Phụ Lục
Trong hàng chục năm qua, ngành công nghiệp game đã quá quen với việc biến các tựa game thành công nhất thời thành những thương hiệu lâu dài, không ngừng tung ra các phiên bản mới với nội dung nối tiếp (sequel) hoặc lùi về trước mốc thời gian của tựa game đầu (prequel) để lôi kéo các fan của những tựa game đó.
Nhưng với sự trỗi dậy của xu thế “game dịch vụ”, mọi thứ có vẻ đang dần thay đổi: các tựa game dịch vụ ngày nay không bao giờ hoàn tất, mà không ngừng được mở rộng với những nội dung mới ra mắt mỗi vài tuần hoặc vài tháng, kéo dài từ nhiều năm tới cả… thập kỷ (chẳng hạn LMHT). Tuy nhiên, nhiều nhà phát triển vẫn muốn kết hợp mô hình kinh doanh sequel / prequel truyền thống với game dịch vụ hiện đại, nên trong năm 2019, chúng ta đã được thấy hai tựa game như vậy xuất hiện: Path of Exile 2 và Overwatch 2.
Với Mọt tui, hai tựa game này là những kẻ khởi đầu cho một xu thế mới của ngành công nghiệp game, khi biên giới giữa các bản mở rộng nội dung cho game cũ với sequel / prequel hoàn chỉnh bị xóa nhòa. Cả Overwatch 2 lẫn Path of Exile 2 đều không phải là những tựa game mới. Trong khi Path of Exile 2 bổ sung thêm những nội dung theo cốt truyện (campaign) mới, cải tiến đồ họa và cập nhật hệ thống kỹ năng, nó vẫn chạy trên nền tảng của tựa game mà game thủ đã cày cuốc suốt nhiều năm qua. Dù mang số 2, trò chơi không hề có trang Steam riêng của mình, mà là một phiên bản cập nhật mới của Path of Exile.
Tương tự như vậy, Overwatch 2 cũng không phải là một tựa game độc lập. Blizzard nói rằng họ phát triển Overwatch 2 để bổ sung thêm nội dung cốt truyện theo yêu cầu của game thủ, ai không thích hoàn toàn có thể bỏ qua Overwatch 2 mà chẳng mất gì. Phần chơi PvP của Overwatch và Overwatch 2 sẽ được cập nhật cùng một lúc và hoàn toàn không có sự khác biệt nào, cho phép game thủ của hai trò chơi có thể “chiến” cùng nhau. Đây là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý, bởi nội dung cốt truyện luôn là một thứ tốn nhiều thời gian và tiền của để phát triển, khiến việc cập nhật nó miễn phí vào Overwatch hiện tại không khả thi. Blizzard cũng nói rằng về lâu dài, hai tựa game này sẽ được nhập vào làm một – không rõ tên gọi của trò chơi mới sẽ là Overwatch 2 hay Overwatch, nhưng đó là chuyện của tương lai.
Nếu phải chọn ra những ví dụ về các tựa game dịch vụ làm “phần 2” một cách sai lầm, Mọt tui xin chỉ ra ngay Star Wars: Battlefront 2, Destiny 2, The Division 2. DICE, Bungie và Ubisoft đã tạo ra những tựa game này theo phương thức truyền thống: bắt game thủ phải vứt bỏ toàn bộ những gì mình đã làm được trong game cũ nếu muốn chuyển sang chơi tựa game mới (hoặc được phép giữ lại vài thứ vặt vãnh, nhưng chúng chẳng đáng gì so với công cày cuốc bị vứt đi). Điều này tạo ra sự bất mãn trong cộng đồng game thủ, bởi chẳng ai muốn công sức của mình chỉ tồn tại được có 1-2 năm. Đó là còn chưa kể đến những khoản tiền mà game thủ đã bỏ ra để mua game, DLC, vật phẩm cash shop… sẽ hoàn toàn biến mất khi server game bị nhà phát hành “rút phích” nhằm buộc game thủ chuyển sang chơi phiên bản mới hơn.
Một tác hại khác của việc làm sequel kiểu ba tựa game trên là việc nó xé nhỏ cộng đồng. Ngày nay, nhiều nhà phát triển đã cố gắng “chơi đẹp” với cộng đồng game thủ multiplayer khi không còn bán các bản cập nhật lấy tiền (chẳng hạn GTA Online, Modern Warfare, Battlefield 5) bởi họ biết rằng chúng sẽ phân tách cộng đồng người chơi thành rất nhiều nhóm nhỏ, khiến bạn bè khó có thể chơi cùng nhau và từ đó khiến họ có nguy cơ rời bỏ trò chơi. Số khác thậm chí còn đi xa hơn khi cố gắng thúc đẩy cross-play để gộp cả PC, console, mobile… vào làm một, tạo ra một cộng đồng game thủ lớn hơn, có lợi hơn cho tất cả mọi người.
Những sequel như Star Wars: Battlefront 2, Destiny 2 và The Division 2 còn tệ hơn những bản cập nhật thu phí ngày xưa: chúng không chỉ có giá 60 USD, mà còn buộc game thủ phải chia tay với những gì họ đã có được và những tính năng họ quen thuộc. Lấy ví dụ Destiny: game thủ rất yêu thích trò chơi sau khi bản cập nhật Rise of Iron được ra mắt bởi nó đã cải thiện rất nhiều vấn đề họ phàn nàn trong quá khứ, nhưng khi Destiny 2 ra mắt, Bungie lại loại bỏ rất nhiều tính năng mà game thủ hoan nghênh trong Destiny 1, buộc game thủ phải chờ đợi chúng được xây dựng lại từ đầu. Game thủ bực dọc vì đã tốn tiền lại mất thời gian, còn nhà phát triển mất tiền nên chẳng ai được lợi cả!
Trong khi đó, phương thức làm phần 2 của Path of Exile và Overwatch 2 thực sự rất đáng hoan nghênh. Nó cho game thủ được lựa chọn giữa mua phần mới để ủng hộ nhà phát triển hoặc tiếp tục chơi phần cũ, và không khiến họ cảm thấy “a kay” vì công sức cày cuốc nhiều năm trời bỗng mất sạch chỉ vì nhà phát triển muốn kiếm thêm tiền. Họ vẫn được nhìn ngắm nhân vật quen thuộc, vẫn được dùng những món đồ yêu thích, và vẫn có những người bạn đã cùng chinh chiến qua nhiều mùa giải, phụ bản hoặc dungeon. Phương thức này khiến game thủ hài lòng và đem lại tiếng thơm cho nhà phát triển, và bạn biết thừa rằng khi game thủ hài lòng, họ cũng sẵn sàng mở ví tưởng thưởng cho đội ngũ làm game.
Tóm lại, các nhà phát triển vẫn thích dùng con số 2 cho các phần kế tiếp của mình, nhưng phương thức họ dùng nó đang bắt đầu thay đổi. Dù mô hình cũ “xóa hết làm lại” vẫn còn giá trị, sự xuất hiện của mô hình mới sẽ dần thay đổi nhận thức của game thủ, và khiến các nhà phát triển phải suy xét thận trong hơn trong việc vứt tựa game cũ của mình vào sọt rác như họ vẫn làm. Vì vậy, Mọt tui đang chờ đợi xem việc phát hành Overwatch 2 và Path of Exile 2 sẽ ảnh hưởng như thế nào lên sequel / prequel của những tựa game dịch vụ khác trong tương lai.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]