Phụ Lục
Đã từ rất lâu, bốn chữ “thời buổi khó khăn” đã “dính” lại trong đầu Mọt tôi từ một bộ manga ngày xửa xửa xưa xưa từng đọc, và là câu cửa miệng mỗi khi tình huống phù hợp xuất hiện lúc tám chuyện cùng bạn bè. Bài viết này là dịp không thể tuyệt vời hơn để tác giả dùng cụm từ đó trong tựa bài, bởi vì trông có vẻ như đang là một thời buổi khó khăn: Amazon đi làm MMO, Valve lấn sân stream, còn Discord đổi nghề buôn game trên dịch vụ chat của mình.
Steam.tv chưa có gì ngoài giải đấu The International 8 vừa qua, nhưng việc stream game thực sự không xa lạ với người dùng Steam - nếu chịu khó cuộn xuống dưới mục Store của Steam, bạn sẽ thấy chỗ cho kênh stream của game thủ. Dù Mọt chưa bao giờ xem các streamer trên nền tảng Steam, sự xuất hiện của trang web Steam.tv vẫn cho thấy rằng Valve đang rất nghiêm túc tiến quân vào lĩnh vực mới này.
Valve có một vài lợi thế riêng nếu so sánh vời Twitch. Một, họ có hơn 100 triệu game thủ đang sử dụng nền tảng của mình, nơi người ta bỏ rất nhiều thời gian để lùng sục và mua game mới trên đó. Valve cũng từng phát biểu rằng hãng sẽ tung một bộ công cụ cho phép các studio tùy biến Steam.tv cho phù hợp với tựa game của họ. Hai, nền tảng Steam.tv thật ra cũng tỏ ra đang vượt trội so với Twitch – khi bỏ lỡ một tình huống nào đó trên kênh trực tiếp, bạn có thể tua lại ngay lập tức trên Steam.tv, trong khi trên Twitch người xem sẽ phải chờ VOD được xử lý xong sau khi buổi stream kết thúc. Và cuối cùng, Valve rất biết cách kiếm tiền (Steam Marketplace), nên Mọt chắc chắn họ sẽ biết cách làm cho streamer kiếm tiền khi hoạt động trên Steam.
Ngoài ra, một điều khác mà Mọt thích về Steam.tv là viễn cảnh mình có thể xem một trận Dota 2 yêu thích cùng một nhóm nhỏ những người bạn thân và cùng bình luận như các siêu sao 10k MMR thực thụ. Điều đó sẽ thú vị hơn nhiều so với khi bạn xem trên YouTube hay Twitch, nơi mà hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người xúm lại cùng nhau trong một bảng chat “thối không ngửi nổi,” nơi đủ thứ toxic, blame đậm đặc thiếu chút nữa đọng thành giọt trên màn hình.
Những cuộc phiêu lưu của Valve trong quá khứ như Steam Machine, Steam Link, Steam Controller, Steam OS đều đã thất bại. Liệu Steam.tv có thành công? Mọt không biết, nhưng nếu “chúa tể” Gabe cần tiền, ngài chỉ việc đếm số 3.
Cho đến lúc này, Amazon đã bắt tay vào thực hiện bốn tựa game khác nhau: một game esports 4vs4 Breakaway (đã bị hủy bỏ), game đua xe The Grand Tour dựa trên show truyền hình của Jeremy Clarkson, game hành động đối kháng Crucible và MMO thế giới mở New World.
Crucible
Dựa trên đoạn trailer ngắn ngủn bên trên, Crucible là một game bắn súng – Battle Royale góc nhìn người thứ nhất với 12 game thủ đối đầu nhau trên một hành tinh xa lạ, cộng thêm một người thứ 13 đóng vai trò streamer đồng thời tạo ra các sự kiện phá hoại cuộc chơi của 12 người kia.
Trò chơi có vẻ như được thiết kế đặc biệt để tạo ra những khoảnh khắc hào hứng cho streamer, với yếu tố “tin cậy và phản bội” được đưa vào ngay trong lối chơi khi game thủ có thể tạo và hủy liên minh bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên điều thực sự quyết định trò chơi có thành công hay không nằm ở chỗ việc bắn nhau có sướng tay hay không, và các nhân vật sẽ di chuyển trên hành tinh xa lạ đó như thế nào – giống những con vịt lên cạn hay các siêu sao parkour bạn thường thấy trong phim ảnh.
New World
New World lại là một MMO trông khá hấp dẫn. Được giới thiệu là một game thế giới mở (sandbox) bối cảnh thế kỷ 17, thời đại Phục Hưng nơi mà đao kiếm và súng ống cùng tồn tại. Trò chơi có thêm yếu tố fantasy nên game thủ sẽ tìm thấy những yếu tố siêu nhiên trong tựa game này. Nó phần nào giống với Ark: Survival Evolved, nhưng thay lũ khủng long kỳ dị bằng những sinh vật siêu nhiên. Game thủ sẽ vẫn bắt gặp những tính năng MMO quen thuộc như bang hội, lãnh thổ, xây dựng nhà cửa, làm nông, chế tạo trang bị…
Cả hai trò chơi trên nghe có vẻ khá hứa hẹn, và Amazon là công ty của tỉ phú giàu nhất thế giới, với kinh nghiệm cung cấp server (Amazon Web Services) cho hàng trăm công ty lớn chứ không phải một studio “đói ăn” trên Kickstarter, nên chúng ta có thể đặt nhiều hi vọng vào những tựa game này.
Một tab “Discord Store” dành cho việc bán game đang nằm trong giai đoạn beta tại Canada như Mọt đã nhắc đến trong một bài viết trước. Thay vì trực tiếp cạnh tranh với GOG và Steam, Discord chỉ muốn kiếm chút tiền trang trải cho việc vận hành dịch vụ chat miễn phí của mình – theo lời của giám đốc marketing Eros Resmini. Họ sẽ chọn lọc game và thậm chí tài trợ cho một số game indie để đổi lại việc được độc quyền bán chúng trong thời gian ngắn, khoảng 90 ngày trước khi chúng xuất hiện trên các nền tảng khác.
Hiện tại, game thủ Việt chúng ta chưa thể thấy tab Discord Store, nhưng chúng có một số tựa game khá hấp dẫn như Into the Breach, Hollow Knight, Dead Cells, Pillars of Eternity 2: Deadfire hay Frostpunk. Ngoài ra họ còn cung cấp thêm 11 tựa game miễn phí cho những người dùng đăng ký dịch vụ Nitro của mình. Điểm yếu rõ rệt nhất của Discord trong danh sách game trên là tất cả chúng đều là game chơi đơn. Không rõ tại sao họ lại không tận dụng ưu thế về nền tảng chat và friendlist mà hơn 150 triệu người dùng đã tạo sẵn để bán những tựa game multiplayer thời thượng hiện tại, nhưng Mọt đoán có thể là vấn đề về cơ sở hạ tầng server.
Lợi thế của Discord khi bán game nằm ở chỗ lượng người dùng của họ đều là game thủ, và nó có lẽ là phần mềm chat phổ biến nhất trong giới game thủ hiện nay – hầu hết bạn bè của Mọt đều đang dùng Discord để chat hàng ngày. Dù Valve cũng đang tìm cách san lấp sự cách biệt giữa Steam Chat với Discord bằng cách tung ra một bản cập nhật mới hồi tháng trước, Mọt phải nói rằng nó chưa thể so sánh được với Discord, đặc biệt là về chất lượng cuộc gọi, tiện ích, tùy chọn. Discord không phải là loại công ty cò con, trong khi Steam Chat chưa từng được game thủ ưa thích dù là phiên bản cũ hay mới.
Vậy đấy các bạn ạ, ba công ty lớn bên trên đang chuyển sang làm nghề tay trái của mình. Khó mà nói được ai thành công, ai thất bại trong cuộc phiêu lưu mới của họ, nhưng có một điều chắc chắn là dù sao đi nữa, họ vẫn sẽ là phần mềm chat phổ biến nhất, kho game không biết đếm đến 3, và nhà bán lẻ lớn nhất trong nhiều năm tới đây. Hóa ra chẳng ai khó khăn cả - họ đều chỉ muốn kiếm thêm tiền. Nếu thánh Gabe mà thật sự khó khăn, ngài chỉ cần đếm đến 3. Nếu Discord rơi vào thời buổi khó khăn, họ có lẽ sẽ... bán thông tin của chúng ta như Facebook. Còn nếu Amazon mà gặp khó khăn,... làm gì có chuyện đó được?