Phụ Lục
Là phần tiếp theo của dòng game sát thủ nổi tiếng, Assassin’s Creed Valhalla được dự kiến sẽ ra mắt vào Quý 4 năm 2020, nó được lấy bối cảnh vào thế kỉ thứ 9 và cho người chơi vào vai một chiến binh Viking có tên là Eivor. Khác với công thức tạo nên thế giới của những game Assassin’s Creed gần đây như Origins hay Odyssey, thì các lập trình viên của Ubisoft muốn đem lại các nội dung cũ đậm chất sát thủ hơn như thanh hidden blade huyền thoại.
Sau sự thành công trong việc tạo dựng một thế giới mở rộng lớn ở Origins, các lập trình viên sẽ tiếp tục nâng cấp và mở rộng nó ở phần Assassin’s Creed Valhalla này. Các nhân vật, NPC và mục tiêu của người chơi sẽ hoạt động, sinh hoạt và di chuyển theo quy luật ngày/đêm giống như một người bình thường. Điều đó có nghĩa là khả năng nhiều nhân vật mà người chơi muốn gặp hoặc ám sát sẽ không xuất hiện ở một chỗ cố định, một vị tướng sẽ không chỉ cố định trong doanh trại mà sẽ đi tuần bên ngoài hoặc trở về nhà ngủ vào buổi tối. Cơ chế này đang được hoàn thiện trong Assassin’s Creed Valhalla, để khiến cho game trở lại với lối chơi ám sát quen thuộc.
Một thay đổi quan trọng nữa là giờ đây người chơi có thể phát triển lãnh địa của mình, sau khi đặt chân tới Anh thì các NPC đi theo ban đầu sẽ bắt đầu xây dựng một khu dân cư mới theo cốt truyện. Assassin’s Creed Valhalla muốn tất cả NPC đó sẽ đều có tác động tới người chơi, bọn họ sẽ có tên, tuổi và những mối quan hệ riêng biệt để tạo nên một cuộc sống “thật”. Và dĩ nhiên là ở vị trí lãnh đạo của cộng đồng đó, game thủ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề giả dụ như tăng dân số và phát triển lương thực.
Ở bản Odyssey thì nhiệm vụ đưa người chơi đi qua các thành phố hay vùng đất của Hy Lạp cổ đại, với việc có phe phái chia làm 2 quốc gia riêng biệt. Assassin’s Creed Valhalla tiếp tục cơ chế này nhưng thay vì trên phạm vi quốc gia thì nó sẽ thu hẹp lại từng thành phố, một điểm quan trọng nữa là người chơi sẽ nhận nhiệm vụ ở lãnh địa do mình quản lý trước khi lên đường. Các nhiệm vụ này sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình hình bên ngoài, số lượng nhân vật mà game thủ đã gặp trước đó hoặc các sự kiện ngẫu nhiên đúng chất thế giới mở.
Không phải nhiệm vụ nào cũng yêu cầu giết chóc, đôi khi nó sẽ là các cuộc đàm phán trong hòa bình. Lý do là vì Assassin’s Creed Valhalla có lãnh địa của người chơi, do đó tập hợp và tạo dựng liên minh sẽ là thứ giữ cho nó trường tồn. Tất nhiên Assassin’s Creed Valhalla vẫn là một game về đề tài Viking, cho nên sẽ có những kẻ thù chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực và chiến tranh vẫn là thứ chủ đạo trong game.
Giống như Odyssey, Assassin’s Creed Valhalla cũng cho phép người chơi chọn lựa giữa phiên bản nam hoặc nữ của nhân vật chính Eivor, các câu thoại trong game cũng sẽ thay đổi tùy thuộc giới tính nhưng nhìn chung là chúng không quan trọng cho lắm. Lối chơi chủ đạo và độ khó không bị ảnh hưởng bởi giới tính nhân vật, chỉ có điều là phiên bản nữ của Eivor vẫn chưa có một video trailer giới thiệu chính thức, mà chỉ thấy qua vài tấm ảnh đơn lẻ.
Lý giải cho vấn đề này thì Ubisoft nói rằng họ vẫn còn nhiều thứ để giới thiệu về Eivor nữ, vì dù sao vẫn còn rất lâu nữa cho tới khi Assassin’s Creed Valhalla ra mắt. Tại sao phiên bản nam lại được ưu tiên trước thì đó là do sở thích game thủ, vì theo như thống kê thì số lượng game thủ lựa chọn Alexios trong Odyssey gấp đôi Kassandra. Ubisoft cũng bỏ qua những lời chỉ trích về việc bóp méo lịch sử hay vấn đề chiến binh Viking nữ xuất hiện vào thời đó, dù sao thì đây cũng chẳng phải thứ quan trọng với một game như Assassin’s Creed.
Việc Assassin’s Creed có shop để mua đồ bằng tiền thật đã là thứ chẳng còn xa lạ gì nữa, Odyssey và Origins đều có những món đồ giúp tăng XP nhận được, hay hàng đống các trang phục và phụ kiện quý hiếm để game thủ sưu tầm. Có khá nhiều chỉ trích về việc này nhất là khi người chơi có thể mua các gói XP pack để tăng tốc độ lên cấp, tuy vậy vào năm 2018 thì Ubisoft đã nói họ không thấy sự khác biệt về độ khó của game giữa những người bỏ tiền ra để mua đồ và không mua đồ trong shop.
Assassin’s Creed Valhalla có thể sẽ vẫn áp dụng cơ chế của Odyssey, đó là nó sẽ cho phép người chơi khám phá tự do nhưng giới hạn khu vực tùy thuộc cấp độ, ví dụ như bạn cấp 4 thì chắc chắn sẽ không thể vào mấy khu mà kẻ địch cấp 20 được. Tuy vậy chưa rõ là liệu Assassin’s Creed Valhalla có tiếp tục cho shop tiền thật vào hay không, nhưng Ubisoft nói rằng bọn họ muốn game thủ có thể trải nghiệm game một cách thoải mái, tức là trong phạm vi cốt truyện chính bạn sẽ không phải đi cày cấp hoặc kiếm đồ để có thể qua màn đánh trùm.
Nếu chỉ xét riêng về độ lớn của bản đồ thì Assassin’s Creed Valhalla sẽ không thể bằng được các game trước, nhưng nội dung của nó khả năng cao sẽ là đồ sộ nhất. Người chơi sẽ có tổng cộng 4 vương quốc để khám phá - hiện tại là Anh và Na-uy, cũng như nhiều nội dung hơn nữa trong tương lai.
Một điều nữa mà Assassin’s Creed Valhalla đang muốn tránh đó là sự đơn điệu, vì thực tế bản đồ trong 2 game Assassin’s Creed gần đây là Origins và Odyssey rất lớn nhưng khá lặp đi lặp lại. Người chơi chỉ xoay quanh việc đến một doanh trại nhất định, giết lính, loot đồ và lặp đi lặp lại như vậy suốt cả game. Chỉ có 6% game thủ hoàn thành trophy mở 100% bản đồ trong Assassin’s Creed Odyssey, do đó Ubisoft muốn Assassin’s Creed Valhalla phải đem lại sự khác biệt nhất là khung cảnh và môi trường.
Do đặc trưng của game là một cuộc xâm lược của dân Viking lên đất Anh, do đó đội ngũ phát triển Assassin’s Creed Valhalla muốn đặc tả lại văn hóa của thời kì đó hết sức có thể. Hơn nữa khi người chơi bắt đầu xây dựng lãnh địa, đồng nghĩa sẽ là việc hòa nhập văn hóa theo thời gian. Mỗi vùng đất và thành phố sẽ có những con người, kiến trúc và tôn giáo khác nhau để đảm bảo trải nghiệm cho người chơi hoàn hảo nhất có thể. Assassin’s Creed Valhalla không muốn lặp lại sai lầm của việc mở bản đồ rồi cày cuốc chay như 2 phần trước, nhưng cụ thể như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ.
Vào năm ngoái khi các tin đồn về Assassin’s Creed Valhalla bị rò rỉ ra ngoài, nhiều người đã lờ mờ đoán được tựa game tiếp theo này sẽ lấy bối cảnh Viking, xây dựng thành phố và tùy chọn nhân vật. Một số trong đó đã chính xác nhưng hiện tại Ubisoft vẫn chưa nói gì về phần PvP, kiểu như người chơi có thể tấn công và chiếm lấy lãnh địa của nhau.
Một thứ sẽ khiến các fan hành động hài lòng, đó là Assassin’s Creed Valhalla sẽ cho phép người chơi chiến đấu cùng những vị thần trong thần thoại Bắc Âu như 2 phiên bản trước từng làm, chúng ta vẫn chưa biết cụ thể danh sách nhưng chừng đó là quá đủ để trông đợi rồi. Cuối cùng Assassin’s Creed Valhalla sẽ phát hành đúng theo lịch, sẽ không có việc chậm trễ do dịch bệnh như nhiều game khác.