG Phone dùng công nghệ hỗ trợ chơi game giúp game thủ giành lợi thế cực lớn liệu có thể bị coi là gian lận?
Đây là câu hỏi mà bất kỳ ai cũng phải nghĩ đến khi tranh luận về việc một thứ công nghệ hỗ trợ chơi game có thể bị coi là gian lận hay không. Nếu bạn không định nghĩa được nó thì làm sao phân biệt được nó với những thứ khác?
Cốt lõi của gian lận được định nghĩa dựa trên việc can thiệp vào quá trình vận hành của game, vì vậy một công nghệ hỗ trợ chơi game bị xem là gian lận khi nó chọc sâu vào quy trình vận hành của game, thay đổi thông số và làm lợi cho người chơi. Một ví dụ kinh điển của việc này là Artmoney, chương trình này can thiệp vào bộ nhớ RAM, nơi lưu trữ các thông số vận hành của game và tìm – thay đổi các giá trị thông số làm lợi cho game thủ. Bạn có thể “hack” tiền của mình từ 100 đồng lên 99999999 đồng, “đóng băng” HP không cho tụt để bất tử hay giảm HP boss xuống còn 1. Những công nghệ can thiệp như vậy được gọi là gian lận và xếp vào nhóm hack/cheat.
Tuy nhiên những công nghệ hỗ trợ chơi game không can thiệp vào vận hành của game mà nâng cấp, tối ưu những thứ bên ngoài thì không thể định nghĩa là gian lận. Ví dụ các công nghệ của bàn phím chơi game tối ưu tín hiệu điều khiển bên ngoài, nó hoàn toàn không xâm phạm vào thông số của game. Tương tự, cắm bàn phím – chuột vào điện thoại và xuất tín hiệu lên màn hình lớn hoàn toàn là tối ưu tín hiệu đầu vào – đầu ra của thiết bị, không hề can thiệp vào thông số game. Vì thế ngay cả ví dụ về chiếc điện thoại mới này cũng không thể định nghĩa là gian lập mặc dù nó sẽ tạo ra một lợi thế cực lớn cho người dùng.
Tranh cãi về gian lận hay không chỉ là một chuyện, quan trọng là công nghệ hỗ trợ chơi game đó có được chấp nhận hay không mới là vấn đề. Và việc quyết định đó nằm trong tay nhà phát triển game. Một công nghệ tuy không bị xem là gian lận nhưng nó tạo ra chênh lệch quá lớn trong game dễ làm mất cân bằng game vẫn có thể bị nhà sản xuất “cấm cửa”.
Tất nhiên việc cấm cửa này không phải là cấm đơn vị sản xuất bán mà là sử dụng quyền hạn của người tạo ra game: dùng code chặn công nghệ. Như ví dụ Artmoney ở trên, nếu bạn dùng nhiều sẽ nhận thấy một số game không thể sử dụng Artmoney được, giá trị cần tìm bị nhà sản xuất che giấu bằng cách mã hóa ra một số khác khiến bạn không thể tìm được giá trị chính xác đó để thay đổi. Tương tự với việc chơi giả lập PUBG Mobile trên PC với lợi thế bàn phím - chuột trước đây Tencent cũng đã dùng code để nhận dạng và sắp xếp những người chơi giả lập được xếp trận tách biệt khỏi nhóm chơi trên điện thoại.
Vì vậy, một công nghệ hỗ trợ khi xuất hiện dù có “sạch” đi nữa thì vẫn phải được nhà sản xuất game thông qua, nếu không, chỉ với một bản patch nó sẽ bị loại bỏ khỏi game hoàn toàn. Đây chính là quyền lực tuyệt đối của “đáng sáng thế” – người tạo ra game.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, công nghệ phát triển theo từng giây vì vậy các phương pháp chơi game cũng không ngừng được cải tiến và hỗ trợ bởi công nghệ mới. Các gear chơi game sẽ không ngừng cải tiến công nghệ hỗ trợ chơi game của mình ngày càng cao, lên đến mức “như hack”. Tuy nhiên cũng còn phải chú ý đến sự tương thích với cộng đồng chung, một khi tạo chênh lệch quá lớn đến nỗi bị cộng đồng tẩy chay thì nó sẽ có nguy cơ bịnh chính các nhà làm game loại trừ để bảo vệ cân bằng trong game.
Đô la thần chưởng có thể tốt, hoặc có thể không.