Phụ Lục
Trong thời buổi hiện nay, bạn có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều các trò chơi giống y hệt nhau từ đầu tới cuối. Thời điểm Battle Royale bùng nổ là dễ nhận thấy nhất khi có quá nhiều các trò chơi ăn theo PUBG hay Fortnite. Tình trạng này diễn ra với cả các game mobile lẫn game PC/Console.
Khác với việc lấy cảm hứng, đạo nhái - copy chỉ đơn giản là ăn cắp toàn bộ những gì có trên sản phẩm đang hot, rồi phát triển thêm chút ít và bán lại kiếm lời. Người chơi khi bỏ tiền ra mua các sản phẩm này, họ đang bỏ tiền ra nuôi những con người kiếm lời dựa trên chất xám của người khác.
Hãy cùng Mọt tôi tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
Trong nửa đầu năm 2018 này, gần như toàn bộ ngành game chỉ xoay quanh thể loại Battle Royale khi PUBG hay Fortnite bùng nổ. Nhờ sự nổi lên quá nhanh và mạnh như vậy, hàng loạt các hãng game khác đều thấy tiềm năng kiếm tiền nên đua nhau phát triển game đi theo hướng đi này. Trên cả PC/Console lẫn mobile, số lượng các game “chạy bo” xuất hiện không thể đếm xuể.
Không nói tới việc các ông lớn dành nhiều thời gian, nguồn lực để nghiên cứu và phát triển sao cho vẫn đi theo Battle Royale nhưng không làm mất đi bản sắc của mình. Các hãng game nhỏ lẻ gần như copy, hay có thể nói là ăn cắp, những gì có trên PUBG hay Fortnite về để làm game.
Khi các hãng game đều chỉ xoay quanh duy nhất một thể loại vì nó hot, ngành công nghiệp game chắc chắn sẽ bị chững lại. Vũ khí để phát triển duy nhất lúc đó là sự sáng tạo đã không còn. Thay vào đó là các hãng thay nhau bê nguyên xi những gì có ở tựa game này, lắp vào tựa game nọ. Khiến cho ngành game khi đó thật sự không khác gì một mớ hổ lốn.
Game mobile là nơi xảy ra đạo nhái nhiều nhất và dễ nhất
Với các game PC/Console, việc đạo nhái sẽ khó khăn hơn khi chi phí để phát triển một trò chơi trên nền tảng này là rất lớn. Điều này dẫn tới rủi ro cao chưa kể bị kiện bản quyền nên các hãng phát triển nhỏ không dám mạo hiểm. Còn các hãng lớn chuyên làm game AAA thì họ sẽ tận dụng những gì có sẵn để làm game, và chúng ta gọi đó là “lấy cảm hứng”.
Còn với game mobile có chi phí sản xuất thấp, việc đưa lên các cửa hàng trực tuyến cũng không quá khó khăn nên các hãng nhỏ đua nhau đạo nhái trên nền tảng này. Đặc biệt là với hệ điều hành Android, việc ăn cắp chất xám vẫn đang nhan nhản trên Google Play.
Ngoài chi phí ra, việc hưởng lợi trên nền tảng mobile cũng rất dễ dàng. Lợi dụng tâm lý thích miễn phí của người dùng, các hãng phát triển nhỏ tung ra hàng loạt các game đạo nhái theo những game hot nhưng dưới dạng free-to-play. Họ sẽ chèn quảng cáo từ các bên thứ ba vào để kiếm tiền. Việc mua bán item trong game với các sản phẩm đạo vẫn có nhưng nó không phải là nguồn thu chính. Đôi lúc, doanh thu từ quảng cáo chèn vào trò chơi copy còn lớn hơn doanh thu của các sản phẩm trả phí.
Những trò chơi đơn giản nhưng nổi tiếng lại càng bị đạo nhái nhiều. Chắc hẳn bạn còn nhớ tới Flappy Bird, một hiện tượng gây sốt vào năm 2013. Các nhà phát triển khác khi nhận thấy “Chim ngu” nổi lên quá nhanh, họ đã nhanh chóng tạo ra các phiên bản ăn theo. Thậm chí, tới cả Rovio, cha đẻ của Angry Bird cũng làm game nhái theo. Các trò chơi khác như LMHT, PUBG thì số lượng ăn theo nhiều không đếm xuể.
Ảnh hưởng tới chính nhà phát triển game
Nhiều người nghĩ rằng sản phẩm chỉ mang danh đạo nhái sẽ không thể nào vượt mặt được “hàng chính chủ”. Nhưng không, thực tế hiện giờ đã chứng minh điều ngược lại. Các trò chơi ăn theo ảnh hưởng rất nặng nề tới chính là nhà phát triển game đã bỏ chất xám ra đầu tư sản phẩm gốc.
Tốc độ ra game của những nhà phát triển nhỏ đạo lại các game nổi tiếng rất nhanh, khiến người chơi như lạc vào mê hồn trận, không rõ được đâu mới là hàng gốc. Và với tâm lý thích free, người dùng sẽ có phần nghiêng hơn về các sản phẩm nhái nếu như trò chơi gốc lại bắt mua. Họ sẵn sàng bỏ ra 30 giây xem quảng cáo chèn trong game còn hơn là mua một game mobile với giá chỉ vài chục tới 1 trăm ngàn.
Do đó, việc các sản phẩm gốc dù có hot tới đâu nhưng cũng có khả năng cao bị chìm nghỉm giữa một rừng các sản phẩm ăn theo, có khi đến tên cũng đặt cho giống nốt làm ảnh hưởng nặng tới doanh thu của chính chủ.
Tuy nhiên, việc ảnh hưởng này lại ít khi xảy ra với các ông lớn, nơi nguồn vốn có thể huy động được từ nhiều nơi khác nhau, có một mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, có số lượng nhân sự đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh. Còn với những nhà phát triển độc lập, các sản phẩm của họ hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi các trò chơi "copycat" do thiếu hụt và thua thiệt nhiều yếu tố.
Để giải quyết được vấn đề đạo nhái - copy game không hề đơn giản. Các ông lớn thường không quan tâm lắm tới những trò chơi copy như vậy hoặc họ đủ nguồn lực để kiện và ép đối thủ phải đóng game, còn những hãng nhỏ thì lại không thể chống lại hay ngăn chặn được những trò chơi đó ảnh hưởng tới mình. Cách duy nhất để giải quyết hiện giờ là kiện tụng. Nhưng liên quan tới pháp luật bảo hộ sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức nên thường các hãng nhỏ đành tặc lưỡi bỏ qua.
Còn về phía các cửa hàng trực tuyến, những chính sách của họ cho việc đưa game lên vẫn còn rất nhiều sai sót. Về cơ bản mặc dù trò chơi là đạo nhái, nhưng nó vẫn thỏa mãn những điều kiện trên nền tảng Google Play hay Appstore thì vẫn sẽ được phát hành như bình thường. Không thể nào có chuyện bắt Google hay Apple hay bất cứ bên nào truy tìm, điều tra từng sản phẩm “có dấu hiệu ăn cắp”.
Có lẽ các nhà phát triển chỉ còn cách trông chờ vào người dùng. Cộng đồng game thủ một khi chung tay lên tiếng sẽ có tiếng nói rất ảnh hưởng tới các cửa hàng trực tuyến. Người hâm mộ có thể lên tiếng chỉ trích, report hay thêm các đánh giá kém để hạ uy tín của các trò chơi đạo nhái xuống.
Tuy nhiên, trớ trêu là cộng đồng game thủ thường có cái nhìn khắt khe hơn với các game PC/Console. Còn với game mobile, game thủ thường xuề xòa cho qua rất dễ dàng. Do đó, việc các phiên bản copycat, ăn cắp trực tiếp từ những trò chơi nổi tiếng sẽ khó có dấu hiệu giảm sút.
Khoảng cách giữa “lấy cảm hứng” và “đạo nhái” nó rất sát nhau, nhưng sự khác biệt giữa 2 khái niệm thì lại rất dễ phân biệt. Game thủ hiện giờ cũng có thể cảm nhận được đâu là một sản phẩm tâm huyết và đâu là một trò chơi chỉ là một bản sao rỗng tuếch của tựa game khác. Và tất nhiên các trò chơi đạo nhái như vậy chắc chắn không bao giờ có thể chiếm trọn được tình cảm của người dùng mà trái lại, nó có thể là dấu chấm hết cho một nhà phát triển.
Tuy nhiên, cho tới hiện giờ, chính sách của các cửa hàng trực tuyến vẫn còn khá hạn chế. Các sản phẩm copycat vẫn có thể lưu thông dễ dàng và tới tay cộng đồng game thủ. Nếu cứ tiếp tục như vậy, nó sẽ giết chết sự sáng tạo, sự cạnh tranh của các hãng game. Điều này ảnh hưởng rất nặng nề tới ngành công nghiệp game, và hơn hết chính người dùng chịu thiệt thòi nhiều nhất.