Phụ Lục
Ngày 7/12/2012 tại Sony Pictures Studios ở California, studio Telltale đứng trên tột đỉnh vinh quang khi nữ diễn viên Zoe Saldana công bố tựa game The Walking Dead của họ đã giành được danh hiệu Game of the Year của Spike Video Game Award.
Tột đỉnh vinh quang khi The Walking Dead giành giải Game of the Year.
Ngày 21/9/2018, Telltale đóng cửa và công bố phá sản trong một ngày buồn của ngành công nghiệp game, để lại hàng triệu game thủ hụt hẫng trước một The Walking Dead không có hồi kết. Rất nhiều người đặt câu hỏi rằng điều gì đã xảy ra để dẫn đến kết cục của một studio từng cực kỳ thành công, mở đường cho một xu hướng mới: những tựa game được phát hành theo chương (episode) mà khá nhiều nhà phát triển khác noi theo. Nếu bạn cũng có câu hỏi trên, Mọt tui xin dành bài viết này để cố gắng đem lại cho bạn một đáp án chính xác.
Được thành lập bởi một số cựu binh của LucasArts vào năm 2004, Telltale tung ra tựa game đầu tay là Telltale Texas Hold’em thuộc thể loại bài poker, sau đó là một số trò chơi theo chương chuyển thể từ series phim truyền hình CSI. Họ lần mò trong suốt 8 năm trời cho đến năm 2012, khi The Walking Dead được tung ra rồi thành công vượt bậc. Telltale nhanh chóng được biết đến như một studio đặt hai yếu tố cốt truyện, nhân vật lên trên tất cả, và thành công nhờ đó.
Sự thành công của TWD khiến studio nhanh chóng nhận được hàng loạt hợp đồng mới để phát triển những tựa game tương tự cho nhiều thương hiệu lớn như Fables, Batman, Game of Thrones, Borderlands… Để đáp ứng được nhu cầu đó, Telltale lao vào thuê người. Trong ngành công nghiệp game, chiến thuật thuê hàng loạt nhân viên để bắt kịp hạn ra mắt sản phẩm và sau đó “tống khứ” tất cả họ để cắt giảm chi phí, rồi lại thuê nhân viên mới khi một hợp đồng mới xuất hiện là điều rất đỗi bình thường. Telltale cũng làm vậy – từng có lúc họ còn đông hơn cả Valve với khoảng gần 400 nhân viên, có hàng loạt dự án game khác nhau được phát triển.
Dù thuê người kiểu này rất có hại cho các nhân viên khi công việc của họ không được bảo đảm và luôn phải làm thêm giờ - đôi khi đến 70, 80 giờ mỗi tuần – nó là điều mà gần như cả ngành công nghiệp game chấp nhận.
Với lực lượng nhân viên đông đảo của mình, Telltales tung ra một loạt game theo từng chương, điều đã đưa họ trở thành một cái tên mà game thủ thường xuyên được nghe trong 6 năm qua. Game thủ bị “dội bom” với hàng loạt game như Tales from the Borderlands, Batman: The Telltale Series, The Wolf Among Us, Game of Thrones, Minecraft: Story Mode, Guardian of the Galaxy: The Telltale Series… Ngay cả những người chẳng mấy quan tâm đến thể loại game mà Telltale phát triển cũng biết đến họ.
Theo một số nguồn tin, trong hàng loạt tựa game được nhắc đến bên trên, chỉ có The Walking Dead Season 1 – tựa game đưa họ lên đến đỉnh cao danh vọng – là làm ra tiền. Tất cả những gì phát triển sau đó đều là một thảm họa về tài chính, khiến Telltale không ngừng thua lỗ. Những thương hiệu lớn như Minecraft, Borderlands, Batman, Game of Thrones… không đủ sức hấp dẫn để buộc game thủ rút hầu bao mua game theo hình thức episode lạ lẫm, mà thay vào đó người ta chờ đến khi trò chơi đã hoàn thiện và được bán trọn gói với giá rẻ hơn. Telltale đã cố gắng thay đổi điều này trong thời gian gần đây bằng cách buộc game thủ phải mua trọn bộ season cuối của TWD gồm 4 chương, thay vì mua lẻ từng chương một vào ngày nó ra mắt.
Mọt không rõ thông tin này là đúng hay không, nhưng ngay cả nếu nó sai sự thật, vẫn còn một vài lý do khác khiến Telltale đóng cửa.
Một trong những lý do đó nằm ở chính engine mà Telltale sử dụng để phát triển các trò chơi của mình. Bạn nghe có quen không? Đó là vì Mass Effect Andromeda cũng là nạn nhân của engine được dùng để phát triển game. Theo các nhân viên của Telltale, engine mà họ sử dụng hết sức lỗi thời, khiến đội ngũ phát triển bỏ rất nhiều thời gian để phát triển các tính năng, dẫn đến việc lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. Đó là còn chưa kể đến thời gian họ phải bỏ ra để huấn luyện những nhân viên mới làm quen với engine của mình, thay vì chọn sử dụng một engine phổ biến hơn như Unity.
Dù Telltale đã rất cố gắng cải tiến engine này, minh chứng rõ nhất là sự khác biệt giữa Batman Season 2 với các tựa game trước đó, nhưng cuối cùng họ vẫn phải chuyển engine ngay sau Batman Season 2. Nếu Telltale chịu đổi engine ngay sau TWD, studio có thể tiết kiệm một lượng tiền khổng lồ, đủ để thuê một vài chuyên gia về Unity để phát triển những tựa game sau đó một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn hẳn. Sự bấu víu vào engine cũ chỉ khiến Telltale tốn tiền bạc, thời gian và Mọt tin rằng phần nào đã khiến studio Telltale đóng cửa như hiện tại.
Lý do thứ hai nằm ở chỗ những vấn đề nhân sự trong nội bộ Telltale. Trước thời điểm TWD ra đời, các nhân viên cũ của studio mô tả Telltale là một nhóm nhỏ những con người rất thân nhau, và rất ít khi có nhân viên mới. Các lãnh đạo cấp cao ít khi dính líu vào công việc hàng ngày của nhân viên, nên nhân viên được phép tự do làm việc theo cách mình cho là hiệu quả nhất. Điều này không còn tồn tại sau TWD – “chúng tôi biến từ một nhóm nhỏ thành một studio khổng lồ với hơn 300 nhân viên,” Andrew Langley, một cựu binh đã làm việc tại Telltale từ 2008 đến 2015 cho biết. “Bạn đảo quanh văn phòng, và chẳng còn nhận ra ai nữa hết.”
Nhiều nguồn tin khác nhau nói rằng văn hóa làm việc của Telltale không theo kịp sự thay đổi mới, từ một công ty indie sang một studio lớn với hàng trăm nhân viên. Họ thiếu sự gắn kết, thiếu trao đổi thông tin, nhân sự bị xáo trộn thường xuyên, không có một quy trình làm việc hiệu quả dẫn đến sự hỗn loạn trong công việc. Sự ra đi của Vanaman và Rodkin, hai người đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên thành công của The Walking Dead cũng phần nào báo hiệu những vấn đề sẽ xảy đến trong tương lai của Telltale – một tương lai mà những người giỏi nhất dần dần rời khỏi công ty và không bao giờ trở lại.
Quản lý thời gian là vấn đề thứ ba mà Telltale đối mặt. Những ngày phát hành cứ phải lùi, lùi nữa, lùi mãi bởi các trò chơi họ phát triển liên tục bị thay đổi sau mỗi lần thử nghiệm. Các giám đốc thường xuyên yêu cầu các nhóm phải viết lại, thiết kế lại, làm lại,… cho đến phút cuối cùng mà không chịu thay đổi thời hạn hợp lý. Mỗi tựa game được phát hành lại khiến lịch làm việc chặt chẽ hơn, và đến một lúc nào đó, ngay cả việc làm thêm giờ cũng không thể giúp các tựa game của Telltale ra đúng hạn, theo tiết lộ của một số nhân viên giấu tên.
Điều này khiến đội ngũ nhân viên của Telltale vô cùng mệt mỏi. Trong khi các nhà phát triển khác chỉ đi vào giai đoạn nước rút, làm thêm giờ trong một vài tháng cuối cùng của quá trình sản xuất, điều này xảy ra quanh năm với đội ngũ nhân viên Telltale. Một số nhân viên nói họ phải làm việc 14 đến 18 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần suốt nhiều tháng. Mô hình phát hành theo episode cũng đóng góp vào việc kéo căng thần kinh của các nhân viên, vì game của họ không bao giờ thực sự hoàn thành trọn vẹn. “Bạn không bao giờ được nghỉ ngơi,” nhiều nhân viên của Telltale xác nhận điều đó với trang The Verge trong những cuộc phỏng vấn.
Bây giờ, Telltale phá sản và tất cả vinh quang chỉ còn là quá khứ. Họ đã nộp đơn xin phá sản, sa thải gần như toàn bộ đội ngũ nhân viên (sau khi sa thải 90 người năm ngoái) và chỉ giữ 25 người để thực hiện Minecraft Story Mode cho Netflix theo đúng hợp đồng.
Câu chuyện về cô bé Clementine và các nhân vật trong The Walking Dead sẽ không bao giờ được hoàn tất dưới dạng game. Dù rất nhiều game thủ đã trả tiền mua trọn bộ Season cuối cùng của The Walking Dead, họ chưa biết số phận những đồng tiền của mình sẽ ra sao. Episode 2 của game đã được phát triển gần như hoàn tất nên có thể sẽ vẫn được ra mắt đúng hẹn vào ngày 25/9 tới đây, nhưng hai episode 3, 4 đã bị hủy bỏ. Telltale cũng không thể trả lại phần tiền còn thiếu cho game thủ của mình, bởi họ đã phá sản và không còn tài chính cho việc đó.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, hơn 200 nhân viên đã bị sa thải vào ngày Telltale thông báo chính thức đóng cửa cũng không nhận được một khoản đền bù nào, khác với 90 nhân viên bị sa thải vào năm ngoái. Tất cả những gì họ nhận được có lẽ là một bài học cay đắng. “Không một đêm mất ngủ, không một giờ làm thêm nào của tôi đem lại cho tôi một đồng nào ngày hôm nay,” Brandon Cebenka, một họa sĩ nhân vật ở Telltale nói. “Đừng làm thêm giờ trừ khi bạn được trả lương. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn. Các công ty chẳng quan tâm gì đến bạn đâu.”