Phụ Lục
Cộng đồng người chơi game trên khắp thế giới đang khá xôn xao về thông tin Fallout 76, trò chơi mới nhất của Bethesda sẽ bỏ qua nền tảng Steam. Thay vào đó, cả bản Beta lẫn bản chính thức trên PC của Fallout 76 sẽ chỉ có sẵn trên nền tảng Bethesda.net. Đây không phải quyết định nhất thời của Bethesda, hãng đã cố gắng phát triển nền tảng này trong nhiều năm qua và Fallout 76 sẽ là trò chơi đầu tiên được đưa lên.
Nếu bạn để ý thì trong năm 2018 này cũng có khá nhiều game AAA được tuyên bố không đưa lên Steam nữa. Call of Duty: Black Ops 4 sẽ được Activision chuyển về Battle.net, Fortnite sẽ chỉ có trên trang chủ riêng của Epic Games, State of Decay 2 thì được Microsoft kéo về Windows Store. Có thể thấy Steam bây giờ không còn là mảnh đất màu mỡ cho các ông lớn nữa.
Hãy cùng Mọt tôi tìm hiểu nguyên do cho vấn đề này nhé!
Yếu tố đầu tiên chắc chắn phải kể tới doanh thu của các sản phẩm game bom tấn. Với việc các hãng bán game thông qua một nền tảng thứ 3 như Steam, GOG,… tổng doanh thu hãng game đó nhận được sẽ phải chia cho bên thứ 3 một phần theo thỏa thuận. Rõ ràng với nền tảng bán game kỹ thuật số càng nổi tiếng thì số phần trăm yêu cầu càng cao, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận mà hãng game đó thu được.
Với việc tự port game lên nền tảng riêng do chính mình xây dựng, phát triển, các ông lớn có thể nắm trọn doanh thu cũng như kiểm soát được cộng đồng fan của trò chơi đó. Từ đó họ có thể phân tích và đưa ra những chiến lược phù hợp cho cộng đồng. Fortnite là một ví dụ điển hình khi Epic Games có thể hưởng toàn bộ doanh thu từ trò chơi này đem lại trên PC và mới đây nhất là bản Fortnite mobile cũng nghỉ chơi với Google Play.
Tuy nhiên câu chuyện này lại không phù hợp với các hãng game nhỏ hơn. Chi phí và thời gian để xây dựng ra một nền tảng riêng và xây dựng cộng đồng từ con số 0 không hề nhỏ. Vậy nên các hãng game indie vẫn cần phải có Steam để giới thiệu trò chơi của mình tới cộng đồng.
Một lý do khác nữa cho việc chuyển mình của các ông lớn chính là cộng đồng người hâm mộ. Trên thực tế, các hãng lớn đã âm thầm phát triển một nền tảng bán game riêng cho mình, nhưng xét về mặt cộng đồng, Steam vẫn đứng số một nên thời gian đầu họ cần Steam để thu lại cho mình một lượng lớn người dùng trước đã.
Họ chấp nhận hi sinh một khoản lợi nhuận cho Steam để có thời gian tìm hiểu, chăm chút, phát triển kênh của riêng mình, lại vừa có thể từ Steam tập hợp ra được cộng đồng fan riêng cho mình. Khi thời điểm chín muồi, có trong tay người hâm mộ trò chơi của mình, có chiến lược phát triển kênh bán game dài hạn, các ông lớn tự khắc sẽ bỏ qua Steam.
Với những series game đã đạt được tiếng tăm lớn sau một thời gian dài, có đông đảo lượng người hâm mộ, không có lý do gì để các hãng game lớn không đưa chúng về nền tảng của riêng mình cả.
Blizzard là người khởi xướng cho chuyện này khi các game của họ đều chỉ có trên Battle.net nhưng vẫn có được lượng người chơi lớn. Và khi Activision Blizzard trở thành một đế chế độc lập gần như hoàn toàn với Vivendi, không có lý do gì để Activision không bắt đầu kế hoạch đưa toàn bộ sản phẩm của mình lên Battle.net cả.
EA hiện tại cũng có rất nhiều ưu đãi cho viêc mua game trên Origins, nhiều khả năng sắp tới tất cả các trò chơi, kể cả các công ty con thuộc EA cũng sẽ được đưa toàn bộ lên Origins chứ không hợp tác với Steam nữa.
Và... Uplay???
Đúng vậy, kể cả khi các hãng game lớn rút toàn bộ sản phẩm của mình lên Steam thì nền tảng từ Valve vẫn sẽ sống tốt. Khi thời điểm đó xảy ra, chắc chắn Steam sẽ có một sự thay đổi lớn nhưng ít nhất trong thời điểm hiện tại và tương lai gần, việc các ông lớn dần chia tay Steam vẫn không gây quá nhiều tổn hại cho nền tảng này.
Valve và Steam vẫn bá đạo trong việc nắm giữ cộng đồng. Đây vẫn là nơi quen thuộc nhất cho các game thủ mua bán game. Ngoài game ra, Steam cũng có các hoạt động khác bên lề như Trading Card để giữ chân người dùng.
Bên cạnh đó, các hãng game indie vẫn cần có Steam để phát triển cho các trò chơi của mình. Đây cũng có thể được coi là cơ hội lớn cho các trò chơi indie. Khi các tựa game AAA dần dần được các ông lớn đưa về nền tảng riêng của mình, Steam nhiều khả năng sẽ có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các hãng nhỏ lẻ.
Ở thời điểm hiện tại, Steam, GOG vẫn là 2 cái tên dẫn đầu trong thị trường mua bán game digital trên PC (không tính các trò chơi của Blizzard trên Battle.net). Nhưng tương lai cho ngành công nghiệp game là người chơi sẽ có nhiều hơn những sự lựa chọn để mua bán cũng như trao đổi các trò chơi với nhau. Steam không thể chết được nhưng nó sẽ mất dần vị trí thống lĩnh trong ngành công nghiệp game digital.
Nhưng điều này cũng mang lại lợi ích nhất định cho game thủ. Khi các ông lớn bán game digital trên nền tảng của riêng mình, người dùng có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc phân loại các trò chơi của mình, có được nhiều nguồn doanh thu hơn ngoài Steam.
Nếu nhìn xa hơn thì đây chính là một cuộc nội chiến chuẩn bị diễn ra trên hệ máy PC. Các ông lớn không chỉ cạnh tranh nhau về video game, họ còn phải cạnh tranh với nhau bằng các trang bán lẻ của chính mình, tạo ra một hệ sinh thái giống như cách mà Steam đã, đang làm hoặc có thể sẽ phát triển hơn.
Suy cho cùng, các ông lớn đấu đá nhau thì bên hưởng lợi nhiều nhất vẫn là game thủ. Trừ việc bạn sẽ phải nhớ thêm chục cái tài khoản của mỗi kênh như Battle.net, Uplay, Origins, Epic...