Phụ Lục
Xếp gạch – cái game mà mỗi lần nhắc đến như một chiếc vé về tuổi thơ với những lần ngồi bấm tít tít hàng giờ liền, không ngờ Mọt tui lại có dịp gặp lại nó. Một siêu thị mới mở ở gần nhà, thế là tôi cũng tò mò đi dạo thử xem có gì mới mẻ so với những thương hiệu siêu thị khác. Một quầy đồ chơi như mọi siêu thị khác, tôi hờ hững bước qua với những con robot biến hình, những mô hình RC car cấp thấp, những bộ đồ chơi bằng nhựa và lẫn trong đó là một hình dáng quen thuộc.
Chiếc máy Brick Game với hình dạng thỏi có một đường cong ra ở giữa đặc trưng mà tôi không thể nào quên. Năm chục ngàn. Một chiếc vé về tuổi thơ giá năm chục ngàn, không kèm pin. Thật khó ngờ sau gần 20 năm cuộc đời quên lãng nó, tôi lại được gặp và nhớ về cái thời thiếu thốn xưa kia.
Trông có vẻ lởm hơn chiếc máy chắc chắn và sắc nét năm xưa
Nhà tôi ở tỉnh lẻ, những năm 90 vẫn còn là cái thời cơ khổ, máy NES vẫn còn hiện diện khá ít ở tỉnh nhưng Brick Game lại ở một “đẳng cấp” khác. Khác với các máy game NES dành cho bọn trẻ con và các hardcore gamer đếm trên đầu ngón tay, “máy xếp gạch” là một món giải trí bình dân dành cho dân lao động.
Các bà bán tạp hóa trong khi chờ bán hàng vẫn cầm bấm tít tít, các chủ quán café cũng tranh thủ lúc thưa khách ngồi bấm giải trí. Tôi có ông anh họ đứng máy xay bột sống ở gần nhà, cứ mỗi lần rảnh rỗi lại chạy sang chơi và… xem ké ông anh chơi. Nói anh họ là theo vai vế họ tộc chứ lúc đó ông anh tôi cũng ngoài 30 rồi. Hồi đó tôi ghiền lắm, nhưng mới có 10 tuổi chưa có tiền mua nên cứ coi cọp miết như dân PC ngày nay chơi God of War trên giả lập Youtube.
Tôi biết đến xếp gạch từ chiếc máy này trước khi biết rằng hệ NES cũng có Tetris
Ông anh họ của tôi thì thích “giải thế”, tức là chọn mở màn với những dòng hỏng cao ngút rồi “gỡ” từ từ cho đến hết. Mỗi ngày sang ông ấy lại khoe “hôm nay tao giải được tầng 9 rồi”, tức là set lên 9 dòng hỏng rồi gỡ hết mà không bị thua. Tôi không biết có nên gọi ông anh của mình là “game thủ” hay không, nhưng thực sự chiếc máy Brick Game đó đã làm cho cuộc sống của 2 anh em có những kỷ niệm đáng nhớ. Một ông U30 bấm hí hoáy một thằng 10 tuổi chăm chú ngồi xem.
Có thể cũng chính vì ảnh hưởng đó mà sau này khi mượn máy tôi cũng thích chơi “gỡ thế” kiểu đó và sau nữa tôi cũng có sở thích nhất định với các game giải đố thuộc loại “gỡ thế” như vậy. Kỷ niệm đó đã hình thành một trong những play style của tôi sau này. Thú vị đấy chứ!
Bấm bấm tít tít vẫn ghiền như xưa
Và tôi đã gặp lại nó, sau ngón 20 năm xuôi ngược cuộc đời với học hành và làm việc. Giờ đây có có thể thực sự tự tay mua được nó, với cái giá năm chục ngàn thậm chí tôi có thể mua chục cái. Cái máy mà những năm đó là ước mơ của thằng bé thì nay nó đã thực sự có thể tự mua để chơi.
Câu chuyện tuổi thơ với cái máy Brick Game lại gợi tôi nhớ đến một khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Game rốt cục là để phục vụ một cộng đồng hardcore gamer hay dành cho tất cả mọi người? Như chiếc máy xếp gạch kia, nó đã trở thành công cụ giải trí cho những người thậm chí không biết game là gì, họ vẫn gọi theo một cách mộc mạc là “trò chơi điện tử”. Họ chỉ biết một cái máy nhỏ với 2 cục pin AA là có thể giải trí giết thời gian và khi có khách họ bấm “pause” để làm việc.
Vẫn là khoảng cách giữa hardcore và casual
Nó hoàn toàn khác với một cỗ máy PC tối tân hay một chiếc máy console chuyên dụng với một đống thứ đắt tiền và đôi khi không thể “pause”, nó quá hardcore để dành cho tất cả mọi người.
Brick Game, một mặt nào đó đã trở thành minh chứng mạnh mẽ cho khái niệm gameplay có thể "gánh" được đồ họa. Một khái niệm đi ngược với “meta” game hiện đại là đồ họa phải chất và đẹp mắt. Với những game giải đố kiểu puzzle như Brick Game, những thứ đơn giản nhất cũng có thể trở thành trò chơi, dễ chơi, dễ hiểu dành cho tất cả mọi người và gắn với một nền tảng đơn giản nhất có thể.
Chỉ bằng cách kết hợp các chấm vuông, chúng ta có một trò chơi huyền thoại
Chỉ với sự kết hợp của các chấm vuông mà ra những hình thù viên gạch khác nhau và xếp chúng một cách ngăn nắp để lấy điểm. Ngoài những hình thù căn bản, về sau chúng được chế thêm nhiều hình “khó nhai” khác như chữ Z, chữ U, chữ T và dấu thập. Bài toán lại tiến hóa và khó hơn nữa, nhưng vẫn chỉ vận hành bằng một ma trận khối vuông (dịch ra tiếng Việt là một khung chứa các khối vuông). Tất nhiên Brick Game còn nhiều trò khác như rắn săn mồi, đua xe, lắc xí ngầu, bắn ruồi, đỡ bi… nhưng trung tâm của nó vẫn là xếp gạch.
Candy Crush Saga cũng là một game giải đố đại chúng trên di động
Và ngược với những game có cốt truyện sâu, cần luyện tập cách chơi và gần như… ở một thế giới khác so với mọi người, xếp gạch được đón nhận bởi tất cả mọi người. Mang tính đại chúng với cách chơi dễ làm quen, luật chơi đơn giản nhưng để vượt qua thử thách vẫn có một độ khó nhất định, xếp gạch đã làm được một điều mà mãi sau này chỉ có Candy Crush Saga mới có thể lặp lại mức ảnh hưởng đại chúng đó.
Thật khó nghĩ rằng trước thời đại Smartphone gần 20 năm đã từng có một thời người ta cũng cầm một thỏi thiết bị bấm tít tít như thế. Nhưng rồi nó dần đi vào quên lãng, nó mai một theo thời gian giữa bộn bề cuộc sống và một kẻ từng sai mê như tôi lại giật mình nhật ra người quen cũ, một giai đoạn tuổi thơ giữa quầy đồ chơi trong siêu thị.
Cả một trời tuổi thơ chợt trở về, và có thể lại nằm gọn trong đôi bàn tay tôi, chỉ với giá năm chục ngàn.