Với thành công vang dội và được cộng đồng chào đón nhiệt liệt, rõ ràng không có gì lạ khi Total War: Three Kingdoms đã tung ra bản DLC lớn thứ hai (có thể tính là đầu tiên vì Yellow Turban Rebellion ra mắt ngay từ đầu). Tuy vậy Eight Princes đang có vẻ không được lòng phần đông game thủ cho lắm, vì nó còn thiếu quá nhiều yếu tố đủ sức níu kéo người chơi.
Phiên bản Eight Princes lấy mốc thời gian 100 năm sau các sự kiện trong Tam Quốc của Total War: Three Kingdoms, lúc này thiên hạ đã là của nhà Tư Mã. Tuy vậy lúc này các vị vương tử nhà Tấn lại tranh giành lẫn nhau cho quyền lực tối thượng, sử gọi nó là loạn Bát Vương và là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà Tấn suy yếu trầm trọng về sau. Tuy vậy phải nói ngay từ đầu là sự kiện loạn Bát Vương này không được nhiều game thủ biết cho lắm, nó hoàn toàn bị lép vế với huyền thoại Tam Quốc Chí, vì thế Mọt Game cũng không hiểu tại sao Creative Assembly lại chọn nó làm DLC cho mình.
Tổng cộng sẽ có 8 vị hoàng tử cho người chơi lựa chọn trong DLC Eight Princes, mỗi người sẽ có các đơn vị lính đặc biệt khác nhau cũng như hệ thống chính trị riêng biệt, tuy vậy số lượng chỉ có 8 lãnh chúa mà lại cùng trong một khung cố định (tất cả đều là hoàng thất) khiến nó khá là đơn điệu. Nếu so sánh với bản gốc Total War: Three Kingdoms thì sự chênh lệch là quá lớn giữa các phe phái, hơn nữa Eight Princes lại là một DLC độc lập chứ không tích hợp chung như Yellow Turban Rebellion, điều này càng khiến nó trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều.
Có rất nhiều điểm khác biệt trong DLC này, đầu tiên là thay vì thống nhất Trung Nguyên như Total War: Three Kingdoms thì các Bát vương là một cuộc nội chiến lớn, các Vương sẽ từ từ nâng cao danh vọng của mình tới mức độ tối đa là Victorious Prince. Tuy vậy người chơi vẫn có thể lựa chọn thống nhất Trung Hoa và lên làm một Hoàng đế mới, hoặc đóng vai trò là quan nhiếp chính điều khiển vị vua bù nhìn vô dụng.
Một điểm mới nữa của Eight Princes là hệ thống Alignments, có thể coi như là bonus đặc biệt tùy thuộc hướng phát triển của người chơi. Tổng cộng có 4 loại là Wealth, Spirit, Might and Mind, tương ứng với sức mạnh kinh tế, quản lý dân chúng, quân đội và chính trị. Tùy thuộc vào hành động của người chơi, cách xử lý với kẻ thù và những sự kiện ngẫu nhiên mà điểm Alignments sẽ tăng theo hướng tương ứng, có thể coi nó là thứ định hình phong cách trong phần DLC Total War: Three Kingdoms này.
Nhưng những thay đổi như vậy có lẽ là chưa đủ với một DLC như Eight Princes, nó gặp vấn đề lớn là lối chơi hay cụ thể là các đơn vị lính. DLC này có thêm vào hai đơn vị mới là cataphracts và nỏ binh cưỡi ngựa, còn hầu hết số còn lại đều là một dạng “đổi skin” từ Total War: Three Kingdoms qua với chỉ số và tác dụng y chang các phiên bản gốc. Bát vương trong Eight Princes không thực sự có gì quá thay đổi ở mục quân đội, hầu hết đều là các đám lính quen thuộc hoặc được đổi tên, nó không làm nổi bật chất riêng của chúng lên được.
Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất của Eight Princes là về tướng, như đã nói DLC này chọn một vai trò lịch sử khá tệ khi mà hầu hết game thủ đều không rõ về nó, dẫn tới hậu quả là thay vì hàng chục vị tướng quân huyền thoại Tam Quốc vì con số này của Eight Princes chỉ là... 8 (chính là Bát Vương luôn). Sở dĩ Total War: Three Kingdoms hấp dẫn vì người chơi tò mò với sự xuất hiện của những Lữ Bố hay Quan Vũ, cũng như muốn bắt họ về dưới trướng của mình và đem vào chiến trường.
Eight Princes không làm được điều này, khi mà bạn gần như không thể rõ được tên của Bát Vương chứ đừng nói đám thuộc hạ phía dưới, điều này khiến cho game khá đơn điệu, gần như chúng ta chẳng còn hứng thú gì việc “bắt Pokemon” của Total War: Three Kingdoms nữa vì giờ tướng nào chả như tướng nào. Bước lùi này khiến Eight Princes bị chê rất nhiều và là lý do chính khiến game thủ khá thờ ơ vởi DLC này, nó không tạo được điểm nhấn cần thiết.
Nhìn chung với giá chỉ chưa tới 150K cộng thêm một mode đi kèm thì Eight Princes có thể coi là một DLC không tệ, nhưng xét riêng trong phạm vi Total War: Three Kingdoms thì nó thực sự rất tệ và chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ thời gian vào thứ này đâu, vì xét ra nó còn chẳng hay bằng phần chơi gốc nữa.