Phụ Lục
Để tiếp nối phần đầu tiên của những tựa game có khả năng phá hỏng tuổi thơ của game thủ, chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau điểm qua những điều bí ẩn xoay quanh một số thương hiệu đình đám, từng một thời làm mưa làm gió ở khắp các diễn đàn trên toàn thế giới, chẳng hạn như series The Legend of Zelda (Truyền thuyết về Zelda) hay thậm chí là tựa game xếp gạch Tetris nổi tiếng. Hãy cùng Mọt Game bắt đầu nhé!
Chúng ta sẽ bắt đầu với The Legend of Zelda - một trong những thương hiệu nổi tiếng và lâu đời nhất của nhà phát triển Nintendo, cụ thể hơn là bản game The Legend of Zelda: Majora’s Mask. Hầu hết các phiên bản của loạt game này (bao gồm cả Majora’s Mask) đều xoay quanh Link – một chàng dũng sĩ trẻ tuổi của xứ Hylian và những cuộc phiêu lưu giải cứu công chúa Zelda của anh.
Không những thế, series này còn được đánh giá là sự kết hợp hoàn hảo giữa những yếu tố đặc trưng của thể loại hành động nhập vai và lối chơi phiêu lưu hành động. Tuy nhiên, rất ít ai biết rằng chính bản thân Majora’s Mask thực chất vẫn còn ẩn chứa rất nhiều thứ kinh khủng, khiến nó trở thành một trong những tựa game có khả năng phá hỏng tuổi thơ của người chơi. Vào khoảng năm 2010, chẳng biết từ đâu lại xuất hiện những điều bí ẩn, đáng sợ xoay quanh bản game Majora’s Mask, nói đúng hơn là câu chuyện creepypasta nói về Haunted Majora’s Mask hay còn được biết đến với tên gọi là Ben Drowned (Ben bị chết đuối).
Chuyện kể về một game thủ giấu tên, vì muốn có được một vé quay lại tuổi thơ, nên đã quyết định sẽ mua lại một chiếc băng điện tử Majora’s Mask từ một gã bán đồ cũ. Nhưng ngay khi vào game, dự tính sẽ bắt đầu những cuộc phiêu lưu, anh liền nhận ra có điều gì đó bất ổn với tựa game này. Khác với những bản game mà anh đã từng chơi trước đây, tất cả các NPC trong phần này thay vì gọi nhân vật chính là Link, thì họ lại gọi là Ben, một cái tên lạ hoắc chưa bao giờ xuất hiện trong dòng game The Legend of Zelda.
Chưa dừng lại ở đó, những thứ tiếp theo còn khiến cho anh chàng game thủ cảm thấy sợ hãi hơn bao giờ hết là những hình ảnh bóng ma rùng rợn và cực kỳ kinh khủng của nhân vật Link, luôn thoắt ẩn thoắt hiện và lẽo đẽo theo sau nhân vật mà người chơi đang điều khiển. Kèm theo đó là những bản nhạc nền quái lạ chưa bao giờ xuất hiện trong phần game gốc. Quá sợ hãi với những gì đang diễn ra, anh liền nhanh tay khởi động lại game và tìm cách xoá đi bản save Ben nhưng dù cho cố cách mấy vẫn không thể nào làm được.
Càng bấm nút "Delete", trò chơi càng trở nên điên loạn hơn, thậm chí chẳng biết từ đâu còn xuất hiện một bản save khác có tên là “drowned” (chết đuối). Cứ vậy mãi đến một lúc nào đó, phiên bản ma ám của Majora’s Mask bỗng dưng “hoá điên” và "viết" lên màn hình tivi một dòng chữ: “Đáng lý ra mày không nên làm thế, MÀY SẼ LÀ ĐỨA KẾ TIẾP ĐẤY!” (Nguyên văn: You shouldn’t have done that, YOU’RE NEXT).
Viết đến đây thôi mà thấy lạnh cả sống lưng tuy nhiên, cho dù đây chỉ đơn giản là một mẫu truyện creepypasta hư cấu, tương tự như Ngôi làng Lavender Town trong game Pokémon: Red & Green mà Mọt tui đã kể trước đó, nhưng Mọt tui nghĩ rằng qua câu chuyện được kể ở trên, Majora’s Mask sẽ trở thành một trong những tựa game phá hỏng tuổi thơ của rất nhiều fan hâm mộ gạo cội.
Game Xếp Gạch hay còn gọi là Tetris, là một thương hiệu “xưa như Trái Đất”, gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều game thủ thuộc thế hệ 8x 9x, đồng thời cũng là một trong những tượng đài bất diệt của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Trò chơi được phát triển và chính thức phát hành vào ngày 6 tháng 6 năm 1984 bởi hai kỹ sư phần mềm người Nga tên là Alexey Pajittnov và Vladimir Pokhilko.
Xuyên suốt những năm 80 của thế kỷ 20, tuy có rất nhiều biến thể của của Tetris đã được ra mắt trên thị trường quốc tế, song chỉ riêng phiên bản dành riêng cho hệ máy chơi game cầm tay Gameboy mới thực sự là một trong những trò chơi thịnh hành nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, hầu hết không ai biết được ẩn sâu bên trong những sự thành công đó lại là kết thúc bi thảm của một gia đình. Bên dưới là những sự kiện có thật, nên mọi người cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé.
Vladimir Pokhilko - đồng sáng lập của thương hiệu Tetris đình đám, đồng thời cũng là nhà tâm lý học đầu tiên khởi xướng cho việc tận dụng thế mạnh của game xếp gạch nổi tiếng, nhằm mục đích thực hiện những cuộc thí nghiệm và tìm ra những bước đột phá mới trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, chẳng hạn như Thuyết tính toán (Theory of Computation), Thuyết thuật toán (Algorithmic theory) và cuối cùng là Tâm lý học Nhận thức (Cognitive Psychology).
Vào năm 1989, Vladimir (cùng với Alexey) quyết định thành lập công ty phần mềm AnimaTek, đặt trụ sở tại Moscow. Tuy nhiên, sau khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính, cũng như áp lực đến từ chính bản thân nhà đồng sáng lập, Vladimir dần hoá điên và thẳng tay sát hại cả vợ và con trai của mình là Elena Fedotova (38 tuổi) và Peter (12 tuổi).
Sau đó ông tự sát bằng cách tự rạch cổ mình nhưng trước khi thực hiện những điều kinh khủng đó, Vladimir đã để lại một bức thư tuyệt mệnh với nội dung rất chi là đáng sợ, như thể ông không còn tự chủ được những hành động của mình nữa: “Tôi đang bị ăn sống. Vladimir. Chỉ cần nhớ rằng tôi luôn tồn tại. Đồ quỷ dữ”. Nguyên văn: “I've been eaten alive. Vladimir. Just remember that I am exist. The davil (được cho là cách đọc lái của từ devil – quỷ dữ)”.
Nhìn chung câu chuyện gây ám ảnh nói trên ít nhiều gì cũng khiến cho game xếp gạch trở thành một trong những game có khả năng phá hỏng tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ game thủ. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng Tetris nhất định là một trong những tựa game có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Và mãi cho đến tận bây giờ, trò chơi vẫn còn mang lại giá trị giải trí rất cao, thậm chí còn trở thành một trong những bộ môn thể thao trí tuệ hàng đầu thế giới.
Tuy đây chẳng phải là những câu chuyện, những điều bí ẩn khiến cho huyền thoại game bắn súng góc nhìn thứ nhất Counter-Strike trở thành một tựa game có khả năng phá hỏng tuổi thơ của mọi người. Nhưng Mọt tui nghĩ cũng nên nhắc đến một chút vì nội dung của nó cũng khá là… hài hước.
Năm 2010 có một thanh niên người Pháp (Mọt tui sẽ gọi đây là A để cho mọi người tiện theo dõi) khi đang chơi Counter-Strike thì bất ngờ bị một game thủ khác của team địch (gọi là B) “móc lốp” và dùng dao “xiên” chết tại chỗ. Vì quá tức giận, nên anh A đã dành ra 6 tháng để truy cho bằng được địa chỉ thật của kẻ đã hạ nhục mình trong trò chơi điện tử, là anh B. Hoá ra nhà của cả hai đều trong địa phận thành phố Paris.
Ngay sau khi tiếp cận được mục tiêu, thanh niên A liền rút hung khí ra (là một con dao bếp) và đâm vào ngực anh B, sau đó hắn liền nhanh chóng tẩu thoát. May mắn thay, nhát dao chỉ đâm sượt tim của nạn nhân và 1 tiếng sau, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khống chế và bắt được kẻ hành hung. Tại phiên toà xét xử, thanh niên A đã bị kết án 2 năm tù vì tội cố ý gây thương tích cho người khác, kèm theo đó là lời nhận xét của Chủ toạ: “Anh là một mối nguy hại cho xã hội.”