Phụ Lục
Sau sự việc Sử Hộ Vương bị cộng đồng mạng ném đá tới tấp cùng những tranh luận trái chiều về nội dung của game này, Mọt game đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc cũng như tâm sự từ các bạn đọc. Trong đó có một bạn đã liên hệ gửi cho fanpage Motgame một bài viết khá dài thể hiện quan điểm của mình về game này. Xin được đăng nguyên văn (có sửa chính tả và thêm hình mình họa) như sau:
Đầu tiên, xin khẳng định với mọi người rằng đây là ý kiến mang tính cá nhân của tôi, một người đã từng tiếp xúc với hai bạn đại diện team Sử Hộ Vương, cũng là hai đại diện xuất hiện trong chương trình Shark Tank vừa qua của họ. Với những gì nghe được từ hai bạn trẻ cùng với việc xem xét tính chất và nội dung của sản phẩm Sử Hộ Vương tôi có một số ý kiến muốn chia sẻ về những gì team vận hành nên suy nghĩ sau những gì xảy ra vừa qua.
Và cũng xin nói trước luôn là, bản thân tôi thấy Sử Hộ Vương là một dự án có tiềm năng, nó không đáng phải chết, chỉ bị định hướng cho đi nhầm đường và cần phải hướng lại cho đúng mà thôi.
Triết lý khởi nguồn là thứ đầu tiên được tạo ra và là cốt lõi của mọi dự án từ vĩ đại đến nhỏ nhoi. Tôn giáo có kinh thánh, quốc gia có hiến pháp, các hội nhóm và công ty đều có tôn chỉ để tồn tại. Nói cách khác bạn phải lý giải được ý nghĩa tồn tại của một dự án trước, tất cả hoạt động sau này đều phải tuân theo nó và ý tưởng nào trái với nó phải bị hủy bỏ. Điều này được khẳng định rất rõ ràng ở Sử Hộ Vương: Giúp sử Việt trở nên hấp dẫn hơn, dễ gần hơn.
Tôi đã nghe các bạn nói về dự án của mình ở một lần gặp mặt, tôi có thể cảm nhận sự háo hức của các bạn trong ý tưởng của mình. Đó là một nhóm bạn trẻ muốn làm một cái gì đó to lớn mang tính bước ngoặc để thay đổi bộ mặt của xã hội, ở đây là tính lười học sử của giới trẻ. Tuy nhiên, chính trong quá trình thực hiện, với sự hăng hái của tuổi trẻ muốn bắt kịp cái mới và tôn sùng sự sáng tạo năng động, team Sử Hộ Vương đã tạo ra một sản phẩm thoát thai khỏi lịch sử. Nhưng chính cái thoát thai khác biệt đó lại đi ngược với triết lý tuyên truyền về lịch sử của các bạn, và nó đã được chỉ ra rất rõ ràng: đổi khác quá nhiều so với nguyên bản.
Tất nhiên là sự đổi khác đó hoàn toàn có thể giải thích được. Nhưng ở trường hợp bạn đang giới thiệu triết lý gốc của mình như vậy lại đưa ra một sản phẩm đối lập như vậy, rõ ràng đây là 2 khái niệm không thể cùng tồn tại. Bạn có thể giữ triết lý gốc và đổi lại làm các nhân vật và nhất là art style tổng của game Sử Hộ Vương sát với các mô tả lịch sử nhất, ít nhất là vẽ thêm cái yếm đỏ và cái váy nâu cho Hồ Xuân Hương. Hoặc bạn có thể giữ lấy sự sáng tạo và thay đổi triết lý gốc của mình, bạn muốn làm “mới lịch sử” đưa hơi thở hiện đại trẻ trung vào các nhân vật lịch sử bằng một khung cảnh “fantasy” hay “tiên hiệp”. Chỉ cần nghĩ ra một bối cảnh giải thích hợp lý sự đổi khác của các nhân vật, như cách mà Fate/Grand Order đã làm.
Căn bản là bạn không thể có cả 2. Hãy lựa chọn và theo một định hướng thay vì cố bước mỗi chân trên 1 ngã rẽ khác nhau, bạn không xoạc chân được bao xa đâu.
Sử Hộ Vương không phải là dự án game đầu tiên nói về sử Việt, tôi có thể khẳng định như vậy. Tôi đã từng chứng kiến 12 Sứ Quân của diễn đàn Gamevn ngày xưa nó thành công ra sao, Thuận Thiên Kiếm từng được dựng lên ra sao. Đó là những game nói về lịch sử Việt Nam và có định hướng làm sát nhất có thể với mô tả lịch sử. Thường định hướng này là cực khó vì nếu đi sát lịch sử sẽ dễ nhàm chán và khó tiếp cận với người trẻ. Nhưng nếu làm khác đi sẽ không còn giống lịch sử nữa. Bài toán làm thế nào để vừa tuân thủ nghiêm ngặt lịch sử lại vừa hấp dẫn cuốn hút là một bài tính khó.
Ngược lại cũng có những game (không phải sử Việt) đã làm khá tốt việc biến đổi từ lịch sử sang dã sử mà hiện nay nổi nhất là Fate/Grand Order với hàng loạt nhân vật lịch sử bị làm cho “vặn vẹo” cả về dung mạo lẫn giới tính nhưng vẫn đạt được thành công. Phương pháp phổ biến là dùng sự huyền huyễn làm nền và từ đó “gọi hồn” hoặc một phần hồn của những nhân vật lịch sử vào một hình thái mới. Hoặc đó có thể là phiên bản chuyển thế nhưng vẫn giữ được sức mạnh tiềm ẩn của kiếp trước khi cần có thể gọi ra như Persona hay bộ manga Shaman King (Vua Pháp Thuật). Từ đó rất dễ giải thích sự khác nhau giữa nhân vật có thật và một linh hồn đại diện.
Sử Hộ Vương có nội dung theo kiểu “teen” với sự phá cách, trang phục thoáng, ngôn ngữ hiện đại, art style manga, có thể thấy định hướng khá rõ ràng là dành cho giới trẻ. Nhưng lại mang đi thuyết phục những người đứng tuổi trong Shark Tank. Đó là một sự mâu thuẫn chết người trong chọn đối tượng. Không cần phải phân tích về khoa học bạn cũng thừa biết người lớn tuổi sẽ có xu hướng bảo thủ, trái ngược với giới trẻ. Việc mang một sản phẩm cho giới trẻ đi giới thiệu với người lớn tuổi có gì đó giống đi đốt củi dưới đáy biển, bạn có thể biết trước kết quả.
Hiện tại Sử Hộ Vương được giới thiệu là khá thành công với con số được tiết lộ là 6000 bộ bán hết. Tuy nhiên con số đó không quá lớn nếu nhìn ở góc nhìn kinh doanh. Thành công bước đầu chưa chắc sẽ bảo đảm thành công lâu dài vì vậy thay vì tìm cách mở rộng nó vội vàng, hãy kiên trì phát triển doanh số và phổ biến phần bài giấy rộng ra. Khi đã đạt đến những con số hàng chục ngàn cùng một doanh thu ổn định lúc đó mới cần nghĩ đến mở rộng sang app, visual novel hay phim điện ảnh... Nói gì thì nói bạn phải kiếm đủ tiền nuôi sống chính mình và công ty trước khi có ý định mở rộng thêm ra. Nói một cách ví von là bê tông tầng 1 phải khô hẳn mới đổ bê tông tầng 2 được, vội quá là tất cả sụp đổ. Các nhà đầu tư họ chỉ bơm tiền cho những dự án có khả năng sinh lãi, nên cái cần chứng minh trước Shark không phải là ý tưởng của bạn độc đáo đến đâu, mà nó có thể đào ra bao nhiêu tiền trả lãi cho nhà đầu tư.
Rất nhiều người đã viện dẫn Fate/Grand Order ra để so với Sử Hộ Vương. Nhưng thực sự mà nói nếu làm giống cũng chưa chắc đã ổn. Căn bản chúng ta đang ở Việt Nam, nơi có đặc thù về văn hóa cũng như quan niệm thuần phong mỹ tục rất khác so với Nhật, đất nước sản sinh ra Fate/Grand Order. Nếu mang FGO về Việt Nam chẳng có gì bảo đảm rằng nó cũng không bị ném đá bởi phạm nhiều tiêu chuẩn thuần phong mỹ tục.
Chính vì vậy, khi thực hiện Sử Hộ Vương, team cần phải nhận rõ rằng mình đang ở đâu, những điều gì có thể áp dụng và điều gì quá nhạy cảm, nên để lại sau. Một ví dụ dễ thấy nhất chính là gameplay phức tạp của Sử Hộ Vương. Cộng đồng board game ở Việt Nam mặc dù sôi động nhưng vẫn chiếm số lượng khá khiêm tốn, những người thực sự yêu thích gameplay hiện tại sẽ có số lượng khá nhỏ và khó mở rộng. Nên nhớ rằng chìa khóa để phổ rộng một game là cách chơi đơn giản, dễ giải thích và làm quen nhanh chóng. Cách chơi càng khó càng giới hạn cộng đồng chơi lại hẹp hơn.
Bản thân tôi vốn có chơi qua HearthStone và Yugioh nhưng vẫn cảm thấy gameplay của Sử Hộ vương quá rắc rối. Có sự tham gia của xúc xắc rồi lại cần hẳn 1 quản trò làm trọng tài, quá rắc rối để có một cuộc chơi với bạn bè. Ngược lại với bộ bài Tây bạn có thể có đủ thứ trò từ đơn giản như “cào 3 lá” đến “tiến lên” và có thể chơi bất kỳ lúc nào mà không cần một người quản trò và một bộ xúc xắc. Khởi sự với một môn chơi mà cách chơi phức tạp như vậy trong một cộng đồng chưa quen với những trò chơi phức tạp chính là minh chứng cho việc chưa nhìn rõ mình đang ở đâu.
Sử Hộ Vương còn rất nhiều điểm bất cập khác nữa, đơn cử như chọn kích thước lá bài to khiến việc cầm và chơi chiếm nhiều không gian lại khó cầm được nhiều, với hình thể của người Việt bàn tay sẽ không đủ to để cầm một lá bài kích thước như vậy. Chọn nhiều art nhân vật có trang phục khá táo bạo, dễ bị quy chụp vào thuần phong mỹ tục.
Tóm lại, team Sử Hộ Vương cần phải nhìn nhận lại bối cảnh hiện nay của game và những đặc tính của thị trường Việt về văn hóa, về cách nhìn, về cách chơi và thói quen chơi để cho ra một sản phẩm phù hợp nhất. Nó không nằm ở đoán mò mà cần tài liệu, khảo sát mang tính bao trùm thị trường để đưa ra đối sách.
Phong trào startup vừa qua rất nổi và cũng có rất nhiều người chỉ ra điểm yếu của những nhà khởi nghiệp trẻ mà chúng ta có thể bắt gặp ở trường hợp Sử Hộ Vương:
Và cũng chính vì là startup trẻ nên chúng ta cũng cần phải thông cảm, đừng quá khắt khe và chừa đường để doanh nghiệp trưởng thành. Nhìn chung thì Sử Hộ Vương vẫn có một tiềm năng rất đáng giá và Gamize cũng chẳng phải là công ty ngàn tỷ, họ ít vốn nên phải làm tất cả trong tầm tài chính của mình. Sản phẩm không quá mỹ mãn ban đầu cũng dễ hiểu.
Là một game thủ, tôi đã chứng kiến rất nhiều cái chết tức tưởi của các dự án game, nên tôi cũng không quá buồn nếu chẳng may Sử Hộ Vương cũng lụi tàn dần như thế. Có thể kể ra ngay như Mass Effect Andromeda, Anthem, và đặc biệt là Diablo: Immortal hiện đang chết ngắc ngoải ở thị trường Trung Quốc bắt đầu bởi một câu hỏi kiểu “trả treo” khách hàng: Mấy người hổng ai có điện thoại hết hả? Nó cũng giống như câu hỏi ngược: “Có anh chị nào nhìn thấy Nguyễn Huệ thật sự không ạ?”
Căn bản thì những câu hỏi đó nêu lên một vấn đề tranh luận, không sai, nhưng cách thốt ra lại khiến người ta dễ bị kích động vì “ghét cái thái độ”.
Nhưng hãy quay về với Sử Hộ Vương. Bản thân tôi đánh giá dự án này được làm khá công phu với việc gọi vốn, thuê họa sĩ tạo công ăn việc làm cho giới artist cũng như in ra những lá bài rất đẹp và chất lượng giấy rất tốt. Cầm bộ thẻ bài cảm giác rất chắc tay tuy hơi to hơn so với khổ của Yugioh vốn quen thuộc với người dùng bởi đó cũng chính là kích cỡ của bộ bài tây thông dụng khắp thế giới. Team Sử Hộ Vương cũng hé lộ rằng ý định làm kích thước đó chính là khớp với một lá bài tarot, một bộ bài huyền bí đầy hấp dẫn.
Ý tưởng tốt, chất lượng bài tốt, các khâu thực hiện kế hoạch cũng tốt nhưng lại mắc phải một số lỗi như chuyển hàng theo đợt thay vì phát hành đồng loạt kiểu chuyên nghiệp và nhất là như đã nói ở trên, do phân vân giữa chính xác lịch sử và sáng tạo bay bổng nên bộ bài thiếu những yếu tố còn lại để rẽ sang một trong 2 con đường tương lai, nó kẹt lại ở ngã ba. Đừng vội để nó chết mà hãy hướng nó lại theo đúng con đường để đi tiếp.