Boardgame thời nay đang dần trở thành một trào lưu rộng rãi, một phần không thế thiếu trong đời sống của giới trẻ hiện đại. Một bộ phận không nhỏ game thủ chúng ta cũng dần dần tập trung cùng hội bạn để chơi những ván boardgame sôi nổi và hòa nhập với xã hội loài người hơn. Trong số đó, Ma sói và Uno luôn là hai boardgame đậm tính casual nhất mà đến cả người chưa biết gì cũng có thể làm quen và chơi dễ dàng.
Uno là cái tên rất đình đám rồi.
Khác với Ma sói khi đòi hỏi nhiều tính toán và tâm lý người chơi hơn, Uno lại đơn giản và dễ dàng tiếp cận với hầu hết mọi người. Dễ chơi, dễ trúng thưởng, dễ nghiện và cũng dễ... phá hoại tình bạn nhất trong các loại boardgame. Nên cũng không lạ gì khi Uno lại được đưa lên thành game online trên Facebbok, mạng xã hội đông người nhất hiện nay.
Ảnh chính thức trên Facebook nè.
Trước tiên, hãy để Mọt Game giới thiệu cho ai chưa biết về nguồn gốc và luật chơi của Uno đã. Uno là một boardgame lâu đời, được phát triển từ năm 1971 tại Ohio, Mỹ. Một bộ bài tiêu chuẩn sẽ có 108 lá, được đánh số từ 0 tới 9 với 4 màu khác nhau. Khi chơi, mỗi người sẽ được phát bảy lá và ai là người đánh hết bài trên tay trước tiên sẽ là người chiến thắng.
Luật đánh bài cũng khá đơn giản, có thể gói gọn trong mấy chữ: cùng số hoặc cùng màu. Chỉ cần thỏa 1 trong hai thứ đó với lá bài mới nhất được đánh ra, bạn sẽ được quyền đánh xuống. Nghe thì đơn giản ghê, nhưng đời làm gì có chuyện dễ thế. Sự hấp dẫn và phá hoại tình bạn của cái game này đến từ mấy lá đặc biệt. Điểm chung của chúng nó là ngăn cản bạn không thể chiến thắng cái trò chơi này, mà còn đem lại cả đống ức chế cho người lãnh đủ nữa.
Skip Cards: khi bạn đánh quân bài này xuống thì người chơi kế tiếp sẽ bị mất lượt.
Reverse Cards : đổi hướng đánh. Nếu bạn đang đánh theo chiều kim đồng hồ, bạn sẽ đánh theo chiều ngược lại (ngược chiều kim đồng hồ)
Draw 2 Cards (Lá +2): khi bạn đánh quân bài này xuống, người kế tiếp bắt buộc bốc 2 lá bài lẫn không thể chơi lượt đó. Lượt được đẩy qua cho người kế tiếp.
Wild Cards (Lá tự do): bạn được đánh lên bất kỳ lá bài nào và chọn một trong 4 màu bất kỳ, người kế tiếp phải đánh theo màu bạn gọi ra đó.
Wild Draw 4 Cards ( Lá + 4): bạn được đánh lên bất kỳ lá bài nào và chọn một trong 4 màu bất kỳ, người kế tiếp phải đánh theo màu bạn gọi ra đó, đồng thời người đó phải rút 4 lá bài. Theo luật, đây là lá "tối hậu" bạn chỉ được phép đánh lá này khi bạn không thể đánh được bất cứ lá bài nào nữa. Còn nếu đánh mà bị đối phương bắt được? Chúc mừng, bạn "được" rút thêm 6 lá dành cho mình. Đây cũng được xem là lá bài gây đánh nhau của game, thử tưởng tượng ngồi cạnh bạn gái hay bạn thân mà đẩy vào mồm nó lá này thì tình cảm rạn nứt là chuyện có thể đoán được.
Nếu bạn không thể đánh được bất cứ lá nào, bạn bắt buộc phải rút một lá từ xấp bài trên bàn. Nếu lá rút được thỏa đủ điều kiện cùng màu hay cùng số, bạn sẽ được quyền đánh xuống. Còn nếu không thì mất lượt và tới người kế tiếp. Bạn cũng có thể "bắt thóp" người chơi khác khi họ chỉ còn một lá trên tay mà không la lên "Uno" nhanh hơn bạn. Điều đó sẽ làm họ rút thêm hai lá, vậy là việc chiến thắng lại dài ra thêm chút rồi đó.
Hình ảnh các lá bài ngoài đời thật.
Nếu chỉ có bấy nhiêu đây, thì đâu có tạo nên sự hấp dẫn của trò này. Cái hệ thống luật combo khốn nạn nó mới là nguyên nhân "tan vỡ" của biết bao nhiêu mối quan hệ, từ bạn bè tới gia đình, kể cả...crush. Ngắn gọn là các là bài +2 và +4 có thể tránh bằng cách đánh đè lên một lá y chang như vậy nếu bạn có trong tay, lúc đó người đánh kế tiếp phải rút bài bằng tổng số lá +2 hay +4 cộng dồn lại. Trong một ngày mà đủ may mắn cả 4 người đều có sẵn là bài đè thì "kẻ thủ ác" phải rút một lượt 16 lá bài là việc rất là bình thường. Nên không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều meme xung quanh việc chơi Uno đâu.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa thôi...
Quay lại với Uno trên Facebook, game gần như "bưng nguyên xi" bộ bài Uno nổi tiếng lên nền tảng Facebook, kể cả luật la "Uno" khi trên tay còn một lá. Với 2 chế độ chơi chính là Quickmatch và 2vs2, Uno Facebook đủ đáp ứng bất cứ nhu cầu giải trí thường thức nào mà bạn cần. Với chế độ 2vs2 thì có khác một chút khi bạn sẽ cùng một người bạn nữa đấu với một cặp đôi khác và giành chiến thắng. Mỗi ván đấu Uno trong đó đều mất khoảng vài gold để chơi, nhưng yên tâm chỉ cần bạn thắng hay bét lắm về nhì thì bạn sẽ kiếm được một mớ thôi. Nhưng thua nhiều quá thì cũng chả còn tiền mà chơi tiếp. Về cơ bản, khó có thể phàn nàn gì về phiên bản Uno mạng xã hội này, trừ chế độ luật combo có sự thay đổi rất lớn.
Cụ thể hơn, thì bạn không thể đánh chồng các là bài +2 và +4 được nữa, mà chỉ còn có thể đoán xem đối phương có "chơi" mình bằng lá +4 để bắt nó ăn thêm 6 lá vì tội thách thức thằng này không. Và dù Mọt tui có làm cách gì đi nữa thì cũng không thể đánh lá +4 xuống dù đang cầm trên tay và trò chơi cũng thể hiện là đánh được. Có lẽ đây là hành động nhằm giảm bớt sự "ức chế" của người chơi khi đương đầu với người lạ mà để vươn đến chiến thắng nhiều hơn. Nhưng bố không cần, bố cần quái gì thắng. Cái bố muốn xem là chúng nó nổi điên khi phải rút 12 lá kia kìa. Đó, đó mới gọi là đỉnh cao của Uno, hiểu không? Chứ ba trò cày tiền rồi invite bạn bè, rồi leo hạng coi ai hơn ai nhìn xem bố có quan tâm không. Mà nói thì nói vậy thôi, Facebook cho gì chơi đó, không đòi hỏi nhiều.
Game dễ chơi, dễ học, dễ trúng thưởng, giờ lại còn dễ dàng tiếp cận trên Facebook. Không có lý do gì để mà không thử qua trò này khi bạn nhàm chán cả. Một khởi đầu cực kỳ tốt nếu bạn muốn trải nghiệm một boardgame đúng điệu, lại dễ dàng giải trí sau mấy giờ chơi game căng thẳng. Đâu phải game này trên Facebook cũng là "rác", và chắc chắn Uno thì càng không rồi.
Bạn có thể chơi game tại đây.