Phụ Lục
Tetris, hay còn gọi là Xếp gạch là tựa game gần như game thủ nào cũng đều biết và đã từng chơi qua. Cho tới tận bây giờ, Mọt tui vẫn hàng đêm cày Tetris trên chiếc smartphone của mình. Có thể nói đây là trò chơi chơi thành công nhất và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử ngành công nghiệp game.
Không giống như phần lớn các sản phẩm video game khác, Tetris có màn ra mắt không cầu kỳ rườm rà, không hình ảnh lạ mắt, không nhân vật hay câu chuyện đáng nhớ. Tất cả mọi yếu tố ở Tetris đều rất đỗi bình thường. Thậm chí người làm ra nó ban đầu cũng chỉ có mục đích cho vui. Cuối cùng, từ một trò chơi rất đỗi bình thường đó đã lan tỏa ra toàn bộ thành phố Moscow, Nga. Cuối cùng là tất cả những ông lớn trong ngành game đều muốn tranh giành thương hiệu Tetris này. Lịch sử phát triển của Tetris thực sự kỳ lạ.
Câu chuyện bắt đầu với một kỹ sư phần mềm, với niềm đam mê giải đố, có tên Alexey Pajitnov. Ông đã sáng tạo ra trò chơi Tetris vào năm 1984, khi đang làm việc trong Trung tâm điện toán Dorodnitsyn thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô. Pajitnov là người không có ý định kiếm tiền dựa trên sự sáng tạo của mình, ông thiết kế trò chơi chỉ để bản thân được vui vẻ, cũng như là một cách tự thử thách giới hạn của chính mình.
Cảm hứng của Pajitnov được lấy từ một trò chơi giải đố có tên Pentominos. Trò chơi này cho phép người chơi tự do xếp một khúc gỗ theo nhiều hình dáng khác nhau từ 5 hình vuông bằng nhau trong một chiếc hộp. Sau đó, ông đã tưởng tượng các hình dáng khác nhau rơi từ trên cao xuống, người chơi sẽ điều khiển chúng vào vị trí thích hợp.
Pajitnov đã điều chỉnh lại còn 4 hình vuông bằng nhau kết hợp thành nhiều hình dáng đa dạng hơn và lập trình tựa game này trong thời gian rảnh rỗi. Cuối cùng ông đặt tên trò chơi của mình là Tetris. Cái tên này được bắt nguồn từ “Tetra” và “Tennis”. Tetra là một tiền tố trong tiếng Latin mang ý nghĩa là số 4, ám chỉ mỗi hình dáng trong trò chơi đều được tạo thành bởi 4 ô vuông bằng nhau; còn Tenis là một môn thể thao yêu thích của Pajitnov.
Khi ông bắt đầu chia sẻ thành quả của mình với các đồng nghiệp, họ đã bị mê hoặc và liên tục chơi không ngừng nghỉ. Những người đầu tiên chơi Tetris đã copy và chia sẻ trò chơi trên các đĩa mềm và nó nhanh chóng lan rộng khắp thành phố Moscow của Nga. Khi Pajitnov gửi một bản sao cho đồng nghiệp ở Hungary, nó đã được trưng bày trong một buổi triễn lãm phần mềm tại Viện Công nghệ Hungary. Cuối cùng, Tetris đã được Robert Stein, chủ sở hữu của công ty Andromeda Software, để mắt tới.
Tetris đã ngay lập tức hấp dẫn Stein và muốn có bản quyền của trò chơi. Tuy nhiên, Tetris khi đó thuộc về Elektronorgtechnica (gọi tắt là Elorg), một cơ quan mới do Liên Xô thành lập để giám sát việc phân phối phần mềm do Liên Xô sản xuất. Elorg đã cấp phép tựa game này cho Stein, rồi sau đó ông cấp phép lại cho các nhà phân phối tại Anh và Mỹ.
Tetris chính là phần mềm đầu tiên do Liên Xô tạo ra được bán tại Mỹ.
Vào thời điểm Robert Stein được đồng ý cấp phép Tetris, thỏa thuận với Elorg khi đó chỉ là giấy phép trên máy tính cá nhân, chứ không phải với máy chơi game hoạt động bằng tiền xu hay các thiết bị cầm tay. Tuy nhiên, Stein chắc như đinh đóng cột với Mirrorsoft (không phải Microsoft) của Anh rằng mình sẽ sớm có những quyền đó trong tay. Mirrorsoft đã tiến hành ký kết các thỏa thuận cấp phép với công ty Atari và Sega của Nhật Bản cho các ki-ot arcade và máy console.
Trong khi đó, Henk Rogers của BulletProof Software cũng đã để mắt tới việc môi giới các giao dịch liên quan tới Tetris tại Nhật và bảo đảm quyền phân phối trò chơi trên máy tính cùng máy chơi game của Nintendo, thông qua nhà phân phối Spectrum HoloByte của Mỹ.
Nhưng điều đáng chú ý ở đây là cơ quan Elorg của Liên Xô, người sở hữu hợp pháp Tetris hoàn toàn không biết gì về những thương vụ hay những thỏa thuận này. Hợp đồng duy nhất mà Elorg ký là thỏa thuận với Robert Stein về quyền phân phối trên máy tính, và không gì khác.
Mặc dù các quan chức tại Elorg hết sức phẫn nộ với Rogers về hành động không xin phép trước, nhưng cuối cùng cơ quan này cũng đồng ý cho Rogers có thể bảo đảm các quyền cho máy chơi game cầm tay của Nintendo. Còn về phía Atari, công ty này có quyền phân phối game trên máy arcade. Điều này đã khiến cho công ty Atari rơi vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh thị phần và họ đã sử dụng mánh khóe phát hành Tetris trên các máy chơi game thông qua một công ty con có tên Tengen.
Một “cục gạch” nhỏ nhắn với màn hình đen trắng khá bình thường, nhưng chính Game Boy lại là thứ mở đầu cho một đế chế trị giá hàng tỷ đô của Nintendo.
Điều này đã dẫn tới một cuộc chiến pháp lý giữa Nintendo và Atari. Cuối cùng, Nintendo được tòa án phán quyết là công ty duy nhất được phép phân phối Tetris trên các máy chơi game. Tuy nhiên, vụ kiện này vẫn dai dẳng trong nhiều năm. Nintendo nhanh chóng xây dựng củng cố và phát triển tên tuổi của mình thông qua Tetris trên huyền thoại Game Boy.
Khoảng thời gian sau đó, Tetris càng trở nên phổ biến hơn, nhưng Pajitnov, người tạo ra trò chơi lại gần như bị lãng quên. Ông khi đó không tham gia vào các cuộc đàm phán, không thu lại được lợi nhuận do bên Elorg hoàn toàn nắm giữ. Theo báo cáo của SFGate vào năm 1998, Alexey Pajitnov đã bỏ lỡ 40 triệu USD tiền bản quyền từ Tetris.
Tuy nhiên, Alexey Pajitnov và Rogers đã trở thành bạn bè. Chính Rogers đã giúp Pajitnov sang Mỹ vào năm 1991 và cống hiến tài năng của mình cho công ty thiết kế game của chính ông rồi sau đó là Microsoft. Tới năm 1996, khi Elorg giải thể, Rogers đã quay trở lại Moscow, tham gia vòng đàm phán cuối cùng – trả Tetris lại cho chính người đã tạo ra nó, Alexey Pajitnov.
Sau cùng, ông đã thành lập công ty Tetris, khôi phục lại các quyền sở hữu đối với thương hiệu Tetris. Kể từ đó, Alexey Pajitnov nhận được tiền bản quyền từ các phiên bản mới của Tetris. Khi có tiền và có một công ty về game, Pajitnov cũng đã tạo ra tương đối nhiều trò chơi tiếp theo, nối bước Tetris, nhưng đáng tiếc là không có bất cứ trò chơi nào thu hút được thế hệ game thủ hiện đại. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là Hexic, một trò chơi giải đố ra mắt vào năm 2003 và thường xuyên được tái phát hành trên các nền tảng mới.
Với Tetris, Pajitnov cho rằng tựa game này thuộc một thể loại hoàn toàn mới. Theo nghĩa đó, bất cứ trò chơi giải đố dạng xếp gạch hay xếp đá quý hiện đại nào, từ Bejeweled cho tới Candy Crush Saga, đều dựa trên thành công mà Tetris gây dựng được. Điều này có lẽ chúng ta khó có thể phủ nhận, bởi Tetris đã trở thành một văn hóa toàn cầu. Bất cứ công dân thuộc quốc gia nào, bất cứ game thủ thuộc thế hệ nào cũng đều biết tới Tetris.