Phụ Lục
Khi ngồi bên bàn trà đá, bọn game thủ thường hay uống cà phê và chém gió với nhau về game này hay, game kia cùi bắp, game nọ… nên có remake. Các câu chuyện xoay quanh những so sánh đó thường hay dẫn về việc đánh giá đồ họa đẹp và gameplay độc đáo. Tuy nhiên khi nghĩ đến việc cái nào trong 2 khái niệm làm nên cốt lõi của một video game là gameplay hay đồ họa đóng vai trò quan trọng hơn thì có lẽ rất khó để phán xét.
Tuy vậy, Mọt tui vẫn muốn mang vấn đề này ra để đánh nhau u đầu mẻ trán bàn bạc với bà con hôm nay. Cách chơi hay cách hiển thị khiến cho một game cuốn hút và nó liên quan gì đế tương lai video game? Mọt tui xin trả lời luôn ý kiến cá nhân, đó là gameplay. Còn vì sao ư? Xin mời hạ cố nhìn vào phần giải thích bên dưới.
Lần về khái niệm “video game” chúng ta có thể đi về nguyên thủy của nó: trò chơi. Khác với video game để chỉ các trò chơi trên các hệ thống điện toán kỹ thuật số (digital), trò chơi tồn tại với con người từ thủa hồng hoang. Nhu cầu giải trí trong thời gian rỗi giữa giờ lao động và ăn uống đã thúc đẩy con người sáng tạo ra những trò chơi giải trí.
Cờ vây là một trong những bộ cờ cổ xưa nhất
Cờ vây, một trong những môn cờ được xem là cổ xưa nhất hạng trên thế giới được người Trung Quốc sáng tạo từ thời… cổ đại. Với “đồ họa” cực kỳ sơ sài bằng những con cờ to bằng nút áo 2 màu trắng đen và 1 bàn cờ có “độ phân giải” tùy chỉnh từ 9x9 đến 17x17 ô. Gameplay thì trái ngược lại, cực kỳ hại não khi 2 đối thủ phải tìm cách vây hãm đối phương và chiếm được vùng đất rộng hơn đối thủ.
Sau đó, cờ vua cũng ra đời với đồ họa nâng cấp cao hơn với các quân cờ được chế tạo tinh xảo hơn, nhiều loại quân hơn và tất nhiên cũng 2 màu, độ phân giải lần này được chỉnh “chuẩn” 8x8 ô không thể thay đổi. Gameplay vẫn phức tạp nhưng với một kiểu khác, hai đối thủ sẽ phải sử dụng các kỹ năng (bước đi đặc thù) của từng loại quân để chiến thắng đối phương và dồn thủ lĩnh đối phương vào chỗ chết.
Có thể bàn chơi vẽ không đẹp nhưng vẫn chơi vui
Tất nhiên, ngoài cờ ra còn rất nhiều trò chơi mà hình thức có thể không tốt nhưng cách chơi lại độc đáo khiến người ta mê mẩn nó. Đơn cử nhưng lò cò có thể vẽ ô chơi trò méo xấu xí cũng được, ô quan có thể vẽ không đều vẽ xấu xí nhưng với cách chơi vui nhộn bọn trẻ vẫn cứ chơi mà không câu nệ.
Thế rồi thời đại computer kéo đến, người ta xây cái máy vi tính to như cái đình rồi từ từ thu nhỏ nó lại để tiết kiệm… bất động sản và trò chơi cũng từ đó mà theo lên. Ban đầu là những trò nghịch như chơi đỡ banh bằng màn hình thô sơ rồi sau đó người ta lại nghĩ ra nhiều trò chơi độc đáo hơn để chơi trên các thiết bị vi tính và điện tử. Từ đó trò chơi điện tử hay video game ra đời như một phần của thế giới trò chơi ngàn năm nay.
Chỉ với những khối đơn giản, Tetris trở thành huyền thoại nhờ gameplay không đụng hàng
Lại nói đến video game, vẫn có rất nhiều ví dụ về trò chơi điện tử mà đồ họa không đẹp nhưng với gameplay chất vẫn có rất đông người chơi. Minecraft là một ví dụ, hàng triệu game thủ đã “dính thính” của game có đồ họa bị chê là xấu xúc phạm người nhìn này. Hàng loạt video game thể loại giải đố khác cũng vào chung nhóm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đơn cử như Tetris chỉ với những khối có hình thù khác nhau xếp chồng lên nhau nhưng vẫn thu hút hàng triệu người mê mẩn.
Cả cục trên nói dài nói dai rốt cục cũng chỉ muốn các bạn hiểu rằng video game là một phần trong khối trò chơi mà nhân loại kiến tạo ra trong hành trình phát triển của mình từ thời ăn lông ở lỗ đi ị ngoài đồng chùi bằng lá cây. Chính vì là một trò chơi nên nó kế thừa đặc tính của trò chơi, tức là lấy cách chơi làm nền tảng cho sự phổ biến của mình.
Cách chơi hay vẫn cuốn hút game thủ dù đồ họa không đẹp
Chính nhờ đặc tính đó, trò chơi luôn tự làm mới mình bằng sự sáng tạo của con người. Chỉ cần nghĩ ra cách để chơi “không đụng hàng”, chúng ta sẽ có một trò chơi mới khai sinh. Từ việc thiên hạ lười bước ra sân đánh Tennis mà nghĩ ra đánh nó ở trong nhà trên 1 cái bàn nhỏ mà thành bóng bàn cho đến thiên hạ muốn làm khó người chơi Doom bằng cách thêm tầm ngắm và “lái” bằng chuột thay vì bàn phím mà thành FPS hiện đại. Trò chơi luôn biến đổi, phối hợp để sinh sôi khi người ta nghĩ ra cách chơi mới.
Rõ ràng chúng ta thấy gameplay chính là xương sống để tạo ra một game và đồ họa chỉ đóng vai trò “thể hiện” trò chơi đó hấp dẫn hơn và bổ trợ cho cách chơi cuốn hút của nó. Tuy nhiên nói rằng đồ họa chả có gì quan trọng cũng không đúng, nó có một vai trò nhất định trong một “khu vực” nhất định đối với làng game.
Trong một số trò chơi nhất định, đồ họa góp phần then chốt. Ví dụ như game FPS, việc tạo hình nhân vật và đồ họa khói lửa “xấu mù mắt” sẽ làm game giảm giá trị rất nhiều dù cho cách chơi có hay đến đâu. Nếu không tin bạn hãy thử chơi Half-Life bản gốc sẽ thấy mặc dù gameplay rất hay nhưng đồ họa thời cổ đại khiến bạn rất mau chán.
Những game bắn súng vẫn cần đồ họa đẹp, Half-Life bản gốc hiện nay nhìn rất chán vì đồ họa cũ
Nắm được điểm yếu đó, rất nhiều nhà sản xuất đã lao theo trào lưu remake, remastered game cũ của mình. Họ tận dụng gameplay tạo nên huyền thoại của sản phẩm rồi lắp vào đó một đồ họa cực đẹp và hiện đại. Kết quả là thế hệ game thủ sau này có cơ hội hưởng thụ những sản phẩm huyền thoại với đồ họa đã mắt hơn và có thể cảm nhận đầy đủ tinh hoa của một game đỉnh mà không bị đồ họa kiểu cũ làm mất hứng.
Tuy nhiên đồ họa đang là một trong những điểm neo khiến video game đang chững lại không phát triển được nữa. Đồ họa cao cấp khiến máy tốn rất nhiều tài nguyên để xử lý và các file phụ trội cho engine đồ họa đã khiến bộ cài game ngày càng phình ra. Nếu trước đây game có thể chứa gọn trong 1 đĩa VCD 700MB hay một DVD 4,5GB thì giờ đây có bộ cài lên đến 80GB và kỷ lục này vẫn đang tiếp tục bị phá.
Quantum Break tốn 178GB dung lượng
Điều này khiến ngày càng ít đối tượng game thủ tiếp cận được với video game đỉnh và cuộc đua cấu hình trên PC cũng ngày càng khiến game thủ rỗng túi trong khi đó hệ console thì có nguy cơ bị lỗi thời cấu hình nhanh hơn khiến các hệ máy phải cập nhật liên tục hơn về phần cứng.
Có thể bạn đã nhận ra, những năm trở lại đây video game có dấu hiệu chững lại và có ngày càng ít ý tưởng mới. Các game hầu như xoay quanh việc “vắt sữa” các tựa game cũ bằng cách ra phần mới với một ít cập nhật hoặc remake phần cũ lên. Những ý tưởng mới như Battle Royale là rất hiếm và cũng chính vì thế mà nó bùng nổ mạnh mẽ đến như vậy. Một lần nữa gameplay lại cho thấy sự quan trọng của mình.
PUBG xuất hiện đúng lúc cộng đồng khát gameplay đột phá thế là nổi như diều gặp gió
Nói đến đây chắc hẳn một số bạn đã liên tưởng đến Nintendo. Đúng vậy, ông lớn này dường như đã nhận ra tầm quan trọng của “cách chơi” trong video game nên đã sớm có những phát triển ưu tiên gameplay hơn đồ họa. Cấu hình của các máy console Nintendo hầu như yếu hơn các đối thủ cùng thế hệ nhưng bù lại cách chơi luôn độc đáo hơn.
Chiếc Nintendo Wii với cách chơi cảm ứng cực kỳ “dị” và không đụng hàng đã khiến Nintendo thành công và gẩn như tách ra thành một thế giới riêng chứ không đi chung trong cuộc chiến console nữa. Sau thất bại với thế hệ Wii U họ đã nhanh chóng nâng lên Nintendo Switch và tiếp tục gặt hái thành công. Nintendo Labo một lần nữa cho thấy việc sáng tạo gameplay độc đáo đã mở đường cho Nintendo bước đến tương lai của video game. Trong khi đó các đối thủ của hãng vẫn đang loay hoay với những chiêu bài cũ và kẹt lại với những ý tưởng có thiên hướng giáo điều: sáng tạo tính năng mới trên nền tảng gameplay cũ.
Nintendo Switch và Nintendo Wii
Tất nhiên, Nintendo không phải là độc quyền của ý tưởng sáng tạo video game theo định hướng cách chơi. Sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến dòng game indie. Các nhà phát triển độc lập này thường không đủ khả năng chi trả cho những công cụ làm đồ họa khủng nên họ chú trọng vào sáng tạo gameplay, một thứ không ngốn quá nhiều kinh phí và cho ra nhiều sản phẩm có giá trị gameplay cao mặc dù đồ họa có khi dùng cả 2D kiểu 8bit cổ lổ sỉ. Nhưng nó vẫn hay!
Cuối cùng thì, gameplay xem ra vẫn là cái sẽ cứu vớt làng game nếu rơi vào cuộc khủng hoảng sáng tạo hoặc bế tắc về cấu hình. Đã là một trò chơi thì cách chơi như thế nào vẫn là quan trọng nhất.