Phụ Lục
Khi nghe tới cụm từ “làm lại” hẳn bạn cũng mường tượng ra trào lưu remaster/remake trong làng video game thời gian gần đây. Tuy nhiên nó không đơn giản như thế, thực sự khái niệm này cũng được đầu tư ra ngô ra khoai từ các hãng làm game.
Hãy dành ra ít phút để mạn đàm về vấn đền thú vị này cùng Mọt nhé!
Đầu tiên, việc làm lại một game nào đó có vẻ là một “ân huệ” hiếm hoi của nhà làm game dành cho những game thủ lão làng có hàng chục năm tâm huyết đi theo hãng. Làm lại một game không hẳn lúc nào cũng dễ, có nhiều khó khăn từ trên trời rơi xuống khiến nhà làm game rất ngại đụng vào.
Có thể bạn nghĩ rằng Remaster một tựa game không khó, mã nguồn có sẵn cứ lấy ra mà fix rồi đắp đồ họa chất lượng cao lên là xong. Sau đó mang ra bán lại thu được một mớ - “ez money”. Nhưng bạn nên biết rằng các game có tuổi đời hàng chục năm không phải lúc nào cũng còn mã nguồn gốc vì mấy ông hãng game hay… làm mất. Ví dụ kinh điển nhất là việc đĩa mã nguồn StarCraft được một game thủ tìm thấy trong một thùng đồ cũ tả pí lù rao bán trên… eBay. Blizzard sau đó đã tranh thủ tặng rất nhiều quà giá trị cho game thủ này để đổi lại thiện chí gửi trả lại đĩa CD quan trọng này cho hãng thay vì công bố mã nguồn ra ngoài.
Chuyện thất lạc mã nguồn gần như là cơm bữa trong các hãng game có lịch sử lâu đời. Trong hàng chục năm qua nhiều thay đổi về kho bãi, trụ sở, nhân sự… đến một ngày cần tìm mã nguồn game thì họ mới… ngả ngửa ra là chả biết ai giữ chúng. Trong thời buổi hiện đại việc quản lý này khá chặt chẽ và dễ, nhưng chục năm trước việc này khá lỏng lẻo nhất là với các hãng làm việc theo đam mê đồ đạc vất lung tung, chả ai nghĩ cái con game đó sẽ có ngày cần tra lại mã nguồn.
Vậy nếu chẳng may mất mã nguồn thì làm sao Remaster game? Câu trả lời là… làm lại bằng tay hết từ đầu. Từ đây, mọi thứ coi như là remake một game theo kiểu cũ. Tức là studio được giao làm công tác này phải… nhìn bản game cũ vận hành rồi viết lại mã nguồn mô phỏng các cơ chế game từ con số 0. Việc này cực kỳ tốn kém và lao khổ hơn việc còn mã nguồn sẵn rất nhiều.
Nhưng tái tạo game không phải là không thể, ngay cả một game thủ đơn độc cũng có thể tái tạo mã nguồn của Diablo với 1200 giờ làm việc.
Và như đã nói ở trên, Remake một game cực tốn kém gần như là làm ra một game mới hoàn toàn. Vì thế một số hãng như Capcom đã có quyết định táo bạo là “lỡ tốn rồi chơi tới bến luôn” và ra mắt một sản phẩm như Resident Evil 2 Remake 2019. Sản phẩm mới này hoàn toàn được làm lại trên nền tảng mới, cách chơi mới, chỉ có bối cảnh là mô phỏng lại game cũ và cũng có kèm thêm một số chỉnh sửa cho phù hợp.
Trước Capcom, Square Enix cũng công bố động thái tương tự với Final Fantasy VII Remake nhưng không may đây lại tiếp tục là một con game “chửa trâu” giống người anh em Final Fantasy Versus XIII Final Fantasy XV.
Nhìn chung Remake một game tốn kém hơn nhưng sẽ dễ thu lợi hơn khi nó tiếp cận được nhiều đối tượng game thủ hiện đại hơn. Game thủ cũ sẽ chơi thử để biết sự khác biệt và các chỉnh sửa so với bản truyền thống trong khi game thủ mới hoàn toàn có trải nghiệm phù hợp và không bị giới hạn bởi gameplay lỗi thời của bản gốc. Có thể sẽ có một số chửi với của các fanboy bảo thủ nhưng nhìn chung đây là lựa chọn tốt hơn thay vì làm bản Remaster để rồi chỉ bán được cho mấy khứa trung niên muốn tìm hoài niệm.
Bạn đã từng nghe NES Classic Edition, SNES Classic Edition của Nintendo? Một phiên bản nằm gọn trong lòng bàn tay của máy 4 nút và máy dĩa vuông cổ xưa giờ tương thích với cổng HDMI được cài sẵn một list game được chọn lựa sẵn? Nó cũng chả khác nào một phiên bản Remaster về phần cứng console cả.
Và mới hôm qua đây SEGA đã chính thức công bố chiếc máy Sega Genesis Mini kèm theo 40 game kinh điển trên hệ máy này dự kiến sẽ ra mắt vào 19/9 tới. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, trào lưu remake đã lan sang phần cứng và console. Chắn hẳn bạn sẽ không khỏi mong ngóng PlayStation hay PlayStation 2 thần thánh sẽ được Sony cho sống lại.
Thực sự thì việc làm lại các chiếc máy này đã cho thấy một hướng kinh doanh quá khứ khá đắt hàng của các hãng game. Hai chiếc máy NES Classic Edition, SNES Classic Edition của Nintendo đắt hàng tời mức hãng đã phải bỏ dự định sản xuất có giới hạn cho sưu tầm để mở tiếp đợt sản xuất thứ 2 nhằm đáp ứng nhu cầu quá nóng của thị trường. Ai mà ngờ mấy ông trung niên lại hăng hái sưu tầm món đồ của tuổi thơ đến vậy chứ hả.
Khi công bố các hệ máy này, nhiều người lo ngại vì chiếc máy bị đóng kín, khe băng chỉ để làm kiểng chứ không thể đọc các băng cũ thay vào đó là ổ cứng gắn trong được copy sẵn các game trong list của nhà sản xuất. Tuy nhiên “trên có quyết sách thì dưới có đối sách”, các hacker đã nhanh chóng phát hiện ra những chiếc máy này được làm khá lỏng lẻo về bảo mật. Họ hoàn toàn có thể hack vào ổ cứng và chép thêm bao nhiêu game tùy thích. Có thể đó cũng là lý do các chiếc máy làm lại này đắt hàng đến vậy.
Sau một thời gian thử qua các bản remake/remaster của những tựa game đình đám, Mọt tui đã có một nhận định rằng các game này chủ yếu mua về để sưu tầm là chính. Các game remaster chỉ nâng cấp đồ họa là chính còn gameplay vẫn y chang game cũ, bạn có thể sẽ hăm hở chơi vài giờ đầu nhưng sau đó là cảm giác chán nản. Căn bản nếu bạn thích nó tới nỗi dốc túi mua bản làm lại về chơi nghĩa là bạn đã đi nát cái bản game gốc rồi, giờ mua về chơi lại thì cũng như 1 lần đi lại cái game kia mà thôi.
Còn nếu remaster, bạn sẽ có hứng thú hơn khi vào game chủ yếu để… so sánh xem nó khác bản gốc ra sao. Căn bản bạn sẽ rất khó chịu khi thấy các game mình từng mê mệt dạo trước biến thành một sản phẩm video game hoàn toàn xa lạ về cách chơi. Nó không phải là hình ảnh quá khứ đầy nhung nhớ mà là một con game mới với cách chơi đổi khác.
Các chiếc máy console làm lại cũng vậy, những game đó có thể bạn đã chơi rồi và chơi lại chỉ có tác dụng vài giờ đầu, sau đó là trường kỳ cất tủ. Còn game bạn thích không có trong danh sách lại càng rắc rối hơn, bạn phải đi hack máy để có game mình muốn nhưng rồi sau đó vẫn sẽ chán nhanh. Cái thú vị hiếm hoi có lẽ là việc nó có hỗ trợ cổng HDMI giúp bạn chơi được game NES trên cái màn hình 4K của mình. Nhưng nếu bạn tìm được chiếc máy cắm băng chợ trời hộp ghi toàn tiếng Tàu nhưng có mod cổng HDMI thì chắc cũng chả nhọc xác bỏ hơn 2 triệu mua con hàng chính hãng làm gì.
Nói như vậy không có nghĩa là Mọt tui khuyên bạn đừng mua đừng quan tâm đến các tựa video game hay các máy console làm lại. Thực sự giá trị của nó chính là ở sưu tầm. Thay vì ngồi tơ tưởng mông lung về tuổi thơ, sở hữu một bản game còn chơi được hay một cái máy console chính hãng thu nhỏ trưng bày trong tủ kính cảm giác vẫn “phê” hơn.
Trong quá khứ chúng ta thèm khát game nhưng không có tiền để chơi, ngày nay đi làm có tiền rủng rỉnh thì không có thời gian chơi. Thôi thì bỏ nhiều tiền một chút mua một kỷ vật về ngắm, thỉnh thoảng cắm vào xài cũng vui, đúng không?