Tựa game Ghost Recon: Breakpoint đã được Ubisoft tung ra hơn một tuần. Kẻ kế nhiệm của Ghost Recon: Wildlands này có khá nhiều thay đổi trong cả bối cảnh lẫn gameplay, dù trên cơ bản nó là phần tiếp theo của Wildlands, được kết nối bằng một DLC miễn phí ra mắt vào hồi tháng 5/2019. Trong khi đại đa số các thay đổi về gameplay của Breakpoint thuộc tầm làng nhàng hoặc không được game thủ hoan nghênh, việc “hô biến” game thủ từ một xứ sở có thật trong Wildlands (đất nước Bolivia) sang một địa danh 100% hư cấu trong Breakpoint (quần đảo Auroa) được đón nhận “nửa nọ nửa kia.” Tại sao Ubisoft lại quyết định thực hiện thay đổi này? Hãy để Mọt giải đáp thắc mắc đó cho bạn.
“Cảm giác về một địa danh (thực sự tồn tại) là rất quan trọng,” giám đốc nghệ thuật của Ubisoft Paris, ông Benoit Martinez nói khi giới thiệu Auroa đến báo giới trong một cuộc họp báo hồi tháng 7/2019 tại Paris. “Đó là chìa khóa của trò chơi,” ông nhấn mạnh trong khi màn hình lớn sau lưng mình khoe những khung cảnh rừng cây xanh mướt, được điểm xuyết bằng những đóa hoa đỏ thắm nằm bên dưới những đám mây trong khi một cơn mưa đang đổ xuống các triền đồi ở xa xa. Đó là hình ảnh về Auroa mà Ubisoft muốn giới thiệu với game thủ.
Với Auroa, Ghost Recon: Breakpoint trở nên hoàn toàn khác biệt so với tất cả những người tiền nhiệm của nó. Kể từ phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 2001, dòng game Ghost Recon luôn luôn lấy bối cảnh một địa danh có thật, từ Mexico, Đông Phi, Bolivia… Bằng cách xây dựng màn chơi dựa trên những kiến trúc và phong cảnh có thật ngoài đời, Ghost Recon luôn thuyết phục được game thủ rằng họ đang tham chiến ở một nơi nào đó trên thế giới, và đó là niềm tự hào của thương hiệu Ghost Recon trước Breakpoint.
Tuy nhiên, có lẽ việc Ubisoft lựa chọn tạo ra một địa danh ảo cho Ghost Recon sau 18 năm gắn bó với những vùng đất có thật là cần thiết. Hồi năm 2017, Ubisoft đã chịu nhiều chỉ trích từ bên ngoài khi chọn Bolivia làm bối cảnh cho Wildlands, bởi trò chơi mô tả một quốc gia nằm dưới sự thống trị của một băng đảng buôn ma túy Mexico. Chính phủ Bolivia dọa sẽ khởi kiện Ubisoft vì bối cảnh của trò chơi này, trong khi Ubisoft lặp đi lặp lại rằng trò chơi của mình chỉ là hư cấu, và “tạo ra một bối cảnh hoàn toàn khác với những gì đang tồn tại trong hiện thực.” Dù chính phủ Bolivia không thực sự kiện Ubisoft, điều này hẳn đã khiến Ubisoft “rét” và buộc phải lựa chọn Auroa.
Ngoài việc giúp đội ngũ phát triển game của Ubisoft tránh được những rắc rối tương tự khi lựa chọn một bối cảnh có trong đời thực, một địa danh hoàn toàn hư cấu như Auroa cũng có lợi thế khác là cho phép người ta tự do phát huy trí tưởng tượng của mình. Nhờ không cần phải tuân theo bất kỳ một tấm bản đồ có sẵn nào, mà được tự do nhào nặn theo trí tưởng tượng của mình, Auroa là một địa danh kỳ lạ với đủ mọi loại môi trường mà Ubisoft nghĩ đến. Có thể nó không thực tế, nhưng Mọt phải nói rằng hòn đảo này quả thật chứa đầy những khung cảnh đẹp mắt và vô cùng đa dạng, xứng đáng để bạn ghé thăm.
Dĩ nhiên dù Auroa là sản phẩm hoàn toàn hư cấu, Ubisoft vẫn phải làm cho game thủ chấp nhận rằng nó đủ “thật” để không phá hỏng trải nghiệm của họ trong trò chơi. Để làm được điều này, Ubisoft hướng sự chú ý của mình đến những chi tiết nhỏ. Ông Martinez nói rằng họ xây dựng Auroa từ con số không, và tạo ra tất cả những công trình cần thiết cho cư dân sinh sống và làm việc trên hòn đảo, từ nhà ở đến quán rượu. Họ thậm chí còn nghĩ đến việc dân cư của hòn đảo sẽ đi làm như thế nào, vì thế nên mỗi con đường trong game đều kết nối nhiều địa điểm với nhau. Dù việc “đi làm” không thực sự được thể hiện trong game bởi đảo đang nằm trong tình trạng thiết quân luật và chẳng có ai ngoài trời, bạn vẫn có thể dùng các con đường như một cách định hướng tìm đến những vị trí đáng quan tâm.
Trong thời điểm mà game thủ đổ bộ lên Auroa, cuộc sống bình thường của cư dân hòn đảo này đã hoàn toàn bị xáo trộn do sự tồn tại của tập đoàn Skell Technology và lực lượng Sentinel cùng các chiến binh Wolves của “trùm cuối” Cole D.Walker, nhưng không vì thế mà Ubisoft bỏ qua việc tạo ra một lịch sử cho Auroa. Ngoài những con drone lang thang khắp nơi chiếm lĩnh mặt đất lẫn bầu trời, các tòa nhà hiện đại đầy góc cạnh và thủy tinh, bạn vẫn còn có thể nhìn thấy những công trình thể hiện lịch sử của hòn đảo. Ubisoft Paris đã tạo ra hàng loạt phế tích cổ xưa và các công trình quân sự bỏ hoang khắp nơi, những chứng nhân thầm lặng cho những gì đã xảy ra trên Auroa trong quá khứ.
Địa danh cũng là một yếu tố khác được Ubisoft chú trọng trong việc tạo ra Auroa. “Khi bạn đặt tên cho một thứ gì đó, bạn sẽ bắt đầu quan tâm tới nó,” ông Martinez nói. “Chúng tôi muốn bạn quan tâm đến Auroa, nên đã đặt tên cho tất cả những gì có thể.” Thật vậy, nếu muốn kiểm chứng điều này, bạn chỉ việc mở bản đồ của trò chơi lên để nhìn thấy vô vàn cái tên bao quát từ những thành phố lớn đến các hồ nước nho nhỏ trong game.
Với một vùng đất đẹp mắt như Auroa, việc Breakpoint chưa có tính năng du lịch tương tự như Exploration Mode của Assassin’s Creed: Odyssey quả là một điều đáng tiếc. Hi vọng rằng trong những bản cập nhật sắp tới, Ubisoft sẽ bổ sung chế độ chơi hòa bình này vào Breakpoint để Mọt có thể nhìn ngắm Auroa mà không cần phải bận tâm đến lũ drone phiền nhiễu hay những toán tuần tra dày đặc của kẻ địch trong game.