Phụ Lục
Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu những cú phốt chấn động làng game và sau đây là những mẫu chuyện tiếp theo về những sự việc gây lùm xùm một thời.
Được giới thiệu là tựa game độc nhất vô nhị, chất lượng và thời lượng sẽ làm thỏa mãn mọi game thủ khó tính nhất vì gameplay và cơ chế thế giới mở độc đáo. No Man’s Sky dựa trên thuật toán ngẫu nhiên để tạo ra một vũ trụ với vô số hành tinh mới lạ, địa hình, sinh vật cũng như môi trường ở mỗi hành tinh hoàn toàn ngẫu nhiên mà người chơi mỗi khi đặt chân đến sẽ có cái mới để đào bới.
Đồ họa trong trailer thì phải nói là lung linh như chốn bồng lai tiên cảnh, tag game là khoa học giả tưởng, sinh tồn và ta còn được thấy cảnh bắn nhau ngoài vũ trụ nữa. Sony sau đó nhảy vào giúp đỡ cho Hello Games, studio được coi là “tự thân vận động” lúc mới công bố dự án vì tiềm năng của nó.
Một sinh vật bản địa có cái đầu trông như...
Đến ngày lên kệ, người người nhà nhà đổ xô đi mua và khá đắng cho những ai mua bản đĩa Blu Ray không trả hàng được vì ngay sau đó vài giờ, người người nhà nhà lại lại đổ xô đi… trả hàng. Đắng hơn nữa cho Sony khi đầu tư cho tựa game được trao giải “mâm xôi vàng” trong ngành game dù trước đó đã được nhận giải “Tựa game được mong chờ nhất năm”. Hello Games im lặng sau một thời gian và đã quay trở lại xin lỗi cộng đồng vì cái kiểu làm ăn “học hỏi và phát huy” từ Ubisoft.
Video chơi thử No Man’s Sky
Đồ họa bị tiết giảm (downgrade) trầm trọng, vũ trụ vẫn bao la như lời giới thiệu ban đầu nhưng đó không hẳn là cái bao la mà mọi người mong đợi. Đơn giản chả ai ưa nổi cái cảnh vào game lái một cái phi thuyền vài chục phút xuyên qua một khoản trời trống vắng chỉ để đáp xuống một cái hành tinh đầy bọn quái vật trông na ná như cái hành tinh vừa đi qua hồi trước. Không đùa đâu, thuật toán ngẫu nhiên của No Man’s Sky thay vì tạo ra những thế giới lung linh cùng cảnh vật hùng vĩ thì chỉ giỏi làm “trò hề” trên nền đất khô héo nhạt nhẽo và cây cối thưa thớt.
Một con khác có cái đầu cũng rất trừu tượng
Trên trang bán hàng của Steam đầy sắc đỏ giận dữ từ người mua hàng với đánh giá tụt xuống 2,5 sao. Thậm chí rất nhiều người dùng tại Việt Nam thời gian đó còn đùa nhây bằng cách mua xong trả lại game để viết review.
Nếu bạn chán làm game rồi, muốn đóng cửa công ty cơ mà tự dưng làm thế không có cớ gì thì mất tiếng tâm thì học theo CAPCOM đi, bảo đảm thành công mà còn thêm được chút “tiếng” xấu nữa.
Cho 12 nhân vật đặc biệt vào đĩa sẵn nhưng khóa lại, trả tiền mới mở cho chơi
Street Fighter X Tekken bản phát hành cho PS3 và Xbox 360 năm đó đã phá vỡ mọi tiền lệ về độ lầy của NPH khi cố mồi chài game thủ “hiến máu”. 12 nhân vật trong game được gắn bảng “DLC only” (nhân vật chỉ có thể mở khóa nếu trả thêm tiền, nói thế cho vuông). Thường thì mọi NPH đều sẽ cắt phần nội dung DLC ra để người chơi nào trả tiền rồi thì tải về mà chơi, nếu không cũng chả việc gì mà làm tốn thời gian cài đặt game của người khác khi họ không hoặc chưa có ý định mua. Capcom thì cứ để nguyên hết chỗ bộ cài dư thừa kia trong đĩa luôn, mua hay không vẫn cứ cài vô đi, khi nào trả tiền rồi anh cho chơi.
Tất nhiên cú phốt chơi dại trên chẳng mang lại lợi lộc gì lắm cho Capcom khi nó bị phát hiện bởi game thủ và kéo theo đó là hacker đã tìm ra cách để “mở khóa” kho nhân vật bị cất giấu đó mà không cần trả xu nào. Mặc dù nỗ lực mở khóa đã bị chặn lại sau đó nhưng gói DLC trị giá 20 USD này của Capcom đã bị làng game “xài chùa” không ít.
Esports - một trong những miền đất hứa cho bất kỳ thanh niên mê game nào có ý định kiếm sống bằng con đường “go pro” và vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên thể thao điện tử. Và Hàn Quốc được biết đến như một trong những cái nôi phát triển ngành này cực kỳ mạnh mẽ. Danh tiếng và cả tai tiếng của nền esports Hàn Quốc gắn liền với StarCaft: quốc gia có những game thủ nhanh tay nhanh não hàng đầu, quốc gia có tất cả “thành tích” bất hảo trong bộ môn StarCraft và scandal gian lận dàn xếp tỷ sổ (match fixing).
Chơi game, đấu giải, bắt tay với bọn cá cược bán độ xong... ở tù
Tổng cộng có 12 cá nhân bị rơi vào vòng lao lý vì liên quan đến gian lận dàn xếp kết quả trong một giải đấu chuyên nghiệp. Tám người đã bị bắt, một game thủ hàng đầu “đầu hàng” 70.000.000 won (khoảng 62.000 USD) vì bán độ.
Bốn công ty môi giới bị buộc tội tạo điều kiện cho việc bán độ, hai người bị kết tội đưa hối lộ và một cá nhân khác cũng bị buộc tội cá cược dựa trên kết quả dàn xếp. Một game thủ chuyên nghiệp khác bị phạt 3.000.000 won (khoảng 26.000 USD) cũng vì bán độ.
Những gương mặt một thời là huyền thoại đỉnh cao cũng phải nhận án phạt cay đắng: Xóa toàn bộ thành tích thi đấu trong sự nghiệp, có người còn phải đi tù. Đây rõ ràng là trang sử rất đáng quên của vương quốc eSports này.
Đây không hẳn là một cú phốt nếu nhìn theo hướng tích cực, ESRB đã giúp ngành công nghiệp game thoát khỏi sự quản lý trực tiếp từ chính phủ Hoa Kỳ thời đó, một điều không mấy tốt đẹp cho kinh doanh game. ESRB (Entertainment Software Rating Board) - Hệ thống xếp loại Phần mềm giải trí được tạo ra theo đòi hỏi từ chính phủ Hoa Kỳ vào cái thời mà người ta vẫn còn quá nhạy cảm với vài giọt “sốt cà chua” (tất nhiên không phải là cà chua theo nghĩa đen rồi) trong game.
Thể hiện máu me quá tự do, Mortal Kombat bị chỉ trích nặng
Nintendo, Sega và dòng game Mortal Kombat thời đó bị chỉ trích nặng nề từ những bậc phụ huynh với cáo buộc là nguyên nhân cho bạo lực trường học và các vụ xả súng. Tình hình căng thẳng đến mức quốc hội Mỹ ra tối hậu thư nếu làng game không tự đưa ra cách phân loại nội dung để đệ trình thì chính phủ sẽ có biện pháp kiểm soát bắt buộc.
Chính nhờ cú phốt này, làng game lại có cơ hội phát triển bền vững hơn
Thế là các công ty game buộc phải liên kết lại để tạo ra ESRB với mục tiêu giới hạn các nội dung không phù hợp với từng độ tuổi nhất định và quy hoạch ra từng phân khúc nội dung cho từng lứa tuổi cụ thể. ESRB quy định game nào phù hợp với trẻ em, game nào chỉ dành cho người lớn. Phim ảnh hay sách báo cũng có một hệ thống tương tự.
Review game, cái nghề đối với rất nhiều cây bút hoạt động tự do lẫn đầu quân cho các tòa soạn lớn nhỏ là “cần câu cơm” cực kỳ đa năng và hấp dẫn. Tuy nhiên nó cũng là một cái nghề mạo hiểm khi phải đảm bảo viết thật, viết “có tâm” nhưng cũng tránh “bỉ mặt” nhà phát hành game. Trường hợp của Jeff Gertsmann, một người “gõ phím thuê” của Gamespot năm 2007 bị một cú phốt và Gamespot không ngần ngại “sút” thẳng cẳng anh khỏi công ty vì bài đánh giá không mấy “lọt tai” nhà phát hành là một ví dụ điển hình.
Giám đốc biên tập xui xẻo Jeff Gertsmann của Gamespot
5 năm sau, khi mà mọi chuyện đã lắng xuống, Gerstmann xác nhận với Jon Davison từ GameSpot trong một cuộc phỏng vấn rằng sau một loạt cãi cọ với quản lí vì bài đánh giá của mình về game Kane & Lynch, anh bị gọi vào phòng sếp và sa thải vì lý do "chúng tôi không thể tin tưởng để anh làm biên tập được nữa". Vào thời điểm đó nhà sản xuất Eidos Interactive của game trên đã đổ rất nhiều tiền chạy quảng cáo trên GameSpot.
Để làm rõ mọi chuyện sau khi việc anh rời khỏi GameSpot bị đồn thổi thành chuyện anh bị “ăn hiếp” bởi cả tòa soạn và bên phát hành game, Gerstmann đã phải giải thích rằng lỗi không hoàn toàn từ hai bên kể trên. Thứ nhất, quản lý biên tập của GameSpot bị sa thải bởi các sếp lớn hơn trong công ty không lâu sau đó. Thứ hai, Eidos Interactive - đơn vị phát triển game Kane & Lynch chẳng dính líu gì tới việc gây áp lực lên Gamespot buộc họ phải đuổi Gerstmann. Thứ ba, anh có nhắc đến Sony và chuyện bài viết đánh giá có điểm số khá thấp về Ratchet & Clank Future: Tools of Destruction của anh trước đó có thể chúng chính là nguyên nhân gây ra toàn bộ chỗ rắc rối mà anh vướng phải. Vụ này thì xảy ra trước vụ Kane & Lynch.
Kane & Lynch liệu có phải là lý do Jeff bị sa thải???
Sau cùng là việc thay đổi hệ thống đánh giá game của GameSpot đã làm giảm điểm số của game đã gây ra không ít lục đục nội bộ giữa biên tập viên và các sếp lớn. Theo ý Gerstmann, đây không phải là lỗi của phía Eidos Interactive mà có thể là do sự thay đổi trong chính sách công ty và từ những ông lớn khác trong và ngoài GameSpot.
Tóm lại, cú phốt lần này là một sự suy diễn của làng game về việc một người có trách nhiệm đăng review phải ra đi ngay sau khi bài đánh giá cho điểm thấp của trang được đăng. Cuối cùng thì người trong cuộc đã giải thích lý do là tiêu chí đánh giá mới khiến những lãnh đạo cao cấp cảm thấy không hài lòng (vì sợ đối phương sẽ rút tiền quảng cáo) và khi không tìm được cách giải quyết họ đành cho người chịu trách nhiệm chính là giám đốc biên tập nghỉ việc.