Cả đêm đó, chú tôi không ngủ, đến tận khi trời sáng, bóng người bên cửa sổ mới biến mất.
Mắt chú tôi giờ đây đã đầy tơ máu, túm tôi lại hỏi: “Điền, bà của con sao vậy?”
Tôi lắc đầu: “Con không biết.”
Lúc này, bỗng có tiếng đập cửa vang lên, chú tôi giật bắn người, may mà người ngoài cửa là ông tôi.
“Thu Long, mở cửa ra.”
Chú tôi thấy vậy mới dám mở cửa, ông tôi đi vào, cau mày, nhỏ giọng nói: “Mẹ mày chết rồi, bả còn định dẫn mày theo.”
Chú sửng sốt hồi lâu, sự sợ hãi hiện lên trong mắt, vội nói: “Mẹ tôi chết rồi? Tại sao bà ấy lại muốn dẫn tôi theo? Không được, tôi phải về thành phố.”
Chú nói xong thì định bỏ chạy, nhưng lại bị ông tôi giữ lại: “Tao e là mẹ mày trúng tà rồi, tao cũng không biết tại sao bả chết, nhưng mày có chạy về thành phố cũng vô dụng, bả vẫn sẽ tìm thấy mày.”
Lúc nói những lời này, ông liếc nhìn tôi đầy ngoan độc, cứ như chỉ cần tôi dám hé răng nửa lời, ông ấy sẽ lập tức bóp chết tôi.
“Vậy phải làm sao đây? Cha ơi, cha cứu con với.”
Ông tôi đảo mắt, nói: “Có khi buổi tối mẹ mày sẽ quay lại, trói bả lại rồi châm lửa đốt là xong thôi.”
Chú tôi sửng sốt vài giây, tựa như đang do dự.
Ông tiếp tục nói: “Mẹ mày cũng chết rồi, cứ để thế kiểu gì bả cũng đi hại người.”
Nói xong ông lại gảy điếu thuốc trong tay, tàn thuốc bay lả tả.
Chú tôi nghe thấy có lí thì gật đầu: “Cũng hết cách rồi, chỉ đành làm vậy thôi.”
Ông híp mắt, cười: “Thu Long à, ở trong thành phố cũng chẳng có gì tốt, con về quê làm ruộng đi.”
“Tôi không về đâu.” Chú tôi hừ lạnh.
“Vậy là mày vẫn muốn chạy à?”
“Đương nhiên.”
Ông tôi sờ mũi, không nói gì, chỉ im lặng hút thuốc. Chú tôi thấy vậy thì hỏi: “Đêm nay ra tay à?”
Ông không đáp, chỉ đi ra ngoài sân, gom rơm rạ trên mặt đất lại, làm một con bù nhìn rồi nhìn chú: “Cởi quần áo trên người mày ra, mặc cho con bù nhìn kia, sau đó cắt thêm ít tóc nhét vào người nó.”
Chú tôi làm theo lời ông, mặc quần áo cho con bù nhìn, cắt nhúm tóc nhét vào đó. Xong xuôi, ông dựng con bù nhìn đó trong sân, sau đó quấn dây thừng quanh con bù nhìn, sợi dây đó đã được ông tẩm xăng, chỉ cần một mồi lửa là sẽ cháy rụi.
Đêm xuống, ba người chúng tôi trốn trong căn phòng phía Đông, bà tôi thật sự đã quay trở lại. Bà đi đến chỗ con bù nhìn, dùng hai tay bắt lấy nó, nhưng thử vài lần vẫn không túm được, thế là bà lại tiến về phía trước vài bước. Ngay khi tay bà chạm vào con bù nhìn, ông tôi lập tức châm lửa, cả người con bù nhìn bốc cháy trong chớp mắt, cơ thể bà tôi cũng bị ngọn lửa nuốt chửng.
Sợi chỉ dùng để khâu mắt và miệng bà tôi đột nhiên đứt ra, đôi mắt đỏ sẫm đang chảy máu, bà mở miệng, để lộ một cái động đen ngòm, không biết nói gì.
Chẳng biết qua bao lâu, bà tôi ngã gục trong biển lửa. Cơ thể bà bị cháy phát ra tiếng lách tách, trong không khí đầy mùi thịt nướng khó ngửi.
Chú tôi xụi lơ, may nhờ có ông đỡ nên chú mới không bị té. Thấy bà tôi đã hóa thành trò, ông cười bảo: “Không sao nữa rồi.”
Sáng hôm sau, chú tôi thu dọn hành lý về lại thành phố. Tôi không muốn ở cùng ông nên đã chạy đến hỏi chú: “Chú ơi, chú không thể dẫn con theo sao?”
Chú tôi cau mày: “Điền à, chờ hai năm nữa, chú đến đón con nhé.”
Tôi túm tay chú: “Chú, vậy chú đưa tiền bồi thường của cha cho con được không?”
Chú tôi sửng sốt, sau đó gỡ tay tôi ra, xách hành lý bỏ đi.
Tôi thở dài, cảm thán, tiền bồi thường của cha tôi đều cho chú xài hết, nếu có thể chia một phần nhỏ cho mẹ tôi thì chắc bà đã không qua đời rồi.
Tôi ngồi trên băng ghế chơi ném đá, nghĩ, ông sẽ không để chú đi dễ dàng vậy đâu.
Một lát sau, chú Trương Cường hàng xóm đột nhiên chạy qua nhà tôi, hô to: “Chú năm ơi, xảy ra chuyện lớn rồi. Xe của Thu Long tông vào cái cây đầu làng, hôn mê bất tỉnh rồi, chú mau ra xem đi.”
Ông tôi chậm chạp đi ra khỏi phòng, nói: “Biết rồi, đến ngay.”
Cuối cùng, ông theo Trương Cường ra đầu làng, chỉ còn mình tôi ở nhà.
Đến tận khi trời tối ông vẫn chưa về, dì Lý hàng xóm nói chú tôi bị tai nạn giao thông, được người ta đưa đi bệnh viện rồi, ông tôi ở bệnh viện chăm chú.
Tôi ở nhà tự nấu cơm, bảy tám ngày sau, chú và ông tôi quay về. Chân trái của chú bị gãy, chỉ có thể chống gậy.
“Cha, tối nay con muốn ăn cá.” Chú nói.
“Cha câu cá về cho con. Thu Long à, giờ con còn muốn về thành phố nữa không?”
Chú tôi sửng sốt, trong mắt ánh lên sự sợ hãi, vội vàng lắc đầu: “Không về, không về nữa.”
Ông tôi hài lòng gật đầu, cầm cần câu đi câu cá cho chú.
Tôi ngồi trong sân phơi nắng, chơi ném đá, chú tôi chống gậy đi ra, đột nhiên đến bên cạnh tôi, nhỏ giọng hỏi: “Điền này, con có từng thấy con búp bê vải nào không?”
“Con có.” Tôi đáp.
Tôi đoán, con búp bê vải chú tôi nói là con búp bê vải bà tôi từng cầm.
Chú nghe thế thì mở to mắt, hỏi: “Ở đâu vậy?”
“Hình như ở trong rương ạ.”
“Dẫn chú đến đó đi.”
Tôi nhớ, lần trước tôi thấy ông vào nhà kho, hình như ông lén nhét con búp bê vải vào rương. Thế nên tôi dẫn chú vào đó, chỉ vào cái rương: “Con nhớ hình như nó ở trong này.”
Chú tôi mở to mắt, ôm chiếc rương ra, nhưng trên rương có khóa, chú ấy không mở được.
Thế là chú tôi cầm dao, dùng dao cạy khóa cái rương, mò bên trong lấy ra một con búp bê vải, ôm nó vào lòng, cười bảo: “Đây là bí mật của hai chúng ta, con đừng nói cho ông biết, được chứ?”
Tôi gật đầu: “Con không nói.”
Tối đó, ông tôi không về nhà.
Tôi nói: “Chú ơi, chúng ta có đi tìm ông không?”
Chú tôi bảo: “Không cần, ông con cũng không phải con nít, làm sao có chuyện được.”
Nói xong, chú tôi quay về căn phòng phía Đông đi ngủ. Sáng hôm sau, người trong làng đến báo ông tôi đã qua đời, ông bị treo trên cái cây ở đầu làng, cả người cứng ngắc, khô quắt.
Tôi và chú ra đầu làng đưa ông về, lúc đỡ ông xuống, chú tôi khóc lóc thảm thương: “Cha, tại sao cha lại suy nghĩ dại dột, bỏ con lại như vậy.”
Mọi người trong làng khuyên chú tôi đừng quá đau buồn, nhưng họ không biết chú tôi chẳng chảy một giọt nước mắt nào.
“Cha tôi chết bất đắc kỳ tử, phải hỏa thiêu, tang sự chỉ tổ chức đơn giản thôi.”
Thế là chú tôi tìm mấy người trẻ đến, đặt ông tôi vào đống cỏ, châm lửa thiêu một cách sơ sài. Đến khi ông chỉ còn một đống tro, chú lại gom nó vào một cái hũ, chôn phía sau núi, cả bia mộ cũng chẳng thèm khắc chữ.
“Điền à, con theo chú vào thành phố đi.” Chú tôi nào.
“Chú à, con không định vào thành phố, chú đi đi.”
Tôi không định theo chú vào thành phố vì không muốn làm một đứa con ghẻ.
“Thôi, ông bà con cũng chẳng còn, theo chú, thu dọn đồ đạc, chúng ta tranh thủ về thành phố trước khi trời tối.”
“Cảm ơn chú.” Tôi gật đầu.
Chú tôi về căn phòng phía Tây thu dọn đồ đạc, tôi về phòng phía Đông dọn đồ. Lúc thu dọn, tôi lấy trong rương ra 3 con búp bê vải, một con bị khâu mắt, một con bị khâu chân, một con bị khâu cổ, ba con búp bê này là mẹ để lại cho tôi, chẳng qua, ông bà và chú, ba người họ đều quên cả rồi…
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~