Thời nay mà tìm được một chiếc máy NES chính hãng do Nintendo sản xuất ở Việt Nam (không phải Famicom nhé) là cả một tin chấn động. Nhưng nếu bạn tìm được một hệ máy thậm chí còn chưa ra đời như câu chuyện chiếc Nintendo Playstation thì quả là thần thánh cmnr.
Chân dung chiếc máy console đặc biệt
Câu chuyện của Nintendo Playstation bắt đầu năm 1988 khi Nintendo và Sony ký với nhau thỏa thuận hợp tác sản xuất một hệ máy console đặc biệt, hệ máy này tên gì chắc bạn cũng biết rồi. Chiếc máy này kế thừa công nghệ từ máy SNES của Nintedo nhưng được tích hợp ổ đĩa CD theo công nghệ của Sony. Chính vì vậy chiếc máy này vừa có thể chơi băng điện tử như một máy băng đồng thời cũng có thể chơi game qua đĩa CD.
Máy vừa có khe nhét băng SNES vừa có ổ đĩa CD, tay bấm có in logo 2 hãng hợp tác
Tuy vậy, số mạng của nó không được bền khi Sony vừa công bố nó tại triển lãm CES 1991 thì ngay hôm sau Nintendo chính thức họp báo tuyên bố họ “xù kèo” với Sony và chuyển sang hợp tác với Philips phát triển hệ console mới với tên mã CD-i. Thông tin được cho là từ bên trong cho biết xung đột nổ ra do thỏa thuận ăn chia lợi nhuận của hệ máy mới không ổn thỏa, Sony muốn tất cả doanh thu bản quyền từ đĩa game CD và họ sẽ chia % lại cho Nintendo. Tất nhiên Nintendo không đời nào chịu lép vế như thế.
Chip của 2 hãng Nintendo, Sony cùng được gắn lên mạch chủ của máy
Sau khi tan vỡ, dự án mới của Nintendo với Philips cũng sml và chìm vào quên lãng. Trong khi đó Sony vận dụng những kinh nghiệm thiết kế Nintendo Playstation tự nghiên cứu một máy console thế hệ mới cho riêng mình và kết quả là Playstation ra đời. Hai ông lớn từ hợp tác quay sang cạnh tranh và Sony phần nào trả được thù xưa khi hệ máy tân tiến của họ đạt doanh số cao gấp 3 lần hệ máy Nintendo 64 của đối phương.
Khói bụi lắng xuống và Nintendo Playstation chìm vào quên lãng, console này chỉ có 200 mẫu sản xuất thử để demo và giao cho các quan chức của 2 bên cũng như các đối tượng có liên quan. Mặc dù có thể tương thích và chơi được băng của máy SNES nhưng không có một CD game hoàn chỉnh nào được sản xuất cho hệ máy này vì vậy nó nhanh chóng bị lãng quên trở thành một món đồ trong góc kho.
Hai bố con nhà Diebolds đã lưu giữ chiếc máy hiếm hoi nhiều năm
Câu chuyện của Nintendo Playstation sống lại với Terry Diebolds, nhân viên của một hãng công nghệ là Advanta Corporation, sếp của hãng này là Olaf Olafsson vốn là cựu CEO của Sony trước đây. Khi công ty này phá sản năm 2009, ông Terry đã tham gia đấu giá mua lại những món hàng tồn trong kho theo dạng thùng đóng sẵn, ông đã mua một lô thùng đồ lặt vặt với giá 75 USD. Sau khi về nhà soạn lại ông đã phát hiện chiếc máy bị lãng quên này giữa đống đồ linh tinh và đĩa nhạc.
Ban đầu ông cũng không biết đây là máy gì, không hề có thông tin hay hình ảnh nào về nó. Thế là chiếc máy được cho lên gác mái cùng với những chiếc máy chơi game cũ của gia đình. Chiếc máy chỉ được phát hiện nhiều năm sau đó khi con trai ông là Dan tham gia diễn đàn Reddit và tình cờ xem thông tin về câu chuyện xưa của 2 hãng này được nhắc lại. Cậu chợt nhớ ra trên gác mái nhà mình có một chiếc máy khá giống chiếc được nhắc đến.
Dan chính thức phát hiện danh tính chiếc máy năm 2015 và quay clip chứng minh nó thực sự tồn tại
Thông tin về việc tìm thấy chiếc máy lan truyền và hai bố con ông Diebolds được mời đi nhiều nơi phỏng vấn cũng như trưng bày chiếc máy hiếm có này. Một nhóm nghiên cứu hack game còn nỗ lực tạo ra một đĩa game có thể chơi được trên hệ máy này.
Cuối cùng thì sự tồn tại của Nintendo Playstation cũng được xác nhận bằng một vật chứng cực kỳ giá trị, một chiếc máy thật. Mặc dù cả Nintendo và Sony đều e ngại khi nhắc đến quá khứ đen tối khi cả 2 tích cực xiên xỏ nhau ở thập niên 90, đây cũng là một giai đoạn đáng nhớ của lịch sử các hệ máy console. Một giai đoạn lịch sử đã mất của "console war" nay được tìm lại.