Phụ Lục
Giai đoạn này chứng kiến sự lên ngôi của các tựa game huyền thoại từ Playstation, cũng như sự suy tàn của Sega trong cuộc chiến console. Nếu trước đây gần như chỉ có một mình Nintendo thống trị tất cả, thì sự nổi lên của Playstation đã thay đổi mọi thứ.
Khi Nintendo phát triển hệ máy mới của mình là Nintendo 64, họ cần một cái đòn bẩy để thúc đẩy doanh số và không có gì phù hợp hơn Mario được nữa. Bạn có thể nhận ra sự tương đồng ngay từ cái tên khi Super Mario 64 xuất hiện, nhưng bỏ qua vấn đề đó thì đây vẫn là một tựa game đột phá, khi cho game thủ lần đầu trải nghiệm không gian 3D hoàn toàn trong cả seri.
Với việc thay đổi góc nhìn và cả lối chơi, Super Mario 64 cho phép chàng thợ sửa ống nước có thể di chuyển một cách tự do chưa từng thấy, giờ đây Mario có thể nhảy bật và bám trên tường, chạy vòng vòng xung quanh bản đồ hay lẻn ra sau lưng các kẻ địch trên đường, điều chưa từng xuất hiện trong seri. Kết hợp với tay cầm có thể xoay 360 độ của Nintendo 64, Super Mario 64 trở thành một chiến dịch quảng cáo không thể hiệu quả hơn được, trong khi vẫn giữ được chất riêng của game.
Có rất nhiều lý do để khiến phải tới phiên bản thứ 7 thì dòng Final Fantasy mới trở nên nổi tiếng toàn cầu, ban đầu Sony dự tính sẽ ra mắt Final Fantasy VII trên SNES, nhưng lại chậm trễ vì vướng Chrono Trigger, cuối cùng họ quyết định đẩy nó lên PlayStation 1. Vào thời điểm ra mắt, Final Fantasy VII là một cuộc cách mạng đột phá về phần hình ảnh lẫn các đoạn cutscene hoành tráng – thứ về sau trở thành thương hiệu không thể thiếu của Final Fantasy.
Chỉ tính riêng về gameplay thôi thì Final Fantasy VII đã là cây đại thụ, một tựa game huyền thoại của cả làng game, một trong những phần hay nhất của cả seri kể cả tới thời điểm này. Số lượng bí mật lẫn cốt truyện điên rồ của Final Fantasy VII đã khiến tựa game này sống mãi trong lòng người hâm mộ, kể cả tới thời điểm hiện tại đây vẫn là game được khao khát nhất của người hâm mộ, cũng như lời hứa hẹn remake không biết đến bao giờ của Square Enix.
Thành công của Final Fantasy VII còn đến từ rất, rất, rất nhiều tiền, khi CEO của Square lúc đó là Tomoyuki Takechi đã chi hơn 80 triệu USD để phát triển và quảng cáo cho tựa game này. Nhưng những gì nó đem lại xứng đáng tới từng xu, cho đến tận bây giờ thiên hạ vẫn chưa bao giờ nguôi bàn tán về Final Fantasy VII, một tựa game huyền thoại tới mức không tưởng trên PlayStation 1.
Sony tiếp tục thống trị năm 1998 khi họ chào đón một tựa game huyền thoại khác, lần này là tới phiên Metal Gear Solid xuất hiện. Cho tới thời điểm đó thì khái niệm game dạng hành động lén lút như Metal Gear Solid vẫn là rất thưa thớt, chưa nói chuyện tới một sản phẩm chất lượng vượt trội như vậy. Sony đã tận dụng từng gram phần cứng hệ máy của mình để đem tới cho game thủ một tựa game với hình ảnh đáng kinh ngạc, lối chơi chi ly tới mức phi lý và cốt truyện đủ để kéo dài qua hàng chục năm.
Khi Metal Gear Solid ra đời, định mệnh đã đặt sẵn nó sẽ thành một tựa game huyền thoại, thứ mà cả cộng đồng sẽ còn phải phát điên lên sau hàng chục năm nữa. Cụm từ Solid Snake sau đó đã thành thứ không thể thay thế mỗi khi nhắc đến các tựa game hành động lén lút, nó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều hậu bối về sau như Hitman hay Deus Ex… có thể nói nếu như không có Metal Gear Solid, thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ có dòng game hành động lén lút như bây giờ được.
Cuộc chiến console của Sega đã thất bại thảm hại khi Sega Saturn không đạt doanh số cần thiết, họ cũng hủy bỏ luôn một dự án cho Sonic 3D. Tình hình làm Sega phải đặt cược một cú chót với dòng máy Sega Dreamcast, họ quyết tâm phải tạo ra một thứ gì đó đủ sức để kéo tất cả mọi thứ đi lên. Và đó là lúc tựa game huyền thoại Shenmue ra đời, Sega đã ngốn mất 47 triệu USD tiền phát triển và quảng cáo, nhưng nó xứng đáng tới từng đồng xu lẻ khi nói tới Dreamcast là mọi người nghĩ ngay tới Shenmue.
Shenmue đã đặt lại một chuẩn mực mới cho dòng game nhập vai thời đó, với phần hình ảnh vượt trên tất cả những đối thủ cạnh tranh, một thế giới mở gần như là đầu tiên khi cho phép người chơi tương tác cùng hàng trăm NPC khác nhau. Vòng quay ngày đêm cũng đẩy độ chân thực của Shenmue lên tầm cao mới khác hẳn, đáng tiếc là nó chỉ tồn tại được một thời gian ngắn cùng Dreamcast mà thôi.
Năm 2000 có lẽ là một năm may mắn của Sega, khi thế hệ Playstation 2 của Sony bị chậm trễ thời điểm ra mắt. Điều này khiến cho Skies of Arcadia tiếp tục trở thành tựa game đưa Sega thống trị năm đó, mặc dù không thực sự nổi tiếng bằng Shenmue nhưng Skies of Arcadia có tất cả mọi thứ của một game RPG đỉnh cao. Hệ thống chiến đấu cùng đồ họa bắt mắt, tuyến nhân vật theo phong cách hải tặc không gian và các đoạn cắt cảnh tuyệt vời đã khiến Skies of Arcadia đủ sức làm đối trọng với khi so sánh với Final Fantasy VII.
Đáng tiếc là sự xuất sắc của Skies of Arcadia cũng không thể cứu được Sega, khi chỉ sau đó một năm họ đã bị quét sạch khỏi thị trường console. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ khiến Skies of Arcadia xứng đáng là một tựa game huyền thoại, đáng tiếc vì nhiều lý do nó không thể nào lan xa như các đồng nghiệp khác.
Sau năm 2000 là bắt đầu “thiên niên kỷ vàng” của ngành game, với rất nhiều tựa game bom tấn ra mắt, nhưng đó là câu chuyện của rất nhiều năm nữa. Còn bạn, vào thời điểm bạn ra đời có trùng với những tựa game huyền thoại này không?