Chưa còn bao lâu nữa, phần Odyssey của series về những gã sát thủ huyền thoại Assassin's Creed sẽ ra mắt công chúng. Có quá nhiều thứ mới để nói về tựa game này: bối cảnh mới, câu chuyện mới, thời đại mới và rất nhiều cái cần phải luận bàn thêm. Duy chỉ có một việc đến giờ Mọt Game vẫn cứ mãi băn khoăn: Liệu chúng ta còn lại gì của Assassin's Creed?
Đương nhiên chủ đề này chả bao giờ mới cũng chẳng khi nào cũ cả. Nhưng ai từng chơi và say mê dòng game ám sát kinh điển này cứ nhắc mãi từ thời Black Flag, thời đại mà một tay cướp biển lẫy lừng trong bộ áo trùm che kín đầu đi xiên đẹp những tên ác nhân. Cái motip nghe thì có vẻ hay và thú vị đấy, nhưng nó cũng chính là mở đầu cho sự đổi thay, cho hình ảnh càng ngày càng khác xa với những di sản mà 3 phần đầu làm được.
"We work in the dark to serve the light" lời giáo huấn của Ezio Auditore chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí những ai đã lỡ yêu thích những tên sát thủ này. Một câu nói chứa đầy hàm ý và sâu sắc, nhưng bọn tiểu sinh sau này lại không thể. Hãy nhìn cái cách Edward, kẻ khởi đầu mọi sự, trở thành một sát thủ ra sao. Bạn có thể ám sát hay không ám sát tùy bạn, giải cứu thế giới hay dong buồm lênh đênh trên biển cũng không ép buộc, hay cả bạn có muốn là sát thủ hay là một tên cướp biển cũng tùy bạn nốt. Chả có ai và cũng chả có kẻ nào có thể điều khiển hay chi phối quyết định của bạn. Thật khác với ngày xưa, khi sát thủ chỉ có một nhiệm vụ là trung thành và làm sát thủ, thì bây giờ có lẽ do thời buổi phát triển, kinh tế khó khăn nên hội Brotherhood mới phải đa nghề đa nhiệm như vậy.
Lấy một ví dụ nữa cho dễ hiểu là Syndicate nhé. Lần này chúng ta vào vai hay anh em sinh đôi nhà Frye, mang theo di nguyện của ba mà khăn gói lên London đầy hoa lệ để đổi đời, à nhầm, làm sát thủ để giành lại quyền lực và sức ảnh hưởng của hội Brotherhood trước Templar tại đây. Nhiệm vụ cơ bản là thế nhưng game lại đưa chúng ta quá nhiều việc phải làm và giải quyết. Cứ nghĩ sẽ chỉ lên kế hoạch ám sát những yếu nhân bên phe địch, nhưng cảm giác của Mọt tui khi chơi cứ ngỡ mình là một tên du côn đầu đường xó chợ thì đúng hơn là một sát thủ lạnh lùng và kín đáo. Thực chất thì hai anh em họ chỉ có đi đánh nhau, giành giật địa bàn với kẻ khác. Mà cũng chả cần phải lén lén lút lút chi cho nó cực, thấy đủ mạnh thì cứ lao vào đấm nhau cho nó xong. Cùng lắm thì không được thưởng tối đa thôi chứ về cơ bản vẫn chơi một cách hoàn toàn bình thường mà chả cần cố gắng chút nào. Nhiều khi chơi Syndicate, người viết tôi có cảm giác mình đang chơi Sleeping Dogs, khác mỗi bối cảnh và thời đại mà thôi (không tính vụ điều khiển cùng lúc hai nhân vật). Cũng chuyện giang hồ, cũng tìm cách hạ những ông trùm ở những căn cứ, sao Wei Shen không kiếm cái mũ trùm đầu mặc cho đẹp nhỉ. Và cũng đừng nhắc đến Mafia III vì cái cơ chế chiếm lãnh địa mở thế lực nó là core gameplay rồi.
Mà không chỉ đám hậu bối, mà nhiều khi tiền bối cũng không khác biệt chút. Có ai công nhận Assassin's Creed Origins nên đổi tên thành Warrior's Creed Origins không. Cụ Bayek nhà ta còn bá khí hơn khi mang lỉnh kỉnh nào đao nào kiếm, cung tên các thứ đi vòng vòng ngoài đường như chốn không người. Dù ông ấy có gốc là một Medjay đi chăng nữa, thì ai đời lại đi làm sát thủ mà như thế bao giờ. Mà suy cho cùng cũng có thể thông cảm đi khi Bayek và Aya thời đó cả Hidden Blade còn phải chia đôi như vợ chồng mặc chung cái quần, vẫn chưa có một luật lệ nào cho Brotherhood cả. Nhưng xét về phương diện game thì hình ảnh chúng ta thấy trong Origins thực khác xa quá.
Giờ quay lại với Odyssey, lần này game thủ có thể mong đợi gì từ Ubisoft? Nhìn quả gameplay xong, Mọt Game có cảm giác như mình đang chơi một bản mod trang phục và bối cảnh của Origins, còn lại chả có cái gì cho thấy đây là một tựa game hoàn toàn mới cả. Đương nhiên không thể phủ nhận công sức đã bỏ ra để tựa game nhìn cực kỳ sống động như vậy. Nhưng "chiếc áo không làm nên thầy tu", chả lẽ nhà phát hành nghĩ rằng game thủ giờ dễ dãi lắm, không cần quá cố gắng vẫn có thể bắt họ móc tiền đều đều ra hay sao? Rồi còn game thủ nữa, phải chăng đã không còn mặn mà với những giá trị xưa cũ? Rồi còn Assassin's Creed, cứ làm mãi theo cách này thì nó có còn là Assassin's Creed mà chúng ta từng biết đến và yêu mến nữa không?
Đến cuối cùng thì, game mới ra thì fan vẫn cứ vào mua thôi (Mọt tui cũng đang cân nhắc), nhưng thú thật thì sự háo hức như hồi còn bé hóng chờ đã không còn nữa rồi. Thay vào đó là sự chấp nhận một cách "sao cũng được". Assassin's Creed Odyssey có thể bán chạy đấy, lợi nhuận cũng nhiều đấy, chỉ là giờ người ta nhớ đến nó như một game hack'n slash, chứ không phải là một tựa game ám sát kinh điển nào đó nữa rồi.