Cái tên đầu tiên tôi muốn đề cử là Hotel of Mask hay “Khách sạn những chiếc mặt nạ” của nhà PapaBox, cũng là tựa game giải đố đầu tiên tôi trải nghiệm trên điện thoại trước khi biết đến Áo Cưới Giấy.
Trong game, bạn sẽ vào vai cô gái bí ẩn, vô tình lạc đến một khách sạn kỳ lạ với những vị khách cũng kỳ lạ không kém. Và theo mô típ thường thấy của những tựa game giải đố, ta sẽ không nhớ mình là ai, đây là đâu và tại sao ta lại ở đây. Đến đây chắc bạn sẽ nghĩ công việc của chúng ta trong trò chơi là giúp nhân vật chính lấy lại kí ức đúng không? Ừ thì cũng đúng đó, nhưng chỉ đúng một nửa thôi.
Trong trò chơi có tất cả 7 căn phòng, mỗi căn phòng có một vị khách bí ẩn đang cư ngụ, và họ chính là người nắm giữ kí ức kiêm cản trở nhân vật chính lấy lại kí ức. Cứ một ngày trôi qua, bạn sẽ mở khóa thêm một căn phòng mới, và ta sẽ có tất cả 7 ngày để lấy lại toàn bộ kí ức, hay thậm chí là thủ tiêu cả chủ căn phòng đó. Sau khi hết 7 ngày, dù có lấy lại kí ức hay không thì bạn vẫn sẽ đến với ngày “Hành quyết”, đánh dấu sự kết thúc của trò chơi.
Vậy, tại sao tôi lại nói việc lấy lại kí ức chỉ là một phần của trò chơi? Vì những kí ức bạn lấy được không hề rõ ràng, và nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến kết thúc của game. Thứ quyết định bạn lên thiên đàng hay xuống đáy xã hội phụ thuộc vào hành động và lựa chọn của bạn trong suốt 7 ngày. Yep, đây cũng chính là điểm thu hút của trò chơi, vì tin tôi đi, dù bạn lựa chọn kiểu gì thì bạn cũng sẽ té dập mặt vì cú twist căng đét ở đoạn cuối thôi. Cơ mà hơi chán tí là game ngắn quá, tôi chơi tầm 1 tiếng rưỡi là hết game rồi, phải mà game dài thêm tí thì tốt.
Đồ họa của game không hẳn đẹp, nhưng nhìn hơi quái quái, hợp với bầu không khí của trò chơi. Những câu đố trong game cá nhân tôi đánh giá là không khó, khổ cái là mấy câu đố toán học hơi nhiều nên bạn nào có thù với môn toán chắc sẽ thấy khá nhức não. Thêm nữa là, mấy câu đố trong game không có gợi ý cụ thể, mà có thì nó cũng chẳng nằm trong một khu vực cố định, nên nếu không quen chơi mấy game giải đố thì bạn chắc cũng phải tốn kha khá thời gian để mò đấy.
Điểm cộng là game này không hề có jumpscare, màu trong game cũng sáng, nên bạn nào muốn chơi giải đố mà sợ ma thì cứ vô tư, tắt nhạc nền game, thay bằng nhạc bé Xuân Mai là cân được tất. À, con game này được cái là miễn phí, không có quảng cáo xen giữa chừng, cũng chẳng cần phải ngồi chờ hồi năng lượng nên bạn có thể chơi một lèo luôn. Tôi thấy tiếng Anh trong game này toàn mấy câu cơ bản dễ hiểu, với chủ yếu là gameplay chứ chẳng có thoại gì nhiều, nên anh em nào có thù với môn Anh chắc vẫn chơi được. Cá nhân tôi đánh giá con này đáng thử, phù hợp với những bạn sợ ma, không thích jumpscare nhưng vẫn thích chơi game giải đố nhé.
Park Escape là con game thứ hai tôi chơi sau khi phá đảo Hotel of Mask, và con này cũng của nhà PapaBox luôn. Con này thì hơi nặng đô hơn Hotel of Mask vì bối cảnh của nó là khu vui chơi bị bỏ hoang nên bầu không khí trong trò chơi đáng sợ và rùng rợn hơn, nhưng game vẫn không có jumpscare, nên anh em cứ yên tâm, không cần đóng bỉm khi chơi game đâu. Còn nếu thấy rén quá thì cứ tắt tiếng game rồi bật nhạc Xuân hoặc Vinahey lên nhé.
Cốt truyện game này được chăm chút hơn, không còn úp úp mở mở như Hotel of Mask, nên không có cảm giác bí ẩn bằng. Bù lại cốt truyện càng về cuối càng cuốn, và để mô tả thì tôi thấy nó hơi giống Bệnh viện số 13. Trong game này, ta sẽ hóa thân vào hai viên cảnh sát, đặt chân đến công viên giải trí bị bỏ hoang để điều tra về vụ trẻ em mất tích hàng loạt. Nhưng khi càng đi sâu vào điều tra, họ sẽ càng nghi ngờ về kẻ đứng sau bức màn, liệu gã là người… hay là một linh hồn báo thù trở về từ địa ngục?
Nghe là thấy cuốn rồi nhỉ? Cốt truyện game hay thì hay đấy, nhưng cái kết cuối bỏ ngỏ quá, với cũng không có plot twist nên tôi thấy thất vọng. Nhưng đó là ý kiến chủ quan của tôi thôi, còn trải nghiệm cụ thể thế nào thì các bạn cứ tải về chơi thử đã nhé, vì game miễn phí mà.
Ngoài ra, tôi thấy Park Escape có nhiều đoạn đối thoại gợi ý giải đố hơn Hotel of Mask, nên nó dễ chơi hơn, nhưng với những bạn chỉ chơi game để giải đố thì chắc sẽ thấy mấy đoạn đối thoại hơi lằng nhằng. Bù lại câu đó trong game khá là khó, nếu Hotel of Mask có nhiều câu đố toán học thì tôi thấy Park Escape đa phần là giải đố kiểu mật thư, mã Morse, nên vừa chơi chắc phải vừa tra google.
À thì, nếu không giải ra, bạn vẫn có lựa chọn xem video để xin gợi ý. Nhưng, đây cũng là thứ khốn nạn của con game này. Game hạn chế lượt xem quảng cáo, 5 lượt hay 10 lượt gì đấy tôi không nhớ rõ, nhưng chắc chắn là không đủ để bạn phá đảo hết mấy câu đố căng kèo trong game. Lượt xem quảng cáo sẽ không reset, nên nếu lỡ dùng hết lượt là bạn phải chờ hoặc mua bằng tiền thật, nếu không là coi như hết cứu.
Bù lại, trên youtube có nhiều video hướng dẫn giải đố chi tiết, nên tôi nghĩ điểm trừ này cũng không lớn lắm, cơ mà chơi game giải đố mà xem hướng dẫn thì hỏng hết trải nghiệm game, nên thôi vẫn trừ điểm để tránh mấy ông bảo tôi ăn tiền quảng cáo :))). Ngoài lề tí thì PapaBox chuyên về game giải đố trên điện thoại, ngoài Park Escape với Hotel of Mask tôi đánh giá cao ra thì nhà này còn vài con game khác chơi cũng được lắm, nói xuất sắc thì không tới, nhưng để giải trí thì không thành vấn đề. Nên nếu chơi xong hai con game này mà còn thèm thì bạn có thể tìm thêm game của nhà này để chơi tiếp nhé.
Và nếu Park Escape với Hotel of Mask là hai con game ngắn, chơi để động não sau những giờ bay nhảy vô tri ở Bình Dương vô tận thì Tasokare Hotel của nhà SEEC có thể xem là một tầm cao mới.
Anh em nào từng chơi game của nhà SEEC thì chắc biết đây là nhà phát hành lão làng của Nhật rồi nhỉ? Nên tổng quan game này chẳng có gì để chê cả. Nhạc nền, ổn. Đồ họa, đẹp. Cốt truyện, vừa nhân vặn vừa dảk vừa máu cún. Nhiều lúc chơi mà tôi phải thốt lên đờ cờ mờ vì cốt truyện cua gắt quá. Thêm nữa, game lấy đề tài huyền bí chứ không phải kinh dị nên không có jumpscare hay ma quỷ nhào ra say hello đột ngột đâu, bạn nào sợ ma, thù quỷ, không muốn giao du với cô hồn vẫn chơi được bình thường, không phải xoắn nhé.
Trong Tasokare, ta sẽ vào vai một cô bé tên Neko đột nhiên về chầu ông bà, lưu lạc đến khách sạn Tasokare nằm giữa hai cõi âm dương. Theo thiết lập trong game, khách sạn Tasokare chuyên tiếp đón linh hồn những người bị mất ý thức và những người qua đời mà không biết tại sao mình lại về với ông bà. Và đương nhiên là bạn có thể ăn, ở vô thời hạn và trải nghiệm tất cả dịch vụ tại đây mà không phải trả bất kì chi phí nào.
Nhưng ông bà ta đã nói, nhàn cư vi bất thiện, ăn không ngồi rồi hoài cũng chán, vậy nên nữ chính quyết định xin vào đây làm công và nhận nhiệm vụ giúp đỡ các vị khách tìm ra nguyên nhân họ đến đây, để giúp họ yên nghỉ hoặc tỉnh lại ở thế giới thật.
Không nhận tiền quảng cáo đâu nhé, nhưng cá nhân tôi thấy Tasokare Hotel là một tựa game dung hòa cả hai yếu tố cốt truyện và gameplay. Ta vừa có thể giải đố, lại vừa có thể tận hưởng một câu chuyện cực kỳ sâu sắc. Đặc biệt, mỗi chương của trò chơi lại kể câu chuyện về một vị khách khác nhau, có thể tốt, có thể xấu, nhưng tổng quan lại, những câu chuyện trong game đều cực kỳ nhân văn và ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Ờ không, đừng nghĩ game này đầy ánh sáng tích cực, vì nó có nhiều tình tiết dark hơn cả tương lai của tôi nữa, nên bạn nào mà ôm tâm thế game cute lắm, chữa lành lắm thì tin tôi… lành ít dữ nhiều thì có.
Điểm trừ duy nhất với tôi là đây là game chú trọng cốt truyện nên game có rất nhiều thoại, nếu chơi game chỉ để giải đố hoặc thuộc team skip cốt truyện thì kiểu gì bạn cũng sẽ thấy Tasokare chán thôi rồi tổ quốc ta ơi. Để mở khóa các màn chơi cần có vé, mà vé thì mỗi ngày chỉ được có 5 cái, nên chơi tới đoạn gây cấn mà hết vé thì ức chế khỏi tả. Bù lại, nếu chú tâm đọc cốt truyện thì càng chơi lâu, bạn sẽ càng thấy cuốn, nhất là những khi đào sâu về cuộc đời của những vị khách và lí do Neko đến khách sạn.
Ngoài lề tí là phản diện trong game ngầu đét luôn, dù biết là phản diện nhưng tôi đảm bảo là chơi các bạn sẽ đổ anh ta đứ đừ. Tại sao á? Vì phản diện của Tasokare Hotel là một kẻ ác thuần túy, có đủ độ điên và đủ độ thông minh để hack não chúng ta, nên cứ mỗi lần phản diện lên sàn thì kiểu gì cũng nổi da gà. Chị em nào mê game có phản diện đẹp trai thì tin tôi, tải Tasokare Hotel về đi, không uổng phí thời gian đâu.
Thêm một điểm cộng nữa là các nhân vật trong game được xây dựng khá thú vị và không rập khuôn theo kiểu nữ chính yếu đuối, ăn hại gì đâu. Tôi thấy nữ chính Neko tấu hài cực. Mà game này cũng không phải game tình cảm ướt át, nên anh em nào thích kiểu giải đố mà kì thị sến súa thì bảo đảm tải về sẽ không thất vọng. Còn nếu không muốn chơi game nhưng vẫn muốn biết cốt truyện thì Mọt tôi từng làm một video tóm tắt rồi đó, anh em có thể xem lại nhé, sẵn tiện ủng hộ tôi luôn, hi hi.
Nếu là một fan trung thành của tiểu thuyết thể loại kinh dị viễn tưởng và hư cấu kỳ ảo thì chắc chắn bạn đã từng nghe qua tác phẩm kinh điển “Bác sĩ Jekyll và ông Hyde” của nhà văn Robert Louis Stevenson rồi nhỉ? Và yeah, tựa game Jekyll and Hyde của MazM mà tôi chuẩn bị giới thiệu cho các bạn được lấy cảm hứng dựa trên kiệt tác văn học khắc họa rõ nét hai mặt đối lập của con người này..
Với bầu không khí ma mị và cổ điển của Luân Đôn thế kỷ 19, ta đi sâu vào cuộc đời của bác sĩ Jekyll và quý ngài Hyde. Một người là bác sĩ có trình độ cao, sống ở tầng lớp thượng lưu, được muôn người kính trọng, một người lại là tên lưu mang, lang thang trên đường phố và xem giết chóc là một thú vui trong cuộc sống. Hai con người vốn là hai đường thẳng song song, lại có một mối liên hệ khăn khích đến kì lạ. Và chúng ta, sẽ cùng nhau thu thập những manh mối để tìm kiếm sự thật về mối quan hệ giữa bác sĩ và kẻ sát nhân.
Vì cốt truyện trong game được xây dựng theo một kiệt tác văn học, nên độ hay của cốt truyện không phải bàn. Nó có đủ sự gây cấn, xoắn não, lôi cuốn và logic của một câu truyện trinh thám, đảm bảo thỏa mãn người chơi về mọi mặt.
Đồ họa của game được phủ lên màu sắc bí ẩn với những nét vẽ tay tỉ mỉ của các bộ phim hoạt hình những năm 1930. Hay dễ hình dung hơn thì nó tương tự như tựa game sinh tồn kinh điển “Don’t Starve Together”, nên bạn nào thích đồ họa của nhà Klei Entertainment thì tôi nghĩ chắc cũng sẽ thích Jekyll and Hyde.
Còn về lối chơi thì thật ra, Jekyll and Hyde không giống Áo Cưới Giấy lắm, tuy cũng là game giải đố, nhưng thế giới và manh mối của Jekyll and Hyde lớn và rộng hơn rất nhiều, nên bạn sẽ có nhiều không gian để phát triển khả năng quan sát và suy luận của mình hơn.
Điểm bất cập duy nhất tôi thấy ở con game này là nó không miễn phí hoàn toàn, ta chỉ có thể chơi được vài phần đầu, còn về sau thì phải bỏ tiền để mở khóa. Thật ra nếu muốn, bạn vẫn có thể tìm bản mod miễn phí trên mạng, thậm chí là cả việt hóa, nhưng nếu được, tôi hy vọng mọi người có thể đóng góp một hai khoảng tiền bằng vài ly trà sữa Phúc Long hoặc cà phê “Hai lần mất em” cho nhà phát hành, vì tựa game này xứng đáng với điều đó mà.
Nhìn đồ họa thì chắc bạn cũng lờ mờ đoán được rồi nhỉ? Đúng thế, Phantom of Opera là một tựa game khác của MazM, cùng nhà phát hành với Jekyll and Hyde. Và nếu từng nghe nhắc hoặc từng xem vở kịch kinh điển “Bóng ma trong nhà hát” do Lloyd Webber và Richard Stilgoe đồng viết kịch bản thì tin tôi, bạn không nên bỏ qua tựa game này.
Giống với người anh em của mình, câu chuyện trong Phantom of Opera được dựa trên những gì xảy ra trong vở kịch “Bóng ma nhà hát” kinh điển, ta sẽ bước vào một mối tình tay ba huyền thoại của Erik - Christine và Raoul. Nhưng khoan, đừng hiểu lầm đây là một tựa game otome ngang trái nhé, vì chẳng có phân cảnh cưa cẩm nào trong đây đâu. Thay vào đó, ta sẽ trải qua từng cung bậc cảm xúc từ cảm động, bàng hoàng cho đến hồi hộp, gây cấn, như được xem lại tác phẩm gốc, nhưng ở phiên bản dễ hiểu hơn còn cụ thể thế nào thì tôi nghĩ bạn nên tự mình trải nghiệm, chứ nói bây giờ thì lại thành ra spoil hết cốt truyện rồi.
Đồ họa và âm nhạc của Phantom of Opera là một điểm cộng cực kỳ lớn của game. Dù là game điện thoại, nhưng Phantom of Opera có lẽ còn ăn đứt một vài tựa game trên PC. Tựa game sẽ cho ta cảm giác nhập vai hoàn toàn vào bối cảnh nhà hát kịch cổ điển, hoa lệ ở Pháp thế kỷ 19, và chắc chắn nếu là lần đầu trải nghiệm, bạn sẽ cảm thấy như ngừng thở với những gì tựa game mang lại.
À còn có một cái ngoài lề nữa tôi thấy cũng khá thú vị, đấy là game có khá nhiều kết thúc. Nếu bạn nào từng xem tác phẩm gốc, hoặc đọc nhiều tác phẩm văn học cổ điển thì chắc các bạn cũng cảm thấy, cái tình yêu thời đấy nó khá cấn so với tư tưởng hiện tại. Chẳng hạn trong game, nếu nhìn theo góc độ của những người ở thế kỷ 19, ta chắc chắn sẽ cảm thấy tình yêu của Raoul dành cho Christine nó lãng mạn, vượt cả giai cấp, anh yêu em đến thiên trường địa cửu và cao cả không gì sánh được.
Nhưng với góc nhìn của tôi thì… tình cảm của anh trai này toxic và không được heo thì với ba lần cho lắm. Anh ta đúng kiểu nhà giàu được sống trong nhung lụa nên không mở mắt ra nhìn đời, lâu lâu lại làm ra mấy hành động trời ơi đất hỡi mà tôi cũng cạn lời luôn. May mà nữ chính Christine cũng tỉnh, với ending cũng có một kết thúc khá hợp ý tôi, không chắc tôi tức vì hộc máu mất. Nên cộng thêm một điểm cho Phantom of Opera vì nắm bắt tâm lý thời đại nhé.
Và cái tên cuối cùng tôi muốn giới thiệu với các bạn trong ngày hôm nay là Tales of Mirror hay Cổ Kính Ký đến từ Lilith Games và Cotton Game. Nếu nãy giờ chúng ta chỉ tập trung nói về những game giải đố ở bối cảnh hiện đại hoặc ở châu u thì Tales of the Mirror sẽ đưa ta về với châu Á với đồ họa mang đậm phong cách thủy mặc của Trung Hoa.
Tales of Mirror kể câu chuyện về một chàng trai tên Bạch Nhiễm, sở hữu một chiếc gương thần có khả năng nhìn thấy những thứ mà mắt thường không thể nhìn thấy. Trong một lần chu du thiên hạ, Bạch Nhiễm đã cờ chạm mặt thiếu phụ Nhậm Tam Nương đang khóc bên bờ suối. Biết chuyện phu quân Tam Nương vướng vào một vụ án oan, Bạch Nhiễm đã quyết định ra tay nghĩa hiệp, giúp cô điều tra hung thủ thật sự đằng sau vụ án.
Và nếu đã từng quen video tóm tắt cốt truyện Mọt tôi làm cách đây một năm thì chắc chắn bạn sẽ biết cốt truyện trong Tales of the Mirror lắc léo thế nào. Cá nhân tôi đánh giá, con game này không đi sâu theo kiểu phá án như Sherlock Holmes hay Thám tử lừng danh Conan, mà đan xen nhiều câu chuyện khác, mang bầu không khí hơi liêu trai và có phần giống Bao Thanh Thiên với Địch Nhân Kiệt hơn.
Về phần gameplay thì game vẫn theo cơ chế point and click với mạch truyện tuyến tính, mang đến cho bạn trải nghiệm đúng kiểu đi phá án thời xưa, như điều tra hiện trường, hỏi thăm pháp y, lấy lời khai hung thủ, thu thập thông tin từ các bên liên quan, vân vân và mây mây. Cách triển khai câu chuyện khá lôi cuốn, nhưng cái kết thì… hơi không ngờ tới, kiểu đầu voi đuôi chuột ấy.
Nhưng bù lại, tổng quan cả quá trình trải nghiệm đều rất ổn. Game có tiếng Anh, cơ mà hơi nhiều từ hàn lâm nên phải vừa xem vừa ngẫm. Với cả, con game này được bán trên CHPlay chứ không miễn phí, nên với anh em nào hết tiền cuối tháng thì chắc sẽ hơi xu. Đổi lại thì giá tiền của con này chỉ có 69 cá thôi, cỡ một ly Phúc Long hoặc một mẹt bún đậu chứ mấy, và tôi thấy bỏ 69 cá để trải nghiệm con này cũng đáng đó chứ. Bạn nghĩ xem, thay vì bỏ 69 cá để mập thêm vào kilogram, bạn có thể bỏ ra để mua game, nó chưa chắc sẽ làm bạn vui, nhưng chắc chắn sẽ làm bạn tốn tiền đó. Mà tin tôi đi, tốn tiền kiểu này cũng đáng mà.
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~