Phụ Lục
Konami Code, hay còn gọi là Contra Code có lẽ chính là dòng mã nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp game. Kể từ khi được tạo ra bởi ông Kazuhisa Hashimoto vào năm 1986 để phục vụ cho việc test tựa game Gradius, Konami Code đã xuất hiện trong hàng chục tựa game khác nhau – không chỉ đơn thuần là game do Konami phát triển. Nó thậm chí còn được sử dụng bên ngoài ngành game như những easter egg thú vị.
Ngày 25/2/2020 vừa qua, làng game đã nhận một tin buồn: ông Kazuhisa đã qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 61 tuổi. Ban đầu thông tin này được đăng tải bởi Yuji Takenouchi, một nhà soạn nhạc từng làm việc với Konami và quen biết với ông Kazuhisa, sau đó đến lượt tài khoản Twitter của Konami xác nhận thông tin này. Trong dịp này, Mọt tui xin được giới thiệu với các bạn về lược sử của Konami Code.
“Lên, lên, xuống, xuống, trái, phải, trái, phải, B, A.”
Dòng mã trên – thường được gọi là Konami Code – là sản phẩm của một đợt chơi thử tựa game Gradius phiên bản NES vào năm 1986, khi những nhân viên Konami đang thực hiện những công đoạn thử nghiệm cho tựa game Gradius trước ngày phát hành. Nó được tạo ra bởi Kazuhisa Hashimoto bởi ông cảm thấy việc chơi qua game là hơi khó và việc gian lận đôi chút sẽ giúp quá trình thử nghiệm game được thuận lợi hơn. Đoạn mã này đem lại cho ông tất cả các power up có trong game thay vì phải mở khóa dần dần trong thời gian chơi game.
Đoạn mã trên đã giúp Kazuhisa hoàn thành phần việc của mình và đẩy nhanh quá trình test trò chơi, nhưng thật không may (hay thật may) là ông đã quên gỡ nó khỏi trò chơi trước khi phát hành. Sau khi nhận ra sai lầm này, Konami quyết định giữ nó lại trong game vì e ngại rằng nếu xóa nó đi, sẽ có những vấn đề khác xuất hiện. Bên cạnh đó, do đoạn mã trên vừa dễ nhớ lại vừa khó bị kích hoạt một cách tình cờ, những game thủ không biết về nó sẽ không thể kích hoạt nó và thay đổi trải nghiệm game.
Kể từ khi được tạo ra cho đến nay, Konami Code đã trở thành một trong những mật mã nổi tiếng nhất của ngành game – nếu không muốn nói là nổi tiếng nhất. Đoạn mã này xuất hiện trong tất cả các tựa game Gradius sau đó với nhiều biến thể khác nhau tùy hệ máy, và cũng được dùng trong nhiều series khác của Konami như Yu-Gi-Oh!, Contra, Castlevania…
Bởi sự bí ẩn của mình, Konami Code gần như không bị phát hiện trong Gradius, và những người phát hiện ra nó cũng rất khó chia sẻ hiểu biết của mình cho các game thủ khác bởi đó là năm 1986, khi internet còn là một thứ rất xa xôi.
Đến năm 1987, Contra ra đời. Konami tái sử dụng lại đoạn mã này trong phiên bản console của game vì việc hoàn tất trò chơi chỉ với ba mạng là rất khó khăn – một minh chứng cho điều này là việc trò chơi từng được tạp chí IGN trao tặng hạng nhất trong danh sách “Những tựa game khó nhất.” Dù vậy, Contra vẫn rất hấp dẫn và nhận được sự yêu thích của đại đa số game thủ nên thường xuyên xuất hiện trên các danh sách game bán chạy nhất vào thời kỳ đó. Sau đó, sự tồn tại của Konami Code được nhắc đến trong số đầu tiên của tờ tạp chí game Nintendo Power như một “bí quyết” giúp game thủ có thể chinh phục Contra một cách dễ dàng. Nhờ sự phổ biến của trò chơi, dòng mã “lên lên xuống xuống” bắt đầu lan truyền trong cộng đồng game thủ thế giới.
Kể từ lúc Konami Code được biết đến bởi đông đảo game thủ thế giới, nó gần như đã trở thành một thương hiệu của Konami. Mọt tui vẫn còn nhớ việc thử nhập đoạn mã này vào bất kỳ tựa game nào mình chơi thử trên NES, và nhập không chỉ một lần để… cho chắc ăn. Không ít lần Mọt tui thành công và khám phá ra những phần thưởng mà nó đem lại bởi Konami Code được sử dụng trong hàng chục tựa game khác nhau của Konami, và đem lại quyền được thể hiện cùng lũ nhóc trong xóm.
Thật vậy, gần như tất cả mọi tựa game do Konami phát hành sau 1986 đều có sự hiện diện của đoạn mã này. Ngoài khởi nguồn Gradius và Contra, bạn có thể kích hoạt đoạn mã này trong các series Castlevania, Ninja Rùa, Dance Dance Revolution, Metal Gear, Beatmania, Flame of Recca, Goemon, Superstar Soccer, Silent Hill, Street Fighter, Yu-Gi-Oh!, và nhiều, nhiều nữa. Những phần thưởng mà Konami ẩn giấu đằng sau đoạn mã này cũng rất đa dạng, từ việc cho một nhân vật phụ mặc đồ lót đến độ khó mới, từ mở khóa nhân vật mới đến chế độ đầu to, vân vân và vân vân.
Mà thật ra đoạn mã này không chỉ bị bó buộc trong những tựa game do Konami phát triển và phát hành. Ngay cả những game thủ không chơi game của Konami cũng biết về nó và thuộc lòng “lên lên xuống xuống.” Vì vậy, nhiều nhà phát triển khác quyết định đưa đoạn mã này vào game làm easter egg như một cách “đá lông nheo” với Konami hoặc để tôn vinh người đã tạo ra nó.
Trong trí nhớ của Mọt tui, bạn có thể tìm thấy đoạn mã này trong Half-Life 2 và nhận được một bình máu mỗi lần sử dụng. Nếu nhập “lên lên xuống xuống” trong BioShock Infinite, game thủ sẽ được chơi chế độ “siêu khó” 1999 Mode ngay lập tức thay vì phải hoàn tất game một lần. Trong Assassin’s Creed 3, Konami Code sẽ biến một con gà tây mà bạn vừa triệu hồi bằng cách huýt sáo thành sát thủ. Trong Rocket League, game thủ sẽ nhận được một easter egg nhỏ khi đoạn mã này thay thế bài nhạc nền của trò chơi bằng nhạc nền của một tựa game trước của họ.
Danh sách những tựa game không phải của Konami nhưng vẫn sử dụng Konami Code thực ra dài, rất dài. Trong số đó có những tựa game có thể rất quen thuộc với game thủ Việt, chẳng hạn Borderlands 2, Crash Bandicoot 3, UFC 2, Just Dance 3, LMHT, Ratchet & Clank, Quake 4, Prince of Persia: The Two Thrones, StarCraft 2: Legacy of the Void, Rainbow Six 3, Tony Hawk’s Pro Skater 2, RuneScape, Resident Evil 2, Mortal Kombat 3, Freestyle BMX 2,… Dù không phải game nào cũng dùng Konami Code như một mã ăn gian mà đôi khi chỉ là hình thức, chẳng hạn skin Veigar Trùm Cuối trong LMHT nhập mã này khi bạn bấm B về làng.
Bạn còn có thể tìm thấy Konami Code bên ngoài game nữa. Gần đây nhất, đoạn mã này xuất hiện công khai trên mặt lưng chiếc tay cầm cho dịch vụ chơi game qua stream Stadia của Google. Hồi năm 2017, Ngân hàng quốc gia Canada cũng sử dụng đoạn mã này trong sự kiện chào mừng tờ 10 CAD mới: khi bạn lên trang web của họ và nhập đoạn mã “lên, lên, xuống, xuống, trái, phải, trái, phải, B, A” bằng bàn phím, màn hình của bạn sẽ ngập trong tiền. Mọt tui đã thử kiểm chứng và phát hiện đoạn mã này vẫn còn hoạt động, nên nếu bạn đang trong tâm trạng thèm tiền, đừng ngại ngần click vào link trên.
Phim ảnh cũng không ngại ngần sử dụng Konami Code. Một tập phim Archer đưa đoạn mã này lên khung hình dưới dạng mã Hex: 55:55:44:44:4C:52:4C:52:42:4 1. Nếu bỏ dấu hai chấm và dùng một công cụ giải mã Hex to Text nào đó, bạn sẽ nhận được dòng chữ UUDDLRLRBA. Đây chính là viết tắt của Up Up Down Down Left Right Left Right B A, cách đọc Konami Code bằng tiếng Anh. Bộ phim Gravity Falls cũng có sự xuất hiện của Konami Code, nhưng có lẽ chỉ là do một họa sĩ tinh quái nào đó cho vào để lấp đầy chỗ trống.
Còn khá nhiều ví dụ khác mà Mọt có thể đưa ra để nói về sự phổ biến của Konami Code, nhưng bài viết đã khá dài. Vì vậy nên để kết thúc bài viết này, Mọt tui quyết định “bật mí” cho bạn biết một độc chiêu mà nay không còn hoạt động. Hồi năm 2014, Mọt tui đã lên Google, kích hoạt tính năng tìm kiếm bằng giọng nói và đọc “up up down down left right left right” vào micro, và được Google cho tận hưởng tính năng tìm kiếm miễn phí trọn đời!
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]